Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh do nhiễm Leishmania: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Leishmania hay Leishmaniasis là một nhóm bệnh gây ra bởi một nhóm ký sinh trùng đơn bào. Ký sinh trùng Leishmania được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Nó có thể gây loét nghiêm trọng trên da hoặc nhiễm trùng các cơ quan nội tạng và có thể gây tử vong.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh do nhiễm Leishmania là gì?

Bệnh do Leishmania là bệnh do ký sinh trùng đơn bào Leishmania gây ra và lây lan qua vết cắn của muỗi cát phlebotomus bị nhiễm bệnh, một loài côn trùng nhỏ dài 2 - 3mm, được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.

Vì nhiều người có thể bị nhiễm Leishmania mà không biểu hiện triệu chứng nên khó có thể biết mức độ phổ biến của bệnh Leishmania. Các chuyên gia ước tính có khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người trên toàn thế giới biểu hiện triệu chứng mỗi năm.

Bệnh Leishmania được chia thành ba loại chính: Da, niêm mạc và nội tạng.

  • Bệnh Leishmania ở da: Là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh. Sau khi bị muỗi cát cắn, xuất hiện các vết sưng không đau và biến thành vết loét lớn theo thời gian. Vết loét có thể cần một thời gian dài để tự lành.
  • Bệnh Leishmania niêm mạc: Thường là một biến chứng của bệnh Leishmania ở da. Các vết loét thường ở niêm mạc mũi, niêm mạc miệng. Bệnh Leishmania niêm mạc hiếm khi tự khỏi và thường gây tử vong nếu không được điều trị. Nó có thể gây biến dạng khuôn mặt.
  • Bệnh Leishmania nội tạng: Bệnh ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và có khả năng gây tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do nhiễm Leishmania

Các triệu chứng của bệnh Leishmania phụ thuộc vào loại bạn mắc phải. Bệnh Leishmania ở da và niêm mạc gây ra các vết loét lớn và lâu lành. Bệnh Leishmania nội tạng gây ra các triệu chứng chung như sốt, sụt cân và bụng chướng.

Các triệu chứng của bệnh Leishmania ở da: Bệnh Leishmania ở da gây ra vết sưng trên da nơi bị muỗi cát cắn. Nó có thể có vảy bao phủ. Theo thời gian, nó chuyển thành vết loét, có viền cứng và phần trung tâm trũng xuống (giống như núi lửa).

Các triệu chứng của bệnh Leishmania ở niêm mạc: Bệnh Leishmania niêm mạc gây loét ở mũi, miệng hoặc hầu họng. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây biến dạng khuôn mặt.

Các triệu chứng bệnh Leishmania nội tạng, bao gồm:

  • Sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Gan to, lách to;
  • Sụt cân;
  • Mệt mỏi, người không có sức lực;
  • Xuất hiện các mảng da sẫm màu.

Sau khi bị muỗi cát nhiễm bệnh cắn, một số người có thể có không có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào. Các vết loét trên da của bệnh Leishmania ở da thường phát triển trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau khi bị muỗi cát cắn. Đối với những người mắc bệnh Leishmania nội tạng thường phát bệnh trong vòng vài tháng (đôi khi kéo dài hàng năm) kể từ khi bị muỗi cát cắn.

Bệnh do nhiễm Leishmania: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 4
Triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh Leishmania là vết loét trên da

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám khi bạn có các vấn đề sau:

  • Nếu bạn sống hoặc đã đến khu vực thường mắc bệnh Leishmania (châu Á, châu Phi, Nam và Trung Mỹ, Nam Âu) và bạn có các triệu chứng của bệnh Leishmania.
  • Nếu bạn có một vết thương lâu lành.
  • Nếu bạn có hệ miễn dịch yếu, hãy gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào (sốt, ho, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn,…).

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh do nhiễm Leishmania

Ký sinh trùng Leishmania gây bệnh Leishmania. Chúng sống ở người và động vật, bao gồm chó, mèo, loài gặm nhấm và cáo.

Bệnh Leishmania lây truyền qua vết cắn của muỗi cát Phlebotomus. Muỗi cát cắn người hoặc động vật bị nhiễm bệnh, sau đó cắn người khác, truyền ký sinh trùng Leishmania vào họ. Bạn có thể không nhận ra sự hiện diện của muỗi cát vì:

  • Chúng không gây ra tiếng động nào.
  • Chúng rất nhỏ: Trung bình chúng chỉ bằng khoảng 1/4 kích thước của muỗi hoặc thậm chí nhỏ hơn.
  • Vết cắn của chúng nhỏ và không đau.

Muỗi cát thường hoạt động mạnh nhất vào lúc chạng vạng, chiều tối và ban đêm. Ngoài ra, ký sinh trùng Leishmania cũng có thể lây lan qua dùng chung kim tiêm, truyền máu hoặc lây truyền từ mẹ sang con khi đang mang thai.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh do nhiễm Leishmania?

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do Leishmania là người bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh do nhiễm Leishmania

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh do Leishmania bao gồm:

  • Điều kiện kinh tế xã hội: Điều kiện nhà ở và vệ sinh kém (thiếu quản lý chất thải hoặc hệ thống thoát nước) có thể làm tăng nơi sinh sản và trú ngụ của muỗi cát. Muỗi cát bị thu hút bởi những nơi ở đông đúc vì chúng dễ cắn người và hút máu người hơn. Hành vi của con người, chẳng hạn như ngủ ngoài trời hoặc trên mặt đất, có thể làm tăng nguy cơ.
  • Di dân: Dịch bệnh Leishmania thường xảy ra khi nhiều người chưa có miễn dịch di chuyển đến những vùng có tỷ lệ lây truyền cao.
  • Biến đổi môi trường và khí hậu: Tỷ lệ mắc bệnh Leishmania có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong quá trình đô thị hóa, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường.
Bệnh do nhiễm Leishmania: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 5
Sống trong khu vực ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nhiễm Leishmania

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh do nhiễm Leishmania

Bước đầu tiên là kiểm tra xem bạn có từng đến một nơi trên thế giới có bệnh Leishmania hay không và liệu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào có thể là do bệnh Leishmania hay không.

Các xét nghiệm mà bác sĩ có thể chỉ định để chẩn đoán bệnh Leishmania, bao gồm:

  • Chọc dò: Bác sĩ sẽ sử dụng kim để lấy mẫu mô từ lách, hạch bạch huyết hoặc tủy xương của bạn. Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ sử dụng kính hiển vi để tìm Leishmania. Đây là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh Leishmania nội tạng.
  • Sinh thiết da: Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ vết loét trên da, mũi hoặc miệng của bạn. Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ kiểm tra mẫu mô để tìm Leishmania. Điều này có thể chẩn đoán bệnh Leishmania ở da hoặc niêm mạc.
  • Xét nghiệm huyết thanh: Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm này để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng Leishmania trong máu của bạn. Xét nghiệm này hữu ích trong các trường hợp mắc bệnh Leishmania nội tạng.

Phương pháp điều trị bệnh do nhiễm Leishmania hiệu quả

Hiện có một số loại thuốc diệt ký sinh trùng để điều trị bệnh Leishmania. Loại thuốc cụ thể mà bác sĩ kê đơn tùy thuộc vào loại bệnh Leishmania mà bạn mắc phải. Thuốc có thể có nhiều dạng khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc viên;
  • Kem thoa lên da;
  • Thuốc truyền qua đường tĩnh mạch.

Các thuốc sử dụng để điều trị bệnh Leishmania bao gồm:

  • Amphotericin;
  • Miltefosine;
  • Paromomycin.

Các phương pháp điều trị khác cho bệnh Leishmania ở da, bao gồm:

  • Liệu pháp nhiệt: Bác sĩ của bạn chườm nóng 40 - 42ᵒC lên vết loét và khu vực xung quanh nó. Không nên sử dụng liệu pháp nhiệt đơn thuần cho các tổn thương có khả năng lan rộng đến niêm mạc, bạch huyết. Ngoài ra, biện pháp này không nên được sử dụng trực tiếp trên các dây thần kinh, sụn, mí mắt, mũi hoặc môi.
  • Liệu pháp áp lạnh: Bác sĩ làm mát bằng nitơ lỏng các vết loét và khu vực xung quanh nó trong 10 đến 30 giây cho mỗi lần điều trị. Liệu pháp áp lạnh có thể được sử dụng cho trường hợp nhiễm trùng mới khởi phát (dưới ba tháng), bệnh có tổn thương tương đối ít và tương đối nhỏ (<3cm).
  • Trị liệu bằng laser: Bác sĩ sử dụng thiết bị cầm tay để chiếu tia laser vào vết loét và khu vực xung quanh nó. Liệu pháp này có thể tiêu diệt ký sinh trùng và giúp vết thương của bạn mau lành.

Bệnh Leishmania niêm mạc có thể không được phát hiện cho đến nhiều năm sau khi vết loét ban đầu lành lại. Đảm bảo điều trị đầy đủ nhiễm trùng da có thể giúp ngăn ngừa bệnh Leishmania niêm mạc.

Bệnh do nhiễm Leishmania: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 6
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh Leishmania ở da

Những người bị nghi ngờ mắc bệnh Leishmania nội tạng nên nhập viện ngay lập tức. Điều trị bệnh Leishmania nội tạng thay đổi tùy theo vùng địa lý do mức độ nhạy cảm với thuốc khác nhau. Bệnh nhân mắc bệnh Leishmania nội tạng nên được đánh giá xem có đồng nhiễm HIV hay không. Nếu có mắc HIV kèm theo nên được điều trị tích cực bằng liệu pháp chống ký sinh trùng và liệu pháp kháng virus (ART).

Các vấn đề quan trọng khác trong điều trị bệnh Leishmania, bao gồm:

  • Khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng.
  • Điều trị bệnh toàn thân đồng mắc (ví dụ bệnh HIV hoặc bệnh lao).
  • Kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ.

Tiên lượng của bệnh Leishmania phụ thuộc vào loại bạn mắc và liệu bạn có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hay không. Bệnh Leishmania nội tạng và niêm mạc cần được điều trị ngay lập tức. Nếu không được điều trị, cả hai gần như luôn gây tử vong.

Bệnh Leishmania ở da có thể tự khỏi hoặc do điều trị. Có thể mất vài tháng để vết mụn biến mất hoàn toàn và để lại sẹo vĩnh viễn trên da của bạn.

Bạn có thể phải dùng thuốc trong một thời gian dài trong vài tuần hoặc vài tháng để đảm bảo nhiễm trùng đã biến mất hoàn toàn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh do nhiễm Leishmania

Chế độ sinh hoạt: 

  • Tuân thủ hướng dẫn của các chuyên gia y tế trong quá trình chữa bệnh.
  • Chủ động phòng tránh lây lan cho những người xung quanh.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ.
  • Giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.
  • Tái khám theo lịch bác sĩ đặt ra.

Chế độ dinh dưỡng: Tham khảo bác sĩ để được hướng dẫn về chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh.

Phương pháp phòng ngừa bệnh do nhiễm Leishmania hiệu quả

Cách tốt nhất để ngăn ngừa tất cả các dạng bệnh Leishmania là tránh bị muỗi cát đốt, đặc biệt là ở những khu vực có tần suất mắc bệnh Leishmania cao. Các cách để tránh bị muỗi cát cắn bao gồm:

  • Che vùng da hở bằng quần áo, bao gồm quần dài, áo sơ mi dài tay và tất.
  • Mang thuốc chống côn trùng.
  • Tiêu diệt muỗi cát trong nhà bằng cách phun thuốc chuyên dụng diệt côn trùng vào khu vực sinh hoạt và ngủ nghỉ.
  • Tập thói quen ngủ màn, sử dụng màn tẩm thuốc diệt côn trùng.
  • Muỗi cát nhỏ hơn nhiều so với muỗi thông thường, do đó màn chắn phải có lỗ thật nhỏ để muỗi không bay vào.
  • Phát quang bụi rậm xung quanh nhà, không để ao tù nước đọng.
Bệnh do nhiễm Leishmania: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 7
Vệ sinh khu vực sinh sống để tránh muỗi đốt truyền bệnh
Nguồn tham khảo
  1. About Leishmaniasis: https://www.cdc.gov/parasites/leishmaniasis/gen_info/faqs.html
  2. Leishmaniasis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK531456/
  3. Leishmaniasis: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/leishmaniasis
  4. Leishmaniasis: https://www.healthline.com/health/leishmaniasis
  5. Leishmaniasis: https://emedicine.medscape.com/article/220298-overview

Các bệnh liên quan

  1. Áp xe lòng bàn tay

  2. Nhiễm khuẩn Chlamydia

  3. Nhiễm Shigella

  4. Giun sán

  5. Sốt không rõ nguyên nhân

  6. Giang mai

  7. Viêm giác mạc do Acanthamoeba

  8. Tiêu chảy do virus Rota

  9. Giun đầu gai

  10. Viêm ruột do Giardia