Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rau bám mép là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị rau bám mép

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rau bám mép hay còn gọi nhau bám mép, là một phân loại thuộc nhau tiền đạo. Tình trạng này xảy ra khi nhau thai nằm ở rìa cổ tử cung, nhưng không che lấp cổ tử cung. Loại nhau tiền đạo này có nhiều khả năng tự khỏi trước ngày dự sinh của bé. Triệu chứng phổ biến nhất là chảy máu âm đạo vào nửa sau của thai kỳ. Những người bị rau bám mép thường cần phải sinh mổ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rau bám mép là gì?

Nhau thai (rau thai) là một cơ quan tạm thời phát triển trong thai kỳ để cung cấp các chất dinh dưỡng, hormone và oxy quan trọng cho thai nhi. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhau thai nằm ở vị trí thấp trong tử cung.

Khi thai nhi phát triển, nó thường di chuyển lên cao hơn, cách xa cổ tử cung. Điều này cho phép cổ tử cung mở ra mà không bị bít tắc trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, ở một số trường hợp mang thai, nhau thai vẫn ở mức thấp.

Nhau bám thấp là khi nhau thai cách cổ tử cung chưa đến 2cm. Khoảng 90% nhau thai ở vị trí thấp sẽ tự khỏi trong tam cá nguyệt thứ ba.

Rau bám mép là một trong những phân loại của nhau tiền đạo. Các phân loại nhau tiền đạo bao gồm:

  • Rau bám mép: Nhau thai đến cổ tử cung nhưng không che phủ bất kỳ phần nào của cổ tử cung.
  • Nhau tiền đạo bán trung tâm: Nhau thai che phủ một phần cổ tử cung.
  • Nhau tiền đạo trung tâm: Nhau thai bao phủ toàn bộ cổ tử cung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rau bám mép

Các triệu chứng phổ biến nhất của rau bám mép là:

  • Chảy máu đỏ tươi từ âm đạo: Chảy máu thường bắt đầu vào tam cá nguyệt thứ ba. Tình trạng này có thể xảy ra không liên tục. Lượng máu chảy ra từ âm đạo có thể khác nhau ở mỗi người và thường không kèm theo bất kỳ cơn đau nào.
  • Chuột rút hoặc co thắt nhẹ ở bụng hoặc lưng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rau bám mép

Người bệnh rau bám mép sẽ có những rủi ro cho cả mẹ và thai nhi. Các biến chứng do rau bám mép bao gồm:

Cho thai phụ:

  • Chảy máu: Chảy máu nghiêm trọng có thể xảy ra khi mang thai, chuyển dạ hoặc khi sinh.
  • Sinh non: Nếu bạn bị chảy máu nhiều, bác sĩ có thể thực hiện mổ lấy thai khẩn cấp trước khi bé đủ tháng (40 tuần).
  • Mất máu: Thiếu máu, tụt huyết áp, da niêm nhợt nhạt hoặc khó thở đều là những triệu chứng của mất quá nhiều máu.
  • Nhau cài răng lược: Nhau thai bám quá sâu vào trong thành tử cung. Điều này có thể gây chảy máu nghiêm trọng sau khi sinh.
  • Nhau bong non: Nhau thai tách khỏi tử cung trước khi em bé chào đời. Điều này làm giảm nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho bé.

Cho thai nhi:

  • Sinh non: Nếu bạn bị chảy máu nhiều và cần phải sinh mổ khẩn cấp, em bé có thể được sinh ra quá sớm.
  • Cân nặng khi sinh thấp: Khó giữ ấm và chậm tăng cân là những tác dụng phụ tiềm ẩn của cân nặng khi sinh thấp.
  • Các vấn đề về hô hấp: Phổi kém phát triển có thể khiến việc hô hấp trở nên khó khăn hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm rau bám mép sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rau bám mép

Nguyên nhân của rau bám mép vẫn chưa được biết rõ, nhưng một giả thuyết cho rằng đa thai có diện tích nhau thai lớn hơn và điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhau thai xâm lấn hoặc bao phủ toàn bộ cổ tử cung. Giả thuyết khác là khu vực có nhiều mạch máu hơn, do phẫu thuật tử cung hoặc mang thai nhiều lần, có thể dẫn đến việc phôi thai bám vào vị trí này hoặc thúc đẩy sự phát triển một chiều về phía cổ tử cung.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rau bám mép?

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng rau bám mép:

  • Đang mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn (đa thai);
  • Đã từng mang thai vài lần trước đó;
  • Đã phẫu thuật vùng tử cung, bao gồm sinh mổ hoặc nạo phá thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rau bám mép

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rau bám mép khi mang thai:

  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng cocaine;
  • Từ 35 tuổi trở lên;
  • Có tiền căn u xơ tử cung.
Rau bám mép là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị rau bám mép 4
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mắc bệnh rau bám mép

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rau bám mép

Bác sĩ thường phát hiện rau bám mép bằng siêu âm khi thai phụ đi khám định kỳ vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Đôi khi nó được phát hiện khi người bệnh gặp phải các triệu chứng như chảy máu âm đạo. Bác sĩ sẽ đề nghị siêu âm để theo dõi vị trí của nhau thai trong thời gian còn lại của thai kỳ. Bác sĩ sẽ chẩn đoán rau bám mép bằng siêu âm sản phụ khoa:

  • Siêu âm qua ngã âm đạo: Bác sĩ sẽ đặt một thiết bị giống như cây đũa (đầu dò) vào âm đạo của bạn để kiểm tra vị trí của em bé, nhau thai và cổ tử cung.
  • Siêu âm qua ngã bụng: Bác sĩ sẽ bôi gel lên bụng bạn, sau đó di chuyển một thiết bị cầm tay (đầu dò) xung quanh bên ngoài bụng. Điều này cũng có thể cho thấy vị trí của em bé, nhau thai và cổ tử cung một cách gián tiếp.

Cả hai loại siêu âm đều hiển thị hình ảnh trên màn hình. Bác sĩ sẽ xác định xem nhau thai ở vị trí nào, bao phủ bao nhiêu cổ tử cung của bạn và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.

Rau bám mép là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị rau bám mép 5
Bác sĩ thực hiện siêu âm để kiểm tra vị trí thai nhi, nhau thai và cổ tử cung

Phương pháp điều trị rau bám mép hiệu quả

Nếu thai phụ không có triệu chứng: Bác sĩ có thể chỉ định theo dõi, nghỉ ngơi tương đối, ngưng quan hệ tình dục và điều trị bằng corticosteroid để phát triển phổi của thai nhi.

  • Chẩn đoán từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 22: Làm lại siêu âm qua ngã âm đạo ở tuần thứ 32.
  • Kiểm tra để loại trừ các biến chứng.
  • Làm lại siêu âm qua ngã âm đạo ở tuần thứ 36.
  • Thực hiện mổ lấy thai nếu được chẩn đoán sau tuần thứ 36.
  • Tiên lượng tốt cho cả mẹ và thai nhi.

Nếu thai phụ có triệu chứng chảy máu âm đạo: Nhập viện ngay để theo dõi, giữ huyết động thai phụ ổn định.

  • Ổn định huyết động.
  • Truyền các sản phẩm máu: Nếu thai phụ bị thiếu máu.
  • Chỉ định mổ lấy thai: Chảy máu âm đạo tích cực sau tuần thứ 34 của thai kỳ, chuyển dạ tích cực, chảy máu âm đạo đang diễn ra một cách tích cực và dai dẳng mà không đạt được sự ổn định huyết động.
  • Tiên lượng của thai phụ và thai nhi sẽ phụ thuộc vào sự chăm sóc.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rau bám mép

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh rau bám mép cần tuân thủ một chế độ sinh hoạt cẩn thận để giảm nguy cơ chảy máu và các biến chứng khác. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ sinh hoạt cho người bệnh rau bám mép:

  • Hạn chế hoạt động và nghỉ ngơi: Tránh hoạt động mạnh, đặc biệt là những hoạt động gắng sức hoặc có tác động lên bụng. Nghỉ ngơi đủ thời gian và tránh căng thẳng.
  • Hạn chế giao hợp: Tránh quan hệ tình dục để giảm nguy cơ chảy máu và tổn thương vùng chậu.
  • Tránh sự va chạm và chấn thương: Hạn chế các hoạt động có nguy cơ va chạm hoặc chấn thương vùng bụng, bao gồm các hoạt động thể thao có tiếp xúc với bụng như bóng đá, bóng chày, võ thuật, và các hoạt động tương tự.
  • Theo dõi triệu chứng chảy máu: Chú ý đến bất kỳ triệu chứng chảy máu nào như chảy máu âm đạo, chảy máu sau quan hệ tình dục hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ biểu hiện chảy máu.
  • Thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ: Tuân thủ chính xác các hướng dẫn và đề xuất từ bác sĩ. Điều này bao gồm lịch tái khám định kỳ, siêu âm thai, và bất kỳ hạn chế hoặc hướng dẫn cụ thể nào khác.
  • Tham gia các chương trình chăm sóc thai kỳ: Điều này bao gồm việc tham gia các buổi hướng dẫn về chăm sóc thai kỳ, lớp dạy về chăm sóc bản thân và thai nhi, và thảo luận với các chuyên gia về chăm sóc bà bầu.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc duy trì hoạt động hàng ngày: Hỏi bác sĩ xem liệu việc tiếp tục làm việc, đi lại và tham gia các hoạt động hàng ngày khác có an toàn hay không.

Lưu ý rằng hãy luôn luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên gia để có được chế độ sinh hoạt phù hợp với trạng thái sức khỏe của bạn và thai nhi.

Rau bám mép là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị rau bám mép 6
Người bệnh rau bám mép nên hạn chế hoạt động và nghỉ ngơi nhiều hơn

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh rau bám mép nhằm hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe của người mẹ. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng:

  • Cung cấp đủ năng lượng: Đảm bảo tiêu thụ đủ lượng calo để duy trì sức khỏe và cung cấp năng lượng cho cả mẹ và thai nhi.
  • Cung cấp protein: Tiêu thụ đủ lượng protein để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Nguồn protein tốt bao gồm thịt gia cầm không da, cá, đậu, hạt và sản phẩm từ sữa và trứng.
  • Cung cấp axit béo omega-3: Omega-3 có lợi cho sự phát triển não bộ và mắt của thai nhi. Các nguồn omega-3 bao gồm cá như cá hồi, cá thu, cá mòi,...
  • Cung cấp chất xơ: Tiêu thụ đủ lượng chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón. Rau xanh, quả tươi, hạt và ngũ cốc nguyên hạt là các nguồn tốt của chất xơ.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và hỗ trợ chức năng thận.
  • Cung cấp chất sắt: Chất sắt là quan trọng để ngăn ngừa thiếu máu và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt đỏ, gan, cá mòi, đậu và các loại hạt.
  • Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và lượng mỡ cao: Hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa và mỡ cao như thịt đỏ, mỡ động vật, sản phẩm từ sữa béo và thực phẩm chế biến có dầu béo.
  • Hạn chế tiêu thụ đường và thức ăn có đường cao: Tránh tiêu thụ quá nhiều đường và thức ăn có đường cao, bao gồm đồ ngọt, bánh kẹo, đồ uống có ga và các sản phẩm có đường thêm vào.

Hãy nhớ rằng mỗi trường hợp bệnh đều có nhu cầu dinh dưỡng riêng, vì vậy nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Rau bám mép là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị rau bám mép 7
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân

Phương pháp phòng ngừa rau bám mép hiệu quả

Bạn không thể ngăn ngừa rau bám mép và không có phương pháp y tế nào có thể khắc phục được. Có một số yếu tố nguy cơ nhất định của rau bám mép nằm trong tầm kiểm soát của bạn, như không hút thuốc lá hoặc sử dụng cocaine.

Nguồn tham khảo
  1. Placenta prévia marginal: Tudo que você precisa saber: https://www.medway.com.br/conteudos/placenta-previa-marginal-tudo-que-voce-precisa-saber/
  2. Placenta Previa: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24211-placenta-previa
  3. What Is Placenta Previa?: https://www.health.com/placenta-previa-7372560
  4. Placenta Previa Types: Complete, Partial, & Marginal Explained: https://miraclecord.com/news/placenta-previa-types/
  5. Placenta Previa: https://emedicine.medscape.com/article/262063-overview

Các bệnh liên quan

  1. Nang ống tuyến Skene

  2. Tắc vòi trứng

  3. Liệt dương

  4. Hội chứng Demons Meigs

  5. Suy buồng trứng sớm

  6. suy thai

  7. Mãn dục nam

  8. Mãn kinh nữ

  9. Xoắn tinh hoàn

  10. Sản giật