Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh cơ tim là gì? Phát hiện sớm bệnh cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh cơ tim là thuật ngữ chung chỉ các bệnh về cơ tim, trong đó thành buồng tim bị kéo căng, dày lên hoặc cứng lại. Bệnh cơ tim ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim đi khắp cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh cơ tim là gì?

Bệnh cơ tim là một bệnh tiến triển ở cơ tim. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh cơ tim sẽ ảnh hưởng đến tim, khiến chúng không thể bơm máu đến phần còn lại của cơ thể như bình thường. Có nhiều loại bệnh cơ tim khác nhau, do nhiều yếu tố gây ra, từ bệnh mạch vành cho đến một số loại thuốc. Bệnh cơ tim có thể dẫn đến nhịp tim không đều, suy tim hay một số biến chứng khác. Bệnh cơ tim thường có bốn loại:

Bệnh cơ tim giãn nở

Trong bệnh cơ tim giãn nở, các thành của tim trở nên căng và mỏng từ đó dẫn đến việc chúng không thể co bóp một cách bình thường. Đây là bệnh lý cơ tim phổ biến nhất, bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân có thể là do di truyền hay nhiều yếu tố khác và ở nhiều trường hợp, nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Khi mắc bệnh cơ tim giãn nở, bạn có nguy cơ bị suy tim, các vấn đề về van tim và nhịp tim. Bạn cần phải gặp bác sĩ để được theo dõi và điều trị khi mắc bệnh cơ tim giãn nở.

Bệnh cơ tim phì đại

Trong bệnh cơ tim phì đại, các tế bào cơ tim to ra và thành buồng tim dày lên. Các buồng tim bị giảm kích thước nên không thể chứa được nhiều máu đồng thời các thành tim không thể giãn ra đúng cách và có thể cứng lại. Ngoài ra, dòng máu qua tim có thể bị cản trở. Di truyền là nguyên nhân chính gây ra bệnh cơ tim phì đại.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh cơ tim phì đại sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, một số người không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bệnh lý này không nghiêm trọng. Bệnh cơ tim phì đại là nguyên nhân phổ biến nhất gây đột tử ở trẻ em và các vận động viên trẻ.

Do đó, nếu bạn mắc bệnh cơ tim phì đại nghiêm trọng, bạn cần phải gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ tư vấn mức độ và số lượng bài tập thể lực mà bạn có thể thực hiện cũng như đề xuất các thay đổi về lối sống của bạn.

Bệnh cơ tim hạn chế

Đây là một bệnh lý hiếm gặp có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được chẩn đoán ở trẻ em. Các buồng tim trở bệnh cứng và không thể thư giãn sau khi co bóp, điều này có nghĩa là tim không thể được đổ đầy máu đúng cách. Bệnh có thể gây giảm lưu lượng máu từ tim và có thể dẫn đến các triệu chứng của suy tim, chẳng hạn như khó thở, mệt mỏi và phù chân hoặc các vấn đề về rối loạn nhịp tim.

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim hạn chế là không rõ, đôi khi nguyên nhân có thể là do di truyền.

Bệnh cơ tim gây loạn nhịp tim (ACM)

Bệnh cơ tim gây rối loạn nhịp tim ảnh hưởng đến tâm thất trái hoặc tâm thất phải (tim có bốn ngăn, được chia thành tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải ở phía trên, tâm thất trái và tâm thất phải ở phía dưới) hoặc có thể là cả hai.

Trong đó, loạn sản thất phải gây rối loạn nhịp tim (ARVD) là một bệnh cơ tim rất hiếm gặp nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở các vận động viên trẻ. Đây là một bệnh lý di truyền, gây ra khi tình trạng mỡ và mô xơ thay thế cơ của tâm thất phải. Điều này gây ra bất thường nhịp tim và bất thường chức năng tâm thất phải.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tập thể dục kéo dài và làm việc vất vả sẽ khiến cho triệu chứng của ACM trở nên tồi tệ hơn. Do đó, điều quan trọng là những đối tượng mắc ACM hoặc có nguy cơ mắc ACM nên gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để thảo luận chi tiết về các chế độ tập luyện cũng như sinh hoạt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ tim

Các triệu chứng của bệnh có tim có thể bao gồm:

  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc cơ thể yếu hơn;
  • Hụt hơi, đặc biệt khi gắng sức hay tập thể dục;
  • Choáng váng hay chóng mặt;
  • Đau ngực;
  • Tim đập nhanh;
  • Ngất xỉu;
  • Huyết áp tăng;
  • Đầy bụng;
  • Ho khi nằm;
  • Phù ở bàn chân, mắt cá chân hoặc các bộ phận khác.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cơ tim

Khi mắc bệnh cơ tim, bạn có thể gặp phải các biến chứng như suy tim, các vấn đề về van tim hay rối loạn nhịp tim. Các tình trạng này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, phù tay chân, tim đập nhanh, ngất xỉu… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Thậm chí các bệnh lý cơ tim có thể gây ngưng tim hay đột tử do rối loạn nhịp tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn có thể mắc bệnh cơ tim mà không có triệu chứng nào. Tuy nhiên, nhiều người có một số dấu hiệu cảnh báo rằng tim của họ đang dần yếu đi. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, điều quan trọng là bạn phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Hụt hơi;
  • Mệt mỏi hoặc cảm giác bất thường trong cơ thể;
  • Phù ở bụng, chân, bàn chân, mắt cá chân;
  • Đau ngực, đặc biệt là sau khi gắng sức hoặc sau một bữa ăn lớn;
  • Ngất xỉu khi tập thể dục hoặc gắng sức;
  • Nhịp tim không đều.
Bệnh cơ tim là gì? Phát hiện sớm bệnh cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh 4
Nếu bạn ngất xỉu khi tập thể dục hay gắng sức thì đây có thể là một triệu chứng của bệnh cơ tim

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim

Nguyên nhân dẫn đến bệnh cơ tim thường không được biết rõ. Trong các trường hợp khác xác định được nguyên nhân, được chia thành hai loại là “di truyền” hay “mắc phải”:

  • Di truyền: Điều này có nghĩa là bạn sinh ra đã mắc bệnh lý cơ tim do gen được thừa hưởng từ cha mẹ.
  • Mắc phải: Có nghĩa là bạn phát triển bệnh cơ tim do tình trạng sức khỏe hoặc một số bệnh tật khác trong suốt cuộc đời, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, tổn thương cơ tim hay nhiễm trùng cơ tim.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh cơ tim?

Nam và nữ ở mọi lứa tuổi và chủng tộc đều có thể mắc bệnh cơ tim. Trong đó, bệnh cơ tim giãn nở phổ biến ở người da đen hơn người da trắng và nam giới nhiều hơn nữ giới. Bên cạnh đó, bệnh cơ tim phì đại là bệnh tim di truyền phổ biến nhất, mặc dù có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng ở trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh có thể không có triệu chứng nhưng có nguy cơ cao đột tử do tim.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, các yếu tố rủi ro chính bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh cơ tim, ngừng tim đột ngột hoặc suy tim;
  • Bệnh động mạch vành;
  • Tăng huyết áp lâu dài;
  • Tổn thương tim do nhồi máu cơ tim;
  • Nhiễm trùng gây viêm cơ tim;
  • Các bệnh lý van tim;
  • Nhiễm SARS-CoV-2 (COVID-19);
  • Đái tháo đường;
  • Béo phì;
  • Bệnh lý tuyến giáp;
  • Rối loạn sử dụng rượu (lạm dụng rượu hay nghiện rượu);
  • Bệnh sarcoid;
  • Bệnh nhiễm sắc tố sắt;
  • Bệnh amyloidosis;
  • Rối loạn mô liên kết;
  • Sử dụng cocaine hay amphetamine;
  • Một số thuốc điều trị ung thư;
  • Tiếp xúc với độc chất, chẳng hạn như chất độc hoặc kim loại nặng.

Một nghiên cứu khác năm 2016 cho thấy, nhiễm HIV và các phương pháp điều trị HIV cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim. Đặc biệt, HIV có thể làm tăng nguy cơ suy tim và bệnh cơ tim giãn nở.

Bệnh cơ tim là gì? Phát hiện sớm bệnh cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh 5
HIV làm tăng nguy cơ suy tim và bệnh cơ tim giãn nở

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cơ tim

Bác sĩ sẽ kết hợp các việc hỏi bệnh sử, tiền sử bệnh của bạn hay của gia đình bạn, khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cơ tim.

Các xét nghiệm và thủ tục bác sĩ có thể thực hiện để chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm cung cấp thông tin về bệnh cũng như loại trừ các tình trạng khác.
  • X-quang ngực thẳng: Chụp X-quang giúp bác sĩ nhìn thấy kích thước tim và phổi, đồng thời kiểm tra sự tích tụ dịch bất thường ở ngực.
  • Kiểm tra gắng sức: Bác sĩ sẽ đánh giá chức năng tim không khi bạn tập thể dục.
  • Điện tâm đồ: Được sử dụng để đánh giá hoạt động của tim trong thời gian ngắn.
  • Holter điện tim: Giống như điện tâm đồ, nhưng giúp đánh giá hoạt động tim trong thời gian dài hơn, 24 giờ hoặc 48 giờ.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tạo ra hình ảnh trực tiếp về tim và cách tim hoạt động.
  • MRI tim: Nhằm đánh giá hình ảnh tim và mạch vành.
Bệnh cơ tim là gì? Phát hiện sớm bệnh cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh 6
Đo holter ECG giúp đánh giá hoạt động điện của tim liên tục

Phương pháp điều trị bệnh cơ tim

Phương pháp điều trị bệnh cơ tim tùy thuộc vào loại bệnh cơ tim, mức độ tổn thương và các triệu chứng bệnh. Mục tiêu điều trị bệnh là làm chậm diễn tiến, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tử vong đột ngột.

Ban không thể đảo ngược quá trình hay chữa khỏi bệnh cơ tim nhưng có thể kiểm soát chúng bằng nhiều biện pháp khác nhau như:

  • Thay đổi lối sống: Chẳng hạn như hướng tới cân nặng vừa phải, cố gắng bỏ thuốc nếu bạn có hút, tuân theo chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng, kiểm soát căng thẳng và hoạt động thể chất vừa phải.
  • Thuốc: Bao gồm cả thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chẹn beta, thuốc chống đông, thuốc điều trị suy tim.
  • Các thiết bị cấy ghép: Như máy tạo nhịp tim hay máy khử rung tim.
  • Phẫu thuật: Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng mà thay đổi lối sống và thuốc không đủ tác dụng. Việc phẫu thuật van tim, phẫu thuật bắc cầu có thể được thực hiện.
  • Ghép tim: Được coi là phương án điều trị cuối cùng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh cơ tim

Chế độ sinh hoạt

Để giúp hạn chế diễn tiến của bệnh cơ tim, bạn nên thực hiện các việc sau:

  • Tái khám đúng hẹn và tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để hạn chế diễn tiến cũng như các biến chứng của bệnh.
  • Tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc tập thể dục là rất quan trọng, tuy nhiên có thể rất khó khăn đối với người mắc bệnh cơ tim, do đó hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim mạch và tuân theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ tập luyện.
  • Ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng nếu có thể. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc và tìm cách lành mạnh để giảm căng thẳng như tập thiền, yoga, tập hít thở, nghẹ nhạc, trò chuyện với người thân hay bạn bè.
  • Bỏ hút thuốc nếu có thể vì hút thuốc ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tim mạch bao gồm cả tim và hệ thống mạch máu.
  • Quản lý tình trạng sức khỏe tiềm ẩn bằng cách hợp tác với bác sĩ, tái khám để theo dõi các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim.

Chế độ dinh dưỡng

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho tim có thể bao gồm việc cố gắng hạn chế các thực phẩm có đường, thực phẩm chiên rán và chế biến sẵn. Thay vào đó, bạn hãy tập trung chế độ ăn vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, các loại hạt và sữa ít béo. Đồng thời hạn chế ăn muối (natri) vì có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Phương pháp phòng ngừa bệnh cơ tim hiệu quả

Bạn không thể phòng ngừa bệnh cơ tim nếu nguyên nhân là do di truyền. Và ngay cả là do di truyền hay không, việc thực hiện các hành động để giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh cơ tim là cần thiết, các việc có thể bao gồm:

  • Tuân thủ chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh.
  • Bỏ hút thuốc và ngưng uống rượu;
  • Ngủ đủ giấc và quản lý căng thẳng;
  • Tập thể dục nhẹ nhàng và giảm cân nếu thừa cân.
Bệnh cơ tim là gì? Phát hiện sớm bệnh cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh 7
Tuân thủ chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để duy trì một trái tim khỏe mạnh
Nguồn tham khảo
  1. Cardiomyopathy: https://www.nhs.uk/conditions/cardiomyopathy/
  2. Cardiomyopathy: https://www.cdc.gov/heartdisease/cardiomyopathy.htm
  3. Cardiomyopathy: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/cardiomyopathy
  4. What Is Cardiomyopathy in Adults?: https://www.heart.org/en/health-topics/cardiomyopathy/what-is-cardiomyopathy-in-adults
  5. What Is Cardiomyopathy?: https://www.healthline.com/health/heart-disease/cardiomyopathy