Workaholic là gì? Biểu hiện của một người Workaholic
Ngày 29/02/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Workaholic là gì? Đâu là những biểu hiện của một người Workaholic? Với những người nghiện công việc (workaholic), ranh giới giữa làm việc và nghỉ ngơi luôn bị lu mờ. Để hiểu hơn về vấn đề này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Trên mạng xã hội chúng ta vẫn thường nói đùa với nhau rằng “nghề chọn người chứ có mấy ai chọn đi làm”. Chắc chắn rồi, việc đi làm mỗi ngày kiếm tiền trang trải các chi phí đôi khi là trải nghiệm không mấy dễ chịu. Nhiều người trong số chúng ta “không thích làm việc” nhưng nó vẫn là một phần quan trọng mà ta không thể từ bỏ.
Ngược lại, có những người chỉ biết đến công việc, yêu thích và say mê nó. Dù là lúc giải lao hay ngày nghỉ, họ cũng không ngừng nghĩ về công việc. Những người như vậy được gọi là workaholic hay theo chủ nghĩa nghiện việc – workaholism.
Workaholic là gì?
Hiểu đơn giản, Workaholic là “nghiện việc hay người nghiện việc”. Từ điển Oxford định nghĩa workaholic như sau: “A person who compulsively works hard and long hours”. Tạm dịch là “một người làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ”.
Khái niệm workaholism (chủ nghĩa nghiện việc) xuất hiện đầu tiên vào năm 1971 trong cuốn sách Confessions of a Workaholic: The Facts about Work Addiction của tác giả, bộ trưởng và nhà tâm lý học người Mỹ Wayne Oates. Trong đó, ông đã mô tả workaholic là sự bắt buộc hoặc nhu cầu không thể kiểm soát việc làm việc không ngừng. Sau này, những nghiên cứu về workaholism đã được mở ra nhưng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những bất đồng xoay quanh cách xác định và đo lường cấu trúc.
Nhiều đặc điểm của workaholism cũng được thêm vào bởi nhiều người sau Oates. Có người gọi nó là sự nghiện làm việc, một bệnh lý. Người khác thì cho rằng đó là một hội chứng khi mà người ta có động lực làm việc cao nhưng không mấy thích thú với công việc.
Xâu chuỗi lại tất cả các khía cạnh được nhắc đến nhằm mô tả workaholic, nhóm tác giả nghiên cứu về workaholism đã đúc kết 3 đặc điểm để khái quát về workaholism hay workaholic như sau:
Cảm thấy bắt buộc phải làm việc vì áp lực bên trong.
Có những suy nghĩ dai dẳng về công việc khi không làm việc.
Làm việc vượt quá mong đợi bình thường (được thể hiện qua yêu cầu công việc hoặc nhu cầu kinh tế cơ bản) bất chấp khả năng gây ra hậu quả tiêu cực.
Biểu hiện của một người Workaholic
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn là một người nghiện công việc (workaholic):
Người nghiện việc cảm thấy khó chịu và lo lắng khi không làm việc
Một workaholic thường không thích công việc của họ nhưng được làm việc khiến họ cảm thấy thoải mái, có tổ chức và có ý nghĩa. Ngược lại, khi không làm việc họ sẽ cảm thấy tội lỗi, bồn chồn và vô dụng. Mặc dù không có nhiều việc để làm thì workaholic vẫn hiếm khi cho phép họ được nghỉ ngơi.
Luôn ưu tiên công việc là trên hết
Người nghiện việc coi công việc là trên hết. Dù có là ngày nghỉ, họp mặt gia đình bạn bè, thậm chí có ốm đau họ vẫn suy nghĩ về công việc. Theo Ana Jovanovic, đối với những người này làm việc có thể mệt mỏi đấy, nhưng không làm còn mệt hơn. Nhiều workaholic vì thế mà được cho là tham công tiếc việc, một số còn không ngại gán cho họ cái mác “ham tiền”.
Người nghiện việc không hoặc dành rất ít thời gian cho cuộc sống ngoài công việc
Vì luôn ưu tiên công việc nên workaholics có ít hoặc không dành thời gian cho những việc khác như kết nối với mọi người bao gồm cả đồng nghiệp lẫn các mối quan hệ bên ngoài. Thời gian rảnh rỗi không hoàn toàn “rảnh rỗi” đối với người nghiện việc vì trong đầu họ luôn nghĩ về công việc. Jovanovic đã đưa thêm nhận định về việc này rằng workaholic luôn khiến họ trở nên cần thiết trong công việc. Họ không dựa dẫm vào đồng nghiệp và không để nhóm của mình kiên cường hoạt động mà không có họ.
Mang việc về nhà
Thường xuyên mang việc về nhà hay làm việc khi đã hết giờ làm cũng là một biểu hiện của workaholic. Bạn có thể mất cả buổi tối đáng ra cần cho cơ thể nghỉ ngơi để giải quyết nốt công việc còn dang dở hoặc làm cả việc cho hôm sau.
Không thừa nhận mình là workaholic
Hầu hết workaholic không thừa nhận họ là người nghiện việc. Thay vào đó, họ có thiên hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh, chẳng hạn như họ cần được thăng chức, có quá nhiều việc cần làm hoặc có đồng nghiệp lười biếng. Một nguyên nhân khá sâu xa khiến người ta nghiện việc mà nhà trị liệu tâm lý Ana Jovanovic xác nhận: “Làm việc nhiều giờ là cách được xã hội chấp thuận để ngăn chặn các vấn đề cấp bách khác trong cuộc sống”. Hẳn là các workaholic luôn cảm thấy họ đang làm việc có ý nghĩa cho cuộc sống rồi. Do đó, ngay cả bản thân chúng ta cũng sẽ khó thừa nhận rằng nghiện việc đang cản trở chúng ta tập trung vào việc sống.
Người nghiện việc thường không cảm thấy hạnh phúc
Những người dành trọn đam mê cho công việc và đặt toàn bộ năng lượng vào nó không phải là người workaholics vì theo như Ana Jovanovic, người nghiện việc không hạnh phúc. Họ không làm việc vì thấy vui, họ làm việc để xoa dịu những cảm xúc tiêu cực đến từ việc không làm gì.
Cách để khắc phục tình trạng Workaholic
Workaholic có thể khiến bạn mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất và các mối quan hệ của bạn. Dưới đây là một số cách để khắc phục Workaholic mà bạn có thể tham khảo:
Nhận thức tình trạng hiện tại
Dựa trên các dấu hiệu ở trên, cùng với quan sát và đánh giá về thời gian làm việc hằng tuần, bạn có thể tự nhận biết bản thân có phải là một người nghiện công việc hay không. Việc tự đánh giá bản thân đóng vai trò quan trọng vì điều này giúp bạn nhận ra những nguyên nhân sâu xa, từ đó tìm giải pháp dễ dàng hơn.
Ví dụ, chúng ta dễ dàng đánh lừa bản thân rằng mình nên cố hết sức (đôi khi quá sức) để vượt qua một dự án hay hoàn thành một deadline. Nhưng thực tế là chính sự nghi ngờ bản thân, nỗi sợ hãi thất bại hoặc chủ nghĩa hoàn hảo là điều khiến bạn trở thành một workaholic.
Lên kế hoạch cụ thể
Đặc điểm chung của những người nghiện công việc là không kiểm soát được thời gian và mong muốn làm việc liên tục. Thay vào đó, bạn có thể đặt ra thời gian cụ thể khi giải quyết vấn đề. Một thời gian biểu cụ thể giúp bạn phân bổ thời gian làm việc và thời gian cá nhân hợp lí hơn, tạo ra những khoảng nghỉ cần thiết để phục hồi năng lượng.
Ưu tiên làm việc đơn nhiệm
Làm việc đa nhiệm (multitasking) không thật sự hiệu quả như bạn nghĩ. Ngược lại, nó khiến công việc đơn giản trở nên phức tạp, làm suy giảm trí nhớ và cản trở sự sáng tạo và khiến não bộ kiệt sức. Khi có nhiều việc cần được giải quyết, hãy tập trung sắp xếp thứ tự ưu tiên thay vì dồn nén công việc và giải quyết chúng cùng một lúc theo ma trận ưu tiên: “Gấp và quan trọng - Gấp và không quan trọng - Không gấp và quan trọng - Không gấp và không quan trọng.”
Tập dành thời gian cho bản thân
Công việc và trách nhiệm khiến bạn thấy tội lỗi khi phải dành thời gian cho mình. Thế là bạn luôn gạt đi hoặc dời lại, chờ đến một lúc nào đó "thong thả hơn", nhưng thường lại kiệt sức trước khi đợi được thời gian trống cho mình. Thay vào đó, bạn nên học cách dành ra những khoảng nghỉ cho mình và chèn chúng vào lịch trình hàng ngày.
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về tình trạng Workaholic, hy vọng với bài viết, bạn có thể hiểu hơn về tình trạng này và có cho mình những phương pháp phù hợp để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc của bản thân.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.