Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi có những loại nào? Chỉ định xét nghiệm lao phổi

Ngày 12/05/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi giúp phát hiện bệnh sớm để có biện pháp điều trị phù hợp. Những đối tượng có nguy cơ cao như bác sĩ, y tá, người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao, người suy giảm miễn dịch,... nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán lao phổi định kỳ. Tìm hiểu những thông tin về xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao phổi ngay trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Bệnh lao phổi là một căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao. Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm để có các biện pháp xử lý và điều trị kịp thời. Theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!

Tổng quan về bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi là một căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Khi người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi, nói chuyện,... vi khuẩn lao được phát tán vào không khí. Từ đó, chúng có thể xâm nhập, cư trú, sinh sôi, phát triển và gây bệnh ở người.

Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi 1
Bệnh lao phổi là một căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn lao gây ra

Ngoài ra, bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi trong giai đoạn thai kỳ hoặc thông qua việc tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh, dùng chung đồ dùng cá nhân, dùng chung các vật dụng ăn uống.

Các triệu chứng điển hình của bệnh lao phổi bao gồm:

  • Ho khan: Đây là triệu chứng ban đầu của bệnh lao phổi, đôi khi có thể kèm theo sốt nhẹ. Người bệnh thường chủ quan hoặc nhầm lẫn nó với các triệu chứng ho thông thường khác (ho do cúm, ho do viêm phổi,...).
  • Ho có đờm: Bệnh nhân ho nhiều kèm theo đờm trắng.
  • Ho ra máu: Ho có đờm lẫn máu. Khi bệnh diễn biến nặng có thể gây tắc nghẽn phế quản.
  • Khó thở: Do vi khuẩn xâm nhập, gây tổn thương phổi và đờm trong phổi tích tụ quá nhiều nên gây ra tình trạng khó thở. Đôi khi, bệnh nhân còn có biểu hiện thở rít.
  • Đau tức ngực: Cơn đau thường xuất hiện khi bệnh nhân ho, khó thở hoặc hít thở sâu.

Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh còn có một số biểu hiện toàn thân như:

  • Mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon.
  • Cơ thể gầy sút nhanh chóng.
  • Sốt kéo dài nhưng thường là sốt nhẹ. Các cơn sốt thường diễn ra vào tối hoặc đêm. Đôi khi, bệnh nhân cũng có thể bị sốt cao kèm theo rét run hoặc ra nhiều mồ hôi.
  • Rối loạn kinh nguyệt, mất kinh ở nữ giới.
  • Các dấu hiệu của việc thiếu máu như da xanh xao, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,...
Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi 2
Các triệu chứng của lao phổi bao gồm: Ho khan, ho có đờm, ho ra máu,...

Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi

Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi là các xét nghiệm được dùng để chẩn đoán, phát hiện bệnh lao, bao gồm: ELISA, nhuộm soi, sinh học phân tử, sinh thiết và một xét nghiệm khác.

Xét nghiệm sinh học phân tử

PCR lao

Nguyên lý của phương pháp này là phát hiện vi khuẩn lao dựa vào đoạn gen IS6110.

Ưu điểm của phương pháp này là độ đặc hiệu và độ nhạy cao, có thể tiến hành trên nhiều loại bệnh phẩm khác nhau như đờm, dịch não tủy, dịch phế quản, dịch màng phổi,...

Bên cạnh các ưu điểm trên, xét nghiệm này cũng có những nhược điểm nhất định như: Trang thiết bị tốn kém, có thể cho kết quả dương tính giả nếu bị nhiễm lại sản phẩm PCR do không tuân thủ quy trình kỹ thuật, cho kết quả âm tính giả nếu bệnh phẩm chứa các chất ức chế phản ứng.

Xét nghiệm MTBC/NTM Real Time PCR

Phương pháp này có cơ chế tương tự như PCR nhưng có độ nhạy cao hơn nhờ sử dụng kỹ thuật đa mồi.

MTB TRC Ready

Phương pháp này được thực hiện dựa trên việc khuếch đại và phát hiện trình tự gen 16S rRNA của vi khuẩn lao thông qua việc phiên mã và dịch mã.

Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện nhanh, độ nhạy, độ đặc hiệu cao trên hầu hết các mẫu bệnh phẩm và phát hiện ngay cả với mẫu bệnh có mật độ vi khuẩn thấp. Ngoài ra, xét nghiệm này được thực hiện trong chu trình khép kín nên ít có nguy cơ lây nhiễm.

NTM định danh LPA

Đây là xét nghiệm dùng để phát hiện các loại Mycobacteria không phải Mycobacteria tuberculosis thường gặp trên lâm sàng.

M.tuberculosis đa kháng LPA

Là xét nghiệm sinh học phân tử giúp phát hiện vi khuẩn lao, đồng thời phát hiện vi khuẩn lao đa kháng (kháng với ít nhất 2 loại thuốc chống lao hàng 1: Rifampicin và Isoniazid).

Xét nghiệm nuôi cấy

Đây là kỹ thuật giúp xác định chắc chắn vi khuẩn lao và giúp xây dựng kháng sinh đồ phục vụ cho quá trình điều trị. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là cho kết quả lâu, kỹ thuật phức tạp, tỉ mỉ.

Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi 3
Nuôi cấy là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán lao phổi chắc chắn

Xét nghiệm nhuộm soi

AFB trực tiếp nhuộm Ziehl Neelsen

Xét nghiệm này chỉ có tác dụng phát hiện vi khuẩn lao kháng cồn-toan. Ưu điểm của phương pháp này là cho kết quả nhanh, dễ thực hiện, rẻ tiền. Tuy nhiên, độ nhạy của xét nghiệm này khá thấp (chỉ khoảng 30 - 40% khi tiến hành với 1 mẫu bệnh phẩm và 65 - 75% đối với nhiều mẫu bệnh phẩm).

AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang

Xét nghiệm này có tác dụng tương tự AFB trực tiếp nhuộm Ziehl Neelsen. Tuy nhiên, độ nhạy của xét nghiệm này cao hơn.

Xét nghiệm ELISA

Xét nghiệm ELISA có thể giúp phát hiện lao tiềm ẩn, đặc biệt là với bệnh nhân là trẻ em, những đối tượng không lấy được đờm. Tuy nhiên, xét nghiệm này không có giá trị trong chẩn đoán bệnh lao vì có thể người bệnh nhiễm vi khuẩn lao ở trạng thái ngủ, chưa khởi phát bệnh mà xét nghiệm.

Chỉ định xét nghiệm chẩn đoán lao phổi

Các đối tượng có nguy cơ cao nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán lao phổi, bao gồm:

  • Những người bị suy giảm miễn dịch, người đang điều trị ung thư, người bị nhiễm HIV.
  • Người đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, đang thực hiện hóa trị, xạ trị.
  • Người mắc các bệnh đái tháo đường, suy thận mạn,...
  • Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân như: Bác sĩ, y tá, điều dưỡng,...
Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi 4
Người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán lao phổi

Tóm lại, xét nghiệm chẩn đoán lao phổi giúp phát hiện bệnh sớm để có biện pháp điều trị phù hợp. Những đối tượng có nguy cơ cao như bác sĩ, y tá, người thường xuyên tiếp xúc với người bị lao, người suy giảm miễn dịch,... nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán lao phổi định kỳ. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp trong bài viết này sẽ có ích với bạn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin