Theo WHO - Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 5% dân số trên thế giới bị ù tai ở các cấp độ khác nhau, trong đó đa phần là trẻ em và thanh niên, chiếm tới 50% số lượng này. Một trong những hậu quả thường thấy của ù tai là khả năng nghe của người bệnh kém hơn so với người bình thường. Tình trạng ù tai nghe kém có ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của người bệnh.
Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về chứng ù tai nghe kém qua bài viết dưới đây.
Ù tai nghe kém là gì?
Ù tai là tình trạng người bệnh nghe thấy những tiếng ù, tiếng chuông, tiếng vo ve, ong kêu, tiếng nước chảy hay nhịp tim của bản thân... Tình trạng ù tai dẫn tới sự tiếp nhận âm thanh đến tai giảm mạnh. Tuy có thể nghe được âm thanh nhưng rất kém, có thể không nghe rõ chữ ngay cả khi nguồn âm ngay bên cạnh. Đây là trạng thái suy giảm thính lực hay còn gọi là nghe kém, khiếm thính, mức độ nặng nhẹ sẽ tùy từng trường hợp cụ thể.
Biểu hiện mắc ù tai nghe kém
Dưới đây là một số dấu hiệu người bệnh có thể gặp khi bị ù tai nghe kém:
-
Cảm thấy âm thanh, lời nói truyền đến bị rè, nghẹt lại.
-
Không hiểu rõ các từ ngữ nghe được, kể cả khi xung quanh có nguồn âm lớn đang phát hay đang ở trong đám đông ồn ào.
-
Luôn nghe nhạc, xem tivi, đài ở âm lượng lớn.
-
Cần mọi người nói chậm, to, rõ hơn để có thể hiểu được.
-
Thông tin người bệnh nghe được lẫn lộn.
-
Trong tai có những tiếng ù ù, vo ve, tiếng tim đập, tiếng chuông...
-
Người bệnh cảm thấy không thuận lợi khi đàm thoại với mọi người.
-
Ít tham gia một số hoạt động cộng đồng.
Âm thanh truyền đến tai bị đứt quãng là biểu hiện của ù tai nghe kém
Nguyên nhân gây ù tai nghe kém
Một số nguyên nhân dẫn đến người bệnh bị ù tai suy giảm chức năng nghe có thể kể đến như:
-
Tai tổn thương: Nguyên nhân lớn dẫn đến ù tai nghe kém là do tế bào lông tai bị tổn thương. Thời gian dài tiếp xúc với tiếng ồn có thể gây mòn, rách các sợi lông của ốc tai làm giảm chất lượng âm thanh có thể nghe được. Điều này có xu hướng tăng dần theo độ tuổi.
-
Ráy tai: Do tích tụ quá nhiều ráy tai sẽ làm tắc ống tai, ngăn chặn âm thanh có thể tiếp nhận được.
-
Viêm nhiễm, bệnh lý: Viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng tai... là những vấn đề có thể khiến suy giảm thính lực ở người bệnh. Ngoài ra sự tăng sinh bất thường của xương hay khối u cũng khiến mắc phải ù tai, nghe kém hiệu quả.
-
Thủng màng nhĩ: Tổn thương khiến rách, xước, thủng màng nhĩ do tiếng ồn, áp suất thay đổi đột ngột hay dị vật chọc thủng cũng ảnh hưởng lớn tới thính giác.
-
Di truyền: Tuy hiếm nhưng yếu tố di truyền cũng có thể khiến tỷ lệ mắc ù tai, suy giảm thính giác tăng cao hơn ở những người có tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh.
-
Thuốc: Do ảnh hưởng của một số loại thuốc như nhóm kháng sinh aminosid (gentamicin), thuốc trị sốt rét, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau... nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.
-
Tuần hoàn máu rối loạn: Làm gián đoạn quá trình vận chuyển oxy và dinh dưỡng của máu đến cơ quan khiến thính lực suy giảm gây ù tai.
-
Khác: Các vấn đề về chấn thương, u dây thần kinh thính giác, u não, suy giảm chức năng thận cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ù tai nghe kém.
Ù tai nghe kém có nguy hiểm không?
Ù tai nghe kém là bệnh không nguy hiểm tới tính mạng con người những làm suy giảm thính giác, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người bệnh. Do đó, nên khắc phục kịp thời tình trạng này để không làm trầm trọng thêm trạng thái mất thính lực về lâu dài. Có một số cách có thể giúp cải thiện triệu chứng có thể kể đến như:
-
Bảo vệ tai: Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài. Có thể dùng đồ nút tai để ngăn chặn âm thanh lớn đánh trực tiếp vào thính giác. Hiện nay trên thị trường hay các trang thương mại điện tử cũng có rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, giá cả hợp lý cho bạn lựa chọn.
-
Tránh các hoạt động giải trí gây ra âm thanh quá lớn như bắn súng, đua xe... Ngoài ra khi nghe nhạc mạnh cần có đồ hỗ trợ bảo vệ tai như đã nói ở trên.
-
Thường xuyên kiểm tra thính lực nếu phải làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn. Kịp thời đến gặp bác sĩ tư vấn để ngăn ngừa những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
-
Tránh các tác động mạnh gây chấn thương tai hay đưa vật lạ vào tai khiến tình trạng ù tai giảm thính lực trở nên trầm trọng hơn.
-
Chăm sóc, vệ sinh tai đúng cách. Không tự ý chọc lấy ráy tai bằng các vật sắc nhọn sẽ làm tổn thương đến tai.
Sử dụng đồ bịt tai giúp bảo vệ tai
Cách chữa ù tai nghe kém tại nhà?
Các cách chữa ù tai nghe kém tại nhà có thể kể đến như sau:
-
Bổ sung vitamin và khoáng chất: Người bệnh nên được bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, sắt, vitamin D, các dưỡng chất đầy đủ sẽ giúp cải thiện thính giác.
-
Hạn chế bia rượu, thuốc lá, đồ cay, nóng...
-
Thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
-
Sử dụng gừng tươi: Gừng không chỉ là một loại gia vị hàng ngày, mà còn là một loại thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả. Sử dụng trà gừng kết hợp mật ong sẽ giảm tình trạng ù tai nghe kém hiệu quả.
-
Nghệ tươi: Không chỉ gừng mà nghệ cũng là loại thảo dược hỗ trợ cơ thể và não hoạt động tốt. Ngoài dùng trực tiếp có thể kết hợp với các dược liệu khác hoặc thêm vào bữa ăn cũng cho hiệu quả đáng mong đợi.
-
Tỏi: Cũng như gừng, tỏi có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm mạnh, có thể cải thiện tình trạng suy giảm thính giác do viêm nhiễm.
-
Cây kim thảo (hay còn gọi là cây cối xay): Được biết đến với các công dụng chữa các bệnh về tai như ù tai, điếc, viêm tai giữa...
Trà gừng mật ong giúp cải thiện ù tai nghe kém
Trên đây là một số thông tin về chứng ù tai nghe kém, hy vọng có thể đem đến những thông tin hữu ích tới cho bạn đọc. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật những tin tức mới nhất nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp