Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Xét nghiệm Triple Test là gì? Những thông tin bạn cần biết về xét nghiệm Triple Test

Ngày 07/10/2024
Kích thước chữ

Xét nghiệm Triple Test là một trong những xét nghiệm sàng lọc quan trọng trong thai kỳ giúp phát hiện một số tình trạng bất thường ở thai nhi như hội chứng Down, Edwards, dị tật ống thần kinh. Để hiểu hơn về xét nghiệm Triple Test, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, mẹ bầu có thể sớm phát hiện những bất thường ở thai nhi nếu có bằng các phương pháp sàng lọc, trong đó có Triple Test. Vậy xét nghiệm Triple Test là gì? Vì sao cần thực hiện Triple Test? Thời điểm nào nên thực hiện sàng lọc Triple Test? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những vấn đề này.

Xét nghiệm Triple Test là gì?

Xét nghiệm Triple Test còn được gọi là xét nghiệm bộ ba, đây là một xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi trước sinh cần thiết. Phương pháp này không xâm lấn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi, kết quả nhanh nên được nhiều mẹ bầu lựa chọn thực hiện. Xét nghiệm Triple Test đo lường nồng độ 3 chất trong máu mẹ:

  • AFP (Alpha-fetoprotein): Một loại protein do gan của thai nhi sản xuất.
  • hCG (Human Chorionic Gonadotropin): Một hormone do nhau thai sản xuất.
  • Estriol: Một loại estrogen do cả thai nhi và nhau thai sản xuất.

Nồng độ của 3 chất này tăng hoặc giảm sẽ cho biết nguy cơ xuất hiện các bất thường bẩm sinh ở thai nhi.

Xét nghiệm Triple Test là gì? Những thông tin bạn cần biết về xét nghiệm Triple Test 1
Xét nghiệm Triple Test là một xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi trước sinh cần thiết

Tại sao cần làm sàng lọc Triple Test?

Có nhiều lý do quan trọng khiến các bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện sàng lọc Triple Test trong thai kỳ:

  • Phát hiện sớm nguy cơ dị tật bẩm sinh: Triple Test giúp đánh giá nguy cơ thai nhi mắc phải các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như hội chứng Down, hội chứng Edwards và dị tật ống thần kinh. Phát hiện sớm nguy cơ này giúp bạn và bác sĩ có thời gian để chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng bệnh và lựa chọn các phương pháp chẩn đoán tiếp theo.
  • Cung cấp thông tin cho quyết định của bạn: Kết quả Triple Test, dù là nguy cơ cao hay thấp, đều cung cấp cho bạn thêm thông tin về sức khỏe của thai nhi. Điều này giúp bạn có cơ sở để trao đổi với bác sĩ, cân nhắc các lựa chọn và đưa ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình.
  • Giảm thiểu lo lắng: Đối với nhiều bà bầu, Triple Test giúp giảm bớt lo lắng về sức khỏe của thai nhi. Nếu kết quả xét nghiệm là nguy cơ thấp, bạn có thể yên tâm hơn trong suốt thai kỳ. Ngược lại, nếu kết quả là nguy cơ cao, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và theo dõi kỹ hơn, từ đó giảm thiểu những bất an không đáng có.
  • An toàn và đơn giản: Triple Test là một xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn, chỉ cần lấy máu mẹ nên rất an toàn cho cả mẹ và bé. Quy trình thực hiện xét nghiệm cũng đơn giản, nhanh chóng và không gây đau đớn.
  • Tiết kiệm chi phí: So với các phương pháp chẩn đoán xâm lấn như chọc ối hay sinh thiết gai nhau, Triple Test có chi phí thấp hơn nhiều.
Xét nghiệm Triple Test là gì? Những thông tin bạn cần biết về xét nghiệm Triple Test 2
Triple Test giúp đánh giá nguy cơ thai nhi mắc phải hội chứng Down

Thời điểm nên thực hiện sàng lọc Triple Test

Thời điểm lý tưởng để thực hiện sàng lọc Triple Test là từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm chính xác nhất là từ tuần 16 đến tuần 18. Lý do nên thực hiện trong khoảng thời gian này là vì nồng độ của các chất AFP, hCG và Estriol trong máu mẹ thay đổi theo từng tuần thai. Trong khoảng tuần 16 - 18, nồng độ các chất này đạt đến mức ổn định, giúp cho kết quả xét nghiệm chính xác hơn.

Ngoài ra nếu phụ nữ mang thai trên 35 tuổi thì thường được khuyến khích thực hiện Triple Test sớm hơn. Mẹ bầu có tiền sử sảy thai, đẻ non, thai lưu hoặc các vấn đề sức khác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện Triple Test sớm hoặc muộn hơn.

Xét nghiệm Triple Test có chính xác không?

Độ chính xác của Triple Test thường dao động trong khoảng 85-90%. Tuy nhiên, Triple Test cũng có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của Triple Test như tuổi thai, cân nặng của mẹ, tiền sử bệnh lý của mẹ (một số bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tuyến giáp,...), chất lượng mẫu máu, chất lượng của phòng xét nghiệm,... Để tăng độ chính xác của kết quả xét nghiệm Triple Test, mẹ bầu nên chọn thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và nhớ chính xác tuần thai.

Cách đọc kết quả xét nghiệm Triple Test

Xét nghiệm Triple Test không phải xét nghiệm chẩn đoán, chỉ là xét nghiệm sàng lọc cho biết thai nhi có nguy cơ bị đột biến nhiễm sắc thể di truyền hay không và giúp bác sĩ đưa ra quyết định có cần phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác hay không. 

Xét nghiệm Triple Test là gì? Những thông tin bạn cần biết về xét nghiệm Triple Test 3
Xét nghiệm Triple Test không phải xét nghiệm chẩn đoán, chỉ là xét nghiệm sàng lọc

Kết quả xét nghiệm Triple Test dựa trên nồng độ 3 chất AFP, hCG, và Estriol, thường được hiển thị dưới dạng nguy cơ, ví dụ như 1/250 hoặc 1/1000. Con số này thể hiện tỷ lệ trẻ em sinh ra mắc phải dị tật bẩm sinh tương ứng với nồng độ các chất được đo trong máu của mẹ. Ví dụ, nếu kết quả xét nghiệm của bạn cho thấy nguy cơ hội chứng Down là 1/250, điều này có nghĩa là cứ 250 phụ nữ có kết quả xét nghiệm tương tự như bạn thì có 1 trường hợp sinh con mắc hội chứng Down.

Nguy cơ mắc hội chứng Down:

  • Định lượng AFP, beta hCG, và Estriol: Nồng độ AFP và Estriol thấp, nồng độ beta hCG cao.
  • Ngưỡng nguy cơ: Nếu ngưỡng nguy cơ mắc hội chứng Down là 1/250, nếu kết quả cho thấy mẫu số > 250 thì thai nguy cơ thấp, nhưng < 250 thì thai nguy cơ cao bị dị tật.

Nguy cơ mắc hội chứng Edwards:

  • Định lượng AFP, beta hCG, và Estriol: Khi nồng độ cả 3 chất đều thấp.
  • Ngưỡng nguy cơ: Nếu ngưỡng nguy cơ mắc hội chứng Edwards là 1/350, nếu kết quả cho thấy mẫu số > 350 thì thai nguy cơ thấp, nhưng < 350 thì thai nguy cơ cao bị dị tật.

Nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh:

  • Khi nồng độ AFP cao kết hợp với siêu âm khảo sát hình ảnh.
  • Ngưỡng nguy cơ: Nếu ngưỡng nguy cơ thai nhi mắc dị tật ống thần kinh là 1/75. Nếu kết quả cho thấy mẫu số >75 thì thai có nguy cơ thấp, < 75 thì thai nguy cơ cao bị dị tật.

Lưu ý: Mỗi phòng xét nghiệm có thể có ngưỡng nguy cơ khác nhau. Để hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm của mình, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết ý nghĩa của các chỉ số và tư vấn cho bạn các bước tiếp theo cần thực hiện.

Xét nghiệm Triple Test là gì? Những thông tin bạn cần biết về xét nghiệm Triple Test 4
Mỗi phòng xét nghiệm có thể có ngưỡng nguy cơ khác nhau

Các câu hỏi thường gặp về xét nghiệm Triple Test

Triple Test và Double Test khác nhau thế nào?

Triple Test và Double Test đều là những xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn, được thực hiện để đánh giá nguy cơ thai nhi mắc một số dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt giữa hai xét nghiệm này:

Thời điểm thực hiện:

  • Double Test: Thực hiện trong giai đoạn sớm của thai kỳ, từ tuần 11 đến tuần 13, lý tưởng nhất là vào tuần thứ 12.
  • Triple Test: Thực hiện ở giai đoạn muộn hơn, từ tuần 15 đến tuần 20, chính xác nhất là từ tuần 16 đến 18.

Các chất được đo lường:

  • Double Test: Đo lường nồng độ của PAPP-A và β-hCG tự do trong máu mẹ.
  • Triple Test: Đo lường nồng độ của AFP, hCG và Estriol trong máu mẹ.

Các dị tật bẩm sinh được sàng lọc:

Cả Double Test và Triple Test đều được sử dụng để sàng lọc hội chứng Down và hội chứng Edwards. Double Test có thể phát hiện thêm hội chứng Patau (Trisomy 13). Triple Test có thể phát hiện thêm dị tật ống thần kinh.

Việc lựa chọn xét nghiệm nào phụ thuộc vào thời điểm thai kỳ và nhu cầu của từng mẹ bầu. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Nên làm xét nghiệm Triple Test ở đâu uy tín?

Một số địa điểm thực hiện Triple Test uy tín mà bạn có thể tham khảo như:

  • Tại Hà Nội: Bệnh viện phụ sản Trung Ương, bệnh viện phụ sản Hà Nội, khoa sản bệnh viện Bạch Mai,...
  • Tại TP.HCM: Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM,...

Xét nghiệm Triple Test có cần nhịn ăn hay không?

Các chỉ số AFP, hCG, Estriol không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Vì vậy, trước khi thực hiện Triple Test, mẹ bầu không cần nhịn ăn. Hãy ăn uống bình thường để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Xét nghiệm Triple Test là gì? Những thông tin bạn cần biết về xét nghiệm Triple Test 5
Trước khi thực hiện Triple Test, mẹ bầu không cần nhịn ăn

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về xét nghiệm Triple Test. Triple Test là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây chỉ là xét nghiệm sàng lọc, không phải xét nghiệm chẩn đoán. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin