Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm CRP là gì? Chỉ số CRP tăng trong trường hợp nào?

Ngày 21/09/2022
Kích thước chữ

Khi cơ thể bị tổn thương, các phản ứng viêm sẽ được kích hoạt để chống lại tác nhân gây bệnh. Để đánh giá tình trạng viêm, các bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm CRP. Vậy xét nghiệm CRP là gì và chỉ số CRP tăng trong những bệnh nào?

Để tìm hiểu xét nghiệm CRP là gì cũng như những trường hợp làm tăng chỉ số CRP, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà Thuốc Long Châu nhé.

Xét nghiệm CRP là gì?

Protein phản ứng C hay C – reactive protein (CRP) là một loại glycoprotein, được sản xuất chủ yếu bởi gan. Bình thường protein này không xuất hiện trong máu hoặc xuất hiện với nồng độ rất thấp. Tình trạng viêm cấp tính hoặc phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất protein phản ứng C, từ đó làm tăng nhanh nồng độ protein này trong huyết thanh. Xét nghiệm định lượng CRP huyết thanh là xét nghiệm xác định nồng độ protein phản ứng C trong máu.

Chỉ số CRP sẽ tăng trong vòng 6 giờ từ khi bắt đầu có tình trạng viêm. Điều này giúp bác sĩ có thể xác định tình trạng viêm sớm hơn so với việc sử dụng xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu (thường tăng sau khi tình trạng viêm xảy ra khoảng một tuần). Vì giá trị của CRP không chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi globulin máu và hematocrit nên có giá trị chẩn đoán khi nồng độ globulin hoặc hematocrit máu thay đổi.

Xét nghiệm CRP là gì? Chỉ số CRP tăng trong trường hợp nào? 1 Xét nghiệm CRP là gì?

Các xét nghiệm CRP được chỉ định trong các trường hợp:

  • Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật: CRP thường tăng trong khoảng 3 - 6 giờ sau khi phẫu thuật và giảm xuống vào ngày hậu phẫu thứ 3. Nếu nồng độ CRP tăng kéo dài hơn 3 ngày sau phẫu thuật, điều này có nghĩa là tình trạng nhiễm trùng mới có thể đã xuất hiện.
  • Phát hiện nhiễm trùng và các bệnh lý gây viêm như: Ung thư hạch bạch huyết, viêm và xuất huyết ruột, bệnh hệ thống miễn dịch (lupus), nhiễm trùng xương (viêm tủy xương), viêm khớp dạng thấp.
  • Theo dõi khả năng đáp ứng điều trị của thuốc, đặc biệt là điều trị ung thư và nhiễm trùng. Nồng độ CRP tăng lên nhanh và giảm xuống nhanh nếu cơ thể bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị.
Xét nghiệm CRP là gì? Chỉ số CRP tăng trong trường hợp nào? 2 Xét nghiệm CRP giúp kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật

Chỉ số CRP tăng liên quan đến những bệnh nào?

Bình thường, mức độ cho phép của chỉ số CRP là dưới 0,5mg/100ml (5mg/l) huyết thanh ở những người không có tình trạng viêm nhiễm. Nồng độ Protein phản ứng C tăng cao trong máu gợi ý xuất hiện tình trạng viêm nhiễm cấp. Nồng độ CRP trong máu giảm xuống tức là tình trạng bệnh nhân đã tốt hơn và tình trạng viêm nhiễm cũng giảm đi.

Trong trường hợp cơ thể bị viêm nhiễm hoặc tổn thương, nồng độ CRP có thể tăng lên đến 1000 lần. Với các tình trạng bệnh lý khác nhau, nồng độ Protein phản ứng C cũng khác nhau:

  • Protein phản ứng C chuẩn (Standard CRP) được sử dụng để đánh giá các tình trạng viêm nhiễm tiến triển.
  • Protein phản ứng C siêu nhạy (high - sensitivity CRP – hsCRP) được sử dụng giống như một chất chỉ điểm đối với tình trạng viêm mạch cấp độ thấp.

Chỉ số CRP tăng liên quan đến các bệnh về tim mạch

Protein phản ứng C là yếu tố làm tăng các mảng xơ vữa đồng thời gây ra tình trạng đứt rách các mảng vữa xơ này, tạo điều kiện xuất hiện huyết khối, tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên và đái tháo đường tuýp 2.

Nồng độ CRP trong máu thường giảm cùng với nồng độ LDL - cholesterol (cholesterol xấu) trong huyết thanh. Những bệnh nhân có LDL - cholesterol trong máu giảm xuống dưới 70 mg/100 ml ít có nguy cơ tái phát bệnh tim. Nếu CRP giảm xuống dưới 2 mg/l thì khả năng tái phát cơn nhồi máu cơ tim cũng sẽ giảm. Vì vậy xét nghiệm định lượng hs - CRP được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi được kết hợp với các xét nghiệm khác như LDL - cholesterol và Cholesterol toàn phần.

Ngoài ra, CRP còn tăng trong các bệnh lý tự miễn hoặc nhiễm trùng khác. Nồng độ CRP thường tăng trong các phản ứng viêm nhiễm có tốc độ lắng máu cao (Vs) và sẽ biến mất khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Một vài nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ có nồng độ CRP trong máu cao thì nguy cơ bị các bệnh tim mạch cao hơn 7 lần so với người có nồng độ CRP thấp. Bên cạnh đó, sự tích tụ của các mảng xơ vữa trong mạch máu lâu ngày sẽ dẫn đến gia tăng sự viêm nhiễm. Theo thời gian, các mảng này bị vỡ ra, các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, hình thành nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Đối với những trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, CRP có khả năng giúp phát hiện bệnh sớm trước khi xuất hiện những dấu hiệu và đánh giá tình trạng của bệnh, từ đó đưa ra biện pháp điều trị sớm.

Kết quả định lượng nồng độ CRP tính theo đơn vị mg/l máu cho thấy:

  • Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp: CRP dưới 1mg/l.
  • Nguy cơ tim mạch trung bình nếu CRP trong khoảng 1 - 3mg/l.
  • Nguy cơ tim mạch cao nếu CRP lớn hơn 3mg/l.
Xét nghiệm CRP là gì? Chỉ số CRP tăng trong trường hợp nào? 3 Nếu nồng độ CRP cao người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Chỉ số CRP tăng cao trong những trường hợp nào?

Khi CRP tăng cao trên 10 mg/l thì chỉ số CRP lúc này không có giá trị trong việc đánh giá nguy cơ tim mạch mà chỉ có tác dụng phòng bệnh và bổ sung chẩn đoán xác định. Đây có thể là hậu quả của nhiễm trùng hoặc một bệnh lý khác. Trong những trường hợp đó, nên xét nghiệm lại sau 2 tuần hoặc sau khi đã hết tình trạng nhiễm trùng để đánh giá lại nguy cơ tim mạch.

Khi chỉ số CRP tăng cao cần nghĩ ngay tới một số các phản ứng viêm cấp tính như:

  • Viêm tụy cấp: Chỉ số CRP là xét nghiệm có tác dụng đánh giá mức độ và tiên lượng của viêm tụy cấp. Nếu CRP lớn hơn hoặc bằng 150 mg/L thì đây là viêm tụy cấp nặng.
  • Viêm ruột thừa.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Bị bỏng.
  • Tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
  • Bệnh lý ruột do viêm như viêm loét đại tràng.
  • Viêm khớp dạng thấp có sự tiến triển.
  • Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
  • Nhồi máu cơ tim, bệnh lý viêm của tiểu khung chung như viêm phần phụ, áp xe vòi trứng.
  • Bệnh lao tiến triển.
  • Một số ung thư: Bệnh Hodgkin, ung thư thận, u lympho.
  • Lượng CRP cũng có thể tăng trong giai đoạn cuối của thai kỳ khi dùng thuốc tránh thai dạng viên hoặc liệu pháp hormon thay thế như estrogen.
  • Lượng CRP có thể tăng cả ở những người béo phì.
Xét nghiệm CRP là gì? Chỉ số CRP tăng trong trường hợp nào? 4 Viêm khớp dạng thấp tiến triển gây tăng cao nồng độ CRP

Như vậy, dựa vào kết quả xét nghiệm CRP, chúng ta có thể chẩn đoán được tình trạng viêm nhiễm và nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn có thêm hiểu biết: Xét nghiệm CRP là gì và ý nghĩa của chỉ số này. Chúc mọi người luôn có sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin