Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vitamin C có vai trò gì trong cơ thể của chúng ta?

Ngày 15/06/2020
Kích thước chữ

Vitamin C được biết đến nhiều về tác dụng tăng hệ miễn dịch cho nhiều đối tượng. Vitamin C có rất nhiều trong các loại rau củ quả ở bữa ăn hàng ngày. Hãy cùng tìm hiểu về những tác dụng khác, hậu quả khi thừa thiếu và hàm lượng chuẩn của vitamin này cần cung cấp nhé!

Vitamin C là một loại vitamin không thể thiếu của sức khỏe. Vai trò tăng sức đề kháng của vitamin C được biết đến nhiều nhất. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại vitamin thiết yếu này. Mời các bạn cùng theo dõi.

Vitamin C là gì?

Vitamin C hay còn gọi là acid ascorbic là 1 trong 13 vitamin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được.

Vitamin C tồn tại dưới dạng tinh thể trắng, tan trong nước nhưng không tan được trong dung môi hữu cơ, có thể tồn tại tới 100°C trong môi trường acid và trung tính.

Trong không khí, vitamin C bị oxy hóa bởi oxy, quá trình này càng bị đẩy nhanh hơn khi có sự có mặt của đồng và kẽm.

Vitamin C tồn tại dưới 2 dạng: vitamin C trong các thực phẩm tự nhiên và vitamin C tổng hợp.

Trong tự nhiên, vitamin C có nhiều trong các loại quả như ổi, cam, kiwi, dâu tây, bưởi quýt, đu đủ, xoài và một số loại rau như: cải xoăn, rau mùi, các loại rau thơm, bông cải xanh,...

Vitamin C có vai trò gì trong cơ thể của chúng ta? 1

Vitamin C có nhiều trong quả cam

Tác dụng của vitamin C đối với sức khỏe

Vitamin C có rất nhiều tác dụng quan trọng đối với sức khỏe, có thể kể tới như:

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C được biết đến là một chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi ảnh hưởng của các gốc tự do. Bên cạnh đó, vitamin C còn kích thích cơ thể sản sinh bạch cầu cũng như hỗ trợ hàng rào biểu mô của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Phòng chống oxy hóa

Vitamin C có tác dụng trung hóa các gốc tự do trong cơ thể, từ đó hạn chế được quá trình lão hóa trên da và trong cơ thể. Đặc biệt, vitamin C có hiệu quả trong việc phòng chống lão hóa mắt do hỗ trợ tăng cường lượng máu đến mắt giúp cải thiện khả năng nhìn, phòng chống đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và một số bệnh về mắt do quá trình lão hóa gây ra.

Vitamin C có vai trò gì trong cơ thể của chúng ta? 2

Vitamin C chống lão hóa mắt

Tăng cường mô liên kết

Vitamin C là yếu tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất collagen. Đây là một loại protein chính trong các mô liên kết của cơ thể như da, dây chằng, dịch khớp, mạch máu, gân, sụn khớp. 

Việc bổ sung vitamin C đầy đủ giúp vết thương nhanh lành, hạn chế vết bầm tím trên da, tăng cường sức bền thành mạch, tăng độ đàn hổi trên da, xóa mờ sẹo và các nếp nhăn trên da.

Bảo vệ thai nhi dưới tác động của khỏi thuốc lá

Chất nicotin trong khói thuốc lá có thể gây nên dị tật thai nhi, gây nên nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân, thậm chí là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Việc bổ sung vitamin C trong thai kỳ không những giúp bổ sung dưỡng chất cho sự phát triển thai nhi và còn làm giảm được tác động của chất nicotine trong thuốc lá đối với thai nhi, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe của thai nhi và sản phụ.

Ngoài những tác dụng chính nêu trên, vitamin C còn giúp cơ thể tăng cường hấp thu chất sắt, canxi, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất glucid, lipid, protid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Liều lượng vitamin C cần thiết

Liều lượng vitamin C khác nhau đối với từng độ tuổi. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, uống vitamin C đúng cách trước hết phải bổ sung đúng hàm lượng như sau:

  • Trẻ em dưới 6 tháng: 25 mg/ngày. Tuy nhiên, lượng này đã được bổ sung đủ qua sữa, do đó, không cần bổ sung thêm vitamin C bên ngoài đối với đối tượng này.
  • Trẻ từ 6 tháng - 6 tuổi: 30 mg/ngày
  • Trẻ từ 7 - 9 tuổi: 35 mg/ngày
  • Thanh thiếu niên từ 10 - 18 tuổi: 65 mg/ngày
  • Người lớn: 70 mg/ngày
  • Phụ nữ có thai: 80 mg/ngày
  • Bà mẹ cho con bú: 95 mg/ngày

Tùy theo từng độ tuổi cụ thể mà có kế hoạch bổ sung vitamin C cụ thể.

Vitamin C có vai trò gì trong cơ thể của chúng ta? 3

Trẻ bú mẹ không cần bổ sung vitamin C

Hậu quả khi thiếu vitamin C

Thiếu vitamin C là tình trạng cơ thể hấp thu dưới 10mg vitamin C/ngày. Một số đối tượng nguy cơ cao thiếu vitamin C có thể kể đến như: 

  • Người hút thuốc lá: Kể cả những người hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc với khói thuốc lá) do khói thuốc lá làm tăng quá trình oxy hóa và làm giảm nồng độ vitamin C trong cơ thể.
  • Người ăn uống kém: Vitamin C được bổ sung cho cơ thể chủ yếu thông qua các thực phẩm hàng ngày. Việc ăn uống kém ở các đối tượng như: người nghiện rượu, người già, người có vấn đề về thần kinh hay người có điều kiện kinh tế khó khăn dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin C trong cơ thể.
  • Người mắc hội chứng kém hấp thu: Những người mắc hội chứng này làm cơ thể không hấp thu được vitamin C hay những người mắc bệnh thận làm tăng thải vitamin C qua đường tiểu cũng là những đối tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin C.

Việc thiếu vitamin C trong thời gian dài sẽ dẫn đến một số ảnh hưởng sau:

  • Bệnh Scorbut: Đây là chứng bệnh điển hình khi thiếu vitamin C với các biểu hiện như: viêm lợi, răng dễ rụng, viêm khớp, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng,...
  • Thiếu máu: Thiếu vitamin C làm cho quá trình hấp thu sắt bị cản trở, lâu dần sẽ khiến cơ thể gặp tình trạng thiếu máu, cụ thể là thiếu máu thiếu sắt.
  • Chảy máu, vết thương chậm lành: Việc thiếu vitamin C kéo dài sẽ kéo theo sự giảm sản xuất collagen, làm cho sức bền thành mạch giảm, da cơ kém đàn hồi, dễ chảy máu, vết thương lâu lành.
  • Loãng xương: Thiếu vitamin C cũng ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi của cơ thể, lâu dần dẫn tới tình trạng loãng xương, xương dễ gẫy, đặc biệt hay gặp ở đối tượng trung niên và người già.
  • Ung thư: Thiếu vitamin C lâu ngày dễ khiến cơ thể sản sinh nhiều gốc tự do gây ung thư.

Vitamin C có vai trò gì trong cơ thể của chúng ta? 4

Thiếu vitamin C gây thiếu sắt thiếu máu

Tác hại khi thừa vitamin C

Giống như các loại vitamin tan trong nước khác, lượng dư vitamin C hầu như được đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu bổ sung hàm lượng vitamin C quá cao trên 1000mg/ngày trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả sau:

  • Sỏi thận: Oxalat là hợp chất tạo ra do quá trình chuyển hóa vitamin C. Việc bổ sung vitamin C quá nhiều dẫn đến tăng hàm lượng oxalat thải qua thận, lượng này kết hợp với canxi làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Bệnh tim mạch: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quá liều vitamin C có thể làm tăng nguy cơ bệnh huyết áp và tim mạch.
  • Mất cân bằng hấp thu dưỡng chất: Hàm lượng vitamin C quá cao có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu các chất như vitamin B12, sắt và đồng trong cơ thể. Đặc biệt, đối với sắt, có thể khiến cơ thể hấp thu quá nhiều sắt gây tình trạng ngộ độc.
  • Ngoài ra, quá liều vitamin C còn gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như; buồn nôn, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, tá tràng,...

Bổ sung vitamin nói chung và vitamin C nói riêng đều cần phải đảm bảo nguyên tắc đúng đối tượng và đủ nhu cầu. Những thông tin trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu đúng về vai trò của vitamin C cũng như những hậu quả về việc bổ sung thiếu hoặc thừa loại vitamin này. Chúc bạn luôn nhiều sức khỏe!

Lâm Khuê

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin