Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bệnh nhân ung thư máu sống được bao lâu?

Ngày 20/09/2023
Kích thước chữ

Chẩn đoán về ung thư là một nỗi lo sợ chung, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, khi ngày càng có nhiều người mắc phải căn bệnh này, và độ trẻ hóa của ung thư ngày càng ở mức báo động. Trong danh sách các căn bệnh ung thư đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, ung thư máu đứng trong số hàng đầu. Rất nhiều người quan tâm và có nhiều thắc mắc liên quan đến bệnh này, đặc biệt, ung thư máu sống được bao lâu?

Ung thư máu là một loại bệnh nguy hiểm có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Mặc dù rất phổ biến, nhưng thông tin về ung thư máu vẫn chưa được nhiều người hiểu đầy đủ.

Bệnh ung thư máu là gì?

Trước khi tìm hiểu ung thư máu sống được bao lâu thì chúng ta hãy tìm hiểu qua về căn bệnh nguy hiểm này. Bệnh ung thư máu, còn được gọi là bệnh bạch cầu, là một căn bệnh ác tính xuất phát từ sự tăng trưởng quá mức và quá nhanh của các tế bào bạch cầu trong cơ thể trong một thời gian ngắn. 

Đặc trưng của bệnh này là sự ăn mòn của các tế bào bạch cầu, gây ra thiếu hụt nghiêm trọng về tế bào hồng cầu và làm suy yếu khả năng của hệ thống miễn dịch đối phó với nhiễm trùng.

Giải đáp thắc mắc: Bệnh nhân ung thư máu sống được bao lâu?
Bệnh ung thư máu được phân thành 3 nhóm chính

Các chuyên gia thường phân loại ung thư máu thành ba nhóm chính:

  • Bệnh bạch cầu (Leukemia): Đây là loại ung thư máu khi tế bào bạch cầu biểu phát không kiểm soát và tích tụ trong máu.
  • Ung thư hạch bạch huyết (Lymphoma): Loại này liên quan đến sự phát triển không bình thường của các tế bào bạch huyết, thường xuất hiện trong các hạch bạch huyết.
  • Đa u tủy (Multiple Myeloma): Đây là loại ung thư máu liên quan đến các tế bào u tủy, một loại tế bào trong tủy xương.

Người mắc bệnh ung thư máu sống được bao lâu?

Người bệnh ung thư máu sống được bao lâu hay ung thư máu giai đoạn 3 sống được bao lâu là những thắc mắc phổ biến. Mỗi người sẽ có khả năng phản ứng và đáp ứng khác nhau với các phương pháp điều trị, do đó, không thể dự đoán một cách chính xác thời gian sống của người bệnh ung thư máu. Thời gian sống thường phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Loại ung thư và giai đoạn mắc bệnh ung thư.
  • Sự lan rộng của bệnh.
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể.
  • Các phương pháp điều trị trước đó.

Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quan về ung thư máu sống được bao lâu, có thể tham khảo tỷ lệ sống sót trong một số trường hợp cụ thể sau:

Bệnh ung thư bạch cầu dòng tủy mạn tính

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, thời gian sống trung bình có thể kéo dài khoảng 8 năm. Đối với những người mắc bệnh ở giai đoạn trung bình và tiếp tục nhận điều trị, thời gian sống trung bình là khoảng 5,5 năm. Tuy nhiên, nếu đã tiến triển đến bệnh ung thư máu giai đoạn cuối và không thể kiểm soát, thì thời gian sống chỉ còn khoảng 4 năm.

Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính

Thời gian sống của người mắc bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm, khoảng 20 - 40% bệnh nhân điều trị có thể sống khoảng 5 năm. Tuy nhiên, nếu bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính được chẩn đoán muộn, thời gian sống của người bệnh sẽ càng ít đi.

Giải đáp thắc mắc: Bệnh nhân ung thư máu sống được bao lâu? 2
Ung thư máu dạng bạch cầu dòng tủy cấp tính có thể sống khoảng 5 năm khi tiếp nhận điều trị

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính

Ung thư máu sống được bao lâu trong trường hợp bệnh bạch cầu lympho mạn tính? Thời gian sống có thể biến đổi tùy thuộc vào loại tế bào lympho bị ảnh hưởng. Nếu tế bào lympho B bị ảnh hưởng, người bệnh có thể sống từ 10 - 20 năm. Tuy nhiên, nếu tế bào lympho T bị ảnh hưởng, thời gian sống có thể thấp hơn.

Bệnh ung thư bạch cầu lympho cấp tính

Bệnh bạch cầu lympho cấp tính tiến triển nhanh và thường khó kiểm soát. Do đó, người mắc bệnh này thường có thời gian sống ngắn, chỉ khoảng 4 tháng.

Bệnh đa u tủy xương do ung thư máu

Thời gian sống của người mắc bệnh đa u tủy xương do ung thư máu phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Giai đoạn đầu vẫn chưa có thời gian sống trung bình cụ thể được xác định. Ở giai đoạn hai, thời gian sống trung bình của bệnh nhân sẽ là khoảng 7 năm. Đối với người mắc bệnh ở giai đoạn cuối, thời gian sống trung bình là khoảng 3,5 năm.

Phương pháp điều trị ung thư máu

Điều trị ung thư máu dựa trên kết quả của các xét nghiệm và tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến trong trường hợp ung thư máu:

  • Xạ trị: Sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách tác động lên vùng bị ảnh hưởng. Phương pháp này sẽ giúp ngăn chặn phát triển của các tế bào ung thư.
  • Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc được đưa vào cơ thể thông qua đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Mục tiêu của hóa trị là loại bỏ tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Phương pháp này có thể sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp.
  • Liệu pháp sinh học: Bệnh nhân được truyền các kháng thể đơn dòng, có tác dụng ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư. Liệu pháp này có thể được áp dụng để ngăn chặn sự lan truyền của bệnh hoặc làm giảm triệu chứng.
  • Cấy ghép tế bào gốc: Các tế bào gốc khỏe mạnh được truyền vào cơ thể bệnh nhân. Thường, bác sĩ sẽ lấy tế bào gốc từ tủy xương và sau đó nhân chúng lên trước khi truyền vào cơ thể. Mục tiêu là tái tạo hệ thống tế bào máu khỏe mạnh.
  • Ghép tủy: Đây là quá trình tìm kiếm người hiến tủy phù hợp với bệnh nhân để thay thế tủy xương bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư. Ghép tủy giúp tái tạo hệ thống tế bào máu và cải thiện triệu chứng của bệnh.
Giải đáp thắc mắc: Bệnh nhân ung thư máu sống được bao lâu? 3
Cấy ghép tế bào gốc là một trong những phương pháp điều trị ung thư máu

Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu

Các biện pháp hỗ trợ và chăm sóc cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, tầm soát ung thư máu. Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ có thể được áp dụng:

  • Chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực: Bảo đảm rằng bạn duy trì một chế độ ăn uống cân đối, giàu dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể và hỗ trợ hệ miễn dịch. Bạn có thể tìm hiểu người bệnh ung thư máu nên ăn gì. Ngoài ra, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và thực hiện các hoạt động thể lực nhẹ nhàng, như: Yoga hoặc thiền, để giảm căng thẳng và tăng cường sức kháng. 
  • Chống thiếu máu: Trong trường hợp bạn gặp tình trạng thiếu máu nặng, bác sĩ có thể xem xét truyền máu hoặc sử dụng các loại thuốc kích thích tạo hồng cầu để giúp tăng cường sản xuất hồng cầu.
  • Chống xuất huyết: Giảm tiểu cầu nặng có thể gây ra xuất huyết. Trong tình huống này, việc truyền tiểu cầu được coi là cần thiết để tái cân bằng thành phần máu.
  • Chống nhiễm trùng: Bệnh nhân ung thư máu thường có hệ miễn dịch suy yếu, nên việc duy trì vệ sinh cá nhân là quan trọng. Hãy tuân thủ việc rửa tay thường xuyên và đảm bảo rằng mọi thủ thuật được thực hiện một cách vô trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Trên đây là thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc: "Ung thư máu sống được bao lâu?". Việc tuân thủ đúng kế hoạch điều trị và tham gia vào quá trình quản lý sức khỏe của bạn sẽ giúp bạn nâng cao thời gian cho bệnh ung thư máu. Hãy luôn thảo luận với đội ngũ y tế của bạn về mọi thắc mắc hoặc lo ngại liên quan đến điều trị và chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin