Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm VA cấp độ 3 và phương pháp điều trị

Ngày 06/06/2022
Kích thước chữ

Viêm VA cấp độ 3 có nguy hiểm không? Các triệu chứng và cách nhận biết viêm VA cấp độ 3 như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.

Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1 đến 6 tuổi. Trẻ từ 6 tháng tuổi thì VA phát triển lên dần với vai trò miễn dịch để ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, từ 6 tuổi trở lên VA sẽ dần teo lại. 

Viêm VA có nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Viêm VA cấp độ 3 là cấp độ nặng của bệnh lý, hãy cùng tìm thêm về các triệu chứng cũng như phương pháp điều trị qua bài viết dưới đây nhé.

Thế nào là viêm VA cấp độ 3?

Viêm VA cấp độ 3 và phương pháp điều trị 1
Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi

Viêm VA là bệnh lý khi mà vùng VA (tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng, vị trí cửa mũi sau) bị vi khuẩn tấn công gây ra viêm nhiễm. Bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, với những trẻ trên 6 tuổi thường ít hoặc không bị bệnh này nữa. Viêm VA theo cấp độ là tình trạng quá phát khiến VA phì đại lên, điều này ảnh hưởng đến khả năng hô hấp và gây ra các biến chứng lên nhiều cơ quan xung quanh. Viêm VA có các cấp độ phì đại từ nhẹ đến nặng như sau: 

  • Phì đại độ 1: 25% cửa mũi sau bị che lấp.
  • Phì đại độ 2: 50% cửa mũi sau bị che lấp.
  • Phì đại độ 3: Dưới 75% cửa mũi sau bị che lấp.
  • Phì đại độ 4: Trên 75% cửa mũi sau bị che lấp.

Có thể thấy mức độ phì đại VA là 4 cấp độ, khi kích thước VA phì đại quá mức lên viêm VA cấp độ 3 và độ 4 thì sẽ có các phương pháp nạo VA. 

Các triệu chứng khi viêm VA cấp độ 3

Viêm VA cấp độ 3 và phương pháp điều trị 2
Viêm VA độ 3 che đi từ 50 - 70% cửa mũi sau

Khi viêm VA độ 3, viêm VA che đi từ 50 - 70% cửa mũi sau sẽ gây ra nhiều triệu chứng nhận biết dễ dàng ở trẻ như:

  • Mũi tắc nghẹt, trẻ thở hoàn toàn bằng đường miệng.
  • Sốt cao từ 38 - 38 độ C.
  • Mũi chảy dịch, ra nhiều đờm xanh đờm vàng.
  • Ho nhiều do dịch mũi chảy xuống cổ và thở bằng miệng lâu ngày làm khô cổ họng.
  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn gây sụt cân, sức đề kháng yếu.
  • Hơi thở có nhiều mùi hôi và ngày càng hôi nặng.
  • Tiêu chảy, nôn trớ do rối loạn tiêu hóa gây ra.
  • Nói hoàn toàn bằng giọng mũi.
Viêm VA cấp độ 3 và phương pháp điều trị 3
Trẻ hoàn toàn thở bằng miệng khi bị viêm VA cấp độ 3

Khi nội soi viêm VA cấp độ 3 những biểu hiện lâm sàng như:

  • Khi nội soi mũi: Niêm mạc và cuốn mũi dưới có hiện tượng phù nề. Trong mũi chứa nhiều dịch mủ, quan sát thấy nhiều khối sùi bóng, đỏ sau khi hút hết dịch mũi. Thành sau họng xuất hiện các khối lympho lớn như hạt đậu xanh và các dịch nhầy chảy từ vùng viêm này xuống họng.
  • Nội soi tai: Màng nhĩ tai bị lõm vào, có màu hồng do bị xung huyết góc sau trên hoặc toàn bộ vùng màng nhĩ.
  • Góc hàm xuất hiện hạch nổi sưng.

Viêm VA độ 3 sẽ rất nhanh chóng chuyển sang giai đoạn 4 làm trẻ bị nghẹt thở hoàn toàn và chỉ có thể thở bằng miệng, khi ngủ có thể ngưng thở rất nguy hiểm. Cần điều trị kịp thời tại cấp độ này để không xảy ra biến chứng nặng hơn cho trẻ.

Các biến chứng của viêm VA độ 3

Khi viêm VA cấp độ 3, trẻ sốt từ 38 độ trở lên sẽ có thể làm trẻ hôn mê, co giật và thậm chí là tổn thương não. Ngoài ra bệnh còn ảnh hưởng tới các vùng xung quanh như gây ra: Viêm tai giữa, thủng nhĩ ảnh hưởng tới thính lực, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, suy hô hấp, suy tim. Đường ruột của bé cũng ảnh hưởng làm tiêu chảy kéo dài, viêm đường ruột, viêm cầu thận ảnh hưởng tới sức khỏe rất nặng nề.

Viêm VA cấp độ 3 và phương pháp điều trị 4
Khi viêm VA cấp độ 3, trẻ bị sốt từ 38 độ trở lên

Vì bệnh diễn ra ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, ở độ tuổi này bé đang có sức đề kháng yếu cũng như đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và trí não. Nếu xảy ra một trong các biến chứng sẽ rất nguy hiểm cho trẻ sau này.

Phương pháp điều trị viêm VA cấp độ 3

Khi trẻ bị viêm VA độ 3, các bác sĩ sẽ cho trẻ chữa bệnh bằng phương pháp nội khoa trước, nếu từ 4 - 5 ngày không lành bệnh hoặc bệnh tái phát quá nhiều lần/năm thì sẽ được chuyển qua nạo VA.

Điều trị nội khoa sẽ bao gồm:

  • Sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm để ức chế và tiêu viêm cho trẻ.
  • Vệ sinh miệng, tai, mũi, họng bằng nước muối loãng, dung dịch nhỏ mũi, sát trùng mỗi ngày cho trẻ, nhất là trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Và theo các chỉ định khác từ bác sĩ tùy theo mức độ bệnh và cơ địa của trẻ.

Điều trị ngoại khoa:

  • Trẻ được tiến hành phẫu thuật nạo VA, toàn bộ ổ viêm VA sẽ được loại bỏ để ngừa vi khuẩn tấn công gây viêm nặng hơn cho các vùng khác. Phương pháp được thực hiện nhanh chóng và sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Phương pháp này thường được thực hiện khi viêm VA tái phát từ 5 lần/ năm, ổ viêm VA phì đại cấp độ 3 và độ 4. Khi tiến hành thăm khám cho trẻ đủ các điều kiện thì bác sĩ sẽ có chỉ định cho nạo VA.

Phương pháp nạo VA sẽ ít gây đau và chảy máu cho trẻ, sau khi phẫu thuật vết thương nhanh lành không làm ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hay ăn uống. Chú ý sau nạo VA không nên ăn uống đồ nóng để vết thương nhanh lành hơn.

Vậy, viêm VA cấp độ 3 là trường hợp VA phì đại từ 50 - 70% che lấp cửa mũi sau khiến trẻ khó thở và có thể không thở được bằng đường mũi nữa. Khi ngủ có thể ngưng thở tạm thời và lặp lại nhiều lần trong đêm rất nguy hiểm. Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng như trên thì hãy nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được kiểm tra và có pháp đồ điều trị dứt điểm nhé.

Minh Hạnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin