Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Giải đáp: Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu?

Ngày 20/09/2023
Kích thước chữ

Tiêm phòng vắc-xin nói chung và tiêm phòng vắc-xin cúm nói riêng là một trong những việc mà bạn nên làm trước khi mang thai. Việc làm này sẽ giúp cho bạn có một thai kỳ khỏe mạnh đồng thời phòng ngừa nguy cơ tai biến tiền sản cho mẹ và dị tật thai nhi. Vậy tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu?

Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu? Đây đang là nỗi băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là những chị em đang có ý định mang thai. Trước khi giải đáp câu hỏi này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản về vắc-xin cúm bạn nhé.

Tổng quan về bệnh cúm

Cúm hay cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi tác nhân là Influenza virus (virus cúm). Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em nhiễm virus cúm mỗi năm.

Virus cúm có 4 chủng được ký hiệu lần lượt là A, B, C, D. Trong đó:

  • Cúm A: Là dạng cúm mùa phổ biến nhất với tỷ lệ mắc lên đến 75% tổng số ca nhiễm cúm ở người. Chủng cúm này có thể bùng phát thành dịch và đại dịch cúm toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử thế giới là minh chứng cho điều này.
  • Cúm B: Đây cũng là một dạng cúm dễ gây bệnh ở người với 25% trên cổng số ca mắc mỗi năm. Cúm B chỉ lây truyền từ người sang người và khả năng lây lan rất cao, có thể phát triển thành dịch nhưng ít có nguy cơ bùng thành đại dịch. Bệnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu bệnh diễn tiến nặng.
  • Cúm C: So với cúm A và cúm B thì cúm C ít gặp, ít nguy hiểm và cũng không có triệu chứng điển hình trên lâm sàng. Cúm C không có khả năng bùng phát thành dịch ở người.
  • Cúm D: Cúm D chủ yếu gây bệnh trên gia súc. Thành phần cấu tạo và đặc điểm phân bào ở cúm D tương tự như cúm C.

Trên thực tế, các triệu chứng của cảm cúm thường xuất hiện và khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh. Một đợt cúm thường tiến triển qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn khởi phát (kéo dài từ 1 - 3 ngày): Các triệu chứng cúm thường xuất hiện một cách đột ngột bao gồm nhức đầu, sốt, đau họng, nghẹt mũi, ho khan, đau mỏi cơ…
  • Giai đoạn toàn phát (tính từ ngày thứ 4 trở đi): Các triệu chứng sốt và đau nhức cơ giảm. Người bệnh có cảm giác khô hoặc đau họng, bị khàn tiếng, ho và có thể kèm theo các cơn tức ngực. Ngoài ra, một số người bệnh có thể thấy mệt mỏi và có cảm giác đầy hơi.
  • Giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 trở đi): Các triệu chứng của cảm cúm giảm gần. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi và cơn ho có thể kéo dài khoảng 1 - 2 tuần tiếp theo.

Có thể thấy, các triệu chứng của cảm cúm rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường, do vậy mà người bệnh thường chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị khi bệnh đã diễn biến nặng, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…

Các nhà khoa học chỉ ra rằng bệnh cúm có thể tự khỏi song cũng có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, bệnh chuyển hóa, người có suy giảm miễn dịch, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và người già trên 65 tuổi.

Giải đáp cùng bác sĩ: Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu? 1
Virus cúm là nguyên nhân chính gây nên bệnh cảm cúm

Tầm quan trọng của việc tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai

Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai có thực sự cần thiết không? Câu trả lời là có bạn nhé. Hiện nay, nhiều tổ chức về sức khỏe cộng đồng khuyến cáo, phụ nữ chuẩn bị có thai nhất định phải được tiêm vắc-xin phòng cúm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai cần được chú trọng bởi 3 lý do sau:

  • Dự phòng bệnh cúm và biến chứng cho mẹ bầu: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi, hệ miễn dịch cũng bị suy giảm. Lúc này cơ thể mẹ không thể tự chống lại bệnh cảm cúm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng, dẫn đến viêm phổi cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đây cũng chính là lý do khiến mẹ bầu dễ bị sinh non, thai chết lưu, trẻ sinh ra bị nhẹ cân, đặc biệt là khi mẹ bầu mắc cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ở thai nhi: Trong thời kỳ đầu của thai kỳ, khi mắc cảm cúm, mẹ có thể bị sốt. Điều này có thể khiến thai nhi dễ bị dị tật. Nếu bệnh cảm cúm không được cải thiện mà tiến triển nặng có thể khiến mẹ bầu bị nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
  • Bảo vệ trẻ sau sinh: Trẻ sơ sinh là đối tượng có nguy cơ cao mắc triệu chứng cúm nặng, song trẻ chỉ có thể được tiêm phòng cúm khi đủ 6 tháng tuổi. Việc mẹ bầu được tiêm phòng cảm cúm trước mang thai sẽ giúp bảo vệ bé khỏi virus cúm ngay khi chào đời bởi lúc này trẻ đang được thừa hưởng các kháng thể của mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ.
Giải đáp cùng bác sĩ: Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu? 2
Tiêm phòng cảm cúm trước mang thai là việc làm cần thiết

Các nghiên cứu cũng đã chứng minh việc tiêm phòng cúm có thể giảm đến 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính gây ra bởi virus cúm và giảm 40% nguy cơ nhập viện bởi tác dụng giảm nhẹ tình trạng nhiễm trùng khi mẹ bầu mắc cảm cúm.

Có thể thấy rằng, tiêm phòng vắc-xin cúm cho phụ nữ trước khi mang thai có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh của mẹ bầu cũng như bảo vệ sức khỏe và cung cấp đề kháng cho bé yêu ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu?

Cả trẻ em và người lớn đều cần được tiêm nhắc lại vắc-xin cúm hàng năm. Vậy với bà bầu cần tiêm phòng cúm trước mang thai mấy tháng? Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, mẹ bầu nên chủ động tiêm phòng cảm cúm càng sớm càng tốt. Tiêm vào thời điểm nào cũng được tuy nhiên với câu hỏi tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm cúm trước mang thai tối thiểu 1 tháng. Điều này giúp đảm bảo đủ thời gian để vắc-xin cúm có thể phát huy được tác dụng phòng bệnh bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi tiêm, cơ thể cần ít nhất 2 tuần để sản sinh kháng thể đặc hiệu.

Giải đáp cùng bác sĩ: Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu? 3
Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu

Một số lưu ý khi tiêm phòng vắc-xin cúm

Khi tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai, các mẹ cần nắm được một số lưu ý sau:

Tìm hiểu và lựa chọn trung tâm tiêm chủng uy tín

Để đảm bảo an toàn, trước khi tiêm phòng cảm cúm, mẹ bầu cần tìm hiểu kỹ về các cơ sở tiêm chủng và lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín. Điều này giúp mẹ bầu có thể yên tâm về nguồn gốc, chất lượng của vắc-xin, quy trình bảo quản vắc-xin, trình độ chuyên môn và tay nghề của bác sĩ, quy trình tiêm chủng đạt chuẩn của Bộ Y tế…

Thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng (nếu có)

Nếu bạn có tiền sử bị dị ứng trước đây thì nên thông báo cho các bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng để họ có thể nắm được. Điều này sẽ giúp các bác sĩ có thêm thông tin để lựa chọn cho mẹ loại vắc-xin phòng cảm cúm phù hợp bởi đôi khi trong vắc-xin sẽ có chứa các thành phần đôi khi lại là nguyên nhân khiến cơ thể phản ứng và gây dị ứng.

Giải đáp cùng bác sĩ: Tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu? 4
Bạn cần thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng nếu có

Theo dõi tại chỗ sau tiêm vắc-xin

Thông thường, sau khi tiêm phòng vắc-xin nói chung và vắc-xin phòng cúm nói riêng, bạn cần ngồi lại phòng tiêm tối thiểu 30 phút để theo dõi các phản ứng và kiểm soát các trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin (nếu có). Trong khoảng thời gian này, nếu bạn nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường cần thông báo ngay với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời (nếu cần).

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề tiêm phòng cảm cúm trước khi mang thai bao lâu mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thêm thật nhiều kiến thức sức khỏe bổ ích.

Xem thêm: Nên tiêm vắc xin cúm sau bao lâu thì có thai là tốt nhất?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin