Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư máu là một loại ung thư ác tính, xuất hiện khi cơ thể có hiện tượng gia tăng bạch cầu đột biến. Bệnh ung thư máu ác tính thường được chia thành nhiều dạng khác nhau. Việc điều trị bệnh ung thư máu cũng rất tốn kém phức tạp và có tỷ lệ tử vong rất cao.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư máu là gì? 

Ung thư máu (bệnh bạch cầu cấp) là bệnh lý xảy ra do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra tế bào, các tế bào bị ung thư hóa được nhân lên rất nhanh và nếu không được điều trị kịp thời nó sẽ ứ đọng lại trong tủy xương, cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường khác. Có ba loại ung thư máu: Ung thư hạch (46%), bạch cầu (36%) và u tủy (18%).

Lymphoma:

Lymphoma là một loại ung thư máu có ảnh hưởng rất lớn đến hệ bạch huyết – một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi các tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn và một số bệnh tật khác.

Khi có u lympho, nghĩa là các tế bào lympho được sản sinh quá mức một cách vô tổ chức và các tế bào lympho này tồn tại lâu gây nên tình trạng quá tải, gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Lymphoma có thể phát triển trong nhiều bộ phận của cơ thể: Hạch bạch huyết, tủy xương, lá lách và các cơ quan khác.

Bệnh bạch cầu:

Bạch cầu có chức năng quan trọng trong việc chống nhiễm trùng trong hệ thống miễn dịch. Bệnh bạch cầu thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh chóng và cần phải được điều trị khẩn cấp.

Khi mắc phải bệnh bạch cầu cấp tính, một số lượng lớn các tế bào máu trắng chưa trưởng thành được cơ thể sản sinh ra, các tế bào này làm tắc nghẽn tủy xương, ngăn chặn tủy xương sản xuất các tế bào máu cần thiết khác để xây dựng nên hệ thống miễn dịch cân bằng và dòng máu khỏe mạnh.

Đồng thời, khi tế bào bạch cầu tăng số lượng đột biến sẽ làm bản thân nó thiếu thức ăn và buộc phải ăn hồng cầu, gây nên hiện tượng thiếu hụt hồng cầu trong cơ thể.

Đa u tủy (thuộc loại ung thư máu dòng tủy):

Đây là một dạng bệnh ung thư máu liên quan đến các tế bào plasma. Tế bào plasma này được tìm thấy trong tủy xương, tạo ra kháng thể giúp chống lại sự nhiễm trùng của cơ thể.

Trong đa u tủy, số lượng lớn các tế bào plasma tập trung bất thường trong tủy xương gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư máu

Các dấu hiệu, triệu chứng của từng loại ung thư máu khác nhau sẽ khác nhau:

Lymphoma:

  • Tế bào Lympho được sản xuất quá mức ngoài tầm kiểm soát, gây sưng hạch bạch huyết. Người bệnh có thể dễ dàng sờ thấy hạch sưng: Khối u ở cổ, bẹn hoặc nách. Những hạch bạch huyết sâu không sờ được nhưng sưng to gây chèn ép lên các cơ quan khác, gây đau bụng, khó thở, đau ngực, đau xương,…

  • Lá lách cũng trở nên to hơn khiến bệnh nhân cảm thấy no, đầy hơi. Khi uống rượu, các hạch sưng gây cảm giác đau đớn hơn.

  • Một số triệu chứng khác có thể gặp: Giảm cân nhanh chóng, sốt, mệt mỏi kéo dài, đồ mồ hôi ban đêm, ngứa da,…

Bệnh bạch cầu:

  • Diễn biến rất nhanh, triệu chứng ban đầu khá giống với bệnh cúm như: Cơ thể mệt mỏi đột ngột, ốm yếu. Nhiều trường hợp diễn biến bệnh lâu hơn, bệnh nhân không có triệu chứng bệnh trong nhiều năm. Hầu hết người mắc bệnh bạch cầu chỉ phát hiện bệnh khi xét nghiệm máu cho kết quả bất thường.

  • Thiếu máu do thiếu hồng cầu: Cơ thể mệt mỏi yếu ớt, chóng mặt, đau ngực, khó thở, da nhợt nhạt.

  • Máu khó đông do thiếu tiểu cầu: Trên da có vết chấm đỏ do mạch máu bị vỡ, nướu chảy máu, xuất hiện các vết bầm tím bất thường, dễ bị chảy máu cam, máu chảy nhiều bất thường ở các vết cắt nhỏ, kinh nguyệt nhiều,…

  • Dấu hiệu hệ miễn dịch suy giảm: Nhiễm trùng thường xuyên, mệt mỏi kéo dài, dễ bị chảy máu và bầm tím, đau xương, ra nhiều mồ hôi, giảm cân nhanh chóng, hạch bạch huyết sưng to,…

Đa u tủy (thuộc loại ung thư máu dòng tủy):

Sự tăng các tế bào Plasma một cách mất kiểm soát gây tác động xấu tới sự sản sinh và phát triển của tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây tổn thương mô và các cơ quan. 

Ung thư máu thể đa u tủy xương cũng có nhiều dạng khác nhau, thường triệu chứng không xuất hiện sớm. Một số triệu chứng thường thấy như:

  • Đau xương: Bệnh nhân thường bị đau lưng, đau xương sườn nghiêm trọng và kéo dài. Tổn thương cột sống làm tăng áp lực lên dây thần kinh, gây đau yếu tay chân, các vấn đề về ruột.

  • Tăng calci trong máu: Táo bón, buồn nôn, đau dạ dày, hay khát nước, tiểu nhiều, đãng trí, cơ thể yếu ớt, tổn thương thận, ngứa da, khó thở, mắt cá chân sưng,…

Tác động của ung thư máu đối với sức khỏe

Ung thư máu là một căn bệnh nguy hiểm và thường thì bệnh nhân phải tới giai đoạn bệnh nặng với các triệu chứng biểu hiện rõ ràng mới phát hiện ra bệnh. Bệnh ung thư máu thường đi kèm với sự sụt giảm số lượng các tế bào máu (hồng cầu). Nếu không được điều trị sớm thì tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân mắc bệnh này rất cao.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ung thư máu

Trong hầu hết các trường hợp, thời gian sống của bệnh nhân ung thư máu phụ thuộc vào tình trạng phát triển bệnh, giai đoạn và những tổn thương thực thể gây ra. Bệnh nhân cần làm các xét nghiệm chẩn đoán để kiểm tra để có thể tiên lượng chính xác. 

  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính: Nếu phát hiện sớm và tích cực điều trị, khoảng 20 –  40% bệnh nhân sống thêm ít nhất 5 năm. Người càng lớn tuổi thì tiên lượng bệnh càng kém.

  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính: Nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu thường sống trung bình khoảng 8 năm, 5,5 năm nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và thời gian sống trung bình chỉ khoảng 4 năm nếu bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối.

  • Bệnh bạch cầu lympho cấp tính: Bệnh tiến triển rất nhanh, nếu điều trị tích cực sớm, bệnh nhân chỉ sống được 4 tháng. Trẻ em là đối tượng thường mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính, điều trị giai đoạn đầu đạt tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn tới 80%.

  • Bệnh bạch cầu lympho mạn tính: Bệnh nhân thường có tiên lượng sống khá tốt, khoảng 10 – 20 năm. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh có tế bào T thì tiên lượng rất xấu.

Nhìn chung, trẻ em 3 – 7 tuổi mắc ung thư máu có cơ hội phục hồi cao, giảm dần ở người trưởng thành và người cao tuổi. Phát hiện và điều trị sớm ung thư máu đem đến cơ hội khỏi bệnh cao, tiên lượng thời gian sống kéo dài cho bệnh nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư máu

Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư máu vẫn chưa xác định được chính xác. Tuy nhiên, một số tác nhân có thể gây ra bệnh như:

  • Bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa xạ trị, thuốc.

  • Người tiếp xúc với nguồn phóng xạ: Nạn nhân bom nguyên tử, nổ lò hạt nhân, rò rỉ phóng xạ hoặc bệnh nhân điều trị xạ trị.

  • Người làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại: Benzene, formaldehyde,…

  • Người mắc hội chứng, bệnh thay đổi gene: Bệnh về máu, hội chứng di truyền, bệnh virus,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư máu

Bệnh ung thư máu là bệnh rất phổ biến, bất kỳ lứa tuổi hay giới tính nào cũng có nguy cơ mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư máu

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch, nhiễm virus.

  • Tiền sử mắc bệnh ung thư và đã được điều trị hóa trị, xạ trị nhiều lần.

  • Sống trong môi trường ô nhiễm, gần các nhà máy hạt nhân, hoặc khu công nghiệp hóa chất.

  • Làm việc và tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất độc hại.

  • Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người từng mắc bệnh ung thư máu thì khả năng thế hệ tiếp nối cũng mắc bệnh này rất cao.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư máu

Chẩn đoán xác định ung thư là bước đầu tiên khi bệnh nhân đến với bác sĩ. Một số phương pháp chẩn đoán căn bệnh ung thư máu hiện nay là: Xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm tủy.

Xét nghiệm tủy: Ung thư máu được chia làm nhiều loại khác nhau, với mỗi loại ung thư máu khác nhau thì các bác sỹ sẽ có phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm khác nhau:

  • Phương pháp xét nghiệm Immunophenotyping;
  • Xét nghiệm tế bào di truyền;
  • Phương pháp xét nghiệm dịch não tủy.

Phương pháp điều trị ung thư máu

Nguyên tắc điều trị:

  • Ung thư máu là bệnh phức tạp, diễn biến nhanh, khó lường. Việc điều trị căn bệnh này được tiến hành khá thận trọng và tỉ mỉ. Bệnh nhân được xét nghiệm, phân tích kỹ càng, xác định rõ giai đoạn của bệnh rồi sau đó mới bắt đầu lựa chọn phương án điều trị tối ưu.

  • Phác đồ điều trị còn tùy thuộc vào giai đoạn căn bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Các bác sĩ thường kết hợp từ hai phương án trở lên để tối ưu hóa tỉ lệ sống cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị:

Tùy vào mức độ tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng liệu pháp nào để điều trị:

  • Hóa trị: Ngăn chặn sự tăng trưởng của các tế bào ung thư bạch cầu bằng cách sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư máu bằng cách truyền thuốc vào tĩnh mạch, uống thuốc, tiêm, tiêm vào dịch não tủy. Hóa trị được làm theo chu kỳ, mỗi chu kỳ có khoảng thời gian điều trị nhất định.

  • Liệu pháp điều trị sinh học: Truyền kháng thể đơn dòng vào người bệnh để giết chết các tế bào ung thư máu, làm chậm sự tăng trưởng của tế bào ung thư máu hoặc cải thiện khả năng đề kháng tự nhiên của cơ thể.

  • Xạ trị: Sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư máu.

  • Thay tủy/ Cấy tế bào gốc: Sau khi áp dụng hóa trị hoặc xạ trị, những tế bào gốc khỏe mạnh được cấy vào cơ thể người bệnh thông qua một tĩnh mạch lớn. Những tế bào máu mới phát triển từ tế bào gốc được cấy vào và nó sẽ thay thế những tế bào bị hủy diệt trong quá trình điều trị trước đó.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể thay đổi liệu pháp hoặc thành phần tùy theo sức khỏe bệnh nhân, bởi ung thư máu có diễn biến phức tạp, có thể thay đổi nhanh chóng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của ung thư máu

  • Có chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin C;

  • Tăng cường vận động thân thể mỗi ngày;

  • Tránh xa các nguồn gây hại cho sức khỏe;

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

Phương pháp phòng ngừa ung thư máu

Bệnh ung thư máu liên quan đến sự phát triển bất thường của các tế bào trong máu và tủy xương. Để phòng tránh ung thư máu, chúng ta nên tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Ung thư máu là căn bệnh khó chữa trị nếu phát hiện muộn. Vì vậy, mỗi người cần phải quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe của bản thân cũng ý thức phòng ngừa bệnh. Bệnh nhân điều trị khỏi bệnh cũng có những nguy cơ tái phát nếu không có lối sống lành mạnh.

Việc phòng ngừa ung thư máu tái phát và mắc mới có điểm chung như sau:

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất: Các loại hóa chất như thuốc diệt cỏ, benzen,... là một trong những nguy cơ chính cho việc phát triển bệnh ung thư máu. Trong trường hợp bất khả kháng, cố gắng giảm thiểu thời gian tiếp xúc và mang đồ bảo hộ (găng tay, khẩu trang,...).

  • Tránh tiếp xúc bức xạ: Giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các tia nồng độ cao vì nó có thể làm thay đổi các thành phần trong máu.

  • Tập thể dục thường xuyên: Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày cho sức khỏe của bạn. Thể dục đã được chứng minh rằng có thể ngăn ngừa ung thư, và ung thư máu cũng không phải ngoại lệ.

  • Chế độ ăn uống hợp lý: Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, đồng thời giảm thiểu tiêu thụ các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.yalemedicine.org/

  2. https://www.mayoclinic.org/

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn chức năng não sau hóa trị

  2. Ung thư đại tràng

  3. Ung thư môi

  4. Ung thư mô mỡ

  5. U não nguyên phát

  6. U trong tim

  7. Ung thư dạ dày

  8. Ung thư ruột già

  9. Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

  10. U nguyên bào thần kinh