Viêm phế quản dị ứng là một căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và tuỳ thuộc vào cơ địa của mỗi người mà bệnh sẽ có những diễn biến khác nhau. Bạn cần hiểu rõ nguyên nhân để có cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả.
Viêm phế quản dị ứng là gì?
Người bị viêm phế quản do lớp niêm mạc phế quản bị viêm, tăng tiết chất nhầy như một cơ chế bảo vệ cơ thể. Khi chất nhầy tiết ra quá nhiều sẽ khiến đường thở bị tắc nghẽn. Nếu các triệu chứng kéo dài hay tái phát nhiều lần thì được gọi là viêm phế quản mãn tính. Bệnh có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em vào thời điểm giao mùa. Bệnh do cơ địa nên có thể kéo dài suốt đời mỗi khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Khi cơ thể bị tác động bởi các dị nguyên thì sẽ có phản ứng chống lại sự xâm nhập này. Phản ứng xảy ra dẫn đến giải phóng histamine, làm tổn thương các cơ phế quản, co lại và gây viêm. Các yếu tố được cho là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm: Lông động vật, phấn hoa, khói bụi, hóa chất,...
Triệu chứng phổ biến của viêm phế quản là ho liên tục, thở khò khè, ho có đờm, thở gấp, ngứa mũi, chảy nước mũi,... Tùy theo cơ địa của mỗi người mà bạn có thể gặp các triệu chứng khác nhau ngoài những triệu chứng kể trên. Để hiểu rõ tình trạng bệnh bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Khi viêm phế quản dị ứng kéo dài trên 3 tháng sẽ trở thành mãn tính. Đây được coi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ngoài ra bệnh còn có thể gây ra các biến chứng khác như viêm phổi, nhiễm trùng phổi. Nếu nặng có thể gây nhiễm trùng máu và nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây viêm phế quản dị ứng thường do tác nhân kích ứng như khói bụi, phấn hoa, ô nhiễm,...
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Trước hết, chẩn đoán viêm phế quản được thực hiện dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải, đồng thời xem xét tiền sử bệnh để có những xác nhận ban đầu. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán thích hợp nhằm đưa ra kết luận chính xác nhất. Các biện pháp thường được chỉ định thực hiện:
- Xét nghiệm đờm: Bác sĩ sẽ kiểm tra đờm mà bạn ho ra để xác định xem có bị nhiễm trùng hoặc dị ứng hay không.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang cho phép bác sĩ xem những bất thường và mức độ nhiễm trùng trong phổi của bạn.
- Đo phế dung: Dùng để đo lượng không khí mà phổi của họ có thể chứa, giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Cách điều trị viêm phế quản dị ứng
Để chữa bệnh hiệu quả bạn cần biết rõ nguyên nhân gây dị ứng để có biện pháp cách ly, hướng điều trị thích hợp và sử dụng thuốc chữa trị phù hợp.
Sử dụng thuốc
Thuốc kháng histamine H1
Histamine là một chất gây ra tình trạng dị ứng như viêm, tăng tiết chất nhờn trong cơ thể. Vì vậy, việc sử dụng thuốc kháng histamin H1 sẽ làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm phế quản dị ứng. Tuy nhiên, thuốc cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như suy nhược thần kinh, chóng mặt,... nên cần thận trọng sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ.
Thuốc giãn phế quản
Thuốc giãn phế quản có khả năng làm giãn các cơ trơn của phế quản, tạo điều kiện cho lưu thông không khí dễ dàng, giúp bệnh nhân dễ thở hơn và ngăn ngừa những cơn khó thở tiếp theo. Thuốc giãn phế quản dạng hít thường được sử dụng cho kết quả nhanh chóng và trực tiếp. Các loại thuốc thường được sử dụng là ipratropium, albuterol, levalbuterol hoặc các loại thuốc có tác dụng chậm kéo dài.
Thuốc chống viêm steroid
Thuốc này giúp giảm viêm phế quản khá nhanh nhưng cũng để lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Một số liệu pháp không dùng thuốc điều trị như liệu pháp oxy, sử dụng máy tạo ẩm,… cũng là cách hỗ trợ người bệnh hô hấp một cách thoải mái hơn.
Ngoài sử dụng thuốc điều trị bạn có thể áp dụng các biện pháp dân gian an toàn, lành tính để hỗ trợ điều trị có hiệu quả hơn.
Tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp
Các biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài việc dùng thuốc để điều trị, sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà cũng là một cách để giảm bớt sự khó chịu do bệnh gây ra và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Một số biện pháp đơn giản mà bạn có thể thực hiện tại nhà như:
- Uống nhiều nước: Cách này có tác dụng làm loãng chất nhầy để dễ tống ra ngoài khiến đường thở thông thoáng hơn.
- Súc miệng bằng nước muối: Ho do viêm phế quản gây đau rát họng do đó súc miệng bằng nước muối có thể làm sạch cổ họng, giảm viêm và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thuốc ngậm ho: Viên ngậm ho cũng giúp giảm đau rát họng do ho quá nhiều hoặc chất nhầy ở vùng họng được giảm bớt.
- Bài tập thở: Áp dụng các bài tập thở có thể khắc phục tình trạng thở gấp và điều hòa lại nhịp thở của bạn.
Biện pháp phòng tránh bị viêm phế quản dị ứng
Vì nguyên nhân gây viêm phế quản thường do các yếu tố như thời tiết, khói bụi, lông vật nuôi,… Nên cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố này. Khi điều trị bệnh viêm phế quản do thời tiết chuyển lạnh, hanh khô bạn cần giữ ấm họng, mũi. Nếu sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất thì nên đeo trang bị khẩu trang. Đặc biệt luôn mang theo thuốc dị ứng bên mình để tránh bệnh bùng phát đột ngột.
Để cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt chống lại bệnh viêm phế quản dị ứng hay các bệnh đường hô hấp nói chung, bạn cần thực hiện một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên. Viêm phế quản là bệnh mãn tính nhưng có thể kiểm soát được bằng lối sống khoa học và dùng thuốc phù hợp. Đây là điều hết sức quan trọng để ngăn ngừa căn bệnh này.
Để phòng ngừa viêm phế quản dị ứng thì khi ra ngoài cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân dị ứng ngoài môi trường
>> Tìm hiểu thêm về Thuốc Colergis điều trị cho các bệnh nhân đang bị viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dị ứng, viêm da dị ứng
Như vậy, với những thông tin về viêm phế quản dị ứng ở trên bạn đã biết nguyên nhân có thể xuất phát từ đâu để phòng tránh. Nếu các triệu chứng kéo dài quá 3 tuần thì nên đi khám bác sĩ để có phương hướng điều trị cụ thể và hiệu quả nhất.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp