Bong gân mu bàn chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như chạy bộ, vận động mạch, di chuyển sai tư thế, chơi thể thao… Tùy vào mức độ tổn thương mà bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà hoặc cần thăm khám và can thiệp y khoa tại các cơ sở y tế.
Tìm hiểu chung về bong gân mu bàn chân
Bàn chân là bộ phận có chức năng nâng đỡ toàn bộ cơ thể với cấu trúc phức tạp gồm rất nhiều xương, khớp, gân, cơ và hệ thống dây chằng. Trong đó, dây chằng là các cơ bao quanh khớp xương nối hai xương của một khớp, có nhiệm vụ cố định và bảo vệ đầu khớp.
Bàn chân là vị trí rất dễ gặp tổn thương
Ở trạng thái bình thường, các dây chằng này sẽ co giãn và liên kết các khớp xương bàn chân giúp cơ thể di chuyển linh hoạt. Khi gặp tác động mạnh, dây chằng có thể bị giãn hoặc rách, đứt gây ra tình trạng bong gân. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, sưng tấy, bầm tím và rất khó để cử động bình thường.
Bong gân có thể gặp ở rất nhiều vị trí trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là bong gân ở mu bàn chân khiến các dây chằng ở khu vực giữa bàn chân bị tổn thương do phải chịu nhiều ngoại lực tác động cộng thêm sức nặng của cơ thể.
Bong gân bàn chân không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động và có thể để lại những di chứng lâu dài.
Những ai dễ bị bong gân mu bàn chân
Bong gân bàn chân có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Nhưng những người thường xuyên chơi thể thao đặc biệt các môn sử dụng nhiều lực ở chân như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền; người hay đi giày cao gót; người bê vác nặng, người làm việc lao động chân tay… đều là những đối tượng nguy cơ cao bị bong gân bàn chân.
Người chơi các môn thể thao sử dụng chân nhiều có nguy cơ bong gân cao
Biến chứng của bong gân mu bàn chân
Thông thường, bong gân bàn chân đều khá nhẹ, người bệnh có thể tự sơ cứu và điều trị tại nhà. Nhưng nhiều trường hợp bị bong gân mu bàn chân nhưng không được xử lý đúng cách và chủ quan khi điều trị dẫn đến khớp ngày càng yếu đi, thường xuyên tái phát và gây ra biến chứng nguy hiểm như, viêm khớp, đau mãn tính…
Bong gân mu bàn chân có thể dẫn đến viêm khớp nếu không điều trị đúng cách
Bong gân có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Bong gân nhẹ nếu tổn thương chỉ vài bó sợi hoặc giãn dây chằng mà không đứt dây chằng. Nặng hơn, bong gân có thể khiến dây chằng bị đứt một phần, và nặng nhất là dây chằng bị đứt toàn bộ làm mất liên kết khiến khớp bị lỏng lẻo.
Mẹo sơ cứu khi bị bong gân ở mu bàn chân
Ngay khi xác định bị bong gân ở mu bàn chân, bạn có thể tự sơ cứu tại nhà giúp giảm nhẹ triệu chứng tức thì với 4 cách sau:
Chườm đá: Cho đá viên vào túi vải, túi chườm chuyên dụng chườm lên vùng tổn thương càng sớm càng tốt. Có thể chườm liên tục 7-8 lần mỗi ngày trong 3 ngày đầu sau chấn thương. Thời gian chườm khoảng 15-20 phút một lần. Khi chườm nên đổi vị trí túi chườm liên tục để tránh tổn thương không đáng có.
Hạn chế di chuyển tối đa: Để khớp nghỉ ngơi người bệnh cần hạn chế di chuyển, và tuyệt đối không di chuyển trong trường hợp bong gân mu bàn chân mức độ nặng. Cần thiết có thể bó bột hoặc nẹp cố định khớp ở tư thế cơ năng.
Cố định phần khớp bị tổn thương: Dùng băng ép bằng chun giãn hoặc cố định bằng nẹp trong ít nhất 48 giờ. Khi nằm, nên gác chân cao bằng gối nhằm giảm lượng máu dồn vào chân bị tổn thương, giúp giảm sưng hiệu quả.
Dùng thuốc giảm đau, xịt lạnh: Một số loại thuốc giảm đau đường uống không kê đơn như ibuprofen, Acetaminophen và paracetamol hoặc sử dụng thuốc xịt lạnh ngay sau chấn thương có thể làm giảm triệu chứng của bong gân hiệu quả.
Tuyệt đối không thoa, xoa bóp các chất nóng lên vùng da tổn thương như mật gấu, rượu, cao nóng… Bởi, khi bị bong gân sẽ xuất hiện chảy máu dây chằng dẫn đến sưng, bầm tím do máu tụ lại nếu dùng chất nóng sẽ khiến tình trạng chảy máu, tụ máu nghiêm trọng hơn. Có thể gây ra cứng khớp, teo cơ nếu sơ cứu bong gân mu bàn chân sai cách.
Điều trị bong gân tại cơ sở y tế
Những cách sơ cứu, điều trị trên chỉ có thể áp dụng nếu bị bong gân mu bàn chân ở mức độ nhẹ, dây chằng chưa bị đứt, khớp vẫn vững và chắc chắn. Còn với những trường hợp dây chằng đứt hoàn toàn hoặc khi người bệnh bị đau dây chằng mãn tính khiến việc dùng thuốc không thể điều trị dứt điểm thì nên đến bệnh viện để được can thiệp bằng ngoại khoa.
Nếu bị bong gân ở mu bàn chân mức độ nặng, người bệnh nên đi khám sớm để xác định đúng mức độ tổn thương và có phác đồ điều trị thích hợp. Người bệnh sẽ cần chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ.
Với những chấn thương rách dây chằng, đứt toàn bộ dây chằng hoặc không đáp ứng những phương pháp điều trị ở trên, bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện phẫu thuật như nội soi khớp, tái tạo dây chằng bằng chỉ khâu hoặc thay thế dây chằng tổn thương.
Phẫu thuật được thực hiện khi bong gân mức độ nặng
Ngoài các phương pháp can thiệp ngoại khoa điều trị bong gân, người bệnh có thể điều trị kết hợp bằng vật lý trị liệu giúp các tổn thương mau chóng phục hồi. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp cơ chân khỏe khoắn hơn.
Bị bong gân ở mu bàn chân là chấn thương khó có thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không may bị bong gân mu bàn chân, bạn hãy thực hiện ngay theo những cách sơ cứu, điều trị được hướng dẫn trong bài viết này và đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi có dấu hiệu trở nặng để được can thiệp kịp thời nhé.
Ly Ly
Nguồn: Tổng hợp