Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xét nghiệm chẩn đoán suy tim và những điều cần biết

Ngày 24/03/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm chẩn đoán suy tim là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ, phối hợp chúng với triệu chứng lâm sàng và các yếu tố liên quan sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh cũng như đưa ra định hướng điều trị.

Suy tim là một tình trạng bệnh lý trong đó lượng máu do tim bóp đi không đủ đáp ứng cho nhu cầu oxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân. Bài viết sẽ cung cấp thông tin về các xét nghiệm chẩn đoán suy tim mà người bệnh cần thực hiện.

Một số xét nghiệm chẩn đoán suy tim hiện nay

Khi bạn có một số dấu hiệu nghi ngờ bị suy tim và đến thăm khám tại các bệnh viện, bác sĩ sẽ thu thập các thông tin về tiền sử bệnh lý, danh sách thuốc đang sử dụng và những triệu chứng đang có. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đánh giá tình trạng nhận thức của bạn, đo chỉ số huyết áp và cân nặng, nghe nhịp tim, phổi bằng ống nghe và kiểm tra một số vị trí như bàn chân, mắt cá chân và bụng để xem có dấu hiệu sưng hay không. Cuối cùng, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán suy tim.

Xét nghiệm chẩn đoán suy tim và những điều cần biết 1
Nghe nhịp tim trong quá trình khám suy tim

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán suy tim bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các bệnh có gây ảnh hưởng đến tim. Xét nghiệm máu cũng có thể tìm kiếm một loại protein đặc biệt được tạo ra bởi tim và mạch máu. Trong bệnh suy tim, nồng độ protein này tăng lên.
  • X-quang ngực: Hình ảnh X-quang có thể cho thấy tình trạng bệnh lý hay bất thường của phổi và tim.
  • Điện tâm đồ (ECG): Thử nghiệm nhanh chóng và không xâm lấn này giúp ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Nó có thể cho thấy tim đập nhanh hay chậm và đồng thời phát hiện các sóng điện tim bất thường giúp định hướng chẩn đoán.
  • Siêu âm tim: Sóng âm mô phỏng hình ảnh trái tim đang đập. Xét nghiệm này cho thấy kích thước và cấu trúc của tim, van tim và lưu lượng máu qua tim.
  • Phân suất tống máu: Phân suất tống máu là thước đo phần trăm máu rời khỏi tim mỗi lần tim co bóp, được thực hiện trong quá trình siêu âm tim. Kết quả này giúp phân loại suy tim và hướng dẫn điều trị. Phân suất tống máu từ 50% trở lên được coi là lý tưởng. Nhưng bạn vẫn có thể bị suy tim ngay cả khi con số này đạt ở mức 50% trong các giai đoạn đầu.
  • Bài kiểm tra gắng sức: Những xét nghiệm này thường liên quan đến việc đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ trong khi tim được gắn điện tim để theo dõi. Các bài kiểm tra này có thể cho thấy tim phản ứng như thế nào với hoạt động thể chất. Nếu bạn không thể tập thể dục, bạn có thể được cho dùng thuốc có tác dụng tương tự như cơ thể đang trải qua stress.
  • Chụp CT tim: Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang của tim.
  • Quét MRI tim: Thử nghiệm này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim.
  • Chụp mạch vành: Xét nghiệm này giúp phát hiện tắc nghẽn trong động mạch tim. Các bác sĩ sẽ chèn một ống dài và mỏng gọi là ống thông vào mạch máu, thường ở đùi hoặc cổ tay. Sau đó theo động mạch để đẩy ống thông này dần đến tim. Thuốc phản quang theo ống thông này đến động mạch trong tim và giúp các động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh hay video X-quang.
  • Sinh thiết cơ tim: Trong xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ lấy những mảnh cơ tim rất nhỏ để kiểm tra. Xét nghiệm này được thực hiện để chẩn đoán một số loại bệnh cơ tim gây suy tim.
Xét nghiệm chẩn đoán suy tim và những điều cần biết 2
Nghiệm pháp gắng sức là một trong những xét nghiệm chẩn đoán suy tim

Phân độ suy tim

Sau khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán suy tim, bác sĩ có thể cho bạn biết giai đoạn của suy tim. Giai đoạn giúp xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất. Có hai cách để xác định giai đoạn suy tim đang được sử dụng hiện nay.

Phân loại của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA)

Hệ thống này nhóm suy tim thành bốn loại theo số lượng như sau:

  • Suy tim độ 1: Không hạn chế vận động thể lực, vận động thể lực thông thường không xuất hiện các triệu chứng của suy tim.
  • Suy tim độ 2: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, khi vận động thể lực thông thường làm xuất hiện các triệu chứng của suy tim.
  • Suy tim độ 3: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng chỉ vận động nhẹ đã có triệu chứng của suy tim.
  • Suy tim độ 4: Xuất hiện triệu chứng của suy tim ngay cả khi nghỉ ngơi.

Phân loại của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA/ACC)

Hệ thống phân loại dựa trên giai đoạn này sử dụng các chữ cái từ A đến D như sau:

  • Giai đoạn A: Bệnh nhân có nguy cơ cao của suy tim chẳng hạn như mắc các bệnh như cao huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, béo phì,... Tuy nhiên bệnh nhân không có bệnh tim thực thể và không có triệu chứng của suy tim.
  • Giai đoạn B: Bệnh nhân có bệnh tim thực thể như có tiền căn nhồi máu cơ tim, bệnh van tim,... nhưng không có các triệu chứng của suy tim
  • Giai đoạn C: Bệnh nhân có bệnh tim thực thể và kèm theo xuất hiện các triệu chứng cơ năng của suy tim trước đây hoặc hiện tại.
  • Giai đoạn D: Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối hoặc suy tim kháng trị, cần can thiệp đặc biệt.
Xét nghiệm chẩn đoán suy tim và những điều cần biết 3
Người bị cao huyết áp có nguy cơ bị suy tim

Điều trị suy tim

Nguyên tắc chung trong điều trị suy tim là loại bỏ các yếu tố thúc đẩy suy tim, điều trị nguyên nhân gây ra suy tim, điều trị kiểm soát suy tim sung huyết, giảm công cho tim, kiểm soát tình trạng ứ muối và nước, đồng thời tăng sức co bóp cơ tim.

Bệnh nhân suy tim cần có chế độ nghỉ ngơi và chế độ ăn uống phù hợp để giúp giảm công tim và hạn chế nạp vào quá mức lượng muối và dịch gây ứ trệ tuần hoàn. Tùy theo giai đoạn bệnh và các yếu tố nguy cơ mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc hoặc phối hợp các loại sau:

  • Thuốc ức chế men chuyển.
  • Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II.
  • Thuốc ức chế kép thụ thể angiotensin neprilysin (ARNI).
  • Thuốc chẹn beta.
  • Thuốc lợi tiểu.

Suy tim là một hậu quả do nhiều nguyên nhân đưa đến, có thể đã biểu hiện ra thành các triệu chứng trên người bệnh hoặc tình cờ phát hiện qua kết quả các xét nghiệm chẩn đoán suy tim. Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán suy tim cần tuân thủ về lối sống, chế độ ăn uống, biết cách dùng thuốc an toàn và tiếp tục điều trị các yếu tố nguy cơ gây suy tim để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các biến chứng mà bệnh gây nên. 

Xem thêm: 

Xét nghiệm chẩn đoán suy tim và những điều cần biết

Tiêu chuẩn Framingham chẩn đoán suy tim

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin