Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chửa trứng: Bệnh của tế bào nuôi, do các gai rau thoái hóa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chửa trứng là bệnh có tần suất khác nhau giữa các khu vực trên thế giới. Đây là một bệnh lành tính, nhưng một số trường hợp bệnh diễn biến thành ung thư nguyên bào nuôi, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu thêm về bệnh chửa trứng và cách điều trị căn bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chửa trứng là gì? 

Chửa trứng là bệnh của tế bào nuôi, do các gai rau thoái hóa, sưng mọng lên, tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau như chùm nho, thường toàn bộ buồng tử cung chứa các túi dịch trông như trứng ếch.

Dựa vào tổn thương giải phẫu bệnh lý người ta phân ra: 4 loại bệnh của tế bào nuôi: Chửa trứng, xâm lấn, ung thư nguyên bào nuôi, và khối u ở vị trí rau bám. Ngoài ra trong chửa trứng người ta phân ra hai loại:

  • Chửa trứng hoàn toàn là loại chửa trứng trong đó có các gai rau phình to, mạch máu lông rau biến mất, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh, không có tổ chức thai, có sự biến đổi ADN gồm 46, XX chromosoma là nguồn gốc từ đơn bội thể của người cha không có sự tham gia của trứng.

  • Chửa trứng bán phần: Các gai rau phù nề, gồm cả trứng và thai, thai còn sống hoặc đã chết, hoặc một phần thai, màng ối. Chửa trứng bán phần thường được chẩn đoán khi sẩy thai, chửa trứng bán phần gồm 69 XXY tam bội thể. Khả năng ác tính của chửa trứng bán phần ít hơn chửa trứng toàn phần.

Tiêu chuẩn đánh giá chửa trứng có nguy cơ cao:

  • Kích thước tử cung trước nạo to hơn tuổi thai 20 tuần.

  • Có hai nang hoàng tuyến to hai bên.

  • Tuổi của mẹ trên 40 tuổi.

  • Nồng độ hCG tăng rất cao.

  • Có biến chứng của thai trứng như: Nhiễm độc thai nghén, cường tuyến giáp,…

  • Chửa trứng lặp lại.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chửa trứng

Ra máu là triệu chứng cơ năng quan trọng đầu tiên, thường ra máu sớm trong 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén. Huyết thường đen, hoặc đỏ, ra dai dẳng dẫn đến thiếu máu.

Nghén nặng: Thường biểu hiện nôn nhiều, đôi khi xuất hiện phù, protein niệu.

Tử cung to, không tương xứng tuổi thai, mật độ mềm, thường tử cung to hơn so với tuổi thai (trừ loại chửa trứng thoái hóa tử cung không to hơn so với tuổi thai), tim thai âm tính.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh chửa trứng

Nếu không chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể gây băng huyết do sẩy trứng, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Thủng tử cung: Do trứng ăn sâu vào cơ tử cung gây chảy máu vào ổ bụng. Ung thư nguyên bào nuôi: Tỷ lệ thường gặp là 15 đến 27% có biến chứng thành chorio sau chửa trứng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chửa trứng

Hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây chửa trứng. Người ta cho rằng chửa trứng là một hiện tượng thai nghén không bình thường, trong đó các tổn thương đã làm trứng hỏng nhưng gai rau vẫn được nuôi dưỡng bằng máu mẹ, nên vẫn tiếp tục hoạt động chế tiết và hậu quả là dịch tích lại trong lớp đệm rau và tế bào nuôi tăng sinh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh chửa trứng?

Tỷ lệ bệnh gặp thường khác nhau giữa các nước, tỷ lệ tăng cao ở các nước Đông Nam Á: Ở Mỹ tỷ lệ gặp chửa trứng là 1: 1.500 thai nghén, ở Nhật là 1: 522 người có thai, Việt Nam: 1: 500 người có thai, Philipine: 7: 1.000 ca đẻ, Malaysia 2,8: 1.000 ca đẻ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh chửa trứng

Một số yếu tố gây nguy cơ đáng kể như: Tuổi người mẹ, nếu tuổi người mẹ mang thai trên 40 tuổi thì 5,2 lần tăng nguy cơ bệnh tế bào nuôi khi so sánh với người phụ nữ mang thai ở tuổi 21 đến 35 và ngược lại nếu tuổi người mẹ dưới 20 cũng tăng nguy cơ đáng kể.

Tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường cũng làm tăng nguy cơ bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chửa trứng

Bác sĩ chẩn đoán bệnh chửa trứng dựa vào các triệu chứng, khám âm đạo bệnh nhân và thực hiện một số xét nghiệm:

  • Khám âm đạo: Có thể thấy nhân di căn âm đạo, to bằng ngón tay máu tím sẫm, dễ vỡ gây chảy máu, khám phần phụ có thể thấy nang hoàng tuyến hai bên mọng, di động dễ.

  • Xét nghiệm: Lượng β hCG tăng cao trên 30.000 đơn vị ếch hoặc khoảng 100.000 mlU/ml.

  • Siêu âm: Có thể nhiều âm vang trong buồng tử cung, không có âm vang thai, có thể thấy hình lỗ chỗ trong khối rau như hình ảnh tuyết rơi, hoặc thấy nang hoàng tuyến hai bên. Ngoài ra một số phòng thí nghiệm hiện đại có thể giúp chẩn đoán xác định chửa trứng bằng cách phát hiện nồng độ amino peptit, HPL (human Placean Lactogen), estrogen.

Phương pháp điều trị bệnh chửa trứng hiệu quả

Khi đã chẩn đoán là chửa trứng thì phải nạo hút trứng đề phòng sảy tự nhiên gây băng huyết.

Thường dùng máy hút dưới áp lực chân không để hút nhanh đỡ chảy máu – trong khi hút trứng phải cắm dây truyền huyết thanh ngọt đẳng trương 5% pha 5 đơn vị oxytocin để giúp tử cung co hồi tốt, tránh thủng tử cung khi nạo và cầm máu, chỉ ngừng truyền khi hết chảy máu âm đạo.

Sau 2 – 3 ngày nạo lại lần hai.

Sau nạo phải cho kháng sinh chống nhiễm trùng.

Cắt tử cung: Thường cắt tử cung đối với những phụ nữ không muốn có con nữa hoặc những phụ nữ trên 40 tuổi. Người ta nhận thấy rằng cắt tử cung dự phòng sau nạo trứng đã giảm tỷ lệ biến chứng ác tính xấp xỉ 3,6% trong số 20% phụ nữ được mổ sau nạo trứng.

Tuy vậy sau cắt tử cung vẫn chưa loại trừ được biến chứng ác tính do đó cần phải được theo dõi nồng độ hCG sau mổ lâu dài.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh chửa trứng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa bệnh chửa trứng hiệu quả

  • Tăng cường sức khỏe, cải thiện yếu tố xã hội, nâng cao mức sống.

  • Tập luyện thể dục thường xuyên.  Ăn uống khoa học để tăng sức đề kháng, đề phòng các diễn biến xấu của bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/ph%E1%BB%A5-khoa-v%C3%A0-s%E1%BA%A3n-khoa/kh%E1%BB%91i-u-ph%E1%BB%A5-khoa/b%E1%BB%87nh-l%C3%BD-nguy%C3%AAn-b%C3%A0o-nu%C3%B4i-do-thai-ngh%C3%A9n

  2. Bài giảng sản phụ khoa, Trường đại học Y Hà Nội.

Các bệnh liên quan

  1. Chít hẹp cổ tử cung

  2. Lãnh cảm

  3. Loạn sản sợi cơ

  4. Mãn kinh nữ

  5. Băng huyết sau sinh

  6. Bướu sợi tuyến Birads 3

  7. Ung thư âm hộ

  8. Cơn gò chuyển dạ giả

  9. Nhiễm khuẩn sau sinh

  10. U bì buồng trứng