Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng Kallmann: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng Kallmann là một hội chứng bệnh với biểu hiện đặc trưng gồm dậy thì muộn hoặc không dậy thì và giảm hoặc mất khứu giác. Hội chứng Kallmann có thể đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm mất thính giác và hở hàm ếch. Tình trạng này thường được điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng Kallmann là gì?

Hội chứng Kallmann là một dạng suy sinh dục Hypogonadotropic - một tình trạng xảy ra do sự thiếu hụt hormone giải phóng gonadotropin (GnRH), giúp định hướng sự phát triển của giới tính, thể hiện qua phản ứng của họ với liệu pháp GnRH theo nhịp sinh lý. Mặt khác, chức năng vùng dưới đồi - tuyến yên bình thường ở hầu hết các bệnh nhân và hình ảnh vùng dưới đồi - tuyến yên trên các khảo sát hình ảnh học cho thấy không có tổn thương. 

Những người mắc hội chứng Kallmann thường không trải qua dậy thì hoặc bị dậy thì muộn. Nghiên cứu chỉ ra rằng đột biến gen liên quan đến hội chứng Kallmann ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh khứu giác trong não của bạn dẫn đến chức năng khứu giác bị suy giảm. 

Trong một số trường hợp, hội chứng Kallmann cũng có thể ảnh hưởng đến miệng, tai, mắt, thận và tim của người bệnh. Một số trường hợp có các đặc điểm của hội chứng Kallmann mà không bị mất khứu giác được gọi là suy sinh dục vô căn do suy tuyến sinh dục (nIHH).

Hội chứng Kallmann là một bệnh lý bẩm sinh. Theo thống kê, hội chứng bệnh này xảy ra ở 1 trên 30.000 nam và 1 trên 120.000 nữ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Kallmann

Các triệu chứng của hội chứng Kallmann ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Tầm vóc thấp (trong một số trường hợp);
  • Mất khứu giác (trong một số trường hợp);
  • Bé gái thiếu sự phát triển vú và kinh nguyệt ở tuổi dậy thì;
  • Bé nam không có sự phát triển các đặc điểm giới tính ở tuổi dậy thì như dương vật và tinh hoàn to, râu và giọng nói trầm hơn.

Các triệu chứng của hội chứng Kallmann ở người lớn có thể bao gồm:

  • Thường xuyên mất năng lượng hoặc cảm thấy mệt mỏi;
  • Tăng cân;
  • Dễ thay đổi tâm trạng và cảm xúc;
  • Giảm hoặc mất kinh nguyệt ở phụ nữ;
  • Giảm ham muốn tình dục ở nam giới;
  • Cảm thấy người khô khan.
Hội chứng Kallmann: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Một số triệu chứng điển hình của hội chứng Kallmann

Một số người mắc hội chứng Kallmann còn có những đặc điểm khác không liên quan đến sức khỏe sinh sản, bao gồm:

  • Suy thận hoặc chỉ có một thận;
  • Sứt môi và hở hàm ếch;
  • Bất thường về răng;
  • Cân bằng kém;
  • Vẹo cột sống;
  • Chuyển động mắt bất thường.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng Kallmann

Một số biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng Kallmann bao gồm:

  • Bệnh tim bẩm sinh: Bao gồm thông liên nhĩ, thông liên thất, block nhĩ thất, dị tật van 3 lá (Ebstein), quai động mạch chủ phải, block nhánh phải và hội chứng Wolff-Parkinson-White, chuyển vị các mạch máu lớn. Chẩn đoán sớm và quản lý các tình trạng này là rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bệnh tật của bệnh nhân.
  • Suy vỏ thượng thận nguyên phát: Biến chứng này gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
  • Biểu hiện thần kinh: Mất khứu giác hoặc giảm khứu giác xảy ra ở tất cả các trường hợp mắc hội chứng Kallmann. Một số người bệnh còn biểu hiện các triệu chứng thần kinh khác như mất điều hòa tiểu não, bất thường về vận động mắt, suy giảm thị lực, chậm phát triển tâm thần, co giật, điếc thần kinh, liệt cứng hai chân và tăng đồng vận.
  • Loãng xương: Người bệnh bị suy sinh dục trong hội chứng Kallmann có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
  • Sứt môi và hở hàm ếch.
  • Bệnh vảy cá.
Hội chứng Kallmann: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Loãng xương là một trong những biến chứng khi mắc hội chứng Kallmann

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu con bạn có các triệu chứng bất thường khi không phát triển trong độ tuổi dậy thì hoặc bạn có các triệu chứng thuộc hội chứng Kallmann ở người lớn, hãy đến thăm khám và nhận sự tư vấn điều trị từ bác sĩ kịp thời để ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Kallmann

Hội chứng Kallmann có thể được di truyền theo ba cách.

  • Trong một số trường hợp, đột biến gen liên quan đến hội chứng Kallmann được di truyền theo kiểu liên kết trên nhiễm sắc thể X. Điều đó có nghĩa là nam giới (chỉ có một nhiễm sắc thể X) chỉ cần một bản sao của gen đột biến để gây ra hội chứng Kallmann, trong khi nữ giới (có hai nhiễm sắc thể X) cần hai bản sao. Có nghĩa là người cha dù có mang gen đột biến cũng không thể truyền bệnh cho con trai của họ. Một ví dụ về loại hội chứng Kallmann được di truyền theo cách này là một dạng gây ra bởi đột biến gen ANOS1.
  • Một số trường hợp khác, đột biến gen di truyền thông qua kiểu gen trội trên nhiễm sắc thể thường, có nghĩa là chỉ cần cha hoặc mẹ có gen đột biến là có thể truyền cho con. Hội chứng Kallmann do đột biến gen ở các gen liệt kê dưới đây thường được di truyền theo cách này gồm FGFR1, PROKR2, PROK2, CHD7 và FGF8.
  • Một số trường hợp khác, đột biến gen di truyền theo kiểu gen lặn trên nhiễm sắc thể thường, có nghĩa là cả cha lẫn mẹ (thường không biểu hiện triệu chứng) khi sinh con có thể mắc hội chứng Kallmann. Đột biến ở gen PROKR và PROK2 được di truyền theo cách này

Ở những người mắc hội chứng Kallmann, những đột biến gen nói trên làm thay đổi cấu trúc hoặc chức năng của một số tế bào thần kinh trong não. Trước khi sinh, các tế bào thần kinh khứu giác (chịu trách nhiệm về cảm nhận mùi) và tế bào thần kinh chịu trách nhiệm giải phóng hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) được hình thành. Khi thai nhi trưởng thành, những tế bào thần kinh này bắt đầu di chuyển từ mũi vào não, tiến về vùng dưới đồi. Tuy nhiên, do một số đột biến gen nhất định, những tế bào thần kinh này dường như không di chuyển về đúng vị trí trong quá trình phát triển ở những người bệnh mắc hội chứng Kallmann.

Nếu không có GnRH để thúc đẩy quá trình dậy thì, tuyến yên sẽ không giải phóng các hormone sinh dục liên quan đến giai đoạn này như hormone kích thích nang trứng FSH hoặc hormone tạo hoàng thể LH. Từ đó, tinh hoàn và buồng trứng sẽ không được thúc đẩy để sản xuất testosterone và estrogen dẫn đến không có sự phát triển của các đặc điểm sinh dục thứ cấp như phát triển vú, mọc lông mu và mọc râu.

Hội chứng Kallmann: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Kallmann

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng Kallmann?

Một số người có nguy cơ cao mắc phải hội chứng Kallmann là:

  • Có ba hoặc mẹ mang gen đột biến liên quan đến hội chứng Kallmann.
  • Có người thân trực hệ mang gen đột biến liên quan đến hội chứng Kallmann.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Kallmann

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Kallmann là:

  • Không có các đặc điểm phát triển sinh dục thứ phát.
  • Mất kinh nguyệt hoặc giảm ham muốn tình dục.
  • Mất khứu giác.
  • Các bất thường về hàm, răng và cột sống.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm hội chứng Kallmann

Hội chứng Kallmann là bệnh lý di truyền nên xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Tuy nhiên, nhiều người bệnh không được chẩn đoán cho đến tuổi dậy thì trong độ tuổi từ 14 đến 16. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về một số triệu chứng biểu hiện của dậy thì muộn và chức năng khứu giác (bài test xác định 40 mùi khác nhau). Một số cận lâm sàng bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra gồm:

  • Xét nghiệm sinh hóa: Là một phần quan trọng trong chẩn đoán hội chứng Kallmann. GnRH không thể đo lường trực tiếp trong cơ thể. Thay vào đó, bác sĩ sẽ đo nồng độ của các hormone như LH, FSH và các hormone steroid sinh dục như testosterone, estrogen và progesterone trong máu.
  • Chụp cộng hưởng từ não (MRI): Kiểm tra vùng dưới đồi, tuyến yên và mũi để tìm nguyên nhân khiến nồng độ hormone và chức năng khứu giác không ổn định.
  • Chẩn đoán có thể được xác nhận bằng xét nghiệm di truyền.
Hội chứng Kallmann: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Hình ảnh cộng hưởng từ não của người bệnh hội chứng Kallmann

Điều trị hội chứng Kallmann

Hội chứng Kallmann thường được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone. Các phương pháp cụ thể tùy thuộc vào vấn đề hiện tại của người bệnh, nhưng các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Tiêm testosterone, miếng dán hoặc gel cho nam.
  • Thuốc estrogen và progesterone hoặc miếng dán cho phụ nữ.
  • Tiêm GnRH có thể được sử dụng để kích thích rụng trứng ở những phụ nữ không rụng trứng hoặc có kinh nguyệt đều đặn.
  • Tiêm HCG có thể được sử dụng để tăng số lượng tinh trùng ở nam giới và tăng khả năng sinh sản ở nữ giới.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Kallmann

Chế độ sinh hoạt:

  • Phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng của hội chứng Kallmann.
  • Tái khám thường xuyên để được bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe tổng thể và sức khỏe sinh sản.
  • Hạn chế căng thẳng tâm lý.
  • Sử dụng liệu pháp hormone thay thế dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Hội chứng Kallmann: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Liệu pháp hormone thay thế là phương pháp điều trị hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng với đầy đủ các nhóm chất có thể mang lại một cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh:

  • Ngũ cốc: Chất bột đường từ gạo, bắp, khoai, sắn, lúa mì,… là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
  • Protein: Là nguồn cung cấp acid amin thiết yếu cho cơ thể, nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, các loại cá béo, trứng, sữa, hải sản, các loại đậu,...
  • Chất béo: Các chất béo lành mạnh có trong quả bơ, các loại cá béo, dầu thực vật, các loại hạt,...
  • Rau xanh và trái cây: Cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường khả năng trao đổi chất, chống oxy hóa, tăng sức đề kháng.

Phòng ngừa hội chứng Kallmann

Không có cách nào để phòng ngừa hội chứng Kallmann vì đây là một bệnh lý di truyền do đột biến gen.

Hãy nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia Sản khoa trước khi có ý định mang thai và có thể tiến hành một số xét nghiệm di truyền ở cả hai vợ chồng. Các bác sĩ có thể ước tính giúp bạn khả năng mang thai mắc các bệnh lý bẩm sinh trong một số bệnh và thông tin về những biểu hiện sẽ có trên thai nhi nếu mang đột biến gen bệnh.

Nguồn tham khảo
  • Kallmann Syndrome: https://emedicine.medscape.com/article/122824-overview#a2
  • Sonne J, Lopez-Ojeda W. Kallmann Syndrome. 2023 May 16. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 30855798.
  • Cariboni A, Balasubramanian R. Kallmann syndrome and idiopathic hypogonadotropic hypogonadism: The role of semaphorin signaling on GnRH neurons. Handb Clin Neurol. 2021;182:307-315. doi: 10.1016/B978-0-12-819973-2.00022-8.
  • Alnæs M, Melle KO. Kallmann syndrome. Tidsskr Nor Laegeforen. 2019 Nov 18;139(17). Norwegian, English. doi: 10.4045/tidsskr.19.0370.
  • Dodé C, Hardelin JP. Kallmann syndrome. Eur J Hum Genet. 2009 Feb;17(2):139-46. doi: 10.1038/ejhg.2008.206. 

Các bệnh liên quan

  1. Xuất tinh muộn

  2. Lỗ tiểu lệch thấp

  3. Mất kinh

  4. Rong kinh

  5. U tinh hoàn

  6. Ung thư nội mạc tử cung

  7. Bán hẹp bao quy đầu

  8. Chậm kinh

  9. Rối loạn kinh nguyệt

  10. Ấu dâm