Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? Lịch tiêm vắc xin phòng cúm

Ngày 06/11/2023
Kích thước chữ

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, tính chất lây nhiễm nhanh và mạnh, chính vì vậy cúm thường hay gây thành dịch, đôi khi thành đại dịch. Bệnh tiến triển thường lành tính, có thể nặng hơn ở những người có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết… hoặc trên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi… và gây ra tỷ lệ tử vong cao. Bệnh hay gặp vào mùa đông. Tiêm phòng cúm đúng cách là phương pháp đặc hiệu ngăn ngừa nhiễm bệnh cúm, và nếu mắc bệnh sẽ làm giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong... Vậy vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? Thông tin dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.

Cúm là một loại bệnh có khả năng lây truyền rất nhanh và mạnh, bệnh có thể tự khỏi, nhưng cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong. Việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh cúm.

Cúm là bệnh gì?

Cúm do virus cúm (Influenza virus) gây ra, đây là một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hàng năm có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em trên toàn cầu mắc cúm. Điều này dẫn đến hàng nửa triệu ca tử vong mỗi năm do các vấn đề liên quan đến cúm. Tại Việt Nam, theo số liệu năm 2022 của Cục Y tế dự phòng, mỗi năm có khoảng từ 1,6 đến 1,8 triệu người mắc cúm mùa.

Góc tìm hiểu: Vacxin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu?
Cúm có thể tự khỏi nhưng ở một số người lại gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng

Cúm có thể tự khỏi, nhưng cũng có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở những người mắc bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp, thận - tiết niệu, thiếu máu, bệnh chuyển hóa... Bệnh có thể gây ra các biến chứng như: Viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, và đặc biệt các thể cúm ác tính, nguy cơ tử vong rất cao.

Trước khi tìm hiểu về vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? Hãy điểm qua về các chủng loại virus cúm đang được biết đến. Các chủng cúm được ghi nhận từ trước đến nay là: A, B, C và D. Trong đó, chủng cúm A và cúm B thường gặp ở người, chủng cúm C gây ra bệnh nhẹ và thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Chủng cúm D không ảnh hưởng đến người, mà thường gây bệnh ở gia súc.

  • Chủng cúm A: Chiếm phần lớn số ca nhiễm cúm ở người và có thể gây ra các đợt dịch lớn khác nhau. Các đại dịch cúm toàn cầu đã được ghi nhận trong lịch sử, ví dụ như: Cúm A (H3N2) và cúm A (H1N1) và cúm gia cầm (H5N1)...
  • Chủng cúm B: Chủng cúm B có thể được phân thành hai dòng chính là dòng B/Yamagata và dòng B/Victoria. Chủng cúm B có tỷ lệ cao thứ hai trong các chủng cúm gây bệnh cúm mùa hàng năm và có khả năng lây truyền mạnh từ người này sang người khác. Mặc dù ít gây ra đại dịch, chủng cúm B vẫn có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng nếu diễn biến xấu.
  • Chủng cúm C: Chủng cúm C ít phổ biến hơn và ít nguy hiểm hơn so với chủng cúm A và B. Bệnh do cúm C không gây ra các đợt dịch ở người.
  • Chủng cúm D: Chủng cúm D chủ yếu gây bệnh trên gia súc và chưa được xác định gây bệnh ở người. Virus cúm D có cấu trúc và tính chất tương tự như virus cúm C.
Góc tìm hiểu: Vacxin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? 1
Chủng cúm A và cúm B là chủng cúm thường gặp ở người

Lý do mỗi người cần tiêm vắc xin cúm

Việc tiêm phòng vắc xin cúm là biện pháp phòng ngừa đặc hiệu, quan trọng nhất để đề phòng bệnh cúm. Các loại vắc xin cúm giúp ngăn ngừa mắc bệnh, hoặc nếu nhiễm bệnh thì giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do cúm. Hiệu quả của vắc xin cúm phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng bệnh tật, miễn dịch của người được tiêm, và tính sinh miễn dịch các thành phần kháng nguyên cúm trong vắc xin và các chủng virus cúm đang hoạt động. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng vắc xin cúm có thể giảm đến 70 - 80% tỷ lệ tử vong do cúm và hiệu suất bảo vệ có thể lên tới 80 - 90%.

Những người có nguy cơ cao mắc cúm và gặp nguy cơ nhiễm cúm biến chứng nên xem xét việc tiêm vắc xin cúm hàng năm, bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi và người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên.
  • Người có các bệnh lý nền như: Bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (như tiểu đường), bệnh thận mãn tính hoặc có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch mắc phải hay nguyên phát.
  • Phụ nữ dự định mang thai trong mùa bệnh cúm (ngăn ngừa bị cúm khi mang thai, và bảo vệ cho thai nhi, hoặc em bé dưới 6 tháng tuổi).
  • Những người có nguy cơ cao tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cúm như nhân viên y tế, nhân viên phòng xét nghiệm,... 

Bạn cũng cần tìm hiểu lưu ý trước khi tiêm phòng cúm để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

vacxin-phong-cum-co-tac-dung-trong-bao-lau-lich-tiem-vac-xin-phong-cum.jpg
 Hiệu quả của vắc xin cúm phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng miễn dịch,...

Vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu?

Vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? Các vắc xin phòng cúm thường đạt hiệu quả bảo vệ cao, có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, các loại virus cúm thường đột biến, biến đổi và thay đổi kháng nguyên liên tục. Do đó, các loại vắc xin cúm sử dụng trong một mùa cúm có thể không còn hiệu quả vào năm tiếp theo. Chính vì lý do này, chúng ta nên tiêm vắc xin cúm hàng năm, đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền tim mạch, hô hấp, chuyển hóa... hoặc người cao tuổi, trẻ từ 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, suy giảm miễn dịch,... để đảm bảo sự hiệu quả của vắc xin cúm.

Câu hỏi phổ biến khác là tiêm vắc xin cúm sau bao lâu thì có tác dụng? Vắc xin cúm không có hiệu quả ngay lập tức, mà thường cần khoảng 1 - 2 tuần sau tiêm để vắc xin bắt đầu bảo vệ bạn khỏi virus cúm có trong vắc xin cúm.

Lịch tiêm vắc xin phòng cúm

Ngoài các thắc mắc "vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? Có thể dùng vắc xin phòng bệnh cúm lâu dài không?" thì lịch tiêm vắc xin phòng cúm cũng là một thông tin mà bạn cần phải quan tâm, cụ thể đối với:

  • Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi, chưa từng tiêm vắc xin cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất là 1 tháng. Tiếp theo, tiêm nhắc hàng năm.
  • Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 1 mũi với liều lượng 0.5ml. Sau đó tiến hành tiêm nhắc hàng năm.
Góc tìm hiểu: Vacxin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? 3
Vắc xin phòng cúm cần thực hiện tiêm nhắc lại hằng năm

Ngoài ra, để tự bảo vệ bản thân khỏi cúm, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung, không đặc hiệu sau:

  • Tuân thủ vệ sinh cá nhân bằng cách giữ sạch và rửa tay thường xuyên với xà phòng, đồng thời che miệng khi hắt hơi. Cần quan tâm đến việc vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý.
  • Bảo đảm cơ thể được giữ ấm bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Hãy kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người mắc cúm hoặc trường hợp có triệu chứng cúm.
  • Không nên tự ý mua thuốc và sử dụng các loại thuốc kháng virus như Tamiflu mà hãy tuân theo chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng như: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi,... hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin về: Vắc xin phòng cúm có tác dụng trong bao lâu? Hy vọng đã mang đến nội dung hữu ích cho bạn.

Hiện nay, Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp đa dạng các gói vắc xin phòng bệnh cúm mùa với giá dao động khoảng từ 185.000 đồng - 333.000 đồng (giá bán lẻ mang tính tham khảo, có thể sẽ thay đổi theo từng thời điểm). Nếu đang có ý định tiêm phòng cúm cho bản thân và gia đình, mời bạn liên hệ trực tiếp với Tiêm chủng Long Châu qua hotline: 1800 6928 (miễn phí) để được tư vấn gói vắc xin phù hợp và đặt lịch tiêm chủng nhanh nhất.

Xem thêm: 

Người đang bị cúm có tiêm phòng cúm được không?

Giải đáp: Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩNguyễn Văn My

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.

Xem thêm thông tin