Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vị giác thay đổi thất thường báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm

Ngày 21/09/2020
Kích thước chữ

Vị giác thay đổi thất thường còn được gọi là chứng rối loạn vị giác là một dạng biểu hiện của rối loạn cảm giác, gây ra bởi tổn thương vùng não điều khiển chức năng cảm giác khiến người bệnh không còn cảm nhận được vị của đồ ăn.

Khi rối loạn vị giác xảy ra, người bệnh thường mất đi những cảm nhận dẫn đến tình trạng chán ăn. Vị giác khác nhau sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người ở các mức độ khác nhau, khi vị giác thay đổi thất thường cũng là lúc báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm. Hãy cùng đi tìm hiểu những biểu hiện và các chứng bệnh thường gặp khi vị giác thay đổi qua bài viết sau.

Biểu hiện của rối loạn vị giác

Vị giác thay đổi thất thường báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm 1Rối loạn vị giác gây ra nhiều đảo lộn trong cuộc sống

Rối loạn vị giác được chia làm 2 dạng cơ bản: Mất vị giác và giảm vị giác. Mất vị giác là bệnh nhân không còn khả năng phân biệt được các vị, chỉ nhận biết một số vị hoặc không cảm nhận được vị của một số chất. Giảm vị giác là khả năng cảm nhận các vị giảm, thậm chí là sai vị. Có người giảm khả năng cảm nhận hoàn toàn với tất cả các vị, nhưng cũng có người cảm nhận với một số vị.

  • Không cảm nhận được rõ ràng các mùi vị của thức ăn hay nước uống, cảm thấy tất cả đều có mùi vị giống nhau, điều này dẫn đến tình trạng chán ăn. 
  • Cảm nhận được vị mặn khi ăn uống mặc dù đồ ăn thức uống đó không chứa muối.
  • Có thể mất hoàn toàn khả năng vị giác ở những trường hợp bệnh nặng.

Các chứng bệnh thường gặp khi vị giác thay đổi thất thường

Đắng miệng do gan, mật nóng

Đắng miệng là trong miệng có vị đắng, thấy nhiều ở chứng viêm cấp tính như viêm gan, viêm mật, điều này quan hệ tới sự trao đổi chất của dịch mật. Miệng đắng còn có thể thấy trong chứng bệnh ung thư. Người bệnh ung thư không chỉ mất cảm giác với đồ ngọt mà còn có cảm giác đắng ngày một tăng với mọi đồ ăn, điều này có quan hệ tới việc thay đổi thành phần trong nước bọt và trở ngại tuần hoàn huyết dịch ở lưỡi của bệnh nhân.

Theo Đông y, người có cảm giác đắng trong miệng, thường kèm cả chứng đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền... phần nhiều do gan, mật nhiệt gây nên. Người thấy đắng miệng thường có các chứng hàn nhiệt trở đi trở lại, phiền muộn, buồn nôn, ngán ngẩm không thiết ăn uống, nước tiểu đỏ vàng phần nhiều do nhiệt ở mật gây nên.

Miệng ngọt do rối loạn tiêu hóa

Vị giác thay đổi thất thường báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm 2Ngọt miệng do bị rối loạn tiêu hóa hoặc bị đái tháo đường

Là trong miệng cảm thấy có vị ngọt, còn gọi là "khẩu cam", dù là nước sôi cũng cảm thấy ngọt hoặc ngọt có pha một chút chua chua. Thường thấy ở người có rối loạn tiêu hóa, người bị đái tháo đường. Đông y cho rằng, ngọt miệng phần nhiều do công năng của tỳ vị không bình thường gây nên. Có hai loại, một loại miệng ngọt do tỳ vị nhiệt bốc lên, phần nhiều do ăn các đồ ăn cay quá sinh ra nội nhiệt cao hoặc ngoại cảm tà nhiệt tích đọng ở tỳ vị gây nên, biểu hiện miệng ngọt mà khát thích uống nước, hoặc môi lưỡi sinh mụn lở, đại tiện táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô, mạch nhanh.

Loại miệng ngọt do khí âm tỳ vị lưỡng hư phần lớn do tuổi già hoặc bị bệnh lâu ngày gây tổn thương đến tỳ vị, làm cho hai khí âm của cả tỳ và vị đều hư, biểu hiện là miệng ngọt khô, uống nước không nhiều, hơi thở ngắn, người mệt mỏi, không thiết ăn uống, đầy bụng, đại tiện lúc lỏng lúc táo.

Nhạt miệng do tỳ vị hư nhược

Nhiều người ngồi trước rất nhiều món ăn ngon “sơn hào, hải vị” nhưng lại thấy nhạt miệng, vô vị không muốn ăn. Nguyên nhân có thể do tỳ vị hư nhược, vận khí bất thông dẫn tới chán ăn. Nhạt miệng còn gặp ở những người mới viêm nhiễm hoặc hết viêm như: Viêm ruột, bệnh lỵ và các bệnh khác ở hệ thống tiêu hóa…

Sau mỗi lần ốm triệu chứng nhạt miệng cũng là biểu hiện thường gặp do vận hóa suy yếu, thường kèm các triệu chứng chán ăn, chân tay mệt mỏi rã rời, bụng đầy chướng, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng.

Chua miệng do viêm dạ dày

Vị giác thay đổi thất thường báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm 3Chua miệng do viêm loét dạ dày, loét đường tiêu hóa khiến axit trong dạ dày tăng lên

Khi bạn không ăn những hoa quả có tính axit như: Cam, chanh, mận, dứa,… nhưng trong miệng lại vẫn cảm giác chua chua. Tình trạng này là do can vị bất hòa, hoặc trong gan có hỏa (nóng trong người) gây ra. Người có triệu chứng này có thể là do mắc bệnh viêm loét dạ dày, loét đường tiêu hóa khiến axit trong dạ dày tăng lên.

Miệng cay do cao huyết áp

Là trong miệng cảm thấy có vị cay hay đầu lưỡi có cảm giác tê cay. Hiện tượng này thường thấy ở những người cao huyết áp. Đông y cho rằng miệng cay phần nhiều là phế nhiệt đầy ắp hoặc vị hỏa bốc lên gây ra, thường kèm các triệu chứng như ho khạc ra đờm màu vàng đặc, rêu lưỡi vàng mỏng.

Miệng chát do mất ngủ

Hiện tượng này thường thấy ở những người có bệnh ở hệ thống thần kinh, thức thâu đêm không ngủ. Chỉ cần điều chỉnh lại thời gian ngủ là có thể loại được chát miệng. Cần chú ý một số khối u ác tính vào thời kỳ cuối phần nhiều người bệnh có vị chát đắng ở miệng.

Trúc

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin