Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

U sùi dây thanh quản có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 20/08/2024
Kích thước chữ

U sùi dây thanh quản là bệnh lý có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào kể cả trẻ em và người lớn. Bệnh tồn tại ở dạng lành tính, tuy nhiên vẫn có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người bệnh. Cùng tìm hiểu u sùi dây thanh quản, nguyên nhân và triệu chứng để chủ động phòng ngừa bệnh.

Bệnh lý u sùi dây thanh quản là tình trạng tăng sinh của các gai nhú bên dưới lớp biểu mô, hình thành nên các khối u ở thanh quản, tuy nhiên các khối u này là lành tính. Nếu bệnh không được điều trị sớm, u sùi sẽ tăng sinh gây ra những sự chèn ép dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cụ thể về bệnh u sùi dây thanh quản, bao gồm cả nguyên nhân, triệu chứng bệnh và cách điều trị.

Tìm hiểu về bệnh u sùi dây thanh quản

U sùi dây thanh quản còn được biết đến với tên gọi là u nhú dây thanh quản hoặc papilloma thanh quản, là thuật ngữ để mô tả tình trạng tổn thương ở thanh quản và khí quản. Do quá trình tăng sản các gai nhú bên dưới lớp biểu mô, từ đó hình thành nên các u nhú nhỏ, lâu dần tạo thành một khối sùi ở trên bề mặt dây thanh quản. 

Bệnh lý sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau ở từng đối tượng cụ thể, bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Khả năng nhiễm u sùi dây thanh quản sẽ tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của mỗi người và bệnh vẫn sẽ có khả năng tái phát sau khi đã được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn.

u-sui-day-thanh-quan-nguyen-nhan-va-trieu-chung 1.jpg
Hình ảnh u sùi dây thanh quản

Mặc dù hầu hết trường hợp bệnh u sùi dây thanh quản đều lành tính nhưng bệnh vẫn sẽ vẫn gây ra một số tác động nhất định đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. U nhú có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên dây thanh quản. Hơn thế nữa, khi khối u tăng sinh về số lượng và kích thước sẽ khiến dây thanh quản bị thu hẹp và gây tắc nghẽn đường thở, thậm chí có thể dẫn đến ngừng thở đột ngột. Rất hiếm trường hợp u sùi dây thanh quản chuyển sang ung thư dây thanh quản, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ xảy ra nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Nguyên nhân gây bệnh u sùi dây thanh quản

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến u sùi dây thanh quản. Dưới đây là một số yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho sự hình thành u sùi thanh quản:

  • Nhiễm virus HPV, đặc biệt là hai chủng tuýp 6 và 11;
  • Do sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể;
  • Một số nguyên nhân khác như do hệ miễn dịch kém, sử dụng thuốc lá, chất kích thích, chế độ dinh dưỡng thiếu dưỡng chất, không lành mạnh, công việc phải sử dụng giọng nói quá mức…

Bệnh u sùi có thể lây nhiễm trực tiếp từ người sang người thông qua sự tiếp xúc với dịch tiết hoặc máu của người mắc bệnh. Bên cạnh đó, nếu mẹ bị nhiễm virus HPV thì trong quá trình sinh nở tự nhiên cũng có thể lây truyền sang cho con.

Triệu chứng của u sùi dây thanh quản

Người ta chia triệu chứng của u sùi dây thanh quản thành hai nhóm:

Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng cơ năng bao gồm:

  • Khàn tiếng mức độ từ nhẹ đến nặng và thậm chí có thể dẫn đến mất tiếng hoàn toàn. Mức độ khàn tiếng sẽ phụ thuộc vào độ lớn của khối u.
  • Viêm khi bị bội nhiễm, triệu chứng thường thấy nhất ở trẻ em đó là khó thở. Nguyên nhân là bởi khối u sùi phát triển dẫn đến hẹp thanh môn, nếu nặng các khối u có thể lan xuống khí quản, phế quản hay thậm chí là đến nhu mô phổi.
u-sui-day-thanh-quan-nguyen-nhan-va-trieu-chung 2.png
U sùi dây thanh quản gây ra các triệu chứng như khàn tiếng, đau họng…

Triệu chứng thực thể

Các đặc điểm này sẽ được phát hiện khi tiến hành nội soi thanh quản.

  • Ở trẻ em: Khi nội soi thanh quản trực tiếp có thể phát hiện các khối u sùi, hình dạng tương tự quả dâu màu hồng hoặc màu hơi sẫm, nằm rải rác trên dây thanh quản, băng thanh thất hoặc sụn phễu.
  • Ở người lớn: Những cục u sùi tạo thành khối, đôi khi hình thành nên múi trên bề mặt dây thanh quản. Các khối u sùi thường được phát hiện ở mặt trên và bờ tự do của dây thanh quản.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán u nhú thanh quản, các bác sĩ sẽ cần khai thác từ bệnh sử, tiền sử gia đình, triệu chứng lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm kiểm tra chuyên sâu để đưa ra kết luận chính xác nhất. Một số phương pháp chẩn đoán thường được chỉ định:

  • Xét nghiệm HPV, xét nghiệm đờm…
  • Sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT Scan để tìm khối u nhú trong phế quản, khí quản và phổi.
  • Nội soi thanh quản để xác định hình dạng, kích thước và vị trí cụ thể của khối u.
  • Sinh thiết là xét nghiệm giúp đưa ra kết luận chính xác về tính chất của khối u nhú trong thanh quản là lành tính hay ác tính.

Bên cạnh việc chẩn đoán xác định bệnh lý, người ta cũng cần phải tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như viêm thanh quản, lao, giang maipolyp thanh quản, ung thư…

u-sui-day-thanh-quan-nguyen-nhan-va-trieu-chung 3.jpg
Thông qua nội soi thực quản có thể quan sát được hình dạng, kích thước và vị trí của khối u sùi

Cách điều trị u sùi dây thanh quản

Thông thường, các phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc không được đánh giá cao bởi nó mang lại ít hiệu quả trong điều trị u sùi dây thanh quản. Hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối u sùi. Có nhiều phương pháp để cắt bỏ khối u sùi thanh quản như sử dụng kìm, kéo, cắt hút qua nội soi hoặc sử dụng phương pháp laser CO2. Trong đó, nội soi là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất bởi phương pháp này ít xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh, ít gây ra đau đớn, có thể loại bỏ hoàn toàn khối u và mức độ an toàn cho người bệnh khá cao.

Tuy nhiên bởi đây là một cuộc phẫu thuật gây mê, chính vì thế trước khi tiến hành cắt bỏ khối u nhú, người bệnh cần được kiểm tra, thăm khám kỹ lưỡng. Nếu tiến hành gây mê ở các đối tượng người lớn tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có bệnh nền, mắc các bệnh trên đường hô hấp… thì cần đặc biệt thận trọng. Quá trình tiến hành phẫu thuật cắt bỏ u sùi thanh quản cũng cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm cùng với các trang thiết bị hiện đại.

U sùi dây thanh quản hầu hết là u lành tính, tuy nhiên nó vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và đặc biệt nó vẫn có khả năng chuyển thành ung thư nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chính vì thế, để phòng tránh những ảnh hưởng của bệnh cũng như những biến chứng mà bệnh gây ra, bất kỳ ai cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả u sùi dây thanh quản. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin