1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Viêm gan A trở lại: Mối nguy thời hiện đại từ những thói quen tưởng vô hại

Hồng Ngọc

15/07/2025

Chỉ một bữa ăn ngoài hàng, một đĩa gỏi chưa được làm sạch kỹ, hay đơn giản là quên rửa tay trước khi ăn, cũng đủ tạo điều kiện để virus viêm gan A xâm nhập cơ thể. Không còn là bệnh lý xa lạ, viêm gan A đang âm thầm hiện diện trong đời sống thường ngày của nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt ở môi trường có nguy cơ vệ sinh thấp.

Không giống viêm gan B hay C, viêm gan A không để lại hậu quả lâu dài nhưng lại lây lan nhanh chóng và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Điều đáng lo là virus này dễ dàng xâm nhập qua những thói quen sinh hoạt tưởng chừng vô hại. Bài viết này sẽ là cẩm nang giúp bạn và gia đình chủ động phòng tránh viêm gan A một cách hiệu quả và dễ áp dụng.

viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-7.jpg

Từng là bệnh lưu hành chủ yếu ở vùng có điều kiện vệ sinh kém, viêm gan A ngày nay lại đang âm thầm quay trở lại giữa lòng đô thị. Nguyên nhân không chỉ nằm ở môi trường sống, mà còn đến từ việc nhiều người không còn miễn dịch tự nhiên do ít từng tiếp xúc với virus HAV trong quá khứ.

Một nghiên cứu tại An Giang (2004) cho thấy, tỷ lệ trẻ em sống ở thành thị mang kháng thể HAV chỉ 10,5%, trong khi ở nông thôn là 39,2%, cao hơn gần 5,5 lần. Điều này cho thấy, trẻ em đô thị, dù được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, lại dễ trở thành đối tượng dễ bị nhiễm nếu virus xuất hiện.

viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-4 (1).jpg

Không chỉ thiếu miễn dịch, nhịp sống hiện đại còn góp phần làm tăng nguy cơ lây lan:

  • Ăn uống ngoài hàng, thực phẩm không rõ nguồn gốc;
  • Vệ sinh chưa đảm bảo tại quán ăn, trường học;
  • Thói quen chủ quan như không rửa tay, dùng chung đồ cá nhân, chưa tiêm phòng;

Khi những yếu tố này kết hợp lại, viêm gan A có thể lan nhanh trong cộng đồng mà ít người kịp đề phòng. Theo thống kê từ Bộ Y tế, chỉ riêng năm 2022, Việt Nam ghi nhận 100.000 ca nhiễm mới và hơn 1.000 ca tử vong do viêm gan A. Những con số ấy không chỉ là hồi chuông cảnh báo, mà còn khẳng định một điều: Căn bệnh tưởng đã “ngủ yên” thực chất vẫn đang rình rập và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan.

viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-8.jpg

Viêm gan A là bệnh gan cấp tính với thời gian ủ bệnh kéo dài từ 15 - 45 ngày, trung bình khoảng 28 - 30 ngày, tùy thuộc vào lượng virus xâm nhập. Sau giai đoạn ủ bệnh, virus HAV bắt đầu tấn công tế bào gan và gây viêm tạm thời. Bệnh thường tiến triển qua ba giai đoạn:

  • Khởi phát: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt nhẹ, đau tức vùng hạ sườn phải.
  • Toàn phát: Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, phân bạc màu. Triệu chứng rõ rệt hơn ở người lớn, trong khi trẻ nhỏ thường không biểu hiện điển hình.
  • Phục hồi: Sau khoảng 4 - 6 tuần, phần lớn bệnh nhân hồi phục hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, một số có thể kéo dài hoặc tái phát triệu chứng đến 6 tháng, đặc biệt là các trường hợp viêm gan ứ mật.
viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-5.jpg

Đáng lưu ý, nhiều triệu chứng ban đầu dễ nhầm với cảm cúm hoặc ngộ độc thực phẩm, khiến người bệnh chủ quan, không đi khám sớm và vô tình lây lan cho người khác trong thời kỳ có khả năng lây cao, từ cuối giai đoạn ủ bệnh đến 1 tuần sau vàng da.

viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-9.jpg

Viêm gan A lây truyền qua đường phân-miệng, nghĩa là virus từ phân của người nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người khác qua:

  • Tay bẩn: Không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn.
  • Thực phẩm, nước uống nhiễm bẩn: Rau sống, gỏi, hải sản chưa rửa kỹ, đá lạnh làm từ nước không an toàn.
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân: Ly, bát, đũa, khăn mặt, bàn chải đánh răng với người nhiễm.
  • Tiếp xúc gần: Người mang virus nhưng không có triệu chứng vẫn nấu ăn, chăm sóc trẻ nhỏ hoặc sống cùng gia đình, vô tình phát tán mầm bệnh.
viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-6.jpg

Có tới 70% trẻ dưới 6 tuổi nhiễm viêm gan A không có triệu chứng, nhưng vẫn bài tiết virus ra môi trường. Điều này khiến bệnh lây lan âm thầm trong gia đình và cộng đồng, nếu không được phát hiện và phòng ngừa kịp thời. Vậy phòng ngừa viêm gan A thế nào?

Như đã đề cập, một trong những lý do khiến viêm gan A có nguy cơ bùng phát mạnh hiện nay chính là sự thiếu hụt miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng. 

viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-10.jpg

Trong bối cảnh đó, chủ động tiêm vắc xin viêm gan A chính là biện pháp hiệu quả nhất để lấp đầy khoảng trống miễn dịch đang tồn tại.

Tiêm ngừa viêm gan A: Đầu tư một lần, miễn dịch nhiều năm

Tiêm vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng viêm gan A. Tại Tiêm chủng Long Châu, dịch vụ tiêm phòng viêm gan A được triển khai với các loại vắc xin sau:

  • Avaxim 80U Pediatric (Pháp): Dành cho trẻ từ 12 tháng đến dưới 16 tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng.
  • Havax (Việt Nam): Chỉ định cho trẻ em từ 24 tháng đến dưới 18 tuổi, lịch tiêm cơ bản 2 mũi cách nhau 6 tháng​.
  • Twinrix (Bỉ): Đây là vắc xin kết hợp phòng ngừa cả viêm gan A và B, dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và người lớn chưa có miễn dịch với 2 bệnh này. Lịch tiêm thường gồm 3 mũi (0 - 1 - 6 tháng) hoặc 2 mũi (0 - 6 tháng) tùy theo độ tuổi.

Đối tượng nên ưu tiên tiêm vắc xin:

  • Trẻ em, đặc biệt sống trong khu vực có nguy cơ cao;
  • Người thường xuyên ăn uống ngoài hàng quán;
  • Nhân viên y tế, chế biến thực phẩm, người chăm sóc trẻ;
  • Người chuẩn bị đi du lịch đến vùng có dịch lưu hành.

Vắc xin viêm gan A mang lại khả năng miễn dịch lâu dài và hiệu quả rõ rệt sau khi tiêm đúng lịch. Để đảm bảo cơ thể kịp thời tạo kháng thể, nên tiêm ít nhất 2 tuần trước khi tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao.

viem-gan-a-tro-lai-moi-nguy-thoi-hien-dai-tu-nhung-thoi-quen-tuong-vo-hai-11.jpg

Theo dữ liệu từ một nghiên cứu dài hạn, trẻ được tiêm đủ 2 liều vắc xin Avaxim 80U Pediatric vẫn duy trì kháng thể bảo vệ ở mức an toàn sau 14 - 15 năm. Dựa trên mô hình phân tích, các chuyên gia dự đoán rằng có đến 87,5% trẻ sẽ còn giữ được miễn dịch ít nhất 30 năm sau tiêm (khoảng tin cậy 95%: Từ 74,1% đến 94,8%).

Tương tự, Havax, vắc xin nội địa do Việt Nam sản xuất cũng ghi nhận hiệu quả bảo vệ cao nếu được tiêm đủ 2 liều theo lịch tiêm cơ bản. Với người lớn, Twinrix là lựa chọn tiện lợi khi muốn bảo vệ cùng lúc trước cả hai bệnh viêm gan A và B chỉ bằng một liệu trình.

Ăn sạch sống khỏe: Phòng bệnh mỗi ngày, bảo vệ lâu dài

Để giảm nguy cơ nhiễm viêm gan A, gia đình cần:

  • Rửa tay đúng cách: Dùng xà phòng, rửa ít nhất 20 giây trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Ăn uống an toàn: Chỉ ăn thực phẩm nấu chín, uống nước đun sôi để nguội, tránh rau sống hoặc đá lạnh không rõ nguồn gốc.
  • Kiểm tra nguồn nước: Sử dụng nước sạch, lắp đặt hệ thống lọc nếu cần.
  • Không dùng chung đồ cá nhân: Mỗi người nên có bát, đũa, ly riêng.

Đừng để sức khỏe của cả gia đình bị đe dọa bởi một loại virus hoàn toàn có thể phòng tránh. Phòng ngừa viêm gan A không hề phức tạp: Tiêm vắc xin đúng lịch, rửa tay đúng cách, ăn chín uống sôi, chỉ cần những thói quen nhỏ, nhưng hiệu quả lớn. Virus có thể lặng lẽ xuất hiện, nhưng bạn có thể chủ động ngăn chặn ngay từ hôm nay. Chủ động phòng bệnh để mỗi ngày là một ngày sống khỏe và an tâm.

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Hoàng Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ với hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong điều trị Nội khoa và Cấp cứu tổng hợp. Từng đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Kế hoạch và điều trị tại khoa Nội và khoa Cấp cứu, bác sĩ luôn không ngừng nâng cao chuyên môn và cống hiến cho sức khỏe cộng đồng.

Xem thêm thông tin
Nguồn tham khảo