Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tiểu đường ở trẻ em là gì? Phải làm gì khi nghi ngờ con bạn bị tiểu đường

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tần suất mắc bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) đang gia tăng trên khắp thế giới và các nghiên cứu cho thấy trẻ em có nguy cơ mắc bệnh ngày càng cao. Theo thời gian, đái tháo đường có thể làm tổn thương tim, mạch máu, mắt, thận và các dây thần kinh, gây ra các vấn đề mãn tính và tử vong sớm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tiểu đường ở trẻ em là gì?

Đái tháo đường là tình trạng không tiết insulin (típ 1) hoặc để kháng với insulin ngoại vi (típ 2), từ đó gây tăng đường huyết. Các triệu chứng ban đầu có liên quan đến tăng đường huyết bao gồm uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều và sụt cân. Việc chẩn đoán bằng cách đo nồng độ glucose trong huyết tương. Điều trị đái tháo đường phụ thuộc vào từng loại đái tháo đường khác nhau, có thể bao gồm thuốc, chế độ ăn và tập thể dục.

Các dạng đái tháo đường trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, nhưng các vấn đề về tâm lý xã hội sẽ rất khác và có thể làm phức tạp thêm cho việc điều trị. Các dạng đái tháo đường ở trẻ em có thể bao gồm:

Trong đó, đái tháo đường típ 1 ở trẻ em là phổ biến nhất, chiếm ⅔ số ca mới mắc ở trẻ em thuộc mọi dân tộc. Bên cạnh đó, đái tháo đường típ 2 (thường khởi phát ở người lớn) gần đây ngày càng phổ biến ở trẻ em, thậm chí ở một số nơi trên thế giới, đái tháo đường típ 2 đã trở thành loại đái tháo đường chính ở trẻ em.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tiểu đường ở trẻ em

Các dấu hiệu và triệu chứng của đái tháo đường ở trẻ em có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại.

Đối với đái tháo đường típ 1 ở trẻ em

Các biểu hiện ban đầu thay đổi từ tăng đường huyết không triệu chứng cho đến nhiễm toan ceton do đái tháo đường gây đe dọa tính mạng. Tuy nhiên thông thường nhất, trẻ em bị tăng đường huyết mà không nhiễm toan ceton, có các triệu chứng sau:

  • Khát nhiều;
  • Giảm cân ngoài ý muốn;
  • Cảm thấy đói nhiều;
  • Mệt mỏi, suy nhược;
  • Khó chịu hoặc thay đổi hành vi;
  • Nhìn mờ;
  • Buồn nôn, nôn, hay hơi thở có mùi ceton (mùi trái cây) nếu nhiễm toan ceton máu;
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm, có thể đái dầm ở trẻ đã biết đi vệ sinh hay tiêu không tự chủ vào ban ngày.
Tiểu đường ở trẻ em là gì? Phải làm gì khi nghi ngờ con bạn bị tiểu đường 4
Đái dầm là một trong các triệu chứng gợi ý mắc đái tháo đường ở trẻ em

Đối với đái tháo đường típ 2 ở trẻ em

Đái tháo đường típ 2 ở trẻ em có biểu hiện rất khác nhau, trẻ em thường không hoặc ít có triệu chứng và tình trạng của trẻ chỉ bị phát hiện khi được làm xét nghiệm định kỳ. Tuy nhiên, một số trẻ có biểu hiện của tăng đường huyết như:

  • Khát nhiều;
  • Tiểu nhiều;
  • Đói nhiều;
  • Mệt mỏi;
  • Các vùng da sẫm màu, thường thấy quanh cổ, nách và bẹn.
  • Giảm cân ngoài ý muốn (điều này là ít phổ biến hơn ở trẻ mắc đái tháo đường típ 2 so với đái tháo đường típ 1).
  • Nhiễm trùng thường xuyên.

Biến chứng có thể gặp khi mắc tiểu đường ở trẻ em

Các biến chứng có thể gặp phải khi trẻ mắc đái tháo đường có thể kể đến là:

  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Phổ biến ở trẻ mắc đái tháo đường típ 1 đã được chẩn đoán, nó phát triển ở khoảng 1 - 10% người bệnh mỗi năm, thường là do không sử dụng insulin.
  • Biến chứng mạch máu: Những thay đổi bệnh lý sớm và những bất thường về chức năng có thể xuất hiện vài năm sau khi khởi phát đái tháo đường típ 1 ở trẻ. Kiểm soát đường huyết kém kéo dài là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với các biến chứng mạch máu, các biến chứng có thể bao gồm bệnh thận đái tháo đường, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thần kinh do đái tháo đường và các bệnh lý về động mạch vành, động mạch ngoại biên hay đột quỵ.
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Điều này rất phổ biến ở trẻ em mắc bệnh đái tháo đường và gia đình của trẻ. Có tới một nửa số trẻ em bị trầm cảm, lo lắng hoặc các vấn đề về tâm lý khác. Rối loạn ăn uống là một vấn đề nghiêm trọng ở thanh thiếu niên, trẻ đôi khi sẽ bỏ liều insulin để kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, các vấn đề về tâm lý có thể dẫn đến việc kiểm soát đường huyết kém và khả năng tuân thủ điều trị của trẻ.
Tiểu đường ở trẻ em là gì? Phải làm gì khi nghi ngờ con bạn bị tiểu đường 5
Trầm cảm là một vấn đề đáng lo ngại ở trẻ em mắc đái tháo đường

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh đái tháo đường đã nêu ở trên, bạn nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra lượng đường trong máu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường ở trẻ em

Nguyên nhân chính xác của đái tháo đường típ 1 ở trẻ em vẫn chưa được biết đến. Nhưng ở hầu hết những người mắc đái tháo đường típ 1, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phá hủy nhầm các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Từ đó dẫn đến việc cơ thể trẻ sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin (insulin là một hormone thực hiện công việc giúp di chuyển đường từ máu đến các tế bào của cơ thể để biến thành năng lượng). Khi không có đủ insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị.

Tương tự như đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 ở trẻ em cũng chưa biết được nguyên nhân chính xác. Tiền căn gia đình và yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng. Đối với đái tháo đường típ 2, có thể diễn ra do tuyến tụy không tiết đủ insulin hay các tế bào của cơ thể trở nên đề kháng với insulin (điều này có nghĩa là các tế bào không cho phép đường di chuyển vào, và không thể sử dụng đường một cách hiệu quả), từ đó cũng dẫn đến tình trạng tăng đường huyết.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ em?

Mọi trẻ em đều có thể mắc đái tháo đường, tuy nhiên tỷ lệ này gia tăng đáng kể ở một số đối tượng khác nhau, ví dụ như:

  • Đái tháo đường típ 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi thuộc mọi dân tộc, nhưng phổ biến hơn hết là ở trẻ từ 4 - 6 tuổi hoặc trẻ từ 10 - 14 tuổi.
  • Đái tháo đường típ 2 gia tăng tần suất song song với sự gia tăng béo phì ở trẻ em, thường biểu hiện sau tuổi dậy thì và tỷ lệ cao nhất ở độ tuổi từ 15 - 19 tuổi.
Tiểu đường ở trẻ em là gì? Phải làm gì khi nghi ngờ con bạn bị tiểu đường 6
Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường típ 2 ở trẻ em

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường ở trẻ em

Các yếu tố nguy cơ sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng loại đái tháo đường. Yếu tố nguy cơ làm tăng đái tháo đường típ 1 ở trẻ em bao gồm:

  • Tiền căn gia đình: Trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em mắc đái tháo đường típ 1 sẽ có nguy cơ cao hơn các trẻ khác.
  • Di truyền: Một số gen cho thấy làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 1 ở trẻ em.
  • Dân tộc: Tại Mỹ, đái tháo đường típ 1 phổ biến hơn ở trẻ em da trắng so với trẻ em thuộc các sắc tộc khác.
  • Virus: Tiếp xúc với các loại virus khác nhau có thể liên quan đến kích hoạt phá hủy tự miễn dịch của các tế bào beta tụy.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng đái tháo đường típ 2 ở trẻ em bao gồm:

  • Cân nặng: Thừa cân là một yếu tố nguy cơ mạnh đối với đái tháo đường típ 2 ở trẻ em. Trẻ có càng nhiều mô mỡ, đặc biệt là ở bên trong và ở quanh bụng, sẽ càng làm cơ thể đề kháng với insulin.
  • Không vận động: Trẻ em càng ít hoạt động thể chất thì nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 càng cao.
  • Chế độ ăn: Trẻ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến và đồ uống có đường liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Trẻ có nguy cơ cao hơn nếu có cha mẹ hoặc anh chị mắc đái tháo đường típ 2.
  • Chủng tộc: Nguyên nhân vẫn chưa rõ, tuy nhiên một số người bao gồm người da đen, gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Ấn và người Mỹ gốc Á có nhiều khả năng mắc đái tháo đường típ 2 hơn.
  • Tuổi và giới tính: Các bé gái vị thành niên có nguy cơ cao hơn các bé trai vị thành niên.
  • Cân nặng khi sinh thấp hoặc đẻ non: Những điều này có liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao hơn ở trẻ.
  • Mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ: Trẻ em được sinh ra từ mẹ có mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao hơn.
Tiểu đường ở trẻ em là gì? Phải làm gì khi nghi ngờ con bạn bị tiểu đường 7
Mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ là một yếu tố nguy cơ phát triển đái tháo đường típ 2 ở trẻ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tiểu đường ở trẻ em

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường ở trẻ em dựa vào mức đường huyết của trẻ:

  • Mức đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL (≥ 7,0 mmol/L).
  • Mức glucose ngẫu nhiên ≥ 200 mg/dL ( ≥ 11,1 mmol/L).
  • Huyết sắc tố glycosyl hóa (HbA1c) ≥ 6,5% (≥ 48 mmol/mol).
  • Đôi khi xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.

Đối với trẻ có nghi ngờ mắc đái tháo đường nhưng không có biểu hiện bệnh, xét nghiệm ban đầu có thể bao gồm các xét nghiệm chuyển hóa cơ bản như xét nghiệm đường huyết, các chất điện giải và phân tích nước tiểu.

Các xét nghiệm nhằm phân loại đái tháo đường (chẩn đoán chính xác loại đái tháo đường mà trẻ mắc phải) bao gồm:

  • Nồng độ C-peptide và insulin (nếu chưa được điều trị bằng insulin).
  • Mức HbA1c (nếu chưa được thực hiện).
  • Xét nghiệm tự kháng thể chống lại protein tế bào đảo tụy.

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho các xét nghiệm để đánh giá các biến chứng do đái tháo đường gây ra ở trẻ.

Phương pháp điều trị tiểu đường ở trẻ em

Việc điều trị đái tháo đường ở trẻ em tập trung vào các vấn đề sau:

  • Chế độ ăn và chế độ tập luyện.
  • Dùng insulin đối với trẻ mắc đái tháo đường típ 1.
  • Dùng metformin hoặc đôi khi là insulin hay liraglutide đối với trẻ mắc đái tháo đường típ 2.
  • Giáo dục và điều trị chuyên sâu ở trẻ và gia đình của trẻ để có thể tuân thủ điều trị và đạt được mục tiêu đường huyết.
  • Theo dõi, tầm soát để phát hiện sớm, quản lý và điều trị các biến chứng do đái tháo đường.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tiểu đường ở trẻ em

Chế độ sinh hoạt:

Thay đổi lối sống là có lợi cho tất cả người bệnh, bao gồm các việc làm sau:

  • Tăng cường hoạt động thể chất.
  • Giảm cân nếu trẻ có thừa cân, béo phì.
  • Tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ và các chuyên gia.
  • Hướng dẫn trẻ tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị bao gồm tuân thủ chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể chất phù hợp.
  • Lên lịch thăm khám thường xuyên và tái khám đúng hẹn.

Chế độ dinh dưỡng:

Việc thay đổi lối sống và chế độ ăn có lợi cho tất cả trẻ em mắc đái tháo đường, các thay đổi có thể bao gồm việc ăn uống thường xuyên và với số lượng phù hợp hay hạn chế ăn tinh bột tinh chế và các chất béo bão hòa.

Cụ thể hơn, đối với đái tháo đường típ 1, trẻ nên được ước tính lượng tinh bột trong bữa ăn để sử dụng insulin cho phù hợp. Trong cách tiếp cận này, lượng thức ăn không được quy định một cách cứng nhắc mà thay vào đó, kế hoạch bữa ăn sẽ dựa trên mô hình ăn uống bình thường của trẻ. Do đó, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể lập ra một kế hoặc ăn uống và sử dụng insulin phù hợp cho trẻ.

Đối với đái tháo đường típ 2, trẻ em nên được khuyến khích giảm cân và cải thiện chế độ ăn uống bao gồm:

  • Loại bỏ đồ uống có chứa đường và thực phẩm làm từ đường tinh luyện (ví dụ như kẹo, siro có hàm lượng đường cao).
  • Khuyến khích bỏ bữa ăn và trách cho ăn rải rác cả ngày.
  • Kiểm soát kích thước khẩu phần ăn.
  • Hạn chế để đồ ăn nhiều chất béo và calo trong nhà.
  • Tăng lượng chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây và rau quả.

Phương pháp phòng ngừa tiểu đường ở trẻ em hiệu quả

Đối với đái tháo đường típ 1, hiện không có cách nào chắc chắn để có thể ngăn ngừa chúng. Đây là một vấn đề hiện đang được quan tâm và nghiên cứu một cách tích cực.

Việc ngăn ngừa đái tháo đường típ 2 ở trẻ có thể bắt đầu từ việc dùng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe và tăng hoạt động thể chất như:

  • Giảm lượng chất béo và calo;
  • Tập trung và trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt;
  • Khuyến khích trẻ hoạt động;
  • Đăng ký cho trẻ tham gia một đội thể thao hoặc tập nhảy, múa.
Nguồn tham khảo
  1. Diabetes: Risks for children: https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/diabetes-risks-for-children
  2. Symptoms of diabetes in children: https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/your-child-and-diabetes/symptoms
  3. Diabetes Mellitus in Children and Adolescents: https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/endocrine-disorders-in-children/diabetes-mellitus-in-children-and-adolescents
  4. Type 1 diabetes in children: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes-in-children/symptoms-causes/syc-20355306
  5. Type 2 diabetes in children: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes-in-children/symptoms-causes/syc-20355318

Các bệnh liên quan

  1. Hăm tã

  2. Hội chứng bụng quả mận

  3. Bại não trẻ em

  4. Bệnh Kawasaki ở trẻ em

  5. U nguyên bào võng mạc

  6. Loạn sản phế quản phổi

  7. Viêm khớp háng ở trẻ em

  8. Đái dầm

  9. Bệnh Sacôm cơ vân

  10. Thiếu 1 phần não