Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vì sao có vết bầm tím khi giác hơi? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Ngày 24/12/2023
Kích thước chữ

Giác hơi là phương pháp chữa bệnh trong y học cổ truyền được nhiều người tin tưởng trị liệu. Sau khi thực hiện, trên cơ thể người bệnh thường có vết bầm tím đặc trưng. Vậy vết bầm tím khi giác hơi hình thành do nguyên nhân nào và có gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh không?

Giác hơi thường tạo ra vết bầm tím trên cơ thể. Nhiều người thắc mắc vì sao lại hình thành vết bầm đó và không rõ có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Tìm hiểu về giác hơi

Theo một số nghiên cứu, phương pháp giác hơi được ghi nhận xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại. Ngày nay, liệu pháp này được phổ biến ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới… Giác hơi là biện pháp điều trị cổ truyền một số bệnh lý như phong thấp, cảm mạo, đau nhức kéo dài. Bác sĩ trị liệu sẽ dùng cốc chuyên dụng đặt trên da với mục đích tạo áp suất âm trong cốc gây sung huyết mạch máu tại chỗ.

Ban đầu, khi giác hơi, người ta sử dụng những công cụ làm từ vật liệu thô sơ như vỏ sò, sừng trâu. Sau này, nhiều loại vật liệu mới tiện lợi hơn và đẹp hơn được sử dụng trong giác hơi như gốm sứ, thủy tinh, tre trúc… Cho đến hiện nay ống hoặc cốc thủy tinh là loại được sử dụng phổ biến nhất. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giác hơi trị liệu được ứng dụng trong thực tế như:

  • Giác hơi “khô”: Dùng nhiệt của lửa để đẩy khí, tạo ra áp suất âm trong ống giác hơi.
  • Giác hơi ướt: Bác sĩ trị liệu sẽ chích lể trên da sau đó đặt cốc vào vị trí trích. Khi da được hút lên sẽ có một ít máu chảy ra có tác dụng loại bỏ chất độc khỏi cơ thể.
  • Giác hơi khí: Không sử dụng lửa mà sử dụng một bơm đặc biệt để tạo môi trường chân không bằng cách hút hết không khí trong cốc.
Vì sao có vết bầm tím khi giác hơi? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không 1
Giác hơi là phương pháp điều trị trong Y học cổ truyền từ xa xưa

Vết bầm tím khi giác hơi là gì?

Nguyên nhân hình thành vết bầm tím khi giác hơi

Những vết bầm tím khi giác hơi là do các mạch máu dưới da bị vỡ, giống như vết bầm tím khi chúng ta bị va đập, các vết bầm này được gọi là dấu giác. Theo y học cổ truyền thì tùy thuộc vào màu sắc vết bầm tím sẽ phản ánh những dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Vết bầm tím khi giác hơi có nguy hiểm không, khi nào hết?

Vết bầm tím khi giác hơi là cơ chế tự nhiên khi các mạch máu dưới da bị vỡ dưới tác động của lực hút và nhiệt độ. Nếu chỉ là một vết bầm nhỏ thì sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu bạn vô tình làm bỏng da ở vùng đó thì hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, nếu vết này bị nhiễm trùng sẽ có nguy cơ dẫn đến hoại tử.

Vết bầm tím có thể kéo dài từ vài giờ nếu có màu hồng nhạt và màu càng đậm hơn thì thời gian biến mất sẽ lâu hơn, thông thường khoảng vài ngày cho đến 1 - 2 tuần. Những vết này thường không gây ra nguy hiểm gì với cơ thể nếu không có tác động khác vào đó sẽ mờ dần và biến mất hoàn toàn sau khoảng một tuần, tùy thuộc vào khả năng tái tạo của da. Nếu thực hiện giác hơi thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy các vết thâm sẽ mờ đi rõ rệt sau từng lần giác hơi.

Vì sao có vết bầm tím khi giác hơi? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không 2
Vết bầm tím khi giác hơi là tình trạng thường gặp trong điều trị

Màu sắc vết bầm tím khi giác hơi phản ánh điều gì?

Vết giác hơi thâm đen, tím sẫm

Các vết giác hơi xuất hiện màu tím đậm hoặc đen cho thấy lượng máu lưu thông trong cơ thể bệnh nhân kém. Dấu giác hơi càng đậm thì càng chứng tỏ tình trạng ứ huyết nghiêm trọng. Khí huyết lưu thông kém có thể gây ra một số bệnh lý như đau đầu, chuột rút, các bệnh về tim mạch…

Vết bầm tím khi giác hơi màu xám tro

Sau khi giác hơi, nếu rìa vết giác hơi có màu nhạt hơn da bình thường và không có cảm giác ấm khi chạm vào thì đó có thể là dấu hiệu của chứng hư hàn. Đây là thuật ngữ chung để chỉ những bệnh nhân có năng lượng dương thấp và cơ quan trong cơ thể không đủ độ ấm. Nguyên nhân có thể là do người bệnh ốm lâu bị hàn khí xâm nhập. Triệu chứng thường gặp của nhóm bệnh nhân này là chân tay lạnh, da không hồng hào, dễ mệt mỏi, khó thở…

Dấu giác có chấm đen ở phần rìa

Nếu vết giác hơi xuất hiện các chấm đen ở phần rìa đường tròn thì đây là biểu hiện của chứng vị hàn khiến người bệnh thường cảm thấy lạnh trong, trướng bụng, buồn nôn hoặc nôn ra nước trong.

Chứng vị hàn hình thành do thói quen ăn uống không điều độ, thường xuyên ăn đồ sống, tái. Có nhiều bài thuốc điều trị chứng này nhưng bệnh nhân nên thăm khám, không nên tự ý bốc thuốc sử dụng.

Vì sao có vết bầm tím khi giác hơi? Có ảnh hưởng đến sức khỏe không 3
Màu sắc vết bầm tím khi giác hơi phản ánh một phần tình trạng sức khỏe của bạn

Dấu giác có màu đỏ tươi

Vết bầm tím khi giác hơi có màu đỏ tươi chứng tỏ người bệnh bị chứng âm hư hỏa vượng. Các sắc thái màu đỏ trên da phản ánh các tình trạng bệnh khác nhau. Chứng âm hư hỏa vượng là trạng thái thận hư suy sinh nội nhiệt gây nóng trong người. Người mắc phải chứng này khi ngủ hay có mồ hôi trộm, da mặt đen sạm, người gầy… 

Vết bầm tím khi giác hơi có dấu hiệu bất thường phải làm sao?

Thông thường vết bầm tím khi giác hơi sẽ tự biến mất sau một khoảng thời gian mà không cần phải chăm sóc hay điều trị gì khác. Tuy nhiên, nếu vết bầm không thuyên giảm mà còn có tình trạng mưng mủ, tiết dịch bất thường, có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì bạn nên đến bệnh viện để thăm khám ngay.

Đã có rất nhiều trường hợp đi giác hơi tại địa chỉ không uy tín, bác sĩ không có chuyên môn thực hiện khiến vết giác bị hoại tử nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi thực hiện giác hơi bạn nên tìm đến cơ sở uy tín có giấy phép hoạt động, theo dõi quy trình vô khuẩn trước khi thực hiện giác hơi, hỏi kỹ bác sĩ về các thông tin liên quan đến phương pháp điều trị này.

vet-bam-tim-khi-giac-hoi-4.jpg
Nên đến bệnh viện Y học cổ truyền để giác hơi để đảm bảo an toàn khi trị liệu

Như vậy, vết bầm tím khi giác hơi là một biểu hiện bình thường khi thực hiện phương pháp điều trị này. Tùy từng người có vấn đề khác nhau về sức khỏe mà vết bầm sẽ có màu sắc, trạng thái khác nhau. Tuy nhiên mọi người cũng nên lưu ý không gây tác động khác nên vùng da đó để tránh gây nhiễm trùng nguy hiểm đến sức khỏe. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin