Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Chửa trứng toàn phần là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 28/07/2024
Kích thước chữ

Chửa trứng toàn phần là một trong những bệnh lý gây ra bởi bất thường ở các gai rau. Tỷ lệ mắc bệnh khá thấp nên vẫn có rất nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Vậy chửa trứng toàn phần là gì và mức độ nguy hiểm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về chửa trứng toàn phần trong bài viết dưới đây.

Người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể gặp rất nhiều bệnh lý, trong đó có chửa trứng hay thai trứng (bao gồm chửa trứng toàn phần và bán phần). Đây là bệnh lý không phổ biến nên vẫn còn xa lạ với rất nhiều chị em. Hầu hết các trường hợp chửa trứng đều lành tính nhưng vẫn có thể chuyển sang ác tính nếu không được can thiệp sớm. Để hiểu rõ về tình trạng chửa trứng cũng như dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị căn bệnh này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi bài viết sau đây.

Thế nào là chửa trứng toàn phần?

Trong trạng thái bình thường, hiện tượng thụ tinh sẽ diễn ra khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau. Sau đó, trứng đã được thụ tinh sẽ di chuyển vào lòng tử cung và làm tổ trên niêm mạc tử cung. Tại đây, hình thành thai nhi và bánh nhau và túi ối. Tuy nhiên, ở những người có sự phát triển bất thường ở các gai rau (gai nhau) có thể dẫn đến tình trạng chửa trứng.

Chửa trứng toàn phần là gì? Có nguy hiểm không? 1
Chửa trứng có thể gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe sinh sản của nữ giới

Chửa trứng hay thai trứng là một tình trạng bệnh lý bắt nguồn từ thai nghén. Bệnh lý này xảy ra do sự tăng sinh bất thường trong gai rau tạo ra những túi chứa đầy dịch không thông nhau mà dính vào nhau như chùm nho hay trứng ếch.

Chửa trứng được chia ra làm 2 loại gồm: Chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Trong đó, chửa trứng toàn phần được hình thành do sự kết hợp của 1 trứng không chứa thông tin di truyền và 1 tinh trùng bình thường. Sự khiếm khuyết về hệ thống di truyền khiến sự kết hợp này tạo thành thai trứng thay vì thai nhi bình thường. Còn chửa trứng bán phần là sự kết hợp của 1 trứng và 2 tinh trùng. Mặc dù có đầy đủ thông tin di truyền nhưng hợp tử không bình thường cùng gây ra tình trạng chửa trứng có phôi thai bất thường.

Dấu hiệu nhận biết chửa trứng toàn phần

Mặc dù không phải là phôi thai thực sự, tuy nhiên người bị chửa trứng cũng xuất hiện dấu hiệu thai nghén như chậm kinh. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng chửa trứng gồm:

  • Rong huyết: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất ở người bị chửa trứng. Dấu hiệu rong huyết thường xuất hiện sau khi chậm kinh vài tuần. Tình trạng rong huyết có thể ít hoặc nhiều với máu đỏ tươi, sẫm đen, loãng và chảy máu âm đạo kéo dài.
  • Nghén: Cũng giống như mang thai bình thường, người bị chửa trứng có thể bị nghén với các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, người mệt mỏi. Thậm chí, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng phù, protein niệu và tăng huyết áp.
  • Không thấy tim thai: Do không có phôi thai nên người bị chửa trứng sẽ không kiểm tra thấy tim thai hay phôi thai trên siêu âm.
  • Tử cung lớn tuổi thai: Khoảng 50% người bị chửa trứng có tử cung lớn hơn tuổi thai. Đôi khi tử cung có thể nhỏ hơn do thai trứng bị thoái triển.
  • Thiếu máu: Thống kê cho thấy hơn 50% người bị chửa trứng bị thiếu máu thiếu sắt.
Chửa trứng toàn phần là gì? Có nguy hiểm không? 2
Người bị chửa trứng cũng có một số dấu hiệu như mang thai bình thường

Chửa trứng toàn phần có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp chửa trứng là u lành tính phát triển trong tử cung nhưng vẫn có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp chửa trứng có thể diễn tiến thành ác tính, ung thư nguyên bào nuôi đe dọa tính mạng của người phụ nữ. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải khi chửa trứng như:

  • Băng huyết;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Nhiễm trùng tử cung;
  • Nhiễm trùng máu;
  • Tiền sản giật;
  • Ung thư nguyên bào nuôi ác tính;
  • Ung thư nhau thai.

Trong đó, ung thư tế bào nuôi là biến chứng nguy hiểm nhất. Biến chứng ác tính này xảy ra khi mô thai trứng xâm lấn vào trong cơ tử cung dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như thủng tử cung, chảy máu, xâm lấn ra các tạng xung quanh hoặc di căn tạo những khối u ác tính.

Cách xử trí chửa trứng toàn phần

Hiện nay, chửa trứng toàn phần thường được điều trị theo 2 phương án như sau:

  • Nạo hút thai: Phương pháp thường áp dụng cho những ca chửa trứng không phức tạp. Sau khi chẩn đoán chính xác bị chửa trứng toàn phần, bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ hoàn toàn khối chửa trứng bằng phương pháp nong nạo hoặc hút nạo. Đồng thời kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh sau nạo hút để tránh nhiễm khuẩn.
  • Phẫu thuật cắt tử cung: Trường hợp chửa trứng đã xâm lấn thành tử cung phức tạp, nguy cơ tiến triển thành ung thư cao thì thường được chỉ định cắt tử cung. Cách này thường áp dụng cho phụ nữ trên 35 tuổi, người đã có con hoặc mắc bệnh lý tử cung phối hợp. Với trường hợp ung thư, ngoài cắt tử cung người bệnh cần tiếp tục điều trị theo phác đồ điều trị ung thư.
Chửa trứng toàn phần là gì? Có nguy hiểm không? 3
Một số trường hợp cần cắt tử cung để xử trí chửa trứng

Sau nạo hút thai hoặc phẫu thuật cắt tử cung, người bệnh cần theo dõi nồng độ Beta-hCG trong máu nhằm xác định xem tình trạng chửa trứng đã được loại bỏ hoàn toàn chưa. Xét nghiệm Beta-hCG cần được thực hiện 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu sau xử trí chửa trứng, sau đó giảm xuống còn 6 tháng/lần cho đến 1 năm. Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm sau khi xử trí chửa trứng.

Trên đây là những thông tin chi tiết về chửa trứng toàn phần. Hy vọng bài viết đã giúp chị em hiểu rõ hơn về bệnh lý này cũng như có thêm kiến thức để nhận biết và xử trí kịp thời nếu không may gặp phải.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin