Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Nội tiết - chuyển hóa/
  4. Dậy thì sớm

Dậy thì sớm là gì ? Dấu hiệu dậy thì sớm, cách chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Thị Khánh Vy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại xuất sắc bác sĩ Đa khoa tốt nghiệp tại Liên Bang Nga, với kinh nghiệm chuyên sâu về Sản Phụ khoa và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Xem thêm thông tin

Dậy thì sớm là khi cơ thể của trẻ bắt đầu những thay đổi về mặt thể chất (bao gồm sự phát triển của vú, lông mu và thay đổi giọng nói) để trở thành cơ thể của người lớn quá sớm. Đa số trường hợp dậy thì sớm không có ảnh hưởng gì xấu về mặt thể chất đối với trẻ, tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao sau này. Có nhiều nguyên nhân gây ra dậy thì sớm, chủ yếu là lành tính. Trong một số trường hợp, các nguyên nhân thực thể như khối u vùng sinh dục, các bất thường về thần kinh trung ương, các bệnh lý di truyền hiếm gặp có thể gây ra dậy thì sớm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung dậy thì sớm

Dậy thì sớm là khi cơ thể của trẻ bắt đầu những thay đổi về mặt thể chất để trở thành cơ thể của người lớn quá sớm. Khi tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai thì được coi là dậy thì sớm. Các dấu hiệu trưởng thành về mặt thể chất này bao gồm sự phát triển của vú, lông mu và thay đổi giọng nói. Đây được gọi là những đặc điểm sinh dục thứ phát.

Triệu chứng dậy thì sớm

Những dấu hiệu và triệu chứng của dậy thì sớm

Dậy thì sớm ở trẻ em gái được đặc trưng như sau:

Dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất của dậy thì sớm thường là vú to lên, ban đầu có thể là một bên.

Lông mu và lông nách có thể xuất hiện trước, cùng lúc hoặc ngay sau khi xuất hiện mô vú; mùi hôi của nách thường bắt đầu tương đương với thời điểm xuất hiện lông mu.

Bắt đầu có kinh là một sự kiện muộn và thường không xảy ra cho đến 2-3 năm sau khi bắt đầu có sự phì đại mô vú.

Sự tăng trưởng vượt bậc ở tuổi dậy thì xảy ra sớm ở nữ và thường thấy rõ vào thời điểm đánh giá ban đầu.

Dậy thì sớm ở trẻ trai được đặc trưng như sau:

Bằng chứng sớm nhất của tuổi dậy thì là tinh hoàn to ra và thường không được bệnh nhân và cha mẹ chú ý.

Sự phát triển của dương vật và bìu thường xảy ra ít nhất một năm sau khi tinh hoàn to ra.

Tăng trưởng vượt bậc về chiều cao (giai đoạn tăng trưởng mạnh ở tuổi dậy thì) xảy ra muộn hơn trong quá trình dậy thì của nam giới so với tuổi dậy thì của nữ nhưng thường diễn ra vào thời điểm các thay đổi thể chất khác được ghi nhận.

Tác động của dậy thì sớm đối với sức khỏe

Đa số dậy thì sớm không có ảnh hưởng gì xấu về mặt thể chất đối với trẻ. Đôi khi, dậy thì sớm sẽ khiến cơ thể và tâm trạng của trẻ thay đổi sớm hơn rất nhiều so với bạn bè và các bạn trong lớp. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy mất tự chủ, xấu hổ, hoặc bị những đứa trẻ khác trêu chọc.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh dậy thì sớm

Ngoại trừ những ảnh hưởng có thể gặp về mặt tâm lý, đôi khi tình trạng dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao sau này của trẻ. Trẻ dậy thì sớm lúc đầu có thể phát triển nhanh và cao so với các bạn cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, do xương của chúng trưởng thành nhanh hơn bình thường nên chúng thường ngừng phát triển sớm hơn bình thường. Điều này có thể khiến trẻ thấp hơn mức trung bình khi trưởng thành. Điều trị dậy thì sớm, đặc biệt là khi nó xảy ra ở trẻ rất nhỏ có thể giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn so với việc không điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân dậy thì sớm

Có hai loại dậy thì sớm:

Dậy thì sớm phụ thuộc vào các hormon hướng sinh dục (gonadotropin): Đây còn được gọi là dậy thì sớm trung tâm (CPP-central precocious puberty). Kiểu dậy thì sớm này là phổ biến nhất. Hầu hết các bé gái và một nửa số bé trai dậy thì sớm thuộc loại này. Tuổi dậy thì được bắt đầu do sự phóng thích sớm các hormone gọi là gonadotropins và nguyên nhân là do sự trưởng thành sớm của toàn bộ trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục (HPG). Các gonadotropins bao gồm: Hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Ở trẻ em gái, dậy thì sớm có thể do sự trưởng thành sớm của vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, có thể không tìm ra nguyên nhân.

Dậy thì sớm không phụ thuộc vào hormone hướng sinh dục: Đây là một dạng dậy thì sớm không liên quan đến sự phóng thích sớm các gonadotropin còn gọi là dậy thì sớm ngoại biên (Peripheral precocious puberty). Thay vào đó, nguyên nhân gây dậy thì sớm là do sự phóng thích nhiều hormone sinh dục bao gồm nội tiết tố nam (androgen) và nội tiết tố nữ (estrogen).

Trong cả 2 loại trên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nguyên nhân dậy thì sớm có liên quan đến bệnh lý thực thể như khối u ở thần kinh trung ương, u buồng trứng, u tuyến thượng thận, u tinh hoàn hoặc các bất thường khác liên quan đến di truyền.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh dậy thì sớm

Dậy thì sớm có ảnh hưởng đến chiều cao không?

Dậy thì sớm trung tâm (CPP - Central Precocious Puberty) có thể ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Trẻ mắc CPP có thể trải qua giai đoạn tăng trưởng sớm và có chiều cao vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Điều này là do quá trình trưởng thành của xương diễn ra nhanh hơn bình thường. Tuy nhiên, vì xương trưởng thành sớm, trẻ cũng ngừng phát triển chiều cao sớm hơn. Nếu CPP không được điều trị, trẻ có thể không đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.

Xem thêm thông tin: Trẻ dậy thì sớm có bị lùn không? Phương pháp tăng chiều cao cho trẻ dậy thì sớm

Có thể làm chậm tuổi dậy thì ở trẻ không?

Độ tuổi nào được xem là dậy thì sớm?

Tại sao béo phì thường dẫn đến tình trạng dậy thì sớm?

Vì sao có tình trạng lông mu mọc sớm ở trẻ dậy thì sớm?

Hỏi đáp (0 bình luận)