Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy giảm Testosterone là gì? Những điều cần biết về suy giảm Testosterone

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nồng độ Testosterone thấp ở nam giới có thể dẫn đến rối loạn cương dương. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, tâm trạng, kích thước tinh hoàn,… Ở cả nam và nữ, nồng độ Testosterone thấp có thể dẫn đến khối lượng xương thấp và giảm ham muốn tình dục.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy giảm Testosterone là gì?

Testosterone là hormone giới tính thường gắn liền với nam giới, mặc dù ở nữ giới cũng có một lượng nhỏ. Nó có nhiều vai trò quan trọng, bao gồm:

  • Phát triển xương và cơ bắp;
  • Giúp giọng nói trầm hơn, mọc lông tóc và các yếu tố khác liên quan đến ngoại hình;
  • Sản xuất tinh trùng.

Việc sản xuất Testosterone có thể chậm lại khi một người già đi, do đó nhiều người lớn tuổi gặp phải các triệu chứng của suy giảm Testosterone. Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ định nghĩa Testosterone thấp là lượng hormone trong máu ít hơn 300 ng/dl.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm Testosterone

Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của suy giảm Testosterone:

  • Giảm khối lượng cơ: Testosterone đóng một vai trò trong sự phát triển khối lượng cơ, khi nồng độ hormone giảm có thể dẫn đến mất khối lượng cơ đáng kể.
  • Giảm khối lượng xương: Testosterone giúp sản xuất mô xương và duy trì khối lượng xương. Testosterone thấp có thể khiến xương dễ bị gãy hơn.
  • Giảm ham muốn tình dục: Những người suy giảm Testosterone thường bị giảm ham muốn tình dục. Ham muốn tình dục giảm dần xảy ra một cách tự nhiên theo tuổi tác, nhưng khi có nguyên nhân là do suy giảm Testosterone, nam giới sẽ nhận thấy ham muốn tình dục giảm nhiều đáng kể.
  • Năng lượng giảm: Suy giảm Testosterone có thể dẫn đến giảm năng lượng và mệt mỏi.
  • Gia tăng lượng mỡ trong cơ thể: Suy giảm Testosterone có thể dẫn đến tăng lượng mỡ trong cơ thể. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng nữ hoá tuyến vú (vú to ở nam).
  • Rụng lông, tóc: Suy giảm Testosterone có thể khiến lông tóc rụng và thưa thớt.

Dấu hiệu suy giảm Testosterone ở nam giới:

  • Vấn đề với sự cương cứng: Suy giảm Testosterone có thể gây khó khăn cho việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng. Tuy nhiên, bản thân Testosterone thấp không phải lúc nào cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra rối loạn cương dương. Testosterone kích thích các mô dương vật sản xuất oxit nitric, bắt đầu một số phản ứng dẫn đến cương cứng. Nếu nồng độ hormone quá thấp, nam giới có thể không cương cứng được.
  • Giảm kích thước tinh hoàn: Một người đàn ông có lượng Testosterone thấp có thể nhận thấy kích thước tinh hoàn của họ giảm đi, bìu cũng có thể mềm hơn bình thường.
  • Giảm lượng tinh dịch: Tinh dịch là chất lỏng giúp tinh trùng di chuyển về phía trứng. Testosterone giúp kích thích sản xuất tinh dịch và lượng tinh dịch giảm có thể cho thấy nồng độ Testosterone giảm.
  • Khó ngủ: Những người suy giảm Testosterone có thể bị khó ngủ. Nồng độ Testosterone thấp thường gặp ở nam giới mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Thay đổi tâm trạng: Một số bằng chứng cho thấy những người có nồng độ Testosterone thấp có khả năng bị thiếu tập trung, mệt mỏi và trầm cảm.
Suy giảm Testosterone là gì? Những điều cần biết về suy giảm Testosterone 4
Suy giảm Testosterone ở nam có thể bị khó ngủ

Triệu chứng suy giảm Testosterone ở nữ giới:

  • Nóng bừng: Nồng độ Testosterone thấp cũng có thể gây ra những cơn bốc hoả tương tự với sự suy giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Nồng độ Testosterone thấp có thể gây mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc dài hơn mức trung bình là 28 ngày.
  • Khô âm đạo: Khô âm đạo là tình trạng phổ biến trong và sau thời kỳ mãn kinh nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nó thường là do nồng độ estrogen thấp, nhưng nồng độ Testosterone thấp cũng có thể là nguyên nhân.
  • Thiếu máu: Testosterone giúp cơ thể sản sinh ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nồng độ Testosterone thấp có thể dẫn đến thiếu máu do giảm hồng cầu. Triệu chứng chính là mệt mỏi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm Testosterone

Việc sản xuất Testosterone thường bắt đầu giảm sau tuổi 30 và sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi cũng có thể có mức Testosterone thấp.

Ở nam giới, suy sinh dục, tình trạng tinh hoàn sản xuất ít hoặc không sản xuất Testosterone, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các tình trạng có thể gây suy sinh dục bao gồm:

  • Chấn thương tinh hoàn hoặc viêm nhiễm tinh hoàn;
  • Phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị;
  • Bệnh tuyến yên hoặc rối loạn nội tiết tố khác;
  • Các loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid và thuốc giảm đau opiate;
  • Di truyền, chẳng hạn như hội chứng Klinefelter;
  • Lạm dụng rượu và ma túy.

Ở nữ giới, nồng độ Testosterone thấp có thể do các tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như:

  • Suy tuyến thượng thận;
  • Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng;
  • Dùng liệu pháp estrogen đường uống.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy giảm Testosterone

Có sáu yếu tố nguy cơ khác có thể dẫn đến suy giảm Testosterone. Những yếu tố này có thể bao gồm:

  • Béo phì;
  • Đái tháo đường típ 2;
  • Bệnh gan;
  • Bệnh thận;
  • Rối loạn nội tiết tố;
  • Sử dụng một số loại thuốc.
Suy giảm Testosterone là gì? Những điều cần biết về suy giảm Testosterone 5
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy giảm Testosterone

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy giảm Testosterone

Mức Testosterone bình thường trong khoảng là 300 đến 1.000 ng/dL. Testosterone thấp là khi nồng độ Testosterone giảm xuống dưới 300 ng/dL. Xét nghiệm Testosterone huyết thanh có thể xác định mức Testosterone của bạn.

Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để tìm nguyên nhân gây ra nồng độ Testosterone thấp. Các xét nghiệm để chẩn đoán suy giảm Testosterone và nguyên nhân của nó, bao gồm:

  • Testosterone huyết thanh;
  • Hormone tạo hoàng thể;
  • Nồng độ prolactin trong máu.

Phương pháp điều trị suy giảm Testosterone hiệu quả

Liệu pháp thay thế Testosterone là phương pháp điều trị thường được sử dụng cho tình trạng suy giảm Testosterone.

Nếu các triệu chứng của bệnh khiến bạn khó chịu, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để xác định xem liệu liệu pháp thay thế Testosterone có phù hợp với bạn hay không. Liệu pháp thay thế Testosterone là phương pháp điều trị suốt đời. Nếu bạn ngừng điều trị, nồng độ Testosterone của bạn sẽ giảm xuống.

Suy giảm Testosterone là gì? Những điều cần biết về suy giảm Testosterone 6
Liệu pháp thay thế Testosterone là phương pháp điều trị thường được sử dụng cho tình trạng suy giảm Testosterone

Tác dụng phụ có thể có của liệu pháp này, bao gồm:

  • Nổi mụn;
  • Phì đại tuyến tiền liệt;
  • Teo tinh hoàn;
  • Số lượng tinh trùng giảm;
  • Số lượng hồng cầu tăng;
  • Tăng giữ nước;
  • Bàn chân hoặc mắt cá chân bị phù.

Liệu pháp này có thể không phù hợp với bạn nếu bạn có:

  • Bệnh tim không được điều trị;
  • Ung thư vú hoặc tuyến tiền liệt;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Số lượng hồng cầu cao;
  • Dự định có con.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy giảm Testosterone

Chế độ sinh hoạt:

  • Giảm cân: Giảm cân thường khiến nồng độ Testosterone tăng lên, đặc biệt nếu bạn béo phì hoặc có bệnh lý tiềm ẩn như đái tháo đường có thể góp phần làm giảm Testosterone.
  • Hạn chế uống rượu: Rượu có thể làm giảm nồng độ Testosterone.
  • Kiểm soát cảm xúc: Hormon căng thẳng cortisol có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của Testosterone.
  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol.
  • Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng khối lượng cơ, từ đó giải phóng Testosterone từ protein.
  • Tránh BPA: Uống nước bằng cốc nhựa làm bằng hóa chất bisphenol A (BPA) có thể làm giảm nồng độ Testosterone.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung kẽm: Kẽm có ở động vật có vỏ và thịt lợn, khoáng chất này có thể hỗ trợ nồng độ Testosterone một cách tự nhiên. Nếu bạn dùng thực phẩm bổ sung, hãy dùng 12 đến 15 miligam mỗi ngày.
  • Ăn chất béo lành mạnh: Thêm chất béo vào chế độ ăn uống của bạn như chất béo có trong các loại hạt, bơ và dầu ô liu.
  • Tránh đường: Đường có thể làm giảm Testosterone.
Suy giảm Testosterone là gì? Những điều cần biết về suy giảm Testosterone 7
Người bị suy giảm Testosterone cần bổ sung thực phẩm giàu kẽm

Phương pháp phòng ngừa suy giảm Testosterone hiệu quả

Để phòng ngừa suy giảm Testosterone, có một số phương pháp và thói quen làm tăng khả năng duy trì nồng độ Testosterone. Dưới đây là một số gợi ý:

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Hãy ăn một chế độ ăn uống cân bằng và giàu chất dinh dưỡng, bao gồm các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa, protein, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế tiêu thụ đường và thực phẩm chế biến sẵn. Ngủ đủ giấc và thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng lý tưởng và tránh tình trạng béo phì. Béo phì có thể làm giảm mức Testosterone.
  • Tập thể dục đều đặn: Thực hiện các bài tập thể dục tăng cường khối lượng cơ bắp. Bài tập chống lại trọng lực như tập lực, tập tạ và tập đi bộ nhanh có thể giúp tăng cường mức Testosterone.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng và áp lực có thể ảnh hưởng đến mức Testosterone. Hãy tìm hiểu các kỹ thuật giảm căng thẳng như yoga, thiền  và học cách quản lý căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
  • Hạn chế tiếp xúc với chất cấm: Tránh sử dụng chất cấm, thuốc lá và rượu bia. Các chất này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức Testosterone.
  • Điều chỉnh hormone và sức khỏe tổng quát: Điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến mức Testosterone thấp như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn giấc ngủ. Hãy thảo luận với bác sĩ về các phương pháp điều trị hormone khi cần thiết.

Nếu bạn có những triệu chứng của suy giảm Testosterone hoặc quan ngại về mức Testosterone của mình, nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Nguồn tham khảo
  1. What are the symptoms of low testosterone, and how to increase it: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322647
  2. Signs and Symptoms of Low Testosterone: https://www.healthline.com/health/low-testosterone/warning-signs
  3. What Is Low Testosterone? Symptoms, Causes, Diagnosis, Treatment, and Prevention: https://www.everydayhealth.com/low-testosterone/guide/
  4. Low Testosterone (Male Hypogonadism): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15603-low-testosterone-male-hypogonadism
  5. 6 Risk Factors for Low Testosterone: https://www.besturologyclinic.com/blog/6-risk-factors-for-low-testosterone

Các bệnh liên quan

  1. Cholesterol máu cao

  2. Nhiễm toan ceton

  3. Bướu giáp đa nhân

  4. Hội chứng carcinoid

  5. Suy tuyến yên

  6. Suy gan cấp

  7. Bướu giáp lan tỏa

  8. Bệnh to các viễn cực

  9. U tụy nội tiết Insulinoma

  10. Hội chứng rung giật cơ lành tính