Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ù tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, cách khắc phục

Ngày 28/04/2022
Kích thước chữ

Rất nhiều người phàn nàn rằng bị nghe không rõ, ù tai khi đi máy bay, thậm chí có cảm giác đau. Vậy tại sao lại có hiện tượng này và cách khắc phục thế nào. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bạn nhé!

Ù tai khi đi máy bay là tình trạng ù tai xuất hiện khi màng nhĩ phải chịu sự mất cân bằng áp suất giữa môi trường xung quanh và tai giữa. Hiện tượng này thường xảy ra khi máy bay hạ cánh hoặc khi máy bay cất cánh, làm chúng ta nghe thấy tiếng rít hoặc ù ù trong tai.

Vì sao bị ù tai khi đi máy bay?

Khi máy bay hạ cánh hoặc cất cánh, tai của bạn có thể xảy ra hiện tượng đau tai, ù tai. Điều này là do áp suất không khí trong cabin trở nên cao hơn áp suất trong tai của bạn, màng nhĩ chịu sự biến đổi áp suất và rung động bất thường.

Màng nhĩ là thành phần ngăn cách phần ống tai ngoài, môi trường với tai giữa. Ở thành dưới tai giữa có một bộ phận gọi là vòi tai (hay Eustache), là ống nối mũi họng với ống tai giữa. Vòi có chức năng chính là thông khí, dẫn lưu khí và dịch của tai giữa với mũi họng miệng. Bình thường, vòi nhĩ đóng, chỉ mở ra khi nuốt hoặc ngáp. Nhờ vậy, áp suất giữa tai và môi trường luôn được cân bằng.

Ù tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, cách khắc phục 1 Cấu trúc giải phẫu của tai

Khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh, áp suất không khí ở cabin máy bay tăng lên nhanh chóng, lớn hơn nhiều so với áp lực trong tai giữa. Do chịu áp lực không khí bên ngoài, màng nhĩ đột ngột bị căng phồng, vòi tai không mở ra kịp, chức năng dẫn truyền âm thanh bị ảnh hưởng. Khi máy bay ở độ cao ổn định, tình trạng này giảm bớt, bạn sẽ thoải mái hơn rất nhiều.

Tình trạng ù tai do mất cân bằng áp suất cũng gặp ở một số trường hợp khác như đi thang máy lên tầng cao, nổ bom mìn, lặn biển,… Cơ chế chung của các tình huống này đều là do áp suất lớn đột ngột tác động làm căng màng nhĩ.

Ù tai khi đi máy bay có nguy hiểm không?

Ù tai khi máy bay thay đổi độ cao đột ngột là hiện tượng gặp ở nhiều người, tình trạng trên thường tự hết sau khi máy bay hạ cánh hoặc kéo dài vài giờ sau đó mà không cần điều trị gì. Ù tai không nguy hiểm, chủ yếu gây khó chịu cho người đi máy bay với các biểu hiện như sau:

  • Cảm giác khó chịu, đau rít ở tai;
  • Cảm giác nghẹt trong tai;
  • Giảm khả năng nghe.
Ù tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, cách khắc phục 2 Ù tai khi đi máy bay không nguy hiểm nhưng làm người bay khó chịu và lo lắng

Các khó chịu này chỉ thoáng qua, hết hoàn toàn sau khi máy bay hạ cánh. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp người bay có những yếu tố bệnh lý từ trước làm tình trạng ù tai khá nặng nề, làm người bay đau tai dữ dội, kèm đau đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, thậm chí bị chảy máu tai, nặng hơn nữa là giảm thính lực không hồi phục, ù tai kéo dài. Các nguy cơ, biến cố nặng trên sẽ hay bắt gặp ở những người đang có bệnh như:

  • Viêm tai giữa chảy dịch, viêm xoang,...
  • Tắc vòi tai;
  • Rối loạn cấu trúc vòi tai bẩm sinh: Vòi tai nhỏ ở trẻ em.

Tâm lý lo lắng cũng là một nguyên nhân làm tình trạng này nặng hơn, đặc biệt với những người có chứng sợ đi máy bay, sợ độ cao,… Vì vậy, hãy thư giãn tâm lý thoải mái nhất có thể để bạn không phải khó chịu vì ù tai.

Cách phòng ù tai khi đi máy bay

Dựa vào cơ chế ù tai khi đi máy bay, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tuy đơn giản, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao nhờ cân bằng áp suất không khí như sau:

  • Nuốt, ngáp và cử động quai hàm bằng cách nhai kẹo cao su hoặc ngậm đồ ngọt. Thao tác này sẽ mở ống Eustachian ở phần giữa tai của bạn, cho phép áp suất không khí trong tai cân bằng với áp suất bên ngoài. Biện pháp này giúp giảm nhanh chóng triệu chứng ù tai. Bạn có thể áp dụng luôn khi máy bay chuẩn bị hạ cánh để dự phòng trước.
  • Nghiệm pháp Valsalva khi máy bay thay đổi độ cao đột ngột: Nghiệm pháp thực hiện gồm các bước: Hít sâu sau đó ngậm miệng để không khí không ra đường miệng, đồng thời bịt kín hai lỗ mũi bằng tay rồi thở nhẹ từ từ dồn khí ra mũi đồng thời thả lỏng dần tay giữ. Thực hiện động tác này vài lần, đặc biệt là khi máy bay hạ cánh, áp suất giữa tai và khoang máy bay sẽ được cân bằng.
  • Không nên ngủ trong khi máy bay hạ cánh và cất cánh: Khi ngủ, bạn sẽ không áp dụng được hai biện pháp cân bằng áp suất trên, làm cho bạn thấy đau rát tai ngay khi thức dậy.
  • Sắp xếp lên kế hoạch di chuyển phù hợp: Không nên đi máy bay khi đang bị ngạt mũi, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa, viêm xoang. Khi bị ngạt mũi, bạn có thể dùng một số thuốc xịt để thông mũi trước bay 30 phút, nhưng không nên xịt quá liều tránh hiện tượng nhờn thuốc. Với những người có phẫu thuật tai gần đây, cần trao đổi trước với bác sĩ để tìm được thời điểm hợp lý đi máy bay trở lại, đảm bảo tai đã lành trước khi bay.
  • Sử dụng nút tai: Nút tai sẽ giúp từ từ cân bằng áp suất lên màng nhĩ khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh.
  • Thư giãn khi đi máy bay: Bởi bạn lo lắng thì tình trạng ù tai sẽ căng khó chịu hơn. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng khi bay, hãy nghĩ cách giúp bạn bình tĩnh lại: Nghe nhạc, đọc tạp chí hoặc xem phim trong suốt chuyến bay. Những điều này sẽ khiến bạn mất tập trung vào bất cứ điều gì đang khiến bạn lo lắng.
  • Các bài tập thư giãn và thở cũng có thể rất hữu ích, đặc biệt nếu bạn thực hành chúng trước chuyến bay. Nếu bạn biết mình sợ đi máy bay, hãy nói chuyện với bác sĩ, họ có thể đề nghị một liều thuốc an thần nhẹ, hoặc bạn có thể tham gia một số khóa học để giúp mọi người vượt qua nỗi sợ hãi này.
Ù tai khi đi máy bay: Nguyên nhân, cách khắc phục 3 Giữ tinh thần thư giãn sẽ giúp cảm giác khó chịu giảm bớt 

Với những người ù tai không mất đi sau hạ cánh hoặc có các triệu chứng nặng như mất thính giác, ù tai kéo dài, chảy máu tai,… cần đi khám bác sĩ tai mũi họng để tìm nguyên nhân, xử trí sớm nhất tránh biến chứng.

Một lần nữa khẳng định, ù tai khi đi máy bay không nguy hiểm và có thể phòng tránh được nhờ các biện pháp đơn giản. Hiện nay máy bay là phương tiện phổ biến, hi vọng bài viết trên đây của Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải tỏa được phần nào nỗi lo về tình trạng này!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin