Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Ù tai hai bên là bệnh gì?

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ù tai hai bên là tình trạng hai bên tai nghe thấy những tiếng kêu không mong muốn, mà người khác không nghe thấy. Vậy ù tai hai bên là bệnh gì? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bạn nhé!

Ù tai là tình trạng khá phổ biến, nó gây ảnh hưởng đến 10% dân số thế giới. Nó có thể ảnh hưởng đến một tai hoặc hai tai. Khi cả hai tai đều bị ảnh hưởng gọi là ù tai hai bên. Ù tai hai bên gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, đau đầu, lâu dần ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt hàng ngày của họ. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu vấn đề ù tai hai bên là bệnh gì và thảo luận về các cách điều trị ù tai hai bên hiệu quả, khoa học.

Chẩn đoán ù tai hai bên như thế nào?

Để chẩn đoán xác định ù tai hai bên, cần dựa vào cả dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm để chẩn đoán.

Dấu hiệu lâm sàng

Người bị ù tai hai bên sẽ nghe thấy các âm thanh lạ bên tai mà người ngoài không nghe thấy được, các âm thanh có thể kể đến: Tiếng chuông, tiếng vo ve, tiếng huýt sáo, tiếng lách cách, tiếng ve kêu, tiếng dế kêu... Tiếng kêu nghe được ở cả hai tai khiến người bệnh rất khó chịu. Âm thanh ù tai có thể nhỏ hoặc lớn, có thể dao động về âm lượng và cao độ. Các tiếng kêu này có thể liên tục hoặc chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện và không hề có dấu hiệu báo trước.

Ù tai hai bên là bệnh gì 1 Người bệnh nghe thấy tiếng chuông reo hai bên tai

Người bị ù tai luôn cảm thấy khó chịu và đau đầu. Họ lo lắng về tình trạng sức khỏe của bản thân, dần dần xuất hiện lo âu, mất ngủ, thậm chí là trầm cảm. Đặc biệt chứng ù tai trở nên dễ nhận thấy nhất trong môi trường yên tĩnh, không có các yếu tố kích thích từ bên ngoài, do đó tình trạng ù tai nặng hơn vào ban đêm.

Một số triệu chứng kèm theo có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ù tai. Khi ù tai kèm theo triệu chứng đau tai hoặc chảy mủ tai thì nguyên nhân có thể do nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai hoặc Cholesteatoma (một dạng của viêm tai giữa mạn tính). Nếu ù tai có kèm theo chóng mặt thì nguyên nhân có thể do các tổn thương thần kinh hoặc bệnh Meniere (bệnh do sự tăng tiết dịch và các ion bất thường ở tai trong).

Khi bạn có những dấu hiệu trên, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên gia thần kinh để tìm ra nguyên nhân gây ù tai và điều trị sớm.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Trước tiên bác sĩ hỏi về tiền sử sức khỏe, các loại thuốc đang dùng và triệu chứng ù tai của bạn. Bạn cần mô tả chính xác triệu chứng ù tai của bản thân bởi nó rất quan trọng. Sau đó bạn sẽ được kiểm tra thính lực xem có bị giảm hay mất thính lực không.

Một số xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán ù tai hai bên:

  • Nếu nghi ngờ ù tai do nguyên nhân thần kinh, cần chụp cộng hưởng từ sọ não để tìm tổn thương có thể ở não.
  • Nếu ù tai có nhịp điệu, đồng bộ với nhịp tim, các bác sĩ nghi ngờ do nguyên nhân mạch máu cần làm các xét nghiệm như chụp cắt lớp vi tính mạch, chụp mạch cộng hưởng từ, kiểm tra huyết áp bệnh nhân, siêu âm mạch máu... để tìm nguyên nhân ù tai.

Ù tai hai bên là bệnh gì? Nguyên nhân nào gây ù tai hai bên

Ù tai không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của một hoặc nhiều bệnh tiềm ẩn. Do đó cần tìm ra được căn nguyên gây ù tai để điều trị triệt để. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ù tai hai bên gồm:

  • Mất thính lực do tuổi tác: Lão hóa là một yếu tố nguy cơ gây ù tai vì tình trạng suy giảm thính lực khi tuổi tác cao.
  • Giảm thính lực do tiếng ồn: Việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một khoảng thời gian dài có thể làm giảm thính lực và tăng nguy cơ bị ù tai hai bên. Hoặc khi tiếp xúc duy nhất một lần với tiếng ồn cực lớn cũng có thể gây ra hậu quả này.
Ù tai hai bên là bệnh gì? 2 Tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ù tai hai bên
  • Các dạng mất thính giác khác như các xương con ở tai giữa phát triển không đều, màng nhĩ bị thủng cũng gây nên ù tai.
  • Dùng thuốc gây độc cho tai, gây giảm hoặc mất thính lực của tai như kháng sinh nhóm aminoglycosid, thuốc điều trị ung thư, aspirin dùng với liều cao, thuốc lợi tiểu...
  • Rối loạn mạch máu hoặc hệ thống cơ: Xơ vữa động mạch, khối u vùng đầu và cổ, các dị tật mạch máu, huyết áp cao... Các rối loạn này có liên quan đến chứng ù tai khách quan, cần tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để.
  • Bệnh Meniere: Bệnh do sự tăng tiết dịch và các ion bất thường ở tai trong gây nên, rối loạn này gây nên tình trạng ù tai cho người bệnh.
  • Nhiễm trùng tai và xoang hai bên: Ù tai sẽ kèm theo các triệu chứng của nhiễm trùng, cần tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng để điều trị.
  • Do các tổn thương thần kinh: Thường kèm theo triệu chứng chóng mặt. Có thể là một khối u não gây chèn ép thần kinh thính giác hoặc một tai biến mạch máu não gây mất cấp máu cho vùng trung khu thính giác. Bệnh nhân cần chụp MRI sọ não để tìm tổn thương não gây nên tình trạng này.
  • Sự tích tụ ráy tai: Ráy tai bảo vệ ống tai ngoài của bạn bằng cách giữ lại các bụi bẩn và làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên nếu có quá nhiều ráy tai tích tụ, nó trở nên khó khăn trong việc làm sạch, gây bít tắc tại ống tai ngoài, gây giảm hoặc mất thính giác, dẫn đến ù tai hai bên.
  • Chấn thương đầu có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thính giác, tai trong hoặc trung khu thị giác trên não.

Cách điều trị ù tai hai bên khoa học, hiệu quả

Đầu tiên cần phải xác định được nguyên nhân gây để điều trị triệt để. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ù tai hai bên để chọn phương pháp điều trị phù hợp:

  • Nếu nguyên nhân do nhiễm trùng tai, bạn sẽ được dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc xịt mũi. Nếu bệnh nhân bị viêm tai giữa, có thể làm sạch tai bằng cách bơm hơi vòi nhĩ để lấy sạch dịch mủ, dịch viêm ở tai giữa.
  • Nếu nguyên nhân do ráy tai quá nhiều, cần hút loại bỏ hết ráy tai và làm sạch ống tai ngoài.
  • Nếu nguyên nhân do thần kinh như u não, tai biến mạch máu não cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và xử trí cấp cứu.

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể tìm ra được nguyên nhân để điều trị. Trường hợp không tìm được nguyên nhân thì cần dùng các phương pháp giảm nhận thức của người bệnh về âm thanh ù tai:

  • Nếu bạn bị ù tai kèm suy giảm thính lực thì máy trợ thính là một phương pháp điều trị có hiệu quả. Việc tăng khả năng nghe những âm thanh bên ngoài sẽ giúp bạn giảm các âm thanh ù tai. Hiện nay có nhiều loại máy trợ thính tích hợp chức năng giảm ù tai mà bạn có thể điều chỉnh. Nếu không sử dụng máy trợ thính, bạn có thể thư giãn bằng các liệu pháp âm nhạc để giúp hạn chế âm thanh ù tai. Đặc biệt khi vào ban đêm, tình trạng ù tai nặng lên do không gian yên tĩnh khiến bạn không ngủ được thì cách trị liệu bằng âm nhạc sẽ rất hữu ích giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ hơn.
  • Liệu pháp tạo thói quen, giúp huấn luyện não bỏ qua âm thanh ù tai. Bạn sẽ được đeo một thiết bị thính học phát ra các âm thanh trùng khớp hoặc bằng âm thanh ù tai. Khi đó hai âm thanh này sẽ trộn lẫn vào nhau. Tuy nhiên do âm thành ù tai có thể dao động liên tục cả cao độ và âm lượng nên bạn cần điều chỉnh thiết bị của mình tương ứng với âm thanh ù tai. Theo thời gian, bộ não của bạn sẽ quen dần với những tiếng ồn do âm thanh ù tai tạo ra và không thấy khó chịu với những âm thanh đó nữa.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, xây dựng một lối sống lành mạnh. Sống thoải mái, giải tỏa căng thẳng, không hút thuốc lá, rượu bia và đồ uống có chứa caffeine, không ăn đồ ăn quá mặn. Bởi chúng gây ra tình trạng tăng huyết áp, căng thẳng khiến tình trạng ù tai trầm trọng hơn.
  • Duy trì các hoạt động giao tiếp xã hội giúp tận hưởng cuộc sống và quên đi các âm thanh ù tai.
  • Khi bạn đã mắc ù tai trong một thời gian dài khiến mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm hãy tìm đến các chuyên gia tâm thần để được chẩn đoán và điều trị.
Ù tai hai bên là bệnh gì? 3 Ù tai hai bên là bệnh gì là thắc mắc của nhiều người đang mắc tình trạng này

Cách phòng ngừa ù tai hai bên

Một số cách để phòng ngừa ù tai:

  • Sử dụng các thiết bị bảo vệ thính giác: Nếu bạn thường xuyên phải làm việc trong môi trường tiếng ồn, âm thanh quá lớn nên sử dụng các thiết bị bảo vệ thính giác để bảo vệ tai, tránh làm tổn thương dây thần kinh gây ù tai và mất thính lực.
  • Sử dụng âm lượng vừa phải: Khi sử dụng các thiết bị nghe nhạc hãy sử dụng âm thanh vừa đủ, vì âm thanh lớn và kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến thính lực.
  • Thay đổi lối sống: Không hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để giữ cho mạch máu khỏe mạnh giúp ngăn ngừa chứng ù tai liên quan đến bệnh mạch máu.
Ù tai hai bên là bệnh gì? 4 Sử dụng âm thanh vừa đủ để phòng ngừa ù tai hai bên

Nếu bạn đang thắc mắc "ù tai hai bên là bệnh gì", mong rằng bài viết này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức hữu ích về ù tai cũng như cách điều trị tình trạng này. Tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân ngay khi bạn có các triệu chứng của ù tai. Và đừng quên theo dõi Web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật những bài viết hay về y học và đời sống nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin