Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vì sao thai nhi chậm phát triển và cách khắc phục

Ngày 30/03/2023
Kích thước chữ

Trong thời kì mang thai, có thể các mẹ bầu sẽ đối diện với tình trạng thai nhi chậm phát triển. Vậy vì sao có hiện tượng thai nhi chậm phát triển và cách phòng tránh như thế nào? Hãy cùng tìm hiếu với Long Châu qua những thông tin sau nhé!

Trạng thái thai nhi chậm phát triển không có dấu hiệu rõ ràng, do vậy các mẹ bầu cần phải hết sức chú ý đối với chế độ dinh dưỡng trong thai kì để hạn chế xảy ra tình trạng thai nhi chậm phát triển.

Ảnh hưởng khi thai chậm phát triển

Thai chậm tăng trưởng hay phát triển chậm (Intrauterine Growth Restriction) viết tắt IUGR là tình trạng bào thai bị suy dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước và trọng lượng thai bách phân vị dưới đường thứ 10 hoặc thứ 5, thứ 3 để có cơ sở đi đến kết luận. Thai chậm phát triển là vấn đề thường gặp và có ảnh hưởng đến 5 - 7% thai kỳ.

Thai chậm tăng trưởng/phát triển có thể ảnh hưởng nghiêm trọng như: Gia tăng tỷ lệ bệnh, biến chứng và tử vong sau sinh do hiện tượng khô nước ối, từ đó gây nên sự chèn ép dây rốn. Bé nào đã từng là thai chậm phát triển trong tử cung sẽ dễ bị những di chứng trầm trọng về thần kinh, kém phát triển trí tuệ, về già bị cao huyết áp và những biến chứng về tim mạch. Ngoài ra các bé có thể bị vàng da, bị thừa hồng cầu hơn những em bé là thai khỏe mạnh khác.

Vì sao thai nhi chậm phát triển và cách khắc phục 1
Thai nhi chậm phát triển có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về sau

Nguyên nhân thai nhi chậm phát triển

Có bốn nhóm tác nhân chính dẫn đến hiện tượng thai chậm phát triển trong tử cung của mẹ mà các thai phụ cần lưu ý:

Nhóm tác nhân từ thai nhi:

  • Thai nhi có nhiễm sắc thể bất thường dẫn tới hội chứng Turner, Down …. hay do di truyền.
  • Thai bị dị tật bẩm sinh.
  • Mang đa thai: Khi mang đa thai, việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các bào thai sẽ khó khăn hơn và nguy cơ tiền sản giật cũng cao hơn. Thống kê có khoảng 25 đến 30% thai chậm phát triển khi mẹ mang thai song sinh.

Nhóm tác nhân từ bánh nhau: Suy giảm chức năng bánh nhau, tử cung bất thường, nhau thai bám màng.

Nhóm tác nhân từ người mẹ: 

  • Mẹ bầu bị cao huyết áp.
  • Mẹ có thân người nhỏ, mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng.
  • Mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính về tim, thận…
  • Mẹ bị chảy máu hoặc mắc các bệnh lý như: Đái tháo đường thai kỳ, hồng cầu liềm…

Nhóm tác nhân từ bên ngoài: Môi trường nhiều khói thuốc lá, rượu, nhiễm trùng… cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ thai phụ và thai nhi. Bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nào ở mẹ trong lúc mang thai (giang mai, sởi, cytomegalovirus,...) cũng đều có thể dẫn đến tình trạng thai chậm phát triển.

Vì sao thai nhi chậm phát triển và cách khắc phục 2
Mẹ bầu sống trong môi trường có nhiều khói thuốc lá cũng khiến thai nhi chậm phát triển

Cách phòng ngừa thai chậm phát triển

Có thể hạn chế được tình trạng thai chậm phát triển bằng một số phương pháp sau:

  • Các cặp vợ chồng khi có kế hoạch mang thai nên khám tiền sản để được tư vấn về di truyền.
  • Thai phụ không nên dùng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá trước và trong thai kỳ.
  • Hạn chế các loại thực phẩm, nước uống có chứa caffeine.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng tầm 30 phút mỗi ngày.
  • Phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ thuốc gì để tránh gây ảnh hưởng làm thai chậm phát triển.

Phương pháp điều trị thai chậm phát triển

Tình trạng thai chậm phát triển có thể được cải thiện băng một số phương pháp như sau:

  • Bác sĩ nên theo dõi chặt chẽ và tư vấn kỹ cho sản phụ và gia đình vì hiện nay chưa có phương pháp thật sự hiệu quả để điều trị thai chậm phát triển.
  • Có thể điều trị tăng huyết áp nếu tình trạng thai nhi chậm phát triển là do nguyên nhân này.
  • Thai phụ nên nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế lao động nặng.
  • Nếu nguyên nhân thai chậm phát triển đến từ việc nhiễm sắc thể bất thường hay đa dị tật thì nên chỉ định đình chỉ thai nghén, nếu dị tật đơn độc thì phải được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử lí sau sinh.
  • Dùng corticoid khi thai từ 28 đến hết 34 tuần.
  • Theo dõi nhịp tim thai liên tục từ tuần 26, đánh giá độ giao động và biến đổi nhịp tim thai.
Vì sao thai nhi chậm phát triển và cách khắc phục 3
Mẹ bầu nên theo dõi sát quá trình phát triển của thai nhi

Đình chỉ thai nghén sẽ được đặt ra sau khi bác sĩ đã đánh giá toàn diện tuổi thai, tiền sử, tình trạng, tiền sử bệnh của mẹ và trong các trường hợp sau:

  • Tuổi thai trên 31 tuần nhưng nhịp tim thai dao động kém, dao động độ không liên tục qua 1 tuần theo dõi, nhịp chậm đơn độc và kéo dài, nhiều lần lặp lại.
  • Tuổi thai trên 34 tuần mà Doppler động mạch rốn có dòng tâm trương = 0 và bất thường Doppler động mạch não, thai có biểu hiện ngừng lớn.
  • Tuổi thai trên 37 tuần nhưng bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor.

Trẻ sơ sinh đã từng là thai nhi chậm phát triển trong tử cung sẽ có nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ từng là thai nhi khoẻ mạnh, biểu hiện như: Chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây tiểu đường, thận hay các nội mạc mạch máu bị tổn thương.

Trên đây là một số thông tin về hiện tượng thai chậm phát triển. Hy vọng đó là những thông tin hữu ích, kịp thời để phụ huynh chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn, khoẻ mạnh và trọn vẹn.

Như Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Mang thai