Ung thư lưỡi có chữa được không? Phương pháp điều trị như thế nào?
Ngày 30/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Ung thư lưỡi không phải căn bệnh quá phổ biến. Bệnh ít được phát hiện ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Đến khi phát hiện thì bệnh đã bước sang giai đoạn nặng và khó điều trị. Một vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm là ung thư lưỡi có chữa được không.
Ung thư lưỡi là bệnh ác tính trong khoang miệng. Ung thư lưỡi có chữa được không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Tùy từng giai đoạn và từng trường hợp cụ thể mà có phương pháp điều trị khác nhau. Trong nhiều hợp, ung thư lưỡi có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi thói quen sống. Vậy ung thư lưỡi có chữa được không, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi
Hiện nay, vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh mà chỉ có thể dựa trên một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi như thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, vệ sinh răng miệng không đúng, ăn uống thiếu dinh dưỡng, do nhiễm virus HPV,... Khi bị ung thư lưỡi, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của bệnh, cụ thể như sau:
Giai đoạn bắt đầu
Ở giai đoạn đầu, người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt nên người bệnh thường chủ quan, không đi khám. Tuy nhiên, bạn cũng nên đề phòng những dấu hiệu sau:
Cảm giác khó chịu ở lưỡi như có dị vật mắc vào nhưng cảm giác không rõ ràng.
Trên bề mặt lưỡi xuất hiện những nốt sần có màu sắc thay đổi hoặc tổn thương lưỡi ở dạng xơ hóa hoặc có những vết loét nhỏ.
Hạch cổ: Khi vi khuẩn đã tấn công vào hạch làm hạch cứng lại và trồi lên bề mặt da.
Giai đoạn toàn phát
Lúc này, các dấu hiệu của bệnh có biểu hiện rõ hơn và gây ra những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người bệnh, như là:
Đau lưỡi: Đau lưỡi diễn ra liên tục, có thể lan đến tai. Khi bệnh nhân nhai thức ăn, nói chuyện hoặc ăn đồ cay, mức độ đau tăng dần.
Khó nói và nuốt khó khăn.
Tăng tiết nước bọt, có máu trong nước bọt.
Hơi thở có mùi khó chịu.
Sốt do nhiễm trùng.
Mệt mỏi, chán ăn và sút cân.
Giai đoạn tiến triển
Ung thư lưỡi tiến triển khá nhanh. Nếu không phát hiện sớm, vết loét có thể ăn sâu vào bên dưới hoặc lan rộng ra các vùng xung quanh. Do đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức nhiều, kèm theo chảy máu, bội nhiễm, hơi thở có mùi hôi do vết hoại tử. Lúc này, bệnh nhân có thể cảm thấy đau khi khám.
Giai đoạn cuối
Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối thì các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như sút cân nhanh chóng, mệt mỏi, sốt, rối loạn tiêu hóa, nổi hạch, lưỡi bị tổn thương nặng,…
Ung thư lưỡi có chữa được không?
Ung thư lưỡi đứng đầu trong các loại ung thư khoang miệng, chiếm khoảng 30 - 50% trường hợp mắc bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Tùy từng giai đoạn mà người bệnh có những có dấu hiệu khác nhau.
Ung thư lưỡi có chữa được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thể trạng, giai đoạn tiến triển cũng như mức độ đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Các bác sĩ thường đưa ra tiên lượng sống thêm 5 năm, dựa vào tình trạng bệnh để dự đoán khả năng sống của bệnh nhân.
Ở giai đoạn khu trú, khi kích thước khối u dưới 4cm, chưa di căn đến các hạch bạch huyết hay cơ quan khác, người bệnh có khoảng 78% cơ hội sống sót.
Ở giai đoạn tiến triển, bệnh đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ, bệnh nhân có khoảng 63% cơ hội sống sót.
Ở giai đoạn di căn, khối u đã di căn đến thanh quản, vòm họng hay di căn đến xương, gan, phổi thì cơ hội sống của bệnh nhân giảm xuống còn khoảng 36%.
Phương pháp điều trị ung thư lưỡi
Khi có những dấu hiệu bất thường ở miệng, lưỡi, bạn không nên chủ quan mà nên đi khám càng sớm càng tốt. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nhất như:
Sinh thiết: Bác sĩ dùng kim mảnh để chọc hút các hạch bạch huyết hoặc áp lam vào tổn thương ở lưỡi.
Ngoài ra còn một số phương pháp như siêu âm, chụp X-quang hàm dưới, chụp CT, MRI để đánh giá mức độ của bệnh. Một số trường hợp nghi ngờ di căn xa có thể chỉ định chụp cắt lớp toàn thân.
Để điều trị ung thư lưỡi hiệu quả, các bác sĩ phải xác định được giai đoạn của bệnh nhân. Đối với những trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp phẫu thuật và xạ trị.
Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, quá trình điều trị sẽ rất khó khăn. Người bệnh có thể cần kết hợp nhiều phương pháp để điều trị tốt nhất. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư lưỡi thường được áp dụng:
Phẫu thuật: Dựa vào vị trí, kích thước của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật như cắt bỏ khối u, cắt bỏ một phần lưỡi và nạo vét hạch cổ, cắt bỏ nửa lưỡi và nửa sàn miệng, cắt xương hàm dưới và nạo vét hạch cổ.
Trường hợp bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn nhưng vẫn có thể phẫu thuật thì bác sĩ sẽ kết hợp phẫu thuật với hóa trị, xạ trị để bệnh nhân nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.
Xạ trị: Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ áp dụng xạ trị. Ví dụ, xạ trị đơn thuần đối với bệnh nhân ở giai đoạn sớm, xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại mang lại hiệu quả tốt hơn so với phẫu thuật đơn thuần. Thực hiện xạ trị tại chỗ để loại bỏ tại chỗ các tổn thương ác tính. Xạ trị tuy mang lại hiệu quả tích cực nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, nhiễm trùng miệng, loét da,...
Hoá trị: Tiêm một số hóa chất vào cơ thể bệnh nhân để tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định đa hóa trị hoặc đơn hóa trị cho bệnh nhân. Hóa trị có thể được kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị để có kết quả tốt nhất.
Trên đây là thông tin về triệu chứng và cách điều trị bệnh ung thư lưỡi. Ung thư lưỡi có chữa được không thì câu trả lời là tuỳ vào từng giai đoạn mà có phương pháp điều trị cụ thể, nhưng bệnh phát hiện ở giai đoạn cuối thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Để phòng bệnh, bạn phải vệ sinh răng miệng hàng ngày đúng cách, bỏ những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh như uống rượu bia, hút thuốc lá,…
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.