Triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu gồm những gì?
Ngày 26/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư thanh quản là một trong những loại ung thư phổ biến hiện nay, bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 2% trong tổng số các trường hợp ung thư. Ở Việt Nam, ung thư thanh quản nằm trong top 3 danh sách các loại ung thư vùng đầu cổ, và bệnh này có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Ung thư thanh quản có khả năng khá cao được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Nhận biết sớm triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu sẽ giúp nâng cao được hiệu quả điều trị, tỉ lệ này lên đến 70% nếu chưa bị xâm lấn ra ngoài thanh quản và chưa có hạch.
Triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu
Triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu có thể không rõ ràng. Tuy nhiên, dưới đây là một số dấu hiệu mà bạn có thể dựa vào đó để nhận biết bệnh:
Thay đổi giọng nói
Hầu hết người bệnh sẽ bắt đầu có biểu hiện này ở giai đoạn đầu, đây là một triệu chứng quan trọng mà bạn không nên bỏ qua. Người bệnh còn xuất hiện triệu chứng khàn tiếng. Nhiều chuyên gia đề xuất rằng, nếu bạn phát hiện thay đổi giọng nói của mình kéo dài trong khoảng 3 tuần mà không thấy sự cải thiện, bạn nên đi gặp bác sĩ để thăm khám và kiểm tra.
Hạch ở vùng cổ
Bệnh nhân cũng có thể tự cảm nhận thấy có hạch ở vùng cổ. Đây là dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư đã bắt đầu lan rộng vào mạch máu ở vùng cổ.
Đau họng
Đau họng liên tục và dai dẳng kèm theo dấu hiệu như cảm giác có cục vướng trong họng hoặc khó nuốt cũng là dấu hiệu sớm của ung thư thanh quản và nên được kiểm tra y tế càng sớm càng tốt.
Khó thở
Nhiều bệnh nhân mắc ung thư thanh quản có triệu chứng khó thở là dấu hiệu đầu tiên. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện hơi thở rít, hoặc tiếng khò khè (stridor). Triệu chứng này xuất hiện khi khối u ung thư thanh quản gây hẹp đáng kể đường kính đường hô hấp.
Khó nuốt
Triệu chứng này ít phổ biến, thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của ung thư thanh quản, khi khối u đã xâm lấn vào vùng sau miệng thực quản.
Sụt cân nhanh
Thường thì sụt cân nhanh mà không có lý do hoặc không tìm thấy nguyên nhân đặc hiệu nào là một dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến nhiều căn bệnh lý, bao gồm cả ung thư thanh quản.
Điều trị ung thư thanh quản giai đoạn đầu
Dựa trên những triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu cùng các yếu tố như: Vị trí của khối u, giai đoạn của bệnh, loại tế bào ung thư, sức khỏe và mong muốn điều trị của bệnh nhân. Trong quá trình tư vấn, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của bạn.
Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp điều trị sử dụng tia X có năng lượng cao nhằm phá hủy khối u. Tia X được áp dụng trực tiếp vào tế bào ung thư và mô xung quanh. Phương pháp này được thực hiện tại chỗ, chỉ tác động lên các tế bào trong vùng được chiếu tia. Mỗi liệu trình xạ trị thường kéo dài trong vòng 5 ngày/tuần và được tiến hành liên tục từ 5 đến 8 tuần.
Trong việc điều trị ung thư thanh quản, xạ trị có thể được áp dụng một mình hoặc kết hợp với hóa trị hoặc phẫu thuật.
Xạ trị đơn thuần: Phương pháp này thường được áp dụng cho các tế bào ung thư có kích thước nhỏ và cho những bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật.
Xạ trị phối hợp phẫu thuật: Phương pháp này được sử dụng để loại bỏ các tế bào ung thư tái phát hoặc còn lại sau khi phẫu thuật, thu nhỏ khối u ở thanh quản trước khi tiến hành phẫu thuật.
Hóa trị và xạ trị phối hợp: Phương pháp này được sử dụng để chữa trị trước, trong hoặc sau khi tiến hành hóa trị ung thư thanh quản.
Sau quá trình xạ trị, nhiều bệnh nhân cần thông qua ống dạ dày tạm thời để cung cấp dinh dưỡng.
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để loại bỏ khối u ung thư. Các nhân viên y tế có thể sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp với nhau, tùy thuộc vào phác đồ điều trị được đề ra. Các loại thuốc được kê đơn cho việc điều trị ung thư thanh quản thường được sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch. Có nhiều hình thức sử dụng hóa chất trong việc điều trị ung thư thanh quản, bao gồm:
Hóa trị trước xạ trị hoặc trước phẫu thuật: Đây là việc sử dụng hóa chất trước khi thực hiện xạ trị hoặc phẫu thuật. Mục tiêu của phương pháp này là thu nhỏ khối u và giảm khối lượng tế bào ung thư trước khi áp dụng các phương pháp điều trị khác.
Hóa trị sau xạ trị hoặc sau phẫu thuật: Sau khi xạ trị hoặc phẫu thuật đã được thực hiện, hóa trị có thể được sử dụng để loại bỏ những tế bào ung thư còn lại hoặc ngăn chặn sự tái phát của bệnh.
Hóa trị và xạ trị kết hợp: Hóa trị có thể được sử dụng đồng thời với xạ trị như một phương pháp thay thế cho phẫu thuật. Kết hợp này nhằm tăng hiệu quả điều trị và giảm khả năng tái phát của ung thư thanh quản.
Việc sử dụng hóa trị trong điều trị ung thư thanh quản phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân và quyết định của đội ngũ chuyên gia y tế.
Phẫu thuật
Đây là một phương pháp phẫu thuật ngoại khoa nhằm tiêu diệt khối u trong thanh quản. Cách thực hiện phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí và kích thước của tế bào ung thư, và thông thường được chia thành các loại sau:
Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thanh quản.
Cắt bỏ một hoặc hai dây thanh âm.
Cắt bỏ phần trên của thanh quản kết hợp với dây thanh môn.
Đôi khi, trong quá trình phẫu thuật, cũng có thể tiến hành tiêu diệt các khối hạch và nạo vét hạch nếu chúng đã lan tỏa đến khu vực cổ. Trong suốt quá trình phẫu thuật, nhân viên y tế có thể mở khí quản và sử dụng lỗ mở này để duy trì thông khí. Tuy nhiên, việc mở khí quản chỉ là tạm thời và sẽ được khôi phục sau khi bệnh nhân hoàn tất phẫu thuật.
Phòng ngừa ung thư thanh quản
Để tránh xuất hiện triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu bạn có thể áp dụng những phương pháp dưới đây:
Từ bỏ hút thuốc lá và tránh sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói khác. Tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe là không thể bàn cãi, đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư thanh quản. Bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu tiếp xúc với thuốc lá, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Hạn chế tiêu thụ rượu và các thức uống chứa cồn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm sử dụng rượu trong khoảng 5 đến 10 năm có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư thanh quản.
Sử dụng các thiết bị an toàn khi làm việc trong môi trường tiếp xúc với amiăng hoặc các chất độc khác. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ và tuân thủ quy tắc an toàn khi làm việc có thể giảm nguy cơ tiếp xúc với các chất gây ung thư.
Tập thói quen ăn uống lành mạnh và cân đối dinh dưỡng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống giàu trái cây tươi, rau quả và các nguồn dầu bão hòa không no như: Đầu ô liu, dầu cá,... có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư thanh quản. Đặc biệt, cà chua và các loại trái cây họ cam quýt cũng được các chuyên gia khuyến nghị.
Tuy nhiên, việc phòng ngừa ung thư thanh quản không thể đảm bảo hoàn toàn, nhưng nó có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện sức khỏe tổng quát.
Trên đây là những thông tin giúp bạn nhận biết triệu chứng ung thư thanh quản giai đoạn đầu. Tuy là bệnh ác tính nguy hiểm và ung thư thanh quản có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện ở sớm, bệnh có thể chữa trị khỏi với tỉ lệ khá cao nên bạn không nên quá lo lắng.
Minh QA
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.