Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Vi khuẩn Chlamydia gây bệnh gì? Vi khuẩn Chlamydia có nguy hiểm không?

Ngày 30/09/2023
Kích thước chữ

Ai trong chúng ta cũng đều cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân, đặc biệt là sức khỏe tình dục. Có một loại vi khuẩn ít được nói đến, nhưng lại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản - đó là các bệnh do vi khuẩn Chlamydia gây ra. Vậy vi khuẩn Chlamydia gây bệnh gì?

Vi khuẩn Chlamydia là một loại vi khuẩn gây ra một số bệnh tình dục và một số bệnh lý về mắt. Để hiểu hơn về loại vi khuẩn này, cũng như mức độ nguy hiểm của nó, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Vi khuẩn Chlamydia là gì?

Vi khuẩn Chlamydia là vi khuẩn nội bào gram âm, hình cầu, sống ký sinh bắt buộc trong tế bào do không có khả năng tự tổng hợp tạo năng lượng ATP hay GTP. Vi khuẩn Chlamydia có tốc độ tăng trưởng và nhân lên rất nhanh, một chu kỳ khoảng 48 – 72 giờ. Mỗi chu kỳ kết thúc sẽ làm tế bào vi khuẩn bị phá hủy và giải phóng ra bản thể mới có thể tồn tại ở cả nội bào và ngoại bào gây nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Vi khuẩn Chlamydia gây bệnh gì 0
Vi khuẩn Chlamydia có tốc độ tăng trưởng và nhân lên rất nhanh

Vi khuẩn Chlamydia có 3 biến thể chính là Chlamydia psittaci (gây bệnh sốt vẹt), Chlamydia pneumoniae (gây các bệnh về đường hô hấp), Chlamydia trachomatis (gây bệnh đau mắt hột hoặc các bệnh đường sinh dục).

Riêng biến thể Chlamydia trachomatis có 18 loại huyết thanh và 3 loại biến chủng chính. Biến chủng Ab, B, Ba, C lây nhiễm trên mắt và là tác nhân chủ yếu gây đau mắt hột. Biến chủng thứ 2 gây viêm niệu đạo, mang thai ngoài tử cung, bệnh viêm vùng chậu, viêm phổi, viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Biến chủng thứ 3 nguy hiểm hơn hai loại đầu, người bị nhiễm nguy cơ cao sẽ bị u hạt bạch huyết hoa liễu.

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020 có hơn 84 triệu người trên thế giới được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Chlamydia. Trong đó, có 8 triệu người nhiễm Chlamydia trachomatis ở mắt gặp phải biến chứng mù lòa. Bên cạnh đó, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) năm 2020, số ca nhiễm Chlamydia được ghi nhận khoảng 6 triệu trường hợp. Với tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới, độ tuổi đi ghi nhận mắc bệnh nhiều nhất dao động từ 15 – 24 tuổi.

Vi khuẩn Chlamydia có nguy hiểm không?

Triệu chứng của vi khuẩn Chlamydia thường không điển hình, dễ nhầm lẫn với một số bệnh thường mắc ở đường sinh dục, khi bệnh ở thể nhẹ có thể không có triệu chứng. Vì vậy, khi phát hiện bệnh ở thể nặng, người bệnh đều phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng chức năng sinh sản và các biến chứng nguy hiểm.

Tăng nguy cơ vô sinh

Đối với nữ giới, khi bị nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis nếu không điều trị sớm sẽ gây ra những tổn thương cho ống dẫn trứng, tử cung hoặc âm đạo. Vi khuẩn Chlamydia gây xơ, dính, bít tắc vòi trứng, buồng trứng và cổ tử cung làm giảm khả năng thụ thai rất nhiều, trường hợp nặng có thể gây vô sinh. Đặc biệt, trường hợp bị nhiễm kèm thêm virus HPV, nguy cơ ung thư cổ tử cung lên đến hơn 50%.

vi-khuan-chlamydia-la-gi-1.jpg
Vi khuẩn Chlamydia tác động trực tiếp lên tinh hoàn, gây viêm và giảm chất lượng tinh trùng

Với nam giới, vi khuẩn Chlamydia tác động trực tiếp lên tinh hoàn, gây viêm và giảm chất lượng tinh trùng, khả năng thụ thai tự nhiên khá khó khăn. Hầu hết các trường hợp đều cần các biện pháp y học hiện đại can thiệp hỗ trợ.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh qua đường tình dục

Vi khuẩn Chlamydia tồn tại trong dịch tiết của cơ thể và đặc biệt dễ dàng lây lan qua đường tình dục khi quan hệ bằng đường âm đạo, miệng hay hậu môn. Người nhiễm Chlamydia trachomatis có nguy cơ cao mắc kèm các bệnh lây qua đường tình khác, nhất là HIV nếu có phơi nhiễm.

Khi đã phát sinh quan hệ tình dục, đặc biệt với các đối tượng: Dưới 25 tuổi, đang mang thai, tiền sử mắc Chlamydia, nhiều bạn tình,… nên thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Viêm nhiễm cơ quan sinh dục

Nhiễm Chlamydia gây viêm nhiễm phần phụ, đường sinh dục trên, trong thời gian dài sẽ gây tổn thương ống dẫn trứng, tử cung và các mô xung quanh. Viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo là một trong những trường hợp điển hình. Khi đó vi khuẩn Chlamydia có khả năng di chuyển lên đường sinh dục gây ra các bệnh lý vùng chậu mãn tính, tăng nguy cơ thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.

Tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ

Vi khuẩn Chlamydia trachomatis nếu không được xét nghiệm chẩn đoán trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể gây những biến chứng như: Sinh non, nhiễm khuẩn nước ối, vỡ ối sớm, nhiễm khuẩn hậu sản hay nhiễm khuẩn cho cả em bé sơ sinh. Em bé sơ sinh nhiễm Chlamydia dễ mắc các bệnh liên quan đến phổi và mắt, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây mù lòa.

vi-khuan-chlamydia-la-gi-2-1.jpg
Trẻ sơ sinh nhiễm Chlamydia từ mẹ dễ mắc các viêm phổi, viêm kết mạc bẩm sinh

Vi khuẩn Chlamydia gây bệnh gì?

Vi khuẩn Chlamydia gây ra rất nhiều bệnh ở đường tiết niệu sinh dục bao gồm:

  • Viêm cổ tử cung: Hầu hết bệnh nhân sẽ không có triệu chứng hoặc chỉ có một số triệu chứng nhẹ như tăng tiết dịch âm đạo, chảy máu, đau bụng và tiểu buốt, tiểu khó.
  • Viêm vùng chậu: Thường bệnh nhân sẽ có cảm giác đau vùng chậu, đau bụng, đau thắt lưng, đi kèm một số biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn,...
  • Viêm niệu đạo: Thường gặp hơn ở nam giới, có biểu hiện khó tiểu, tiểu buốt, quan sát vào buổi sáng hoặc sau khi lột bao quy đầu sẽ thấy dịch niệu đạo màu trắng, xám hoặc trong. Phụ nữ bị viêm niệu đạo dễ nhầm lẫn với nhiễm trùng đường tiết niệu, thường sẽ tiểu nhiều hoặc bí tiểu.
  • Viêm mào tinh hoàn: Bệnh xảy ra ở nam giới, có biểu hiện toàn bộ hoặc đau một bên tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, sưng mào tinh hoàn và sốt.
  • Viêm tuyến tiền liệt: Các triệu chứng bao gồm khó tiểu, rối loạn chức năng tiết niệu, đau vùng chậu và đau khi xuất tinh. Các chất tiết ra từ tuyến tiền liệt khi nhìn dưới kính hiển vi sẽ thấy bạch cầu tăng hơn so với bình thường.
  • U hạt bạch huyết hoa liễu: Bệnh nhân sẽ xuất hiện các vết loét ở bộ phận sinh dục nhưng không đau. Các vết loét có kích thước nhỏ nhỏ, hình sao.

Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia còn gây ra các bệnh khác như viêm kết mạc, viêm quanh gan, viêm họng, viêm khớp phản ứng và viêm trực tràng.

Dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Chlamydia

Sau khi quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ, nếu nhiễm Chlamydia, triệu chứng sẽ xuất hiện sau 1 – 3 tuần hoặc lâu hơn. Triệu chứng nhiễm bệnh cũng khác nhau giữa nam và nữ.

  • Với đối tượng nữ giới có các biểu hiện như dịch tiết âm đạo có màu lạ (vàng, xám) và có mùi hôi; đi tiểu nhiều, tiểu rát, tiểu buốt, có mủ trong nước tiểu; đau sau quan hệ, chảy máu giữa chu kỳ kinh. Một số biểu hiện khác như ngứa, rát xung quanh âm đạo hoặc đau âm ỉ ở phần bụng dưới.
  • Với đối tượng nam giới sẽ xuất hiện nhiều dịch nhầy từ dương vật, tiểu rát, tiểu buốt, có cảm giác nóng rát dương vật.
Vi khuẩn Chlamydia gây bệnh gì 3
Tiểu buốt là một trong những dấu hiệu nhiễm vi khuẩn Chlamydia

Ngoài ra, vi khuẩn Chlamydia còn gây khó chịu ở hậu môn, đi kèm các triệu chứng sốt, ho, đau họng. Bên cạnh đó, viêm kết mạc hay đau mắt hột cũng thường gặp khi nhiễm Chlamydia với triệu chứng mắt sưng đỏ, đau, tiết nhiều ghèn và dịch. Khi có bất kì dấu hiệu nào nêu trên, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Bệnh do vi khuẩn Chlamydia gây ra cần được điều trị mới có thể khỏi dứt điểm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe không chỉ của bản thân mà còn lây truyền cho người khác. Giữ một chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ sẽ giúp hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm: Vi khuẩn gram dương là gì? Nhiễm vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm