Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bướu giáp đa nhân: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu giáp đa nhân là tình trạng tuyến giáp phì đại và hình thành nhiều nhân (nốt) trong tuyến giáp. Đây có lẽ là 1 bệnh lý tuyến giáp phổ biến và thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Bướu giáp đa nhân là bệnh lý có thể điều trị được tuy nhiên cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu giáp đa nhân là gì?

Bướu giáp đa nhân được định nghĩa là sự phì đại bất thường của tuyến giáp. Nó là sự hiện diện của nhiều nhân hoặc nốt trên tuyến giáp gây tuyến giáp to bất thường. Tỷ lệ mắc bệnh bướu giáp đa nhân thay đổi tùy theo vị trí và lượng i-ốt sử dụng trong dân số. Ở những vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ mắc bướu giáp có thể rất cao. Bệnh bướu giáp đa nhân nói riêng và bệnh tuyến giáp nói chung phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nhỏ hình con bướm, bình thường có cấu trúc khá đồng nhất nằm ở giữa cổ. Nó sản xuất hormone thyroxine (còn gọi là T4) và triiodothyronine (còn gọi là T3). Những hormone này đóng một vai trò trong một số chức năng cơ thể, bao gồm:

  • Trao đổi chất;
  • Điều hòa thân nhiệt;
  • Tăng cường hệ thần kinh, não bộ;
  • Kích thích co bóp cơ tim;
  • Điều hòa hệ thống tiêu hóa.

Do đó, khi xuất hiện các bất thường ở tuyến giáp, theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến một vài hoặc tất cả các chức năng của tuyến giáp. Ngoài ra, tuyến giáp còn là tuyến nội tiết quan trọng nên sẽ gây ra rối loạn chức năng cơ quan khác trong cơ thể.

Phân loại bướu giáp dựa trên nồng độ hormone tuyến giáp bao gồm:

  • Bướu giáp độc: Bướu giáp này sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho bạn.
  • Bướu giáp không độc: Nếu bạn có tuyến giáp to nhưng mức hormone tuyến giáp bình thường thì đó là bướu giáp không độc. Nói cách khác, bạn không bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu giáp đa nhân

Hầu hết những người bị bướu giáp đa nhân không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài tình trạng sưng ở cổ. Trong nhiều trường hợp, bướu giáp nhỏ nên chỉ được phát hiện khi làm các xét nghiệm hình ảnh học hiện đại.

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác phụ thuộc vào việc chức năng tuyến giáp có thay đổi hay không, bướu giáp phát triển nhanh như thế nào và liệu nó có cản trở hô hấp hay không.

Các triệu chứng thường gặp của bướu giáp đa nhân bao gồm:

  • Một khối u ở phía trước cổ của bạn;
  • Cảm giác căng cứng ở vùng cổ họng;
  • Khàn giọng;
  • Nếu bướu giáp to có thể chèn vào đường thở gây các triệu chứng: Khó nuốt, khó thở khi gắng sức, ho, ngáy.

Trong một số trường hợp, bướu giáp đa nhân có thể kèm theo bệnh lý suy giáp. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh suy giáp bao gồm: Mệt mỏi, sợ lạnh, ngủ nhiều, da khô, táo bón, yếu cơ, giảm tập trung và trí nhớ.

Trong một số trường hợp, bướu giáp đa nhân có thể kèm theo bệnh lý cường giáp. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cường giáp bao gồm: Sút cân, tim đập nhanh, sợ nóng, đổ mồ hôi quá nhiều, kích động, bồn chồn, lo lắng, yếu cơ, tiêu chảy, khó ngủ, tăng huyết áp.

Bướu giáp đa nhân: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Bướu giáp đa nhân có thể kèm theo bệnh lý cường giáp với biểu hiện là tăng huyết áp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bướu giáp đa nhân như nổi một khối sưng to ở cổ, cảm giác căng tức ở cổ họng,… hoặc trong gia đình có người thân mắc bệnh lý tuyến giáp thì nên gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp đa nhân

Bướu giáp đa nhân có thể do những nguyên nhân sau:

  • Thiếu i-ốt: Là nguyên nhân phổ biến nhất. Tuyến giáp của bạn cần i-ốt để sản xuất hormone tuyến giáp. Nếu bạn không nhận đủ i-ốt trong chế độ ăn uống, tuyến giáp sẽ tạo ra nhiều tế bào (phì đại) để cố gắng tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn.
  • Di truyền: Khiếm khuyết di truyền dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Bệnh tự miễn: Viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh Grave.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bướu giáp đa nhân

Những đối tượng có nguy cơ mắc bướu giáp đa nhân bao gồm:

  • Phụ nữ;
  • Tuổi trên 45;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp;
  • Khu vực thiếu i-ốt;

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu giáp đa nhân

Bất cứ ai cũng có thể mắc bướu giáp đa nhân. Nó có thể xuất hiện ngay từ khi sinh ra hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời. Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp đa nhân bao gồm:

  • Chế độ ăn uống thiếu i-ốt.
  • Phụ nữ có nhiều nguy cơ bị bướu giáp đa nhân hoặc các bệnh lý tuyến giáp khác hơn đàn ông.
  • Mang thai và mãn kinh: Các vấn đề về tuyến giáp ở phụ nữ có nhiều khả năng xảy ra trong thời kỳ mang thai và mãn kinh.
  • Tuổi: Bướu giáp thường gặp hơn sau tuổi 45.
  • Tiền sử gia đình;
  • Thuốc: Một số phương pháp điều trị y tế, bao gồm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim amiodarone và thuốc tâm thần lithium làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tiếp xúc với tia bức xạ: Nguy cơ sẽ tăng lên nếu bạn đã điều trị bằng bức xạ ở vùng cổ hoặc ngực.
Bướu giáp đa nhân: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc phải bướu giáp đa nhân

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bướu giáp đa nhân

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám tổng quát cho bạn, đặc biệt là khám tuyến giáp. Sau khi hỏi bệnh và khám bệnh đầy đủ, nếu nghi ngờ có bướu giáp đa nhân, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm sau đây để có thể chẩn đoán xác định và tìm ra nguyên nhân gây bệnh:

  • Siêu âm tuyến giáp: Siêu âm giúp cho bác sĩ xác định kích thước của tuyến giáp và các đặc điểm cụ thể của các nhân bao gồm: Kích thước, hình dạng, số lượng nhân và có vôi hóa hay không.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Xét nghiệm có thể được sử dụng để đo lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) do tuyến yên sản xuất và lượng thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) được sản xuất bởi tuyến giáp. Xét nghiệm cho biết tuyến giáp của bạn có hoạt động bình thường hay không.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNAB): Xét nghiệm tốt nhất để xác định xem nhân tuyến giáp là lành tính hay ung thư.
  • Xạ hình tuyến giáp: Xét nghiệm hình ảnh này cung cấp thông tin về kích thước và chức năng của tuyến giáp của bạn. Trong xét nghiệm này, một lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch để tạo ra hình ảnh tuyến giáp của bạn trên màn hình máy tính. Bác sĩ không yêu cầu xét nghiệm này thường xuyên vì nó chỉ hữu ích trong một số trường hợp nhất định.
  • Chụp CT hoặc MRI: Nếu bướu giáp rất lớn hoặc lan vào ngực, chụp CT hoặc MRI được sử dụng để đo kích thước và sự lan rộng của bướu giáp.

Phương pháp điều trị bướu giáp đa nhân

Phương pháp điều trị thích hợp cho bướu giáp đa nhân phụ thuộc vào kích thước, tốc độ phát triển, kết quả FNAB, nguy cơ ung thư, liệu có triệu chứng chèn ép hay không và liệu bướu giáp đa nhân có đủ lớn để gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ hay không. Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Không điều trị: Nếu bướu giáp nhỏ và không có triệu chứng, bác sĩ có thể quyết định rằng không cần điều trị. Tuy nhiên, họ sẽ theo dõi cẩn thận tuyến giáp của bạn xem có bất kỳ thay đổi nào không và bạn cần nên tái khám định kỳ mỗi 3-6 tháng/1 lần.
  • Thuốc: Levothyroxine là một thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc này nếu nguyên nhân gây bướu giáp là do suy giáp. Các loại thuốc khác được kê toa là Propylthiouracil hoặc Methimazolel nếu nguyên nhân gây bướu giáp là do cường giáp.
  • Điều trị bằng iốt phóng xạ: Phương pháp điều trị này được sử dụng trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức, Iốt đi đến tuyến giáp của bạn và tấn công các tế bào tuyến giáp, làm tuyến giáp co lại. Sau khi điều trị bằng iốt phóng xạ, bạn có thể sẽ phải dùng liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp trong suốt quãng đời còn lại.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp của bạn. Phẫu thuật trong trường hợp bướu giáp phát triển nhanh chóng, tăng trưởng đều đặn theo thời gian, có liên quan đến ung thư, gây ra các triệu chứng chèn ép, phát triển dưới xương ức hoặc kém thẩm mỹ. Sau khi điều trị phẫu thuật, tùy vào mức độ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần mà bác sĩ sẽ cân nhắc liều Levothyroxine trong suốt quãng đời còn lại.
Bướu giáp đa nhân: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp bướu giáp phát triển nhanh chóng và có liên quan đến ung thư

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bướu giáp đa nhân

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 1,5 lít nước/ngày.
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm và liên hệ ngay với bác sĩ nếu các triệu chứng nặng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng mới.
  • Giảm căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, tập thiền, tập yoga và dành thời gian với bạn bè.
  • Hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc điều trị hoặc thực phẩm chức năng nào.

Chế độ dinh dưỡng:

Cơ thể bạn nhận được i-ốt từ thức ăn bạn ăn vào. Mức bổ sung hàng ngày được khuyến cáo là 150 microgam. Một muỗng cà phê muối i-ốt có khoảng 250 microgam i-ốt. Thực phẩm có chứa i-ốt bao gồm:

  • Cá nước mặn và động vật có vỏ;
  • Rong biển;
  • Sản phẩm làm từ đậu nành;
  • Rau chân vịt, rau cần.

Phương pháp phòng ngừa bướu giáp đa nhân hiệu quả

Bướu giáp đa nhân do thiếu i-ốt là loại bướu giáp duy nhất bạn có thể ngăn ngừa. Áp dụng một chế độ ăn bao gồm cá, sữa và một lượng muối ăn i-ốt vừa đủ sẽ ngăn ngừa loại bướu giáp này. Thuốc bổ sung i-ốt và các chất bổ sung khác thường không được khuyến khích và có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

Bướu giáp đa nhân: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Áp dụng chế độ ăn bổ sung i-ốt vừa đủ sẽ giúp ngăn ngừa bướu giáp đa nhân do thiếu i-ốt
Nguồn tham khảo
  1. Multinodular Goiter: https://columbiasurgery.org/conditions-and-treatments/multinodular-goiter
  2. Multinodular Goiter: https://www.bidmc.org/conditions-and-treatments/diabetes-and-endocrine/multinodular-goiter
  3. Goiter: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12625-goiter
  4. Goiter: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/diagnosis-treatment/drc-20351834
  5. Multinodular Goiter: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK285569/

Các bệnh liên quan

  1. Béo phì độ 1

  2. Cholesterol máu cao

  3. Suy giảm Testosterone

  4. Tăng canxi máu

  5. Tăng áp tĩnh mạch cửa

  6. Xơ nang

  7. Suy dinh dưỡng

  8. Xơ gan do rượu

  9. Tăng natri máu

  10. Men gan cao