Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Virus SARS-CoV-2 dính vào những đâu xung quanh bệnh nhân?

Ngày 10/03/2020
Kích thước chữ

Hiện nay các chủ đề về dịch COVID-19 đang rất được cộng đồng quan tâm. Trong số đó có những câu hỏi đề cập đến mức độ ô nhiễm virus trong môi trường xung quanh bệnh nhân.  Đặc biệt giữa bối cảnh số người dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng lên mỗi ngày ở nước ta.

Để có đáp án cho câu hỏi này, thời gian vừa qua nhóm nghiên cứu của Singapore đã tiến hành khảo sát dấu vết của virus SARS-CoV-2, tại không gian quanh bệnh nhân cách ly trong bệnh viện. Kết quả được công bố trên trang tạp chí Journal of American Medical Association (JAMA) uy tín. Hãy cùng đọc qua những thông tin sơ lược dưới đây để hiểu được phần nào.

Virus SARS-CoV-2 dính vào những đâu xung quanh bệnh nhân 1Đọc khảo sát sát dấu vết virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân cách ly ở bệnh viện giúp chúng ta nâng cao cảnh giác hơn

Cuộc thử nghiệm nhỏ với bệnh nhân COVID-19

Có 3 bệnh nhân lần lượt là A, B, C là đối tượng trong nghiên cứu. Cả nhóm đã sử dụng tăm bông vô trùng làm ẩm từ trước và lấy mẫu từ môi trường xung quanh người bệnh. Đó là các vị trí như bồn rửa tay, bồn vệ sinh, bề mặt bàn, ghế... và cả bề mặt đồ bảo hộ của nhân viên y tế đang phụ trách họ.

Đối với mẫu không khí ở trong và ngoài phòng cách ly thì nhóm nghiên cứu sử dụng các bơm và mang lọc chuyên dụng lấy mẫu trong 2 ngày. Mẫu sẽ được đưa đi xét nghiệm thông qua kỹ thuật Realtime RT-PCR xem có virus gây bệnh không. Tuy nhiên cũng có các lưu ý khi lấy mẫu là:

  • Phòng bệnh nhân A và B: Mẫu lấy sau khi phòng được vệ sinh.
  • Phòng bệnh nhân C: Mẫu lấy trước khi phòng được vệ sinh.
  • Nếu kết quả là DƯƠNG TÍNH thì đồng nghĩa tìm được chất liệu di truyền của virus (một phần trong cấu trúc virus). Còn ÂM TÍNH là không tìm được chúng thông qua xét nghiệm này.

Sau khi khảo sát nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy được một số kết quả thú vị, cụ thể như:

  • Bệnh nhân A xuất hiện triệu chứng vào ngày thu nhập mẫu (ngày 4 và ngày 10) cho ra kết quả âm tính hết.
  • Bệnh nhân B xuất hiện triệu chứng vào ngày 8 và hết vào ngày 11, các mẫu thu thập trong 2 ngày kể trên kết quả đều âm tính.
  • Chỉ bệnh nhân C với triệu chứng hô hấp (không mắc viêm phổi) thu được kết quả dương tính với 13/15 mẫu lấy trong phòng cách ly, 3/5 mẫu trong toilet (cụ thể là ở tay nắm cửa, bồn rửa tay và bồn cầu).

Ngoài ra họ còn phát hiện tuy bệnh nhân C không bị tiêu chảy nhưng có 2 mẫu phân dương tính với virus. Mẫu tăm bông tại quạt thông khí cho kết quả dương tính, chứng tỏ các giọt bắn chứa virus có thể di chuyển trong không khí. Tuy nhiên toàn bộ mẫu không khí đều có kết quả âm tính hết.

Nhược điểm của nghiên cứu là chỉ được thực hiện trên 3 người bằng phương pháp RT-PCR, nên kết quả xét nghiệm chỉ giúp chúng ta phát hiện có “vật chất di truyền”. Nghĩa là có một phần virus ở đó nhưng không nói rõ được nó còn sống hay động lực mạnh thế nào. Có điều nó cũng đã gợi ý cho chúng ta biết virus có khả năng dính trên bề mặt và vật dụng xung quanh người nhiễm, nhưng sẽ biến mất sau khi dọn vệ sinh phòng với natri dichloroisocyanurat.

Hơn nữa mẫu xét nghiệm không khí âm tính còn là tín hiệu đáng mừng, giúp nhiều người an tâm rằng đây không phải đường truyền chủ lực. Còn mẫu dương tính trong nhà vệ sinh lại cảnh giác nguy cơ lây qua phân như nhiều nghiên cứu trước đó.

Virus SARS-CoV-2 dính vào những đâu xung quanh bệnh nhân 2Vị trí lấy mẫu được đánh số và kết quả cụ thể

Áp dụng biện pháp phòng dịch hiệu quả

Nhờ có nghiên cứu kể trên mà chúng ta phần nào khẳng định được virus SARS-CoV-2 lây qua tiếp xúc và giọt bắn. Đồng thời cũng tái khẳng định biện pháp phòng dịch COVID-19 bằng rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách và đúng lúc là vô cùng quan trọng. Hãy lưu ý những bề mặt có thể dính mầm bệnh và tránh xa, đồng thời có ý thức vệ sinh định kỳ.

Bạn cũng phải nhớ tuyệt đối không quẹt tay lên mắt, mũi, miệng của mình và người thân. Các chuyên gia cũng khuyến cáo chúng ta thường xuyên rửa tay trong ngày với xà phòng. Nhất là trong các thời điểm cụ thể như:

  • Sau khi ho/hắt hơi hoặc hỉ mũi.
  • Sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã.
  • Sau khi chơi ở các khu vui chơi hoặc ngoài trước.
  • Trước/sau khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
  • Trước khi chạm tay lên mắt, mũi, miệng của bản thân và cả những người xung quanh.
Virus SARS-CoV-2 dính vào những đâu xung quanh bệnh nhân 3Rửa tay với xà phòng và nước thường xuyên, đúng cách là biện pháp phòng COVID-19 hiệu quả nhất hiện nay

Trong sinh hoạt hàng ngày không thể tránh khỏi việc đụng chạm đến những vật dụng công cộng. Tuy nhiên tăng ý thức vệ sinh sẽ giúp bạn và cả cộng đồng hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Hơn nữa rửa tay thường xuyên còn giúp chúng ta phòng được nhiều bệnh lý khác như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, tiêu hóa…

Thụy Anh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin