Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

U nhầy ở tim là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 18/11/2024
Kích thước chữ

Bạn đã từng nghe đến u nhầy ở tim chưa? Đây là một loại u lành tính khá hiếm gặp. Loại u này thường phát triển ở tâm nhĩ trái và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khối u tim lành tính có thể hình thành do nhiều yếu tố khác nhau. Có những trường hợp là do di truyền, cũng có thể là những tác nhân từ bên ngoài dẫn đến sự hình thành của khối u. Mặc dù không phải là ung thư, nhưng loại u nhầy ở tim này vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe người bệnh.

Thế nào là u nhầy ở tim?

U nhầy là loại u nguyên phát phổ biến nhất ở tim, chiếm khoảng 25% các u tân sinh tại tim và khoảng 50% các khối u lành tính ở tim. Loại u này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ gần như tương đương.

U nhầy ở tim là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị - 1
U nhầy ở tim thường gặp nhất là trong nhĩ trái

Khoảng 75% các u nhầy ở tim là đơn độc, và vị trí thường gặp nhất là trong nhĩ trái, nơi u dính vào vách liên nhĩ gần lỗ bầu dục. U nhầy có thể phát triển từ bề mặt nội mạc tim và xuất hiện ở bất kỳ buồng tim nào, thậm chí trên van tim.

Phần lớn các u nhầy thường xuất hiện ở nhĩ trái được gọi là u nhầy nhĩ trái tỉ lệ cao khoảng 80%. Tuy nhiên, u nhầy vẫn có thể hình thành ở các buồng tim khác, mặc dù tỷ lệ này thấp hơn. Cụ thể, u nhầy có thể xuất hiện ở các vị trí với tỉ lệ tương ứng là: 

  • Nhĩ phải: 15%;
  • Thất phải: 5%;
  • Thất trái: 5%.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc u nhầy ở tim

  • Suy tim do tắc nghẽn van tim: U nhầy có thể cản trở dòng máu qua van tim, gây suy tim.
  • Đột quỵ do thuyên tắc: U nhầy có thể bong ra và di chuyển theo dòng máu, gây tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ.
  • Triệu chứng giống bệnh thấp tim: U nhầy có thể tiết ra các cytokine gây viêm, gây ra các triệu chứng tương tự bệnh thấp tim.
  • Hẹp van hai lá: U nhầy thường nằm ở nhĩ trái và có thể sa vào van hai lá trong thời kỳ tâm trương, gây hẹp van hai lá.
  • Hở van tim: Khối u có thể làm tổn thương van tim, gây hở van.
  • Tắc nghẽn đường thoát của thất: U nhầy ở thất tim có thể gây tắc nghẽn đường thoát của thất, khiến người bệnh có triệu chứng tương tự hẹp dưới van động mạch chủ hoặc hẹp dưới van động mạch phổi.
  • Cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ: U nhầy có thể gây thuyên tắc mạch máu não, dẫn đến cơn thoáng thiếu máu não hoặc đột quỵ.
  • Thuyên tắc mạch ngoại biên hoặc mạch phổi: U nhầy có thể di chuyển đến các mạch máu khác trong cơ thể, gây tắc nghẽn.
  • Các triệu chứng ngoài tim: Ngất, sốt, sụt cân, thiếu máu, đa hồng cầu, tăng bạch cầu, tăng hoặc giảm tiểu cầu,...
U nhầy ở tim là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị - 2
Ngất, sốt, sụt cân có thể biểu hiện ngoài tim ở người mắc u nhầy ở tim

U nhầy ở tim có di truyền không?

Khoảng 10% các u nhầy ở tim có yếu tố di truyền liên quan đến gia đình. U nhầy tim di truyền theo gen trội trên nhiễm sắc thể thường, hoặc có thể là một phần của hội chứng di truyền liên quan đến nhiều bất thường cơ quan, bao gồm: Rối loạn sắc tố da, bệnh vỏ thượng thận nguyên phát (có hoặc không có hội chứng Cushing), u tuyến yên và u tinh hoàn.

Các u nhầy có tính gia đình thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, thường xuất hiện ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở mỏm tim và có xu hướng tái phát sau khi phẫu thuật.

Chẩn đoán u nhầy ở tim

Để chẩn đoán u nhầy ở tim, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Siêu âm tim: Phương pháp phổ biến và không xâm lấn, sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính tim (MSCT tim): Phương pháp sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim.
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim): Phương pháp sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim.

Để chẩn đoán chính xác bản chất của khối u, cần phải thực hiện giải phẫu bệnh sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u.

U nhầy ở tim là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị - 3
Chụp cộng hưởng từ tim trong chẩn đoán u nhầy ở tim

Điều trị u nhầy ở tim

Phương pháp điều trị chính cho u nhầy ở tim là phẫu thuật cắt bỏ khối u đây được xem là phương pháp điều trị hiệu quả, giúp loại bỏ hoàn toàn khối u và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những nguy cơ nhất định:

  • Tỷ lệ tử vong sớm sau mổ: 0.5 – 2.2%.
  • Biến chứng rung nhĩ sau mổ: 23 – 33%
  • Biến chứng thần kinh: khoảng 3%

Trong đó tiên lượng tái phát bệnh với tỉ lệ như sau:

  • U nhầy đơn độc: Tiên lượng tốt, tỷ lệ u tái phát 1 – 5%.
  • U nhầy có tính gia đình: Tỷ lệ tái phát cao hơn, 20 – 25%.
  • U nằm ở vị trí ít gặp: Dễ bị tái phát hơn.

Ngoài ra, sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tái khám định kỳ và siêu âm tim hàng năm để phát hiện u tái phát.

U nhầy ở tim là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị - 4
Điều trị chính trong u nhầy ở tim là tiến hành thực hiện phẫu thuật

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc u nhầy nhĩ cần hiểu rõ về sinh lý bệnh cũng như các biến chứng có thể xảy ra. Việc giáo dục bệnh nhân về những dấu hiệu và triệu chứng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức là rất quan trọng, bao gồm:

  • Yếu hoặc tê, đặc biệt ở một bên cơ thể, có thể là dấu hiệu của đột quỵ (thuyên tắc hệ thống).
  • Đau ngực, khó thở, sưng chân, có thể là triệu chứng của suy tim sung huyết hoặc tắc mạch phổi.
  • Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi ban đêm, hoặc thay đổi da bất thường, có thể liên quan đến viêm nội tâm mạc.

U nhầy ở tim tuy là khối u lành tính nhưng cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm. Phẫu thuật cắt bỏ u nhầy thường là giải pháp hiệu quả nhất và có tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật và chăm sóc hậu phẫu đúng cách để tránh biến chứng. Bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa bệnh phát triển và đảm bảo sức khỏe tim mạch của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin