Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ

Bệnh nhiễm trùng máu là một trong những bệnh nguy hiểm thậm chí có khả năng gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách và đúng thời điểm tình trạng bệnh có thể cải thiện. Mặt khác, khi bệnh tiến triển nặng thành sốc nhiễm trùng - bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Vậy bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?

Người bệnh nhiễm trùng máu cần được theo dõi, chăm sóc liên tục là một điều cần thiết để có thể phát hiện và xử trí kịp thời nếu có bất thường.

Sơ lược về nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu là tình trạng mà khi vi sinh vật (nấm/virus/vi khuẩn) xâm nhập vào cơ thể và không chỉ ở cơ quan đã bị tổn thương mà còn lan ra khắp cơ thể qua đường máu. Khi đó cơ thể con người sẽ có những phản ứng quá mức để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng và làm hư hỏng mô trong cơ thể. Quá trình này sẽ làm cho các cơ quan hoạt động không còn hiệu quả như trước, các chức năng trở nên rối loạn gây suy đa cơ quan, suy thận, rối loạn đông máu...

Bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?-1
 Sơ lược về bệnh nhiễm trùng máu

Bệnh nhân bị nhiễm trùng máu sống được bao lâu, có nguy hiểm không? Bệnh nhiễm trùng máu khi trở nặng có thể diễn tiến thành sốc nhiễm trùng, đây là tình trạng rất nguy hiểm và cần được cấp cứu khẩn cấp bởi mối đe dọa lớn đến tính mạng người bệnh chỉ trong một thời gian ngắn.

Đối tượng nào có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu?

Bất cứ ai cũng có khả năng bị nhiễm trùng máu, tuy nhiên những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh cao hơn:

  • Trẻ sơ sinh, trẻ non tháng.
  • Người già, người cao tuổi.
  • Người bị nghiện rượu.
  • Người dùng các loại thuốc corticoid kéo dài, thuốc chống thải ghép.
  • Người đang điều trị bệnh khác bằng hóa chất, tia.
  • Người có các bệnh nền như tiểu đường, xơ gan, suy thận mạn, phổi mạn, HIV/AIDS, các bệnh tim bẩm sinh...
  • Người bệnh đã từng cắt lách, có bệnh máu ác tính, bạch cầu hạt giảm.
  • Người bệnh đang được đặt các dụng cụ xâm lấn hay các thiết bị trong cơ thể (catheter, ống nội khí quản,...).
Bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?-2
Trẻ sơ sinh và trẻ non tháng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu

Những nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng máu

Bệnh nhiễm trùng máu do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra, thường tiến triển từ các bệnh như nhiễm trùng ổ bụng nhiễm trùng tiểu trong, viêm phổi,...

Ngoài ra, bệnh về hệ miễn dịch như HIV hay khi người đang điều trị ung thư, tuổi già, sử dụng các thuốc cấy ghép,... cũng là một trong những nguyên nhân khác.

Bệnh nhiễm trùng máu gồm những giai đoạn nào?

Giai đoạn nhiễm trùng

Người bệnh khi có 2 trong các triệu chứng dưới đây thì được chẩn đoán là nhiễm trùng máu:

  • Sốt cao với nhiệt độ lớn hơn 38 độ C hoặc thân nhiệt dưới 36 độ C.
  • Tim đập nhanh hơn 90 nhịp/phút.
  • Nhịp thở nhanh hơn 20 lần/phút.
  • Nghi ngờ hoặc khi khẳng định nhiễm trùng.
Bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?-3
Sốt trên 38 độ C là một trong các triệu chứng giai đoạn nhiễm trùng

Giai đoạn nhiễm trùng nặng

Giai đoạn nhiễm trùng nặng khi một cơ quan nào đó trong cơ thể đã bị suy, người bệnh có một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây:

  • Một số vùng da bị đổi màu.
  • Tiểu tiện ít.
  • Tâm lý/tâm thần dễ bị thay đổi.
  • Lượng tiểu cầu giảm.
  • Vấn đề về hô hấp.
  • Bất thường về các chức năng tim.
  • Cảm giác ớn lạnh do cơ thể bị giảm nhiệt độ.
  • Bất tỉnh.
  • Cơ thể quá ốm yếu.

Giai đoạn sốc nhiễm trùng

Giai đoạn sốc nhiễm trùng hay nhiễm trùng máu giai đoạn cuối là chỉ số huyết áp rất thấp đi kèm với các triệu chứng của giai đoạn nhiễm trùng nặng. Đây là giai đoạn nặng nhất của nhiễm trùng máu bởi tiên lượng bệnh khá nặng, tỉ lệ người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao lên đến 40 - 60%.

Một số dấu hiệu của người bệnh ở giai đoạn sốc nhiễm trùng:

  • Rét run, sốt cao, nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột.
  • Thở gấp, mạch nhanh và nhỏ gây khó bắt/rối loạn vận mạch, cơ thể giãy giụa, mất phương hướng.
  • Tiểu ít/suy thận cấp.
  • Các chi, da lạnh. 
  • Móng tay/chân, mũi, tai tím tái, một số biểu hiện sốc lạnh.
  • Ngoài ra một số trường hợp bị nặng da có thể bị hoại tử, ấn vào da có đổi màu nhưng không trở về trạng thái lúc đầu lại ngay trước khi xuất hiện mảng xám…
  • Trường hợp đau cơ nặng, đau lan rộng khắp cơ thể, thiếu oxy,...
Bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?-4
Mạch nhanh khó bắt là một trong những dấu hiệu ở giai đoạn sốc nhiễm trùng

Điều trị bệnh nhiễm trùng máu và bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối

Nhiễm trùng máu ở giai đoạn đầu khi chưa ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng, có thể sử dụng các loại kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để điều trị tại nhà. Đối với những trường hợp này, khả năng người bệnh phục hồi hoàn toàn là có thể. Tuy nhiên, nếu không điều trị, bệnh sẽ có thể phát triển thành giai đoạn cuối - sốc nhiễm trùng và thậm chí có nguy cơ tử vong.

Trong trường hợp người bệnh đã diễn tiến đến sốc nhiễm trùng, lọc máu là sự lựa chọn tối ưu và thực hiện liên tục ngay sau khi có chẩn đoán sốc nhiễm trùng và lưu ý phải kiểm soát được ổ nhiễm. Việc lọc máu là để loại bỏ các chất thải tiềm ẩn mối nguy hại ở trong chính cơ thể, muối và nước dư thừa từ máu. 

Một số trường hợp tùy theo tình trạng của người bệnh, có thể phải phẫu thuật với mục đích loại bỏ nguồn gốc bệnh nhiễm trùng máu như hút mủ từ các vị trí áp-xe hay loại bỏ các mô bị nhiễm trùng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các chi phí chữa bệnh nhiễm trùng máu.

Để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng máu:

  • Sống lành mạnh: Ăn uống khoa học và vệ sinh, luyện tập thể dục thể thao duy trì sức khỏe tốt, tạo các thói quen giữ vệ sinh cho bản thân và xung quanh,...
  • Không hút thuốc, uống rượu.

Người bị bệnh nhiễm trùng máu giai đoạn cuối cần được theo dõi, chăm sóc và điều trị đúng phác đồ của bác sĩ để có thể cải thiện sức khỏe. Không nên chủ quan, coi thường bởi đây là một mối nguy hiểm và có thể gây ra hậu quả đáng tiếc nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin