Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm kết mạc cấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào?

Ngày 25/03/2022
Kích thước chữ

Viêm kết mạc cấp là tình trạng nhiễm trùng kết mạc làm mí mắt sưng lên che phủ nhãn cầu. Nếu bị viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc virus thì cần được điều trị kịp thời để hạn chế sự lây lan của bệnh.

Điều trị viêm kết mạc (đau mắt đỏ) đúng cách thì không có gì là nguy hiểm, nếu không sẽ để lại biến chứng ảnh hưởng sức khỏe thị giác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về viêm kết mạc và cách phòng ngừa tốt nhất.

Tìm hiểu về viêm kết mạc cấp tính

Kết mạc là một màng trong suốt bao phủ củng mạc mắt (lòng trắng), phần dưới có các mạch máu. Nhờ có kết mạc mà mắt tạo ra một bề mặt nhẵn mà nhãn cầu có thể dễ dàng di chuyển, kết mạc còn là hàng rào bảo vệ nhãn cầu khỏi dị vật hay các tác nhân nguy hại từ môi trường.

Viêm kết mạc cấp tính là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc. Các mạch máu tại vị trí kết mạc bị xuất huyết ở một toàn bộ củng mạc mắt. Dấu hiệu này hoàn toàn có thể nhận biết được do mắt chuyển đỏ. Bên cạnh thấy củng mạc đỏ bất thường còn có các triệu chứng khác như chảy dịch, sưng mí mắt, cảm thấy khó chịu và đau.

Viêm kết mạc cấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào? 1 Viêm kết mạc cấp là lớp màng mỏng bên ngoài bị viêm, đỏ

Bị viêm kết cấp do đâu?

Để có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả thì cần biết nguyên nhân gây ra bệnh là do đâu. Thông thường có 3 nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm kết mạc cấp:

Do virus (Adenovirus, Picornavirus)

Virus ADN (Adenovirus) dễ dẫn đến các biến chứng về mắt như giảm thị lực và làm các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Hầu hết những người mắc bệnh này thường do Adenovirus gây ra và đây là nguyên nhân hình thành dịch bệnh. Người khoẻ mạnh rất dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc qua đường hô hấp của người bệnh, thời gian ủ bệnh 4 - 10 ngày.

Do vi khuẩn

Vi khuẩn gây viêm kết mạc cấp tính rất dễ lây truyền cho người khác khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh. Bệnh do vi khuẩn phát triển rất nhanh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thủng giác mạc.

Do dị ứng

Viêm kết mạc cấp do dị ứng là khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, mỹ phẩm, lông động vật, không tương thích với thành phần thuốc nhỏ mắt,... Làm việc ở nơi có không khí ô nhiễm (mỏ than, nhà máy dệt,…) hoặc dùng chung dụng cụ cá nhân với người khác cũng là nguyên nhân gây bệnh. Bệnh xuất hiện do dị ứng thường tái phát nhiều lần nếu không tránh xa nguồn dị ứng.

Viêm kết mạc cấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào? 2 Virus Adenovirus khiến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn

Dấu hiệu của bệnh viêm kết mạc cấp

Viêm kết mạc cấp tính thường có các triệu chứng điển hình như: Ngứa mắt, sưng mí, kết mạc sưng đỏ, chảy ghèn và chảy nước mắt, nhất là vào buổi sáng ghèn dính chặt khiến khó mở mắt, phải dụi mắt thường xuyên. Trong một số trường hợp viêm kết mạc cấp do virus, trước tai sẽ nổi hạch sưng và đau, chảy ghèn màu trắng. Nếu nguyên nhân do vi trùng thì ghèn thường có màu vàng đặc. Ngoài ra có thể kèm theo triệu chứng khó thở, ho, sốt, sổ mũi và thở khò khè.

Thông thường, bệnh thuyên giảm dần và khỏi sau 5 - 7 ngày. Nếu không được chữa trị kịp thời dễ dẫn đến biến chứng viêm giác mạc (lòng đen). Lúc này mắt thường bị mờ, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt. Tình trạng nặng hơn có thể gây loét giác mạc ảnh hưởng đến thị lực lâu dài. 

Trong một số trường hợp nặng hơn, các sợi Fibrin trong dịch tiết kết mạc kết hợp với các tế bào viêm và vi khuẩn tạo giả mạc bám vào bề mặt bên trong của kết mạc gây sưng mí mắt, loét biểu mô giác mạc rất nguy hiểm.

Bệnh viêm kết mạc cấp có lây không?

Bệnh viêm kết mạc do virus và vi khuẩn gây ra nên rất dễ lây lan, thậm chí bùng phát thành dịch. Con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh viêm kết mạc là tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt người bệnh hoặc thông qua các vật dụng trung gian như khăn giấy, kính, nắm cửa, khăn mặt,...

Bệnh cũng lây qua đường hô hấp và nước bọt bắn khi nói chuyện, ho. Do đó, cần cách ly bệnh nhân viêm kết mạc và thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm như đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, rửa tay sạch bằng xà phòng, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

Trong quá trình chữa trị người bệnh cũng nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ như uống đủ liều thuốc và phòng chống lây nhiễm cho gia đình.

Điều trị viêm kết mạc cấp như thế nào?

Viêm kết mạc cấp là một bệnh nhiễm trùng ở mắt nên việc điều trị khá đơn giản với các thuốc làm giảm triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh tại chỗ và toàn thân. Tuy nhiên, nếu không điều trị tốt và kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không mua thuốc bừa bãi hoặc sử dụng thuốc của người này để chữa bệnh cho người khác. 

Có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị như đắp khăn ấm lên mắt để giảm đau và khó chịu, rửa mắt bằng nước muối sinh lý, làm mềm lông mi nhất là vào các buổi sáng. Cung cấp thêm vitamin C cho cơ thể để tăng sức đề kháng.

Phòng ngừa viêm kết mạc cấp như thế nào cho hiệu quả?

Đối với người bệnh

Không dùng tay dụi vào mắt. Rửa tay kỹ càng và thường xuyên với xà phòng hoặc nước diệt khuẩn. Hạn chế bắt tay và đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác. Dùng bông gòn lau nước mắt, ghèn và chỉ sử dụng một lần. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như khăn tắm, ly chén.

Đối với các thành viên khác trong gia đình

Không tiếp xúc gần với bệnh nhân. Ngay sau khi chăm sóc cho người bệnh cần rửa sạch tay bằng xà phòng. Không sử dụng thuốc nhỏ mắt của người bệnh để phòng bệnh cho mình và mọi người trong gia đình. Điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến nhiễm trùng chéo và các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Đối với trường học

Nếu trẻ bị đau mắt cần cho trẻ nghỉ học và cách ly tại nhà từ 3 - 5 ngày để tránh lây lan. Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, không dụi tay bẩn vào mắt. Các trường nội trú không cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân và ngủ chung giường. Giáo viên và người trông trẻ cũng nên đảm bảo rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang hàng ngày khi chăm sóc cho trẻ. Nếu cô giáo bị đau mắt cũng phải cách ly ít nhất 3 - 5 ngày để tránh lây nhiễm cho các học sinh khác.

Viêm kết mạc cấp có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa như thế nào? 3 Rửa tay thường xuyên với xà phòng tránh virus, vi khuẩn có cơ hội xâm nhập

Khi hình thành được thói quen tốt và tích cực, chúng ta có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm kết mạc cấp. Mong rằng với bài viết này mọi người sẽ được cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin