Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vì sao ngủ mở mắt? Cách trị ngủ mở mắt

Ngày 25/12/2022
Kích thước chữ

Ngủ mở mắt (lagophthalmos) là tình trạng khi ngủ nhưng mắt không nhắm hoàn toàn và tạo một khe hở nhỏ. Vậy nguyên nhân do đâu và cách trị ngủ mở mắt như thế nào? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu nhé!

Thông thường, khi ngủ mắt chúng ta sẽ nhắm lại hoàn toàn. Tuy nhiên một số người khi ngủ mắt họ chỉ nhắm lại một phần dẫn đến hiện tượng ngủ mở mắt hoặc hở mí mắt..

Ngủ mở mắt là tình trạng gì?

Ngủ mở mắt là tình trạng người bệnh ngủ nhưng mí mắt không có khả năng khép kín hoàn toàn. Thậm chí kể cả khi bệnh nhân đã chủ động nhắm mắt vẫn không thể khép kín mắt.

Để nhận biết tình trạng hở mi mắt khi ngủ, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng của dây thần kinh số VII (dây thần kinh mặt) bằng cách yêu cầu bệnh nhân nhắm hai mắt như đi ngủ hoặc chủ động nhắm chặt mắt. Nếu hình dạng mi mắt bị biến đổi, cơ chế bơm nước mắt sẽ bị ảnh hưởng, từ đó làm cho bề mặt nhãn cầu bị tổn thương, điều đó có nghĩa là bệnh nhân đã bị hở mi mắt lúc ngủ.

Vì sao ngủ mở mắt và cách trị ngủ mở mắt? 1

Ngủ mở mắt là hiện tượng ngủ nhưng mắt không nhắm hoàn toàn

Nguyên nhân gây ngủ mở mắt

Nguyên nhân gây nên tình trạng ngủ mở mắt rất đa dạng và phức tạp, chủ yếu là từ chứng hở mi mắt, có thể liệt kê một số nguyên nhân như:

  • Liệt dây thần kinh mặt gây ảnh hưởng hoạt động nhắm mở mắt.
  • Cơ mặt hoặc vùng mắt bị tổn thương hoặc có khối u.
  • Tác động của chấn thương sọ não.
  • Do bệnh lý về mắt như sẹo, mắt lồi,...
  • Do rối loạn giấc ngủ.
  • Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mí, lấy mỡ mắt,...

Một vài trường hợp khác hiếm gặp hơn như là di truyền. Tùy vào từng trường hợp mà biểu hiện bệnh có thể khác nhau, gây mở mắt to hay nhỏ khi ngủ.

Nếu hở mi mắt khi ngủ không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và chức năng của mắt, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Vì sao ngủ mở mắt và cách trị ngủ mở mắt? 2

Rối loạn giấc ngủ có thể gây nên ngủ mở mắt

Biến chứng nguy hiểm khi ngủ mở mắt

Vì mi mắt là bộ phận bảo vệ cho nhãn cầu nên nếu ngủ mở mắt trong một thời gian dài sẽ gây tác động rất lớn đến các chức năng cơ bản của mắt. Mắt phải luôn luôn được bảo vệ và cung cấp nước để tránh bị mỏi, bị khô thông qua hoạt động chớp mắt, nhắm mắt nhưng nếu hở mi mắt đồng nghĩa với việc không có hiện tượng chớp mắt, mắt không được thư giãn và bảo vệ lúc ngủ, điều này kéo dài sẽ dẫn đến mắt bị khô, mờ đục hoặc loét giác mạc.

Biến chứng nặng nề nhất của tình trạng này là gây mắc các bệnh lý giác mạc (viêm loét giác mạc, nhiễm khuẩn giác mạc, kết mạc), gây ảnh hưởng đến thị lực và dễ dẫn đến mù lòa. Đó là lý do vì sao cần đặc biệt chú ý nếu mắt bị hở mi.

Cách trị ngủ mở mắt

Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng hở mi mắt lúc ngủ là do tê liệt dây thần kinh điều khiển hoạt động nhắm mở, chớp của mí mắt. Do vậy trong trường hợp này có thể trị ngủ mở mắt bằng phương pháp châm cứu, kích thích vào huyệt vị của dây thần kinh, giúp nó hoạt động bình thường trở lại.

Ngoài ra, có hai mẹo chữa ngủ mở mắt hiệu quả vẫn được các bác sĩ khuyến cáo cho bệnh nhân mà bạn có thể tham khảo là:

  • Dùng băng dính y tế để dán mắt khi ngủ.
  • Dùng thuốc nhỏ dưỡng mắt hoặc nước mắt nhân tạo để cấp ẩm cho mắt, tạo lớp màng để bảo vệ cho mắt, giúp mắt không bị khô.

Ngoài hai mẹo kể trên thì bạn có thể thực hiện thêm các phương pháp sau nếu con nhỏ bị ngủ mở mắt:

  • Khi trẻ đã hoàn toàn ngủ, phụ huynh có thể nhẹ nhàng vuốt mi mắt của bé cho tới khi mắt nhắm kín lại.
  • Nếu sau đó mi mắt vẫn tự động mở ra thì không nên cố giữ cho mi mắt đóng lại. Thay vào đó hãy theo dõi và đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.

Một số lưu ý khi áp dụng các cách trị ngủ mở mắt

Mục tiêu đầu tiên trong việc trị ngủ mở mắt là phải cải thiện tình trạng khô mắt và ngăn ngừa trầy xước, viêm giác mạc do mắt phải mở liên tục. Do đó bạn nên ưu tiên dùng nước mắt nhân tạo để cấp ẩm và tạo lớp màng bảo vệ cho mắt trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Ngoài ra nên:

  • Hạn chế uống rượu bia, thuốc an thần trước khi ngủ vì như vậy dễ làm mắt bị khô hơn.
  • Luôn giữ cho mắt sạch sẽ vì khi mắt khô sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
  • Nên tập chớp mắt thường xuyên trước khi ngủ và sau khi thức dậy để mắt đủ độ ẩm.
  • Có thể dùng thêm miếng che mắt để bảo vệ mắt khi ngủ.

Vì sao ngủ mở mắt và cách trị ngủ mở mắt? 3

Có thể đeo bịt mắt để cải thiện tình trạng ngủ mở mắt

Như đã nói ở trên, nếu tình trạng hở mi mắt khi ngủ quá nặng bệnh nhân cần phải thực hiện phẫu thuật để điều chỉnh cách chuyển động của mi mắt hay đặt một mô cấy có trọng lượng vào mí mắt, từ đó giúp mắt đóng lại dễ hơn.

Nếu sau một thời gian áp dụng các cách trị ngủ mở mắt như trên nhưng kém hiệu quả thì bạn nên đi khám chuyên khoa mắt và chuyên khoa thần kinh để được tư vấn và hướng dẫn điều trị phù hợp. Bởi vì có khá nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này nên khi đi khám chuyên khoa, nguyên nhân gốc rễ sẽ được tìm ra thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.

Như Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin