Ung thư máu được xếp vào trong nhóm những bệnh lý ác tính có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh nên làm các xét nghiệm nhằm tầm soát ung thư máu khi có các dấu hiệu nghi ngờ để chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Để tầm soát ung thư máu, người bệnh bệnh sẽ cần làm một số phương pháp như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang, chụp CT Scanner, sinh thiết… Để hiểu rõ hơn về bệnh ung thư máu cũng như các phương pháp tầm soát ung thư máu, mời bạn tham khảo bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Ung thư máu là gì?
Bệnh ung thư máu có tên khoa học là leukemia, là hiện tượng các tế bào bạch cầu phát triển không bình thường. Một trong những yếu tố quan trọng giúp kéo dài sự sống của những bệnh nhân mắc ung thư máu là phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
Bệnh ung thư máu là bệnh lý ác tính tương đối phức tạp, bởi vậy cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Chính vì vậy, người mắc bệnh ung thư máu có tuổi thọ tương đối thấp.
Thuật ngữ ung thư máu không chỉ dùng để chỉ một bệnh lý cụ thể mà nó bao gồm nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có 2 loại bệnh phổ biến, đó là:
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho: Đây là nguyên nhân gây bệnh do tế bào lympho bị tổn thương và ung thư hóa.
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy: Bệnh xảy ra do các tế bào dòng tủy như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu… bị ung thư hóa gây ra.
Khi nào bạn nên tầm soát ung thư máu?
Hầu hết các bệnh nhân mắc ung thư máu đều có ít nhất một trong số các biểu hiện dưới đây, tuy nhiên phần lớn mọi người đều bỏ qua. Chính vì vậy, khi phát hiện ra bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn muộn với những biểu hiện rõ ràng. Nếu như bạn có một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư máu sau đây, bạn nên đi khám để tầm soát ung thư máu ngay, góp phần phát hiện bệnh sớm và có hướng xử trí bệnh kịp thời:
Chảy máu cam: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư máu. Thông thường, có thể phân biệt ung thư máu với chảy máu cam thông qua số lượng máu chảy nhiều hay ít. Thường thì bệnh nhân bị ung thư máu sẽ chảy nhiều máu hơn và xảy ra thường xuyên hơn.
Sốt cao liên tục: Triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn đầu, tần suất tăng dần, một số trường hợp về sau biến mất nhưng lại xuất hiện thêm các biểu hiện khác nặng nề hơn.
Xuất hiện những đốm xuất huyết dưới da: Đây được xem là một trong những dấu hiệu đặc trưng ở bệnh nhân mắc ung thư máu do hiện tượng giảm tiểu cầu gây nên.
Đau đầu thường xuyên: Đau đầu dữ dội, lặp lại thường xuyên, đáp ứng kém với các loại thuốc giảm đau do suy giảm lượng máu tới não khiến người bệnh không được cung cấp đủ oxy cho não.
Đau xương: Người bệnh xuất hiện các cơn đau nhức xương ở cánh tay, chân, đầu gối, lưng, đau ngày càng nặng dần.
Khó thở: Người bệnh mắc ung thư máu thường trong tình trạng thiếu oxy dẫn tới trao đổi oxy kém, chức năng hô hấp suy giảm, người bệnh thường xuyên xuất hiện khó thở.
Cơ thể mệt mỏi, gầy sút cân nhanh chóng.
Đối tượng nào sẽ có nguy cơ mắc ung thư máu cao?
Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố hàng đầu dẫn tới ung thư máu, đó là: Di truyền, phóng xạ và môi trường bị ô nhiễm. Chính vì vậy, bạn cần cảnh giác và tầm soát ung thư máu sớm nếu thuộc một trong các đối tượng sau:
Trong gia đình có người thân mắc bệnh ung thư máu.
Người thường xuyên tiếp xúc với phóng xạ, các hóa chất độc hại.
Những người thường xuyên hút thuốc lá, kể cả những người hút thuốc lá thụ động.
Các phương pháp tầm soát ung thư máu
Để tầm soát ung thư máu, người bệnh sẽ được thực hiện một trong các phương pháp sau đây:
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư: Xét nghiệm máu giúp đánh giá các thành phần trong máu. Trong trường hợp người bệnh bị ung thư máu, những chỉ số này sẽ thay đổi. Các bác sĩ sẽ dựa trên những thay đổi này và tiến hành chỉ định thêm các phương pháp chuyên sâu khác để tìm ra nguyên nhân gây nên những thay đổi này. Những đối tượng có nhu cầu tầm soát ung thư nói chung hay tầm soát ung thư máu nói riêng đều được chỉ định làm phương pháp này.
Sinh thiết tủy xương: Sinh thiết tủy xương là phương pháp duy nhất giúp chẩn đoán xác định tế bào ác tính trong tủy xương. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp định danh các loại ung thư cũng như giai đoạn ung thư để từ đó lên phác đồ điều trị thích hợp cho người bệnh. Đây là xét nghiệm xâm lấn, chỉ được thực hiện khi có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các trường hợp được chỉ định làm phương pháp này thường là các bệnh nhân có sự thay đổi bất thường về số lượng các loại tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
Sinh thiết hạch bạch huyết: Sinh thiết hạch chỉ được chỉ định khi người bệnh có những triệu chứng như sưng, đau hạch gần vùng tổn thương hay sưng hạch không rõ nguyên nhân. Phương pháp này nhằm chẩn đoán một số loại ung thư như ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết hay các loại ung thư khác.
Siêu âm: Ung thư máu là loại ung thư gây tổn thương đa cơ quan. Chính vì vậy, trong tầm soát ung thư máu không thể không thực hiện đánh giá các tạng, nhất là đối với các cơ quan liên quan tới quá trình tạo máu như gan, lách, thận. Siêu âm có thể quan sát được những tổn thương tại các cơ quan như gan, lách, thận. Đồng thời, siêu âm cũng là một công cụ dùng để hỗ trợ quá trình sinh thiết hạch bạch huyết.
Chụp X-quang: Chụp X-quang là phương pháp nhằm tầm soát ung thư máu để phát hiện các hạch to trong ổ bụng hay các vị trí khác. Ngoài ra, phương pháp này còn dùng để đánh giá u tủy xương, di căn phổi, sự xâm lấn thành xương.
Chụp cắt lớp vi tính: Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp xác định tổn thương các tạng cũng như tầm soát những tổn thương di căn ở các cơ quan như gan, lách, thận, xương…
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này giúp kiểm tra những tổn thương tại các mô mềm do ung thư máu gây ra.
Chụp PET: Đây là phương pháp hiện đại trong phát hiện sự có mặt và di căn của các tế bào ung thư, qua đó giúp chẩn đoán ung thư cũng như đánh giá mức độ di căn tới các cơ quan khác của ung thư máu.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh ung thư máu cũng như nắm được các phương pháp tầm soát ung thư máu phổ biến hiện nay. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Vũ Ánh
Nguồn tham khảo: benhvienungbuouhungviet.vn
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm