Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng bệnh nhân dị ứng thuốc tê nhổ răng trong nha khoa

Ngày 31/08/2022
Kích thước chữ

Trong nha khoa thuốc tê được sử dụng khi thực hiện thủ thuật nhổ răng. Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách có thể dẫn đến dị ứng thuốc tê nhổ răng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho độc giả triệu chứng nhận biết và cách điều trị.

Trong thủ thuật nhổ răng, thuốc tê được sử dụng giúp ức chế  dây thần kinh cảm giác xung quanh các mô răng nhằm hỗ trợ giảm đau răng.

Khi tiểu phẫu nhổ răng có dùng thuốc tê, bệnh nhân chỉ có cảm giác tê cứng tại vị trí cần nhổ còn các bộ phận khác trên cơ thể vẫn hoàn toàn ý thức và cử động bình thường. Thông thường các ca nhổ răng được chỉ định tiêm lượng thuốc tê vừa phải trong giới hạn cho phép sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Nhưng  trên thực tế vẫn xảy ra một số ít trường hợp ngoại lệ khi tiêm thuốc tê gây hậu quả nghiêm trọng do bị dị ứng thuốc tê nhổ răng ở một số bệnh nhân.

Thuốc tê nhổ răng là gì?

Thuốc tê nhổ răng là một loại thuốc tê chuyên dụng được sử dụng trong nha khoa nhằm ức chế tại chỗ vị trí gây tê giúp làm mất cảm giác đau tạm thời trong quá trình nhổ răng.

Thuốc tê nha khoa thường được dùng trong các trường hợp tiểu phẫu như: Lắp minivis niềng răng, nhổ răng… Thuốc tê khác thuốc gây mê, thuốc tê chỉ có làm mất cảm giác đau chứ không có tác dụng mất ý thức. Nhưng trên thực tế cho thấy việc dùng thuốc tê nhổ răng quá liều lượng có thể tác động đến chức năng vận động và ý thức của cơ thể.

Dị ứng thuốc tê nhổ răng 1 Thuốc tê nha khoa thường được sử dụng trong những ca phẫu thuật nhỏ

Phân loại thuốc tê nhổ răng thường gặp

Thuốc tê nhổ răng dạng bôi

Thuốc tê bôi nha khoa là dạng thuốc tê thường sử dụng để gây tê trong trường hợp tiểu phẫu đơn giản như chích áp xe, lấy cao răng, nhổ răng lung lay nhiều. Nha sĩ sẽ bôi ít thuốc tê dạng lỏng lên bề mặt vùng cần tiểu phẫu. Ưu điểm của thuốc tê dạng bôi đó là tính thẩm thấu nhanh qua niêm mạc và cách thực hiện đơn giản.

Thuốc tê nhổ răng dạng tiêm

Đối với các trường hợp phẫu thuật thao tác phức tạp và kéo dài, thì thuốc tê dạng bôi không đủ gây tê trong thời gian dài. Vì vậy, các bác sĩ thường dùng thêm thuốc tê nha khoa dạng tiêm là các dung dịch dạng ống. Bác sĩ sẽ  tiêm trực tiếp vào nướu tại vùng cần nhổ răng để giúp làm giảm đau đớn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Thuốc tê nhổ răng dạng xịt

Thuốc tê dạng tiêm mặc dù có tính hiệu quả cao nhất khi tiểu phẫu trong nha khoa nhưng đối với một số người, đặc biệt là trẻ em rất sợ nhìn thấy kim tiêm. Khi kim tiêm chích vào nướu càng tăng cảm giác sợ hãi và đau đớn. Vì vậy, trong trường hợp này bác sĩ thường dùng thuốc tê nha khoa dạng phun như Lidocaine 10% dạng phun khí hoặc Ethyl Clorua dạng xịt thay thế cho thuốc tê dạng tiêm.

Triệu chứng dị ứng thuốc tê nhổ răng

Như đã đề cập ở trên, việc sử dụng thuốc tê nha khoa chỉ có tác dụng ức chế cơn đau tạm thời. Tuy nhiên nếu sử dụng quá liều lượng hoặc không đúng cách thì nó có khả răng tăng nguy cơ bị dị ứng thuốc tê nhổ răng. Bệnh nhân dị ứng thuốc tê nhổ răng với các triệu chứng sau đây:

  • Nổi mề đay là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, nhanh có thể từ  5 – 10 phút, chậm thì vài ngày. Người bệnh có cảm giác nóng, ngứa, da nổi sẩn hồng chung quanh có viền đỏ.
  • Phù Quincke: Là một dạng mề đay to lớn xuất hiện sau khi dùng thuốc.
  • Sốc phản vệ: Đây là trường hợp nặng và cấp tính ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân với các dấu hiệu về tim mạch, hô hấp như mạch đập nhanh, hạ huyết áp, khó thở, đau quặn bụng.
  • Chứng mất bạch cầu hạt: Sẽ có các dấu hiệu tiêu biểu như loét hoại tử niêm mạch miệng, mũi họng, sốt đột ngột tăng cao nhiệt độ, viêm tắc tĩnh mạch,  viêm phổi…
  • Bệnh huyết thanh: Đây là triệu chứng xuất hiện sau khi tiêm  thuốc tê khoảng  từ 2 đến 14 ngày với các dấu hiệu như mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, sưng hạch bạch huyết, sốt cao, nổi ban khắp cơ thể.
  • Ngoài ra còn có một số dấu hiệu không đặc trưng khác như: Đau bụng, đau khớp, chóng mặt, đau đầu.
Dị ứng thuốc tê nhổ răng 2 Nổi mề đay là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, có thể từ  5 – 10 phút

Nguyên nhân dị ứng thuốc tê nhổ răng

Đặc tính thuốc tê nhổ răng

Trong thuốc gây tê thường chứa chất ức chế thần kinh cơ (NMBA) là thủ phạm chính gây ra phản ứng dị ứng trong quá trình gây tê. Ngoài ra, trong quá trình gây tê, việc sử dụng một số thuốc khác kèm theo như thuốc kháng sinh và chlorexidine sát trùng cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng.

Ngày nay, các thuốc tê dùng trong nha khoa khi chích vào nướu sẽ có đặc tính giãn mạch làm tăng tuần hoàn mạch máu tại vị trí tác dụng. Điều đó giúp làm tăng khả năng hấp thu thuốc, tăng nồng độ thuốc tê trong máu chỉ sau thời gian tác động ngắn của thuốc tê.

Di truyền gen dễ dị ứng thuốc tê nhổ răng

Một số khiếm khuyết về gen của bệnh nhân làm thay đổi phản ứng đối với một số loại thuốc. Một số người bị thiếu hụt bẩm sinh men pseudocholinesterase. Đây là loại men được tạo trong gan giúp phân hủy các chất loại ester. Việc thiếu hụt số lượng men sẽ làm giảm khả năng phân hủy của thuốc tê dạng ester đồng thời kéo dài thời gian bán hủy của thuốc tê khiến nồng độ thuốc tê trong máu tăng cao.

Cách dùng thuốc tê nhổ răng sai cách

Khi bác sĩ sử dụng thuốc tê với liều cao sẽ làm tăng nồng độ thuốc tê trong máu. Mỗi kỹ thuật gây tê nên ghi rõ liều sử dụng và không được vượt quá liều này, mặc dù liều thuốc tê dùng trong nha khoa thường ít hơn liều dùng trong các khoa khác. 

Khác với các loại thuốc khác, cần hấp thu vào hệ thống mạch máu để đạt liều điều trị tối thiểu, còn đối với thuốc tê chỉ cần giữ tiếp xúc để có hiệu quả tại vị trí điều trị. Lưu ý khi dùng thuốc tê dạng tiêm có thể chích trúng mạch máu làm tăng nồng độ thuốc tê trong máu một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn, từ đó gây ra phản ứng gây hại nghiêm trọng đến bệnh nhân. Khi gây tê tiếp xúc, thuốc tê cũng có thể hấp thu vào hệ thống mạch máu.

Xử lý khi bị dị ứng thuốc tê nhổ răng

Một số các bước xử lý khi bị dị ứng thuốc tê nhổ răng như sau: 

  • Hoãn lại các điều trị nha khoa cần sử dụng thuốc tê thoa hoặc thuốc tê chích, chỉ nên thực hiện các can thiệp nha khoa không dùng thuốc tê trong giai đoạn này.
  • Khi bệnh nhân bị mất tri giác cần nhanh chóng đặt bệnh nhân nằm ngửa, chân cao. Tiến hành kiểm tra và hỗ trợ các dấu hiệu sinh tồn như trợ thở và xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu bệnh nhân khó thở. Gọi cấp cứu, nếu bệnh nhân không tỉnh lại sau khi đã hỗ trợ sinh tồn.
  • Nhanh chóng cấp cứu bằng việc tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch epinephrine. Các liều kế tiếp có thể chích sau mỗi 5 đến 10 phút nhưng cần lưu ý nguy cơ kích thích tim quá mức của epinephrine. Khi tình trạng lâm sàng được cải thiện như tăng huyết áp, giảm co thắt phế quản, có thể sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ như kháng histamin và corticosteroid tiêm bắp hay tĩnh mạch để ngăn chặn tái xuất hiện các triệu chứng và giúp ngưng điều trị epinephrine. Tuy nhiên, việc tiêm epinephrine và các thuốc khác chỉ được chỉ định trong trường hợp có các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng như nổi mày đay, co thắt phế quản, phù.
  • Cần giám sát các dấu hiệu sinh tồn như: Đo huyết áp, nghe nhịp thở và nhịp tim liên tục ít nhất sau mỗi 5 phút cho đến khi trở lại nhịp tim, nhịp thở và huyết áp trở lại bình thường.
Dị ứng thuốc tê nhổ răng 3 Hỗ trợ các dấu hiệu sinh tồn như trợ thở oxy và xoa bóp tim

Một số lưu ý để tránh bị dị ứng thuốc tê nhổ răng

Trước khi tiểu phẫu nha khoa, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng thuốc, thức ăn trước đó hoặc các loại thuốc khác đang dùng. Bạn cũng cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử của bất kỳ thành viên nào trong gia đình bạn bị tăng thân nhiệt ác tính hoặc thiếu hụt pseudocholinesterase.

Cần được xem xét các bệnh lý về máu: Trước khi nhổ răng, bệnh nhân cần được xem xét các bệnh lý về máu như xét nghiệm máu và đông cầm máu, phân tích máu tổng quát. 

Thử nghiệm dưới da: Nếu nghi ngờ về vấn đề dị ứng sau khi đã hỏi bệnh sử, có thể thử nghiệm phát hiện dị ứng. Phương pháp này được coi là kỹ thuật hiệu quả để đánh giá bệnh nhân dị ứng thuốc tê dạng tiêm.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng dị ứng thuốc tê là bạn cần đến cơ sở nha khoa uy tín, có các chuyên gia bác sĩ đầu ngành có trình độ cao để kịp thời ứng phó,  xử lý tình trạng dị ứng và sốc phản vệ thuốc tê một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bệnh nhân cần dùng  thuốc theo đúng chỉ định của nha sĩ về  liều, đúng cách, phù hợp với cơ địa của mỗi người. Nha sĩ nên chọn thuốc ít độc tính, giảm liều thuốc với người thể trạng gầy yếu, người lớn tuổi. Khi dùng thuốc tê dạng tiêm nên cẩn thận tiêm chậm và cần kiểm tra xem có máu ra không bằng cách rút pit tông liên tục, để tránh việc tiêm nhầm vào mạch máu làm tăng nồng độ thuốc trong máu.

Nha sĩ nên cần chuẩn bị sẵn đường truyền tĩnh mạch, thuốc và các phương tiện cấp cứu trước khi gây tê để kịp thời xử lý khi xảy ra tình trạng dị ứng thuốc tê. Để phòng ngừa các dấu hiệu ngộ độc chậm, nha sĩ nên theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau khi tiêm.

DS Hải Vân 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngThuốc