Chấn thương vai thường gặp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, những tổn thương này có thể gây ra những hậu quả không lường trước, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá thêm về loại chấn thương này trong bài viết dưới đây.
Chấn thương vai có thể xuất hiện sau các va chạm như té ngã, tai nạn giao thông, tham gia hoạt động thể thao hoặc khiêng vác nặng vật. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tổn thương này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như cứng khớp, teo cơ và giảm chức năng của khớp vai. Vậy những chấn thương vai thường gặp là gì?
Vai được cấu tạo như thế nào?
Ba xương chính tạo thành vai bao gồm xương đòn, xương vai và đầu trên của xương cánh tay. Đầu trên của xương cánh tay có hình dạng chỏm cầu, nối tiếp với mặt khớp lõm của xương bả vai (gọi là ổ chảo). Phần đầu ngoài của xương đòn tiếp xúc với mỏm cùng vai ở khớp cùng vai, gọi là đòn. Vùng vai được bao quanh bởi một nhóm cơ và dây chằng. Dây chằng có nhiệm vụ kết nối các xương trong vai, giúp giữ vững khớp vai. Gân nối giữa xương và cơ, giúp cử động khớp vai.
Dấu hiệu khi bị chấn thương ở vai
Các chấn thương vai thường gặp rất dễ nhận biết bởi những chấn thương này ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể và làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp dễ nhận biết các chấn thương ở vai:
Khớp vai cứng hơn bình thường: Vai bị chấn thương thường trở nên cứng và khó di chuyển hơn so với trạng thái bình thường.
Khó quay cánh tay ra mọi vị trí: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi cố gắng quay cánh tay ra các vị trí mà họ mong muốn.
Cảm giác cánh tay có thể trật khỏi ổ khớp vai: Một số người bị chấn thương ở vai có thể cảm nhận được rằng cánh tay của họ có thể trật khỏi ổ khớp vai trong những tình huống nhất định.
Mất sức lực trong cánh tay: Cảm giác mất sức lực trong cánh tay khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Các loại chấn thương vai thường gặp
Cấu trúc của vai bao gồm nhiều xương, dây chằng và cơ khác nhau. Vì vậy, các chấn thương vai thường gặp cũng rất đa dạng, liên quan đến nhiều bộ phận và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Dưới đây là một số loại chấn thương vai thường gặp.
Trật khớp vai
Đây là tình trạng mà đầu xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo của xương bả vai. Trật khớp vai là một trong các chấn thương phổ biến nhất. Người bị trật khớp vai thường bị đau và sưng ở vùng vai. Nếu trật khớp nặng, có thể gây biến dạng và khó di chuyển.
Tổn thương sụn viền ở khớp vai
Bao gồm tổn thương sụn viền trước (Bankart) và tổn thương sụn viền trên (SLAP). Tổn thương sụn viền ở khớp vai là dạng chấn thương thể thao phổ biến, đặc biệt là trong tennis. Triệu chứng của tổn thương này thường bao gồm tiếng lạo xạo khi di chuyển khớp và có thể gây đau.
Hội chứng Rotator Cuff
Đây là một tình trạng khi nhóm gân cơ chóp xoay bị tổn thương, thường nhất là rách gân. Triệu chứng của hội chứng Rotator Cuff bao gồm đau nhức ở vai, đặc biệt là vào ban đêm và khó khăn khi nằm nghiêng về phía vai bị tổn thương. Theo thời gian, vai có thể trở nên yếu và mất khả năng hoạt động linh hoạt như trước.
Gãy xương đòn
Gãy xương đòn có thể xảy ra khi va chạm mạnh. Các vị trí gãy phổ biến nhất là vùng xương đòn và đầu xương trên của cánh tay. Khi xương bị gãy, người bị chấn thương sẽ cảm thấy đau nhức nghiêm trọng và có dấu hiệu bầm tím xung quanh vùng bị tổn thương. Ngoài ra, khả năng di chuyển của vai bị hạn chế và người bệnh có thể không thể nhấc cánh tay lên như bình thường.
Hội chứng bắt chẹn
Đây là một loại chấn thương vai thường xảy ra trong các hoạt động đòi hỏi nâng cao cánh tay, khi cơ chóp xoay cọ xát với phần dưới của mỏm cùng vai. Việc điều trị sớm cho các trường hợp bắt chẹn rất quan trọng vì khi viêm có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn, bao gồm việc đứt gân hoặc dính khớp vai.
Đứt dây chằng ở khớp vai
Đây là một tình trạng mà dây chằng quạ (dây chằng duy nhất nối xương bả vai và mỏm cùng vai) bị rách hoặc đứt do vận động quá mức, tư thế tập luyện không đúng hoặc mang vác vật nặng. Việc sớm phục hồi tổn thương tại dây chằng là cực kỳ quan trọng vì nếu kéo dài thời gian, dây chằng có thể bị viêm do xương khớp cọ xát vào.
Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng phát triển khi bao hoạt dịch (phần chứa chất nhầy nằm giữa mỏm xương cùng vai và cơ trên gai) bị kích thích hoặc sưng lên do các hoạt động lặp lại, va chạm hoặc té ngã. Vị trí chấn thương có thể khó xác định chính xác và khớp vai có thể sưng đỏ. Mặc dù không phải là một vấn đề phổ biến nhưng việc chú ý đến chấn thương này vẫn rất quan trọng.
Đông cứng khớp vai
Đông cứng khớp vai hay còn được gọi là viêm dính bao khớp vai là tình trạng khi vai trở nên cứng và khó di chuyển, thường là sau khi bị chấn thương. Đông cứng khớp vai tiến triển rất chậm, thường là sau khi chấn thương. Nó có thể liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau như đái tháo đường. Khớp vai bị sưng có thể dẫn đến việc hình thành mô sẹo, gây ra sự đông cứng của mô xung quanh.
Bài viết trên đã chia sẻ về thông tin các chấn thương vai thường gặp. Bạn nên chú ý không vận động quá sức nhằm hạn chế những nguy cơ về các chấn thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bản thân. Khi có những biển hiện kể trên, bạn nên thăm khám sớm nhất có thể để nhận được lời khuyên và hướng điều trị phù hợp nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.