Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tụ dịch màng nuôi: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 15/12/2022
Kích thước chữ

Trong suốt thời gian mang thai, cơ thể mẹ thường có nhiều biến đổi. Một trong những hiện tượng dễ gặp phải đó là tụ dịch màng nuôi. Nếu không can thiệp kịp thời, hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí là sảy thai.

Tụ dịch màng nuôi là hiện tượng thai phụ thường gặp trong suốt 9 tháng mang thai. Tùy theo bản chất của tình trạng tụ dịch màng nuôi mà tiên lượng và cách điều trị cũng sẽ khác nhau. Bài viết dưới đây, nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ về dấu hiệu, nguyên nhân cũng như cách điều trị tình trạng này.

Tìm hiểu về tụ dịch màng nuôi

Tụ dịch màng nuôi hay còn gọi là tụ dịch màng đệm, tụ máu dưới màng nuôi, tụ máu dưới màng đệm hay xuất huyết màng đệm. Hiện tượng tụ dịch này xảy ra do nhau thai không bám vào thành tử cung mà hình thành máu tụ ở giữa. Đây là hậu quả của việc bong mép nhau thai hay vỡ xoang mạch máu tại rìa bánh nhau, từ đó hình thành nên vùng máu tụ ở giữa lớp màng đệm và cơ tử cung.

Tụ dịch màng nuôi là một trong những biến chứng thai kỳ thường gặp, tỷ lệ gặp phải chiếm khoảng 16 – 25% trong các trường hợp phụ nữ mang thai. Một vài nghiên cứu cho thấy sự phát triển quá mức của các cục máu ở dưới màng đệm sẽ tăng nguy cơ bị sảy thai.

Tụ dịch màng nuôi: Nguyên nhân và cách điều trị 1 Tụ dịch màng nuôi hay được gọi xuất huyết màng đệm là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ có thai

Triệu chứng tụ dịch màng nuôi?

Hiện tượng tụ dịch màng nuôi có thể gây ra tình trạng chảy máu âm đạo, co thắt và kèm theo chuột rút. Tuy vậy, đôi khi thai phụ sẽ không có bất kỳ dấu hiệu nào, thậm chí là không đau bụng. Hiện tượng tụ máu ở dưới màng đệm mà chỉ phát hiện khi siêu âm.

Thông thường, tụ máu màng nuôi (màng đệm) xảy ra trong thời gian đầu thai kỳ sẽ không gây nguy hiểm đến thai phụ và thai nhi cũng như không gây chảy máu. Trường hợp xuất hiện tình trạng chảy máu nhẹ ở âm đạo, lốm đốm trong vài tuần đầu thì sẽ là máu báo thai.

Ngược lại, nếu như các cục máu được phát hiện muộn hơn, như trong tam cá nguyệt thứ 2 thì thai phụ cần đặc biệt lưu ý. Một số nghiên cứu cho rằng, việc tụ máu ở dưới màng đệm có liên quan đến biến chứng trong thai kỳ, chẳng hạn như nhau bong non, vỡ túi ối, sảy thai và sinh non. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng bị tụ dịch màng nuôi và gặp những rủi ro này. Như vậy, các biến chứng này chỉ dễ xảy ra đối với những người có tiền sử bị sảy thai, mang đa thai và dị tật tử cung.

Tụ dịch màng nuôi: Nguyên nhân và cách điều trị 2 Chảy máu âm đạo trong thai kỳ là triệu chứng phổ biến nhất của tụ dịch màng nuôi

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tụ dịch màng nuôi

Một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng tụ dịch màng nuôi ở thai phụ có thể kể đến như sau: 

  • Mang thai khi tuổi đã cao (từ 35 tuổi trở lên): Phụ nữ lớn tuổi khi mang thai sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ khác nhau, trong đó bao gồm tụ dịch màng nuôi. Vì vậy, nếu có ý định mang thai khi đã sau 35 tuổi, chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ, khám tiền sản để có sự chuẩn bị tốt cho việc mang thai, từ đó tránh tối đa những nguy cơ rủi ro sẽ xảy ra.
  • Nội tiết kém: Mẹ bầu khi có các vấn đề về nội tiết cũng sẽ gặp phải tình trạng tụ dịch màng nuôi. Hơn nữa, phụ nữ nội tiết kém khi mang thai cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. 
  • Lao động nặng nhọc: Trong thời gian mang thai lần đầu tiên, phụ nữ phải di chuyển, lao động nặng nhọc sẽ làm tăng nguy cơ bị tụ dịch màng nuôi. 
  • Ngoài ra, nhiều trường hợp thai phụ bị tụ dịch màng nuôi nhưng không rõ nguyên nhân. 

Điều trị tụ dịch màng nuôi 

Việc điều trị tình trạng tụ máu dưới màng nuôi sẽ dựa trên tuổi thai, vị trí khối máu tụ và mức độ nghiêm trọng của tình trạng xuất huyết âm đạo. Thông thường, các bác sĩ không can thiệp nhiều vào hiện tượng tụ máu mà chỉ theo dõi qua các lần khám thai định kỳ. 

Trong những trường hợp hiếm gặp, bác sĩ sẽ đề xuất thai phụ sử dụng thuốc nội tiết hoặc thuốc hỗ trợ làm tan cục máu đông.

Với trường hợp bị tụ máu kèm theo chứng đau bụng âm ỉ, xuất huyết âm đạo, người bệnh cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi về lượng dịch. Từ đó áp dụng điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp mang lại kết quả tốt nhất. 

Tụ dịch màng nuôi: Nguyên nhân và cách điều trị 3 Thai phụ cần thăm khám bác sĩ định kỳ để nắm rõ tình trạng sức khỏe

Đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và bổ sung nước, rau củ và trái cây dễ tiêu để phòng ngừa nguy cơ táo bón, tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu.

Khi gặp tình trạng tụ dịch màng nuôi, mẹ bầu nên hạn chế đi lại nhiều hay mang vác vật nặng. Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên nghỉ ngơi vài tuần để phòng tránh nguy cơ sảy thai. Phụ nữ trong thời gian mang thai cần được nghỉ ngơi hợp lý.

Trong thời gian này, thai phụ cần kiêng chuyện “chăn gối”, tránh xoa ngực và núm vú để ngăn ngừa nguy cơ sinh non. 

Tụ dịch màng nuôi là một trong những hiện tượng bất thường của thai kỳ. Tuy nhiên, thai phụ nếu khám thai định kỳ đều đặn và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ thì phần lớn em bé khi sinh ra đều khỏe mạnh.

Thùy Dung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin