Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì cao gấp 2,2 lần chỉ trong 10 năm

Ngày 09/07/2021
Kích thước chữ

Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần chỉ trong 10 năm. Đây là tín hiệu cảnh báo khẩn cấp tình trạng sức khỏe trẻ em hiện nay.

Cụ thể, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì đã tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Hiểu đúng về thừa cân, béo phì ở trẻ

Thừa cân, béo phì ở trẻ em là gánh nặng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2016, khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5 - 19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Từ kết quả trong cuộc Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia đã cho thấy, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì so với 10 năm trước đã tăng gấp 2,2 lần.

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì cao gấp 2,2 lần chỉ trong 10 năm 1Tỷ lệ trẻ Việt Nam bị thừa cân béo phì cao hơn gấp 2 lần chỉ trong 10 năm (2010 - 2020).

Thừa cân béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức độ cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể và diễn tiến thành bệnh. Theo chuyên gia, thừa cân béo phì cũng ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao, dậy thì ở trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh ở tuổi trưởng thành.

“Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài” - theo TS.BS. Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngoài tác động đến sức khỏe, trẻ bị thừa cơ béo phì còn tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm do từ 8 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu nhận thức rõ rệt về hình thể. Trẻ thừa cân béo phì sẽ có mặc cảm tự ti, khó khăn trong giao tiếp với bạn bè.

Phụ huynh chủ quan khi chưa thấy hậu quả

Với thời đại công nghệ hiện nay, phụ huynh đã dễ dàng tiếp cận các thông tin sức khỏe và có cái nhìn đúng đắn hơn về thừa cân béo phì ở trẻ. Mặc dù nhận thức được tình trạng này là không tốt nhưng không ít người còn chủ quan và ít khi kiểm tra cân nặng định kỳ cho trẻ.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế. “Phụ huynh thường chỉ đưa con đến khám vì trẻ đau chân, đau xương, hay lo lắng về chiều cao. Đến khi thăm khám thì bác sĩ mới ghi nhận trẻ bị thừa cân, béo phì” - BS. Mỹ Thục cho biết.

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì cao gấp 2,2 lần chỉ trong 10 năm 2Quá nửa phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, béo phì.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng cân không kiểm soát ở trẻ. Trong đó, việc cung cấp dinh dưỡng quá mức chính là nguyên nhân mấu chốt. Nhiều gia đình Việt vẫn giữ quan điểm thích trẻ con phải tròn trịa, đầy đặn thì mới khỏe mạnh.

Ngoài ra, xuất phát từ mong muốn con được bổ sung đủ dinh dưỡng để phát triển não bộ, chiều cao, không ít phụ huynh bổ sung quá nhiều thực phẩm cho trẻ nhưng lại thiếu cân đối về chất dẫn đến trẻ mặc dù ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết nhưng sức khỏe tổng thể vẫn không đạt chuẩn.

Việc lười vận động, nạp nhiều thức ăn nhanh, nước ngọt, đồ chiên rán,... cũng là những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ. 

Hậu quả béo phì không đến ngày mà nó sẽ theo trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Các chuyên gia khuyến nghị, để giúp trẻ phát triển cân đối, phụ huynh không nên dựa vào cảm tính mà cần theo dõi tiến trình phát triển của con thông qua biểu đồ tăng trưởng, tham chiếu các thước đo để nhận biết ngay nếu con vượt ngưỡng cân nặng và tuyệt đối không xem nhẹ trước các dấu hiệu thừa cân ở trẻ.

Tỷ lệ trẻ em Việt Nam thừa cân, béo phì cao gấp 2,2 lần chỉ trong 10 năm 3Khuyến khích trẻ vận động thể thao thay vì để con sử dụng thiết bị điện tử.

Việc phòng tránh thừa cân, béo phì cần thực hiện càng sớm càng tốt để con phát triển cân đối, khỏe mạnh và tránh được những hệ lụy sức khỏe. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, các trẻ phải ở nhà do giãn cách xã hội sẽ ít được vận động ngoài trời, ngược lại sẽ có nhiều thời gian ăn, ngủ và sử dụng các thiết bị điện tử. Phụ huynh nên cân đối lại chế độ ăn cho trẻ thay vì bồi bổ quá mức những thực phẩm giàu năng lượng và khuyến khích trẻ vận động thể thao tại nhà để giữ gìn sức khỏe thật tốt.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: ncov.moh.gov.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin