Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư lưỡi: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư lưỡi là loại bệnh thường gặp ở các loại bệnh ung thư vùng miệng và xung quanh miệng. Ung thư lưỡi không có dấu hiệu rõ ràng ở thời gian đầu, dễ gây nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng thường thấy cho đến khi bệnh phát tác. Bệnh ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới có độ tuổi trên 50, nhưng những năm gần đây căn bệnh này đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Vì vậy, việc hiểu rõ các nguyên nhân cũng như các triệu chứng bệnh sẽ có thể giúp chúng ta phòng ngừa bệnh kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư lưỡi là gì? 

Ung thư lưỡi là bệnh thường gặp, phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Ung thư lưỡi đa số bất nguồn từ các tế bào vảy mỏng, dẹt lót trên bề mặt của lưỡi. Vị trí xuất hiện ung thư sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn điều trị. 

Ung thư có thể xảy ra tại 2 vùng sau: Trước và sau lưỡi. Trong đó, loại ung thư ở phía sau (gốc lưỡi) còn được gọi là ung thư vòm họng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư lưỡi

Các triệu chứng của ung thư lưỡi thường chia làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn đầu

Các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến nhiệt miệng khiến người bệnh bỏ qua. 

  • Có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng chỉ thoáng qua.
  • Lưỡi thường xuất hiện điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương rắn, chắc, không mềm mại như bình thường. 
  • Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Hạch hay gặp là nằm dưới cằm, dưới hàm, cảnh cao.

Giai đoạn toàn phát

Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ trên lâm sàng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân. Thường bệnh được phát hiện ở giai đoạn này.

  • Đau lưỡi: Đây là triệu chứng rất thường gặp ở giai đoạn toàn phát. Đau liên tục và tăng khi bệnh nhân nói hoặc nhai, đặc biệt là ăn thức ăn cay, nóng. Đôi khi cơn đau lan lên đến tai.
  • Tăng tiết nước bọt.
  • Chảy máu vùng miệng: Máu hòa vào nước bọt và khi nhổ ra có màu đỏ.
  • Hơi thở có mùi khó chịu: Do tổn thương hoại tử.
  • Nói và nuốt khó khăn: Do lưỡi bị cố định, khít hàm.
  • Nhiễm khuẩn: Gây sốt, mệt mỏi, chán ăn.
  • Sụt cân: Do tổn thương bệnh lý và không thể ăn được.

Thăm khám lưỡi thấy có ổ loét hoặc nhân lớn ở lưỡi: Ổ loét phát triển nhanh và lan rộng làm hạn chế vận động của lưỡi, bên ngoài ổ loét có giả mạc nên dễ chảy máu. Có thể không thấy ổ loét mà là một nhân lớn đội lớp niêm mạc lưỡi nhô lên, trên bề mặt niêm mạc có những lỗ nhỏ khi ấn vào có chất dịch màu trắng chảy ra, chứng tỏ đã có tình trạng hoại tử bên dưới.

Giai đoạn tiến triển

Ở giai đoạn này, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu trầm trọng. Khi khám bệnh thường phải gây tê để hạn chế phản ứng của người bệnh do đau đớn. 

Giai đoạn cuối

Ở giai đoạn này, các triệu chứng ung thư lưỡi trở nên rầm rộ và nặng nề hơn.

  • Sụt cân nhanh: Dấu hiệu này có thể cho thấy tình trạng bệnh đang trở nặng.
  • Mệt mỏi: Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi.
  • Rối loạn tiêu hóa: Ăn mau no, đầy hơi, chướng bụng sau ăn, buồn nôn, rối loạn đại tiện, phân lẫn máu,...
  • Sốt kéo dài: Có thể báo hiệu tình trạng xấu trên bệnh nhân.
  • Hạch di căn: Hay gặp ở hạch dưới cằm, hạch dưới hàm, hiếm khi di căn hạch cảnh giữa và dưới.
  • Tổn thương lưỡi: Thường ở bờ tự do của lưỡi (80%), đôi khi có thể thấy ở các vị trí khác như mặt dưới lưỡi (10%), mặt trên lưỡi (8%), đầu lưỡi (2%).

Nhìn chung, bệnh ung thư lưỡi có thể được phát hiện sớm nếu quan tâm và để ý những dấu hiệu nhỏ nhất xung quanh vùng lưỡi. Người bệnh không nên chủ quan vì những triệu chứng trông có vẻ giống các triệu chứng của các bệnh đường miệng thông thường mà nên cảnh giác và cẩn thận với các triệu chứng đó.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư lưỡi

Hiện nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của ung thư lưỡi là gì.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh ung thư lưỡi?

Ung thư lưỡi thường gặp ở những người trên 50 tuổi, trong đó nam giới chiếm đa số. Những người ít vệ sinh răng miệng, hút thuốc lá thường xuyên, uống nhiều bia rượu, có thói quen nhai trầu, nhiễm virus như HPV... là những đối tượng có nguy cơ ung thư lưỡi. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư lưỡi, bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Được biết đến là tác nhân hàng đầu của ung thư phổi, nhưng việc hút thuốc còn là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bệnh ung thư khác, trong đó có cả ung thư lưỡi. Khói thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư miệng và cổ họng, mà lưỡi là cơ quan không thể tránh khỏi.
  • Uống rượu bia, sử dụng chất kích thích: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 70 - 80% bệnh nhân bị ung thư lưỡi hoặc ung thư miệng đều là những người thích sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
  • Nhai trầu: Là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp 4 - 35 lần so với người không nhai trầu.
  • Tiếp xúc với tia bức xạ: Thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ ở cường độ cao cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng và lưỡi cao hơn so với ở người bình thường.
  • Tiền sử gia đình: Gen di truyền là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư lưỡi. Nếu trong gia đình có thành viên mắc phải căn bệnh này thì bạn có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp nhiều lần bình thường.
  • Nhiễm virus HPV: Trong số 100 loại virus HPV được tìm thấy, có một hoặc một vài loại có khả năng gây nên bệnh ung thư lưỡi cho người bệnh.
  • Tình trạng vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư.
  • Chế độ ăn uống thiếu hợp lý: Thiếu các loại vitamin E, D... hay chất xơ từ hoa quả cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư lưỡi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh ung thư lưỡi

Lâm sàng

Khai thác tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, thăm khám vùng miệng - lưỡi hay hạch.

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng thường mờ nhạt và bị bỏ qua. Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng chỉ thoáng qua.

Ở giai đoạn toàn phát người bệnh sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Đau: Cảm giác này tăng nhiều khi nói và nhai, đôi khi đau lan lên tai.
  • Tăng tiết nước bọt.
  • Khạc ra nước bọt lẫn máu.
  • Hơi thở có mùi hôi: Do tổn thương bên trong lưỡi gây hoại tử.
  • Khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và nuốt.
  • Triệu chứng thực thể.
  • Thương tổn, loét có giả mạc hoặc sùi loét.
  • Bờ nham nhở, dễ chảy máu.

Cận lâm sàng

  • Sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán xác định ung thư.
  • CT - MRI vùng cổ và họng, Xquang phổi để đánh giá mức độ lan rộng và di căn của khối u.
  • Siêu âm vùng cổ để đánh giá tình trạng hạch ở cổ.
  • Xét nghiệm PCR để tìm HPV.

Phương pháp điều trị bệnh ung thư lưỡi

Phẫu thuật

Đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng nên bệnh nhân phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vào vị trí và kích thước khối u).

Ở giai đoạn sớm bệnh nhân có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, nhưng ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Xạ trị

Có thể sử dụng xạ trị đơn thuần trong các trường hợp ung thư lưỡi giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị triệt căn trong trường hợp giai đoạn sớm. Xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra có thể xạ trị tại chỗ (xạ trị áp sát) bằng cách dùng nguồn phóng xạ đặt hoặc cắm vào vị trí tổn thương ung thư tại lưỡi nhằm tiêu diệt tổn thương đó.

Xạ trị đóng vai trò điều trị triệt căn hoặc bổ trợ trong điều trị bệnh ung thư lưỡi, tuy nhiên bệnh nhân bị có một số tác dụng phụ như khô miệng, viêm miệng, xạm da, cháy da, loét da, khít hàm. 

Hóa chất

Có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa trị hoặc phối hợp đa hóa trị. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng đa hóa trị cho kết quả đáp ứng tốt hơn đơn hóa trị.

Hóa trị tân bổ trợ là hóa trị trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm mục đích thu nhỏ tổn thương để phẫu thuật và xạ trị được thuận lợi hơn. Hóa trị bổ trợ trước thường đem lại tỷ lệ đáp ứng tại chỗ cao (75 - 85%), nâng cao khả năng dung nạp thuốc cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ kháng thuốc cũng như ngăn ngừa di căn xa xuất hiện sớm. Hóa trị liệu trước phẫu thuật thường áp dụng cho ung thư đầu, mặt, cổ giai đoạn muộn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư lưỡi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tăng cường vận động để cải thiện sức khỏe, khả năng đề kháng của cơ thể.
  • Khi có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường xảy ra thì phải liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên khoa hoặc đến ngay bệnh viện lớn gần nhất để có giải pháp cứu chữa kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
  • Bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích khác.

Phương pháp phòng ngừa bệnh ung thư lưỡi

Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư lưỡi, có thể thay đổi một số hành vi lối sống như:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Dùng bàn chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách vệ sinh răng miệng. Miệng không khỏe mạnh làm giảm hệ thống miễn dịch và ức chế khả năng của cơ thể để chống lại bệnh ung thư tiềm năng.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn nhiều đậu, hoa quả, rau họ cải (như cải bắp, bông cải xanh), các loại rau lá xanh đậm, hạt lanh, tỏi, nho, trà xanh, đậu nành và cà chua , thay các món chiên và nướng bằng các món luộc hoặc hấp. Sử dụng các loại gia vị lành mạnh như tỏi, gừng và bột cà ri để thêm hương vị.
  • Từ bỏ thói quen gây hại: Không hút thuốc lá, sử dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia...
  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động thường xuyên vừa giúp tăng sức đề kháng cũng như phòng tránh ung thư.
  • Khám nha khoa thường xuyên: Khám nha khoa định kỳ kết hợp với các phương pháp sàng lọc cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư sớm. Đặc biệt là khi thấy có các dấu hiệu bất thường như: xuất hiện vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi, có thể hơi đau hoặc không đau...
  • Tiêm phòng HPV.
  • Thực hành quan hệ tình dục an toàn và sử dụng màng chắn khi quan hệ bằng miệng.
Nguồn tham khảo
  1. http://benhvienungbuounghean.vn/2021/01/ung-thu-luoi-nguyen-nhan-nhan-biet-phong-va-dieu-tri/
  2. https://benhvienk.vn/dau-hieu-ung-thu-luoi-ma-ban-de-dang-bo-qua-nd53784.html
  3. https://youmed.vn/tin-tuc/ung-thu-luoi-la-gi-bieu-hien-ra-sao/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III

  2. Ung thư da

  3. Ung thư tủy

  4. Ung thư ống hậu môn

  5. Ung thư môi

  6. Ung thư Amidan khẩu cái

  7. Ung thư tinh hoàn

  8. Ung thư vú ở nam

  9. U sùi thể nấm

  10. Ung thư tuyến tụy