Thời tiết chuyển mùa hay không khí ô nhiễm là thời điểm nhạy cảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phế quản. Ba mẹ nên phân biệt viêm tiểu phế quản khác viêm phế quản thế nào để bảo vệ sức khoẻ của trẻ. Sau khi phân biệt được các bệnh các bậc phụ huynh có thể tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho con em mình đồng thời tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là một bệnh về đường hô hấp, trong đó niêm mạc của phế quản trong phổi bị viêm. Niêm mạc phế quản khi bị kích thích sẽ sưng và dày lên, bài tiết nhiều chất nhầy và làm tắc phế quản, gây ho, ho có đờm kèm theo thở khò khè, khó thở.
Viêm tiểu phế quản khác viêm phế quản thế nào?
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm cấp tính của các phế quản nhỏ hay còn gọi là tiểu phế quản. Các tiểu phế quản này có đường kính dưới 2mm và không có sụn nâng đỡ. Sau khi nhiễm trùng, chúng xẹp xuống rất dễ dẫn đến hẹp và tắc nghẽn đường thở. Đây cũng là lý do trẻ bị viêm phế quản thường có các biểu hiện như thở khò khè, khó thở, dấu hiệu sẽ nặng hơn nếu trẻ bị thiếu oxy để thở.
Điểm giống nhau của viêm phế quản và viêm tiểu phế quản
Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản là tình trạng liên quan đến tình trạng viêm, nhiễm trùng trong đường thở. Hai bệnh này có nhiều triệu chứng giống nhau nên ba mẹ khó phân biệt chính xác.
Thời điểm mắc bệnh
Trẻ có thể bị viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng thường gặp hơn vào mùa đông hoặc lúc chuyển mùa khi thời tiết chuyển lạnh.
Đối tượng mắc bệnh
Viêm phế quản hay viêm tiểu phế quản đều có thể gặp ở bất kỳ ai. Nhưng đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khá cao là trẻ suy dinh dưỡng hoặc sinh non vì sức đề kháng yếu. Ngoài ra những trẻ có tiền sử bệnh tim, phổi, suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao.
Trẻ em có nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản cao hơn
Triệu chứng lâm sàng
Khi bị viêm phế quản hay viêm tiểu phế quản sẽ gặp phải các triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện như: Sốt 38 - 40 độ, thở nhanh, thở khò khè, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm. Các biểu hiện đi kèm như mệt mỏi, biếng ăn, bỏ bú, không muốn chơi đùa.
Xem thêm: Adenovirus là bệnh gì?
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính của bệnh viêm tiểu phế quản hay viêm phế quản là do virus, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp RSV. Do đó, bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua con đường lây nhiễm trực tiếp như ho, hắt hơi, dịch tiết từ người bệnh hoặc gián tiếp thông qua đồ dùng, vật dụng dùng chung trong gia đình.
Cách điều trị bệnh
Các bác sĩ cho biết, điều trị viêm phế quản hay viêm tiểu phế quản chủ yếu là điều trị triệu chứng, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, điện giải, nước. Nguyên nhân nhiều nhất dẫn đến bệnh là do virus. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng kháng sinh để tránh nguy cơ tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
Viêm tiểu phế quản khác viêm phế quản thế nào?
Mặc dù có nhiều điểm giống nhưng viêm phế quản và viêm tiểu phế quản vẫn có đặc điểm khác nhau để ba mẹ phân biệt như:
Vị trí
Viêm phế quản xuất hiện ở các phế quản có kích thước từ trung bình và lớn trong phổi. Trong khi đó viêm tiểu phế quản chỉ xuất hiện ở các phế quản nhỏ có đường kính dưới 2mm.
Triệu chứng
Các triệu chứng ở bệnh viêm phế quản thể hiện rõ rệt hơn. Tình trạng dịch nhầy nhiều hơn, gần với tai mũi họng hơn nên dễ lây lan. Còn triệu chứng của viêm tiểu phế quản thường không rõ ràng và chủ yếu gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nên khó diễn đạt cho ba mẹ biết. Dấu hiệu điển hình là ho và sốt nhẹ.
Phòng ngừa viêm phổi và viêm tiểu phế quản như thế nào?
Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp trẻ khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe tốt hơn. Trong trường hợp viêm tiểu phế quản và viêm phế quản nhẹ hoặc trẻ không có yếu tố nguy cơ biến chứng có thể chăm sóc tại nhà.
Khi điều trị tại nhà thì việc tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ là rất cần thiết. Ba mẹ không nên cho trẻ dùng thuốc sai liều lượng hoặc thời gian. Vì nếu sử dụng không đúng cách có thể làm nặng thêm bệnh của trẻ hoặc gây ra biến chứng khó lường. Ba mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa hai bệnh này cho con bằng cách:
- Vệ sinh, rửa mũi họng cho trẻ bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý hàng ngày.
- Cho trẻ bú mẹ để có đủ chất dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Giữ nhiệt độ cơ thể của trẻ ấm để tránh bị cảm lạnh
- Bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi vào chế độ ăn của bé sẽ giúp tăng sức bền.
Đối với trẻ sơ sinh việc bú sữa mẹ là cách phòng ngừa các bệnh hô hấp nói chung
Bài viết trên đã cho ba mẹ hiểu thêm về viêm tiểu phế quản khác viêm phế quản thế nào. Từ đó dễ dàng phân biệt để định hướng chăm sóc và điều trị cho trẻ. Viêm tiểu phế quản và viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm ở phế quản. Tuy nhiên từ sự khác nhau về triệu chứng nêu trên có thể thấy bệnh viêm phế quản còn nghiêm trọng hơn bệnh viêm tiểu phế quản.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bệnh viêm phế quản tiến triển rất nhanh và dễ biến chứng sang các bệnh lý nguy hiểm khác, biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi. Vì vậy, ba mẹ tuyệt đối không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường của trẻ.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp