Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy tim sung huyết là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa suy tim sung huyết

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy tim sung huyết là khi chức năng bơm máu của tim không còn hiệu quả, gây ra các triệu chứng do ứ trệ tuần hoàn. Mặc dù không thể khỏi hoàn toàn nhưng nếu suy tim sung huyết được điều trị kịp thời, người bệnh có thể duy trì hoạt động và có chất lượng cuộc sống tốt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy tim sung huyết là gì?

Suy tim sung huyết là tình trạng tim không thể cung cấp máu một cách hiệu quả cho cơ thể. Bình thường tâm thất trái có kích thước lớn hơn và chịu trách nhiệm thực hiện hầu hết hoạt động bơm máu ra ngoài cơ thể. Trong suy tim trái, thất trái co bóp yếu nên không thể co bóp bình thường hoặc tâm thất trở nên cứng, không thể thư giãn để nhận đầy máu.

Suy tim trái thường dẫn đến suy tim phải. Ở người bệnh suy tim phải, nếu thất phải không thể bơm máu bình thường, máu sẽ ứ lại trong tĩnh mạch, dẫn đến suy tim sung huyết. Nếu tim không thể bơm máu hiệu quả, tất cả các hệ cơ quan sẽ bị ảnh hưởng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim sung huyết

Các triệu chứng suy tim sung huyết bao gồm:

  • Khó thở;
  • Khó thở vào ban đêm khiến người bệnh phải bật dậy để thở;
  • Đau ngực;
  • Tim đập nhanh;
  • Mệt khi hoạt động;
  • Phù ở mắt cá chân, chân và bụng to;
  • Tăng cân nhanh do phù;
  • Tiểu nhiều vào ban đêm;
  • Ho khan;
  • Bụng đầy chướng hoặc cứng;
  • Chán ăn hoặc đau bụng (buồn nôn).

Đôi khi, các triệu chứng có thể không xuất hiện hoặc chỉ biểu hiện nhẹ. Điều này không có nghĩa là bạn không còn bị suy tim nữa. Các triệu chứng của suy tim có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng và có thể đến rồi đi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy tim sung huyết

Suy tim sung huyết có thể dẫn đến một số biến chứng ảnh hưởng đến sống còn của người bệnh, bao gồm:

  • Giảm cân nhanh chóng: Suy tim nặng có thể dẫn đến sụt cân nhanh chóng và đe dọa tính mạng. Suy tim sung huyết khiến máu ứ trệ ở gan và ruột, khiến các cơ quan này phù nề. Tình trạng này có thể dẫn đến buồn nôn, chán ăn và ngăn cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
  • Suy giảm chức năng thận: Suy tim sung huyết làm suy yếu khả năng bơm máu của tim, làm giảm lưu lượng máu đến thận, dẫn đến tổn thương thận hoặc suy thận nếu không được điều trị.
  • Tổn thương gan: Suy tim sung huyết có thể khiến dịch ứ trệ tại gan, dẫn đến xơ sẹo, khiến gan khó thực hiện các chức năng.
  • Rối loạn nhịp: Suy tim sung huyết khiến cơ tim bị tổn thương, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim có thể bao gồm tim đập quá nhanh, đập quá chậm hoặc đập không đều.
  • Các vấn đề về van tim: Nếu tim to ra do suy tim, các van tim có thể không còn hoạt động bình thường.
  • Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim: Bệnh tim là yếu tố chính gây ra nhiều trường hợp suy tim và những người bị suy tim sung huyết vẫn có nguy cơ bị đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Suy tim SH 4.jpeg
Suy tim sung huyết có thể gây biến chứng nhồi máu cơ tim

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy gọi cấp cứu nếu bạn có:

  • Đau ngực mới xuất hiện, không rõ nguyên nhân và dữ dội kèm theo khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc yếu;
  • Nhịp tim nhanh (hơn 120 – 150 nhịp mỗi phút), đặc biệt nếu bạn kèm theo khó thở;
  • Khó thở không thuyên giảm khi nghỉ ngơi;
  • Đột ngột yếu liệt hoặc bạn không thể cử động tay hoặc chân;
  • Đột ngột đau đầu dữ dội;
  • Ngất xỉu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy tim sung huyết

Các tình trạng sau đây có thể là nguyên nhân gây suy tim sung huyết:

  • Bệnh mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim sung huyết. Nó gây ra tình trạng thu hẹp các động mạch cung cấp máu cho cơ tim.
  • Nhồi máu cơ tim trước đó có thể để lại mô sẹo cản trở khả năng bơm máu bình thường của cơ tim.
  • Tăng huyết áp khiến tim bạn phải làm việc vất vả hơn mức bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể.
  • Van tim bất thường do bệnh tật hoặc nhiễm trùng buộc tim phải làm việc nhiều hơn mức bình thường. Theo thời gian, công việc làm thêm đó sẽ khiến tim yếu đi.
  • Bệnh tim bẩm sinh hoặc dị tật bẩm sinh có thể khiến các bộ phận khỏe mạnh của tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Sự căng thẳng thêm đó có thể dẫn đến suy tim sung huyết.
  • Tổn thương cơ tim (chẳng hạn như bệnh cơ tim), do các nguyên nhân như bẩm sinh, nhiễm trùng, lạm dụng rượu và sử dụng ma túy, có thể dẫn đến suy tim sung huyết.
  • Rối loạn nhịp tim có thể khiến tim bạn đập quá nhanh, điều này có thể làm suy yếu tim và khiến tim không thể bơm đủ máu đến cơ thể.
  • Bệnh phổi mạn tính, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc khí phế thũng có thể gây suy tim sung huyết.
  • Thuyên tắc phổi có thể gây suy tim phải.
  • Thiếu máu và mất máu quá nhiều có thể dẫn đến suy tim.
  • Các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể góp phần gây ra suy tim sung huyết vì tình trạng này có xu hướng dẫn đến tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, cả hai đều có liên quan đến căn bệnh này.
  • Béo phì có thể gây ra bệnh cơ tim. Béo phì cũng có thể khiến tim phải làm việc vất vả hơn nhiều so với những người khác.
  • Sử dụng lâu dài một số loại thuốc và chất bổ sung có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc điều trị suy tim. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể làm tăng huyết áp và tăng khả năng giữ muối nước, khiến bạn có nguy cơ bị suy tim sung huyết. Sử dụng các chất bổ sung quá nhiều như cam thảo và nhân sâm có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và tăng khả năng giữ muối nước, khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn.
  • Lạm dụng rượu có thể gây ra bệnh cơ tim và giảm khả năng bơm máu.
Suy tim SH 5.jpeg
Bệnh mạch vành là nguyên nhân thường gặp gây ra suy tim sung huyết

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy tim sung huyết?

Người mắc các bệnh lý như:

  • Tăng huyết áp;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh tuyến giáp;
  • Thừa cân – béo phì;
  • Nhiễm trùng nặng và phản ứng dị ứng,...

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tim sung huyết

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

  • Tuổi: Tim có thể trở nên mất tính mềm mại và yếu khi tuổi cao. Nguy cơ suy tim sung huyết tăng lên ở những người trên 65 tuổi. Người cao tuổi cũng dễ mắc các vấn đề sức khỏe khác gây ra suy tim.
  • Giới tính: Suy tim sung huyết có nguy cơ xảy ra ở nam giới cao gấp đôi.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ: Có nguy cơ cao nếu người thân là nữ (mẹ hoặc chị gái) mắc bệnh tim trước 65 tuổi hoặc nếu người thân là nam giới (cha hoặc anh trai) mắc bệnh này trước 55 tuổi.
  • Chủng tộc: Suy tim phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi và người La tinh so với người da trắng.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:

  • Tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu/tăng cholesterol máu/bệnh mạch vành;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Bệnh van tim;
  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì;
  • Lối sống tĩnh tại;
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, muối hoặc đường;
  • Stress;
  • Uống nhiều rượu;
  • Thiếu ngủ;
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, như: Cúm, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm khuẩn huyết, COVID-19, HIV, Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng,…
Suy tim SH 6.jpeg
Bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của suy tim sung huyết

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tim sung huyết

Các xét nghiệm thông thường được thực hiện để giúp chẩn đoán suy tim sung huyết bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG) giúp đánh giá nhịp tim và gián tiếp đánh giá kích thước của tâm thất cũng như lưu lượng máu đến cơ tim.
  • Chụp X-quang ngực để xem kích thước của tim và có hay không sự hiện diện của dịch trong phổi.
  • Xét nghiệm máu có thể bao gồm công thức máu toàn phần, ion đồ, glucose, BUN và creatinin (để đánh giá chức năng thận).
  • Peptide natriuretic loại B (BNP) có thể hỗ trợ xem xét người bệnh bị khó thở do suy tim sung huyết hay do nguyên nhân khác.
  • Siêu âm tim và siêu âm tim Doppler được khuyến khích để đánh giá giải phẫu và chức năng của tim. Ngoài việc có thể đánh giá van tim và cơ tim, nó còn có thể xem xét lưu lượng máu trong tim, theo dõi sự co bóp của buồng tim và đo phân suất tống máu.

Ngoài ra, các xét nghiệm khác có thể được xem xét để đánh giá và theo dõi người bệnh nghi ngờ suy tim sung huyết, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng.

Phương pháp điều trị suy tim sung huyết hiệu quả

Các phương pháp điều trị có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống bằng cách kiểm soát bệnh suy tim và giúp giảm triệu chứng. Điều trị cũng có thể giúp làm chậm diễn tiến của bệnh.

Các bác sĩ sẽ tập trung vào việc điều trị nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Điều này sẽ làm giảm gánh cho tim. Bác sĩ tim mạch sẽ đưa ra các phương án điều trị và khuyến cáo phù hợp cho hoàn cảnh của từng người bệnh.

Các phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh suy tim sung huyết, bao gồm:

Thuốc: Nhiều loại thuốc có thể điều trị triệu chứng của suy tim sung huyết, bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta;
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEi);
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBi);
  • Thuốc đối kháng aldosterone;
  • Thuốc lợi tiểu.

Kiểm soát huyết áp và mỡ máu cũng là những cân nhắc quan trọng để điều trị suy tim sung huyết và bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc riêng biệt cho việc này.

Phẫu thuật: Không phải tất cả mọi trường hợp suy tim sung huyết đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây suy tim và giúp kiểm soát các triệu chứng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim sung huyết

Chế độ sinh hoạt:

Để ngăn ngừa bệnh suy tim sung huyết trở nên tồi tệ hơn, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Điều trị tăng huyết áp: Điều quan trọng là phải kiểm soát huyết áp nếu bạn bị tăng huyết áp để tim có thể bơm máu hiệu quả hơn mà không bị căng thẳng thêm.
  • Theo dõi các triệu chứng: Kiểm tra những thay đổi bằng cách cân trọng lượng cơ thể hàng ngày và kiểm tra xem có bị phù hay không. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc nếu bạn bị phù nhiều hơn. Ngoài ra, nếu bạn xuất hiện các triệu chứng mới hoặc nếu các triệu chứng cũ trở nên tồi tệ hơn cũng cần phải đến gặp bác sĩ.
  • Duy trì cân bằng nước: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi lại lượng nước bạn uống hoặc ăn và tần suất bạn đi vệ sinh. Hãy nhớ rằng, bạn càng mang nhiều chất lỏng trong mạch máu thì tim càng phải làm việc nhiều hơn để bơm chất lỏng dư thừa đi khắp cơ thể. Hạn chế lượng chất lỏng nạp vào dưới 2 lít mỗi ngày sẽ giúp giảm tải công việc cho tim và ngăn ngừa các triệu chứng quay trở lại.
  • Dùng thuốc theo đúng quy định: Thuốc được sử dụng để cải thiện khả năng bơm máu của tim, giảm căng thẳng cho tim, giảm tiến triển của suy tim và ngăn ngừa tình trạng ứ nước.
  • Tái khám thường xuyên: Trong các lần tái khám, bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo rằng bạn luôn khỏe mạnh và tình trạng suy tim của bạn không trở nên trầm trọng hơn.

Nỗ lực ngăn ngừa tổn thương tim thêm:

  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Đạt và duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Kiểm soát mỡ máu và bệnh đái tháo đường;
  • Luyện tập thể dục đều đặn;
  • Đừng uống rượu;
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ natri (muối) dưới 1.500mg mỗi ngày. Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa, cholesterol và đường.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Hỏi bác sĩ về việc tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi.
  • Nhận hỗ trợ về mặt tâm lý nếu cần thiết: Nếu bạn cần hỗ trợ về mặt tinh thần, nhân viên xã hội, nhà tâm lý học, bác sĩ và các hội nhóm hỗ trợ bệnh suy tim đều có thể giúp đỡ bạn.
Suy tim SH 7.jpeg
Người bệnh suy tim sung huyết nên được kiểm soát huyết áp tốt

Chế độ dinh dưỡng:

Hạn chế lượng muối (natri) nạp vào cơ thể: Natri được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn. Nó cũng được thêm vào để tạo hương vị hoặc làm cho thực phẩm để được lâu hơn. Nếu bạn tuân theo chế độ ăn ít natri, bạn sẽ ít giữ nước hơn, ít phù hơn và thở dễ dàng hơn.

Phương pháp phòng ngừa suy tim sung huyết hiệu quả

Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy tim sung huyết là kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bạn. Thay đổi lối sống và tuân thủ bất kỳ loại thuốc nào bác sĩ kê đơn có thể giúp ích rất nhiều trong việc ngăn ngừa suy tim sung huyết.

Những thay đổi lối sống này bao gồm:

  • Bỏ hút thuốc lá;
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Hoạt động thể chất;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Kiểm soát tăng huyết áp cao và bệnh đái tháo đường;
  • Giảm căng thẳng.
Nguồn tham khảo
  1. Congestive Heart Failure: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17069-heart-failure-understanding-heart-failure
  2. What to know about congestive heart failure (CHF): https://www.medicalnewstoday.com/articles/156849
  3. Congestive Heart Failure (CHF): Symptoms, Causes, Stages, Treatment: https://www.medicinenet.com/congestive_heart_failure_chf_overview/article.htm
  4. What Is Congestive Heart Failure? Symptoms, Causes, Diagnosis, Treatment, and Prevention: https://www.everydayhealth.com/congestive-heart-failure/guide/
  5. Congestive Heart Failure (CHF): https://www.emedicinehealth.com/congestive_heart_failure/article_em.htm

Các bệnh liên quan

  1. U thần kinh nội tiết

  2. Cường Aldosteron tiên phát

  3. Rong kinh tiền mãn kinh

  4. sa tinh hoàn

  5. Ung thư lá lách

  6. Bệnh Dirofilariasis

  7. Hoại tử vỏ thận

  8. U máu thể hang

  9. Vỡ túi ngực

  10. bệnh tim thiếu máu cục bộ