Long Châu

Đậu mùa khỉ: Bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp tương tự như bệnh đậu mùa, nguyên nhân do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh này thường gặp ở các khu vực của châu Phi. Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng giống như cúm như sốt, ớn lạnh, phát ban kéo dài vài tuần, bệnh thường tự khỏi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh hiếm gặp, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh đậu mùa ở khỉ được phát hiện vào năm 1958, lây lan chủ yếu qua tiếp xúc của con người với các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh, nhưng đôi khi có thể lây lan qua tiếp xúc da kề da với người bị nhiễm bệnh.

Có hai loại virus đậu mùa khỉ đã biết, một loại có nguồn gốc từ Trung Phi và một loại có nguồn gốc từ Tây Phi. Sự bùng phát trên thế giới hiện nay (2022) là do nhóm Tây Phi ít nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Sau khi nhiễm bệnh vài ngày đến vài tuần, các triệu chứng có thể mới xuất hiện. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm các triệu chứng giống cúm như:

  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Nhức đầu;
  • Đau nhức cơ bắp;
  • Mệt mỏi;
  • Sưng hạch bạch huyết.

Phát ban ban đầu là những nốt mụn đỏ, phẳng, có thể gây đau, sau đó sưng tấy thành mụn nước và có chứa mủ. Sau hai đến bốn tuần, mụn nước đóng vảy và rơi ra. Vị trí lở loét thường ở miệng, âm đạo hoặc hậu môn.

Không phải tất cả mọi người bị bệnh đậu mùa khỉ đều phát triển tất cả các triệu chứng. Trên thực tế, trong đợt bùng phát hiện tại (năm 2022), nhiều trường hợp không có những triệu chứng thông thường. Biểu hiện thường không thấy không sưng hạch bạch huyết, ít sốt. Người bệnh có thể khó phát hiện nhiễm và có thể lây lan cho người khác khi tiếp xúc mà không biết trước.

Tác động của bệnh đậu mùa khỉ đối với sức khỏe

Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây khó thở, đau ngực, cổ cứng ở một số người bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ trầm trọng có thể khiến người bệnh mất ý thức, rối loạn vận động, co giật, thậm chí tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa ở khỉ lây lan khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm virus. Sự lây truyền từ động vật sang người xảy ra qua vết thưởng hở, như vết cắn hoặc vết xước, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc vết thương thủy đậu (vết loét) của động vật bị nhiễm bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người này sang người khác, nhưng ít phổ biến hơn. Lây truyền từ người sang người xảy ra khi tiếp xúc với vết loét, vảy tiết, giọt bắn đường hô hấp hoặc chất dịch miệng của người bị bệnh thường thông qua tiếp xúc gần như ôm, hôn hoặc quan hệ tình dục. Chưa rõ virus có lây truyền qua tinh dịch, dịch âm đạo hay quan hệ tình dục.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh đậu mùa khỉ?

Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh đậu mùa khỉ. Ở Châu Phi, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bên ngoài châu Phi, căn bệnh này dường như phổ biến hơn ở nam giới quan hệ tình dục đồng giới, nhưng có rất nhiều trường hợp ở những người không thuộc nhóm này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh đậu mùa khỉ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm:

Nguy cơ nhiễm virus đậu mùa ở khỉ có thể xảy ra khi tiếp xúc với các vật bị nhiễm như quần áo, khăn trải giường và các loại khăn khác được người hoặc động vật bị nhiễm bệnh sử dụng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ

Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ cần phải phân biệt với các bệnh phát ban khác, chẳng hạn như bệnh thủy đậu, bệnh sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, bệnh ghẻ, bệnh giang mai và dị ứng do thuốc. Nổi hạch trong giai đoạn tiền căn của bệnh có thể là một đặc điểm lâm sàng để phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc bệnh đậu mùa.

Nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ, cần làm xét nghiệm polymerase (PCR) để định danh virus do xét nghiệm này có độ chính xác và độ nhạy cao. Mẫu bệnh phẩm thường lấy từ vị trí da tổn thương hoặc chất dịch từ mụn nước và mụn mủ, các lớp vảy khô.

Phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả

Hầu hết những người bị bệnh đậu mùa khỉ đều tự khỏi sau hai đến bốn tuần mà không cần điều trị. Cần theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa mất nước và dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng thứ phát nếu chúng phát triển.

Hiện tại chưa có thuốc điều trị kháng virus nào dùng điều trị bệnh đậu khỉ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh đậu mùa khỉ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tự cách tại nhà khi nhiễm bệnh (ví dụ ở phòng riêng), hạn chế tiếp xúc và dùng chung đồ vật với người xung quanh.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn hợp lý.

Phương pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban giống bệnh đậu mùa.
  • Không chạm vào vết phát ban hoặc vảy của người bị bệnh đậu mùa khỉ.
  • Không hôn, ôm, âu yếm hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh đậu mùa khỉ.
  • Không dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc cốc với người bị bệnh đậu mùa khỉ.
  • Không cầm hoặc chạm vào khăn trải giường, khăn tắm hoặc quần áo, đồ dùng cá nhân của người bị bệnh đậu mùa khỉ.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
  • Ở Trung và Tây Phi, tránh tiếp xúc với động vật có thể lây lan virus đậu mùa ở khỉ, thường là các loài gặm nhấm và linh trưởng. Ngoài ra, tránh tiếp xúc động vật bị bệnh hoặc chết hoặc các vật liệu khác mà chúng đã chạm vào.
  • Tiêm phòng: CDC khuyến cáo nên tiêm phòng cho những người đã tiếp xúc với bệnh đậu khỉ và những người có nguy cơ cao bị tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Những người có nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ cao như: Người có tiếp xúc hoặc có quan hệ tình dục với người nhiễm đậu mùa khỉ, nhân viên y tế tiếp xúc với người bị bệnh đậu mùa ở khỉ, nhân viên phòng thí nghiệm, đặc biệt là người thực hiện xét nghiệm virus.

Nguồn tham khảo
  1. Clevelandclinic: https://my.clevelandclinic.org/
  2. CDC: https://www.cdc.gov/
  3. WHO: https://www.who.int/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh tay, chân, miệng

  2. Giun rồng

  3. Sốt xuất huyết Dengue

  4. Ebola

  5. Cúm

  6. Cúm mùa

  7. Cảm lạnh

  8. Đau mắt đỏ

  9. Bệnh Dirofilariasis

  10. Cúm A H3N2