Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tụ dịch vết mổ - Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ

Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, một số trường hợp gặp phải tình trạng tụ dịch vết mổ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng này và cách phòng ngừa hiệu quả ra sao?

Tại nhiều cơ sở y tế hiện nay ghi nhận không ít người bệnh bị tụ dịch vết mổ. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Bài viết dưới đây Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, dấu hiệu nhận biết cũng như các giải pháp phòng ngừa.

Tụ dịch vết mổ là gì?

Tụ dịch vết mổ là thuật ngữ y học dùng để chỉ hiện tượng ở cơ thể người bệnh xuất hiện một lớp dịch đọng lại dưới vị trí vết mổ, có thể là dịch huyết thanh hoặc dịch mủ. Nếu là dịch huyết thanh, tụ dịch là tập hợp các chất lỏng trong suốt và vô trùng dưới da nơi lớp mô bị loại bỏ, hình thành sau khi phẫu thuật hoặc trong khoảng 1 - 2 tuần sau đó. Nếu là dịch mủ, tụ dịch là tập hợp các chất lỏng đặc có màu trắng hoặc xanh vàng tích tụ xung quanh vết mổ, xuất hiện khi có dấu hiệu nhiễm trùng vết thương.

Tụ dịch vết mổ là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm, bởi nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều rủi ro như nhiễm trùng hoại tử dẫn đến mất mô, viêm mô tế bào, viêm tủy xương, nhiễm trùng xương hoặc tủy xương… Một số trường hợp, vi trùng có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Mọi phẫu thuật đều có nguy cơ bị tụ dịch vết mổ nếu vết thương không được chăm sóc đúng cách. Với phụ nữ đã trải qua quá trình sinh mổ còn có thể bị tụ dịch vết mổ sau sinh do sau những lần mổ lấy thai, nơi ứ đọng dịch thường là máu kinh hoặc các dịch cũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tụ dịch vết mổ - Nguyên nhân và cách phòng ngừa 1
Tụ dịch vết mổ là hiện tượng không quá hiếm gặp

Nguyên nhân gây tụ dịch vết mổ

Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng tụ dịch vết mổ? Nếu là dịch huyết thanh, nguyên nhân thường là do tổn thương máu và mạch bạch huyết xảy ra trong quá trình phẫu thuật hoặc do chấn thương. Lúc này, chất lỏng và tế bào từ mạch bị tổn thương sẽ rò rỉ vào các mô và tạo thành lớp dịch này.

Còn đối với tụ dịch mủ, nguyên nhân chính là do vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác giải phóng độc tố nhằm phá hủy tế bào. Lúc này, phản ứng miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt, các tế bào bạch cầu đi đến vị trí tổn thương để khu trú và tiêu diệt vi khuẩn cũng như các mô hoại tử. Các tế bào bạch cầu sau khi thực hiện chức năng miễn dịch cũng đồng thời bị phá vỡ và chết đi, tạo thành mủ và ứ đọng lại.

Theo các bác sĩ, để xảy đến các trường hợp trên là do một số yếu tố sau:

  • Người bệnh mắc các bệnh nền khác như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp…
  • Vết mổ quá sâu và lớn.
  • Công tác dự phòng chưa được tuân thủ đúng nguyên tắc trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Người bệnh tuổi đã cao, có hệ thống miễn dịch kém hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Người bệnh sử dụng thuốc lá hoặc các chất kích thích.
  • Phụ nữ có tiền sử sinh mổ nhiều lần.
  • Kỹ thuật khâu vết mổ không đảm bảo
  • Chưa tuân thủ việc băng bó vết thương đúng cách, chế độ chăm sóc vết mổ không hợp lý.
Tụ dịch vết mổ - Nguyên nhân và cách phòng ngừa 2
Phụ nữ sinh mổ nhiều lần có nguy cơ cao bị tụ dịch vết mổ

Dấu hiệu nhận biết tụ dịch vết mổ

Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết đang có tình trạng tụ dịch vết mổ? Theo các bác sĩ, có thể xác định được tình trạng này nếu có các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Dưới vết mổ xuất hiện u nang chứa dịch trong suốt.
  • Người bệnh đau trong hoặc xung quanh vết mổ.
  • Xung quanh vết thương ửng đỏ, có cảm giác nóng do nhiệt độ tăng.
  • Dịch tụ có thể có màu đỏ hoặc nâu khi huyết thanh trộn lẫn với máu. Trường hợp nhiễm trùng vết mổ, dịch mủ đặc còn có mùi khó chịu.
  • Người bệnh sốt cao dai dẳng, có cảm giác ớn lạnh, trong người mệt mỏi.
  • Tại xung quanh vết mổ, cơn đau tăng lên dữ dội.

Phòng ngừa tụ dịch vết mổ như thế nào?

Để phòng ngừa tụ dịch vết mổ, bác sĩ khuyến cáo người bệnh sau khi trải qua phẫu thuật cần chú ý một số vấn đề sau đây:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Việc xây dựng và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng các nhóm dinh dưỡng, kiêng khem một số món ăn sẽ giúp quá trình phục hồi nhanh hơn, hạn chế tụ dịch. Cụ thể như sau:

  • Thực phẩm phải đảm bảo sạch sẽ, thức ăn được nấu chín kỹ và dễ tiêu hóa.
  • Tăng cường ăn nhiều chất đạm từ các loại thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu… để phục hồi sức khỏe và giúp vết mổ mau lành.
  • Tăng cường ăn nhiều rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết, bổ sung chất xơ, các loại vitamin A, C, E giúp nâng cao đề kháng và hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Lưu ý nạp một lượng đường vừa phải, nếu có thể bạn hãy dùng các loại ngũ cốc, hạt nguyên chất thay thế.
  • Thời gian đầu sau phẫu thuật nên kiêng các thực phẩm dễ gây kích ứng như hải sản tôm, cua, đồ tanh…; thực phẩm làm tăng tạo mủ như thịt gà, đồ nếp…; thực phẩm có nguy cơ để lại sẹo như rau muống, thịt bò…; thực phẩm làm vết mổ lâu lành như rượu, bia, cafe, đồ ăn đóng hộp, nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng.
Tụ dịch vết mổ - Nguyên nhân và cách phòng ngừa 3
Chú ý chế độ ăn uống sau mổ để tránh tình trạng tụ dịch

Chú ý chế độ vận động sau mổ

Bên cạnh thực đơn ăn uống, người bệnh cũng cần chú ý chế độ vận động sau mổ. Các bác sĩ luôn khuyên người bệnh sau phẫu thuật nên thực hành chế độ vận động nhẹ nhàng để tránh vết mổ tụ dịch hoặc xuất hiện các cục máu đông. Hơn nữa, việc vận động làm nóng cơ thể cũng giúp máu lưu thông tốt, hỗ trợ rất lớn cho quá trình hồi phục. Bạn có thể đi lại xung quanh phòng, massage chân tay thường xuyên để tránh tụ dịch nhé!

Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh vận động quá mạnh hoặc mang vác vật nặng trong thời gian đầu sau phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý chăm sóc vết thương sau mổ tại nhà, tránh cọ xát khiến vỡ ổ tụ dịch, vì lúc này sẽ làm cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua ổ vỡ.

Như vậy, với các thông tin trên đây, Long Châu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng tụ dịch vết mổ, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này cũng như các giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Đây là tình trạng khá nguy hiểm, do đó bạn không nên chủ quan mà cần sớm thông báo các triệu chứng, dấu hiệu với bác sĩ để đưa ra hướng điều trị kịp thời nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin