Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Vi khuẩn gram dương là gì? Nhiễm vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không?

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Vi khuẩn gram dương là loài vi sinh vật rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ quan sát được thông qua kính hiển vi phóng đại hàng nghìn lần. Chúng có nhiều hình dạng và cấu tạo khác nhau, thường được phân loại thành hai nhóm chính dựa trên phản ứng nhuộm gram là vi khuẩn gram âm và gram dương. Bài viết sau đây sẽ mang đến nhiều thông tin hơn về nhóm vi khuẩn này.

Vi khuẩn tồn tại ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Mặc dù có một số loài vi khuẩn đem lại lợi ích cho con người, nhưng phần lớn chúng đều gây nên các bệnh lý nguy hiểm như viêm màng não, viêm ruột,... Mức độ nguy hiểm tuỳ theo bạn nhiễm phải loại virus gram âm hay gram dương. Vậy vi khuẩn gram dương là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có đáp án ngay nhé!

Vi khuẩn gram dương là gì?

Để tìm hiểu vi khuẩn gram dương là gì, đầu tiên chúng ta cần biết về phương pháp nhuộm gram. Đây là một phương pháp truyền thống được sử dụng để phân loại vi khuẩn dựa trên cấu trúc thành tế bào của chúng, gồm hai nhóm chính là vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm.

Phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm màu tím pha lê để nhuộm vi khuẩn. Sau khi nhuộm xong sẽ dùng dung dịch khử màu và kết quả được đánh giá dựa trên việc vi khuẩn có giữ được màu của thuốc nhuộm hay không. Nếu vi khuẩn giữ màu, kết quả là dương tính và chúng thuộc nhóm vi khuẩn gram dương. Ngược lại, nếu vi khuẩn không giữ màu, kết quả là âm tính thuộc nhóm vi khuẩn gram âm.

Trong cấu trúc thành tế bào của vi khuẩn gram dương có thành peptidoglycan dày. Do đó, trong quá trình khử màu, lớp peptidoglycan này sẽ giữ màu của thuốc nhuộm khiến cho vi khuẩn gram dương xuất hiện màu tím khi được quan sát dưới kính hiển vi.

Trái lại, vi khuẩn gram âm có thành peptidoglycan mỏng hơn, nằm giữa màng tế bào bên trong và màng ngoài của vi khuẩn. Trong bước khử màu bằng cồn, lớp màng ngoài của tế bào vi khuẩn gram âm sẽ bị phân hủy, làm cho vi khuẩn không giữ được màu tím, thay vào đó chúng xuất hiện màu đỏ hoặc hồng khi quan sát dưới kính hiển vi.

Vi khuẩn gram dương là gì? Vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không? 1
Nhờ lớp peptidoglycan dày nên khi nhuộm gram, vi khuẩn gram dương xuất hiện màu tím

Vi khuẩn gram dương có đặc điểm gì?

Các đặc điểm quan trọng của vi khuẩn gram dương bao gồm:

  • Tế bào chất được bao bọc bởi màng lipid;
  • Thành peptidoglycan dày;
  • Có axit teichoic và lipoid;
  • Chuỗi peptidoglycan liên kết chéo tạo ra thành tế bào vững chắc;
  • Có lớp màng nhầy chứa polysaccharide;
  • Một số loài còn có tiêm mao, roi.

Vi khuẩn gram dương gây bệnh gì?

Vi khuẩn gram dương được phân thành cầu khuẩn gram dương và trực khuẩn gram dương. Dưới đây là các bệnh phổ biến do vi khuẩn gram dương gây ra.

Cầu khuẩn gram dương

Các loại cầu khuẩn gram dương gây bệnh thường gặp bao gồm:

  • Staphylococcus aureus: Gây nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, viêm khớp nhiễm trùng, viêm tủy xương,... Ngoài ra, vi khuẩn này còn gây ra hội chứng sốc độc tố và hội chứng bỏng da.
  • Streptococcus pneumoniae: Gây viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang và viêm màng não.
  • Streptococcus viridans: Gồm Streptococcus mutans gây sâu răng và Streptococcus sanguinis gây viêm nội tâm mạc bán cấp.
  • Streptococcus pyogenes: Gây nhiễm trùng sinh mủ như viêm họng, viêm mô tế bào. Ngoài ra, vi khuẩn này còn gây nhiễm độc tố như viêm cân mạc hoại tử và nhiễm trùng miễn dịch như viêm cầu thận.
  • Enterococci: Thường được tìm thấy ở đại tràng và gây nhiễm trùng đường mật và đường tiết niệu.
Vi khuẩn gram dương là gì? Vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không? 2
Cầu khuẩn gram dương Streptococcus pyogenes có khả năng gây viêm họng

Trực khuẩn gram dương

Các loại trực khuẩn gram dương gây bệnh thường gặp bao gồm:

  • Bacillus anthracis (vi khuẩn than): Tạo ra độc tố bệnh than gây lở loét.
  • Bacillus cereus: Gây ra triệu chứng như buồn nôn, nôn và tiêu chảy không chảy máu do tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
  • Corynebacterium diphtheriae (bạch hầu): Gây ra viêm họng giả mạc, viêm cơ tim và rối loạn nhịp tim.
  • Listeria monocytogenes: Gây viêm màng não sơ sinh, viêm màng não ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, viêm dạ dày ruột và nhiễm trùng máu.

Vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không?

Các bệnh do vi khuẩn gram âm gây ra thường nguy hiểm hơn so với bệnh do vi khuẩn gram dương. Nguyên nhân là do cấu trúc màng ngoài của vi khuẩn gram âm được bọc bởi một lớp nang bảo vệ, che phủ các kháng nguyên nên hệ thống miễn dịch của cơ thể khó phát hiện sự xâm nhập của chúng. Ngoài ra, lớp màng ngoài của vi khuẩn gram âm chứa lipopolysaccharide, là một nội độc tố, làm tăng mức độ của phản ứng viêm gây sốc nhiễm khuẩn rất nguy hiểm.

Trong khi đó, vi khuẩn gram dương thường ít nguy hiểm hơn vì hệ thống miễn dịch của cơ thể dễ nhận biết được chúng. Ngoài ra, cơ thể của chúng ta còn có khả năng sản xuất enzyme lysozyme giúp phá hủy thành peptidoglycan của vi khuẩn gram dương.

Mặc dù ít nguy hiểm hơn vi khuẩn gram âm nhưng vẫn có một số loài vi khuẩn gram dương gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm nội tâm mạc, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Những bệnh này có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm, tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Vi khuẩn gram dương là gì? Vi khuẩn gram dương có nguy hiểm không? 3
Các bệnh do vi khuẩn gram âm gây ra thường nguy hiểm hơn bệnh do vi khuẩn gram dương

Vi khuẩn gram dương là một phần quan trọng trong ngành y học và nghiên cứu khoa học. Việc hiểu rõ về đặc điểm và tác động của chúng sẽ góp phần nâng cao sự nhận biết, phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến vi khuẩn gram dương. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu để bổ sung thêm những kiến thức bổ ích bạn nhé!

Xem thêm: Vi khuẩn gram âm là gì? Một số bệnh do vi khuẩn gram âm gây ra

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm